Chương 4

Từ nhỏ Nguyệt Nương đã biết ta đã định hôn sự với Tần Hoài Viễn, mỗi khi Hoài Viễn đến phủ Quốc Công, nàng ấy đều tránh đi, không phải làm ổ ở trong phòng thêu hoa thì là giương các loại cờ hiệu ra phố.

Nàng ấy luôn nói: "Ta có thể lớn lên trong phủ Quốc Công đã là một điều may mắn rất lớn, nếu đến gần Thế tử gia khó tránh khỏi sẽ có lời đồn đại."

Nguyệt Nương như vậy khác xa Nguyệt Nương trong miệng Tần Hoài Viễn.

Nghĩ kỹ lại, khoảng chừng là nửa năm trước sau lần rơi xuống nước thì Nguyệt Nương liền thay đổi.

Khi đó vừa mới vào hạ, hồ nước còn rất lạnh nhưng Nguyệt Nương khăng khăng muốn đi thuyền ra giữa hồ, ta nghĩ nàng ấy hiếm khi thích nước nên đành phải phái người theo sát nàng ấy.

Nhưng cuối cùng không coi chừng, nàng ấy trượt khỏi thuyền ngã xuống hồ.

Sau khi cứu lên sốt suốt hai ngày, khi tỉnh lại như biến thành người khác.

Trước đây nàng ấy không thích náo nhiệt nhất thế mà bây giờ có thể chạy đi tụ tập hai lần mỗi ngày.

Ở lần thi hội mùa hạ năm đó, một mình Nguyệt Nương đối thơ với sáu người khiến bốn phía kinh diễm, nàng ấy xuất khẩu thành thơ, vả lại phong cách đa dạng, hoặc phóng khoáng, hoặc uyển chuyển hàm xúc, hoặc phiền muộn.

Khiến cho mọi người đều kinh ngạc khâm phục: "A Kiều, quý phủ của ngươi có tài nữ như thế vậy mà ngày thường lại cất giấu không cho chúng ta biết."

Ta cười ứng phó mọi người nhưng trong lòng cũng cảm thấy rất nghi hoặc.

Nguyệt Nương thích thêu thùa đánh đàn, thích len lén đọc một ít thoại bản, ghét nhất là thi từ ca phú, sao lại đột nhiên đổi tính?

Sau vài vòng đối thơ, Nguyệt Nương giơ cao chén lưu ly hát giai điệu ta chưa từng nghe qua.

"Ai nói nữ tử kém cỏi hơn nam tử? Ta nhìn tửu lượng của các vị công tử hôm nay chưa chắc đã bằng ta." Nguyệt Nương vịn lan can cười khanh khách nhìn mọi người, rất nhanh đã khơi dậy lòng hiếu thắng của các công tử, họ liền thi nhau uống rượu cùng nàng ấy.

Tần Hoài Viễn nhíu mày thì thầm bên tai ta: "Hành vi lần này của nàng ta thế mà cũng không sợ mất mặt phủ Quốc công."

Ta cười thay Nguyệt Nương giảng hòa: "Mấy ngày trước nàng ấy bị rơi xuống nước nên tâm tình phiền muộn, bây giờ cần phát tiết một chút."

Giữa tháng sáu, ta cùng mẹ đi lễ Phật nên ở trên núi một tháng.

Đợi đến khi ta trở lại phủ Quốc Công, Nguyệt Nương đã trở thành đối tượng được các thế gia công tử trong kinh thành tranh nhau mời dự tiệc.

Ngay cả thiệp mời đến yến tiệc thưởng hoa của phủ Cố Bắc Hầu cũng đưa cho nàng ấy một cái, trước kia Nguyệt Nương là người kiêng kị phủ Cố Bắc Hầu nhất.