Chương 4: Hỏi thăm

Ông nội ra khỏi nhà liền chạy nhanh lên căn nhà ma trên sườn núi. Lúc ông bước vào gian bên phải liền thấy bài vị trên bàn thờ nhỏ kia đã đổ nghiêng, khung ảnh thủy tinh cũng rơi vỡ tan thành mảnh nhỏ.

Ông nội thầm than "không ổn rồi!", sau đó vội vàng chạy tới chỉnh bài vị đứng thẳng, quét sạch mảnh thủy tinh trên mặt đất.

Ông rút ra ba cây hương thơm ngát từ túi vải ra, dùng diêm châm cháy cắm vào bát hương. Tiếp theo cầm hai quả trứng gà sống và một bát cơm cúng ra bày lên bàn thờ nhỏ.

Làm xong mới thì thào lẩm bẩm: "Con trai, lâu rồi bố không đến thăm con, con đói rồi đúng không? Đến ăn đi!"

Nói xong lại đốt hai cây nến trắng lên.

"Con đi hai mấy năm rồi, mấy năm nay bố rất nhớ con! Con đi trong phòng này nên bố vẫn luôn giữ căn nhà này lại cho con, dù mấy đứa em con muốn phá nhà đi xây mới bố cũng không cho. Con mất sớm, bố luôn cảm thấy không có bản lĩnh giữ được con nên mới che chở con khắp chốn như thế, dù chuyển nhà vẫn thỉnh thoảng mang đồ đến đây cúng cho con, sợ con ở dưới đó bị bắt nạt. Nhưng có mẹ con ở dưới đó cùng con chắc mấy năm nay con cũng không cô đơn."

Ông nội vừa nói vừa ngồi xuống đệm tròn trước bàn thờ, cầm bình rượu và chén ra, vừa rót vừa tâm sự. Có lẽ là nhắc tới chuyện cũ thương tâm, bên khóe mắt ông lấp loáng nước mắt.

Thì ra thiếu niên trên ảnh chính là con trai cả của ông nội, mất sớm. Ông nội có sáu người con, mấy người còn lại đều đã thành gia lập nghiệp, căn nhà gỗ này là nhà tổ của bọn họ, lại không biết vì lý do gì mà dọn đi.

"Con trai, chiều nay mấy đứa cháu của con đến đây quấy rầy, con đừng để ý bọn chúng, chẳng qua chỉ là mấy đứa con nít không hiểu chuyện thôi. Con cũng là trưởng bối của bọn nhỏ, con bỏ qua cho cháu gái con đi! Con bé còn nhỏ, bố ôm nó từ nghĩa trang về, muốn cho con bé làm con gái nuôi của em con. Nếu con bé làm gì mạo phạm đến con thì để bố xin lỗi thay con bé nhé? Con đừng hành một đứa trẻ con, được không con?"

Thì ra ông nội đến ngôi nhà ma này là muốn thay tôi và mấy người anh Tiểu Nghĩa xin lỗi. Nếu tôi biết đây là chỗ của bác cả mất sớm thì tôi chắc chắn không dám vào.

Chúng tôi liều lĩnh đi vào, gặp phải bác cả, cho nên đến tối bác ấy mới tìm tới tôi.

Hỏi tại sao bác ấy không tìm mấy đứa trẻ khác mà chỉ tìm tôi ư? Vì thể chất của tôi vốn là tụ âm, ma quỷ đều thích âm khí, bác ấy bám vào người tôi là vì có việc muốn cầu.

Ông nội nói thật lâu, hi vọng người con cả ấy có thể buông tha cho tôi. Dù ông nội có rất nhiều cách có thể trục xuất bác cả khỏi cơ thể tôi, nhưng dù sao ông cũng áy náy với đứa con chết trẻ này, không muốn hai bố con tranh chấp với nhau, hi vọng dùng phương pháp hòa bình để giải quyết.

Nhưng lần này ông nội lại xem nhẹ sự cố chấp của bác cả rồi. Bác cả là một con quỷ đã chết nhiều năm, tuyệt đối không dễ dàng bị ông nội tống cổ như thế.

"Con trai, con có yêu cầu gì thì tối báo mộng cho bố đi, bố đều giúp con làm. Tiểu Luy vốn yếu ớt, con nhanh rời khỏi con bé đi!"

Thái độ của ông nội coi như là hạ mình, ông không muốn tôi gặp chuyện không may, cũng không muốn ra tay với con trai cả, đành phải xin bác ấy buông tha cho tôi. Ông ngồi nói hơn nửa buổi tối cũng vì cố ý chờ xem ba nén hương kia cháy như thế nào. Việc đốt hương, xem tàn hương cũng có cách diễn giải riêng.

Bình thường hương cháy hết có thể chia làm hai mươi loại tàn hương, có nơi cầu kỳ hơn chia làm hai mươi bốn loại. Gồm hương bình an, hương tài lộc, hương thiên chân đại và tiểu, hương liên hoa đại và tiểu, hương hiến thụy, hương khẩu thiệt, hương thọ, hương trường sinh, hương thiên địa, hương thôi cung, hương hiếu phục, hương tăng phúc, hương thôi mệnh, hương thôi đan, hương công đức, hương cực lạc, hương tăng tài, hương tặc đạo, hương tật bệnh, hương ác sự, hương thành lâm, hương tiêu tai.*

Mỗi loại hương đều biểu đạt một ý nghĩa nhất định, ví như hương bên trái cao nhất, bên phải thấp hơn bên trái một phần ba, ở giữa thấp nhất gọi là hương ác sự, như vậy trong vòng bảy ngày sẽ có người xấu tới gây chuyện hoặc hãm hại.

Mà ông nội thắp cho bác cả ba nén hương cháy hết chính là thành hương ác sự. Ông nội trông vậy là biết bác cả muốn làm ầm ĩ, xem ra việc này khó mà thỏa thuận hòa bình được rồi. Ông nội đang định lấy mấy thứ tổ truyền trong túi vải ra thì tròng mắt của thiếu niên trong ảnh khẽ đảo một cái, gương mặt tuấn tú lộ vẻ sợ hãi.

Xem ra ảnh hưởng ông nội gây dựng khi bác cả còn sống vẫn rất tốt, thấy ông nội định ra tay, linh hồn của bác cả hoảng sợ, một tia khói nhẹ từ ảnh thờ toát ra, bay nhanh ra ngoài phòng.

Tuy ông nội lớn tuổi rồi nhưng mắt vẫn tinh nhanh lắm, thấy linh hồn bác cả muốn trốn thì lập tức nhấc chân đuổi theo, nhưng rồi lại bị bậc cửa vưông cụ đảo suýt ngã, vội vàng nắm lấy khung cửa ổn định lại.

Nói tới thì hôm nay ngưỡng cửa này cũng quá quỷ quái, ngưỡng cửa vốn là thứ bảo vệ bình an cho gia đình, hôm nay lại đảm nhiệm làm chướng ngại vật.

Ngưỡng cửa cũng có ý nghĩa riêng. Đầu tiên, ngưỡng cửa là chỉ thanh gỗ chắn ngang ở ngay dưới lối ra vào. Theo truyền thống Trung Quốc xưa, nơi ra vào đều phải có ngưỡng cửa, mọi người ra vào cửa cần bước qua ngưỡng cửa này, có thể giảm xóc, ngăn cản tác dụng của ngoại lực.

Thời cổ, ngưỡng cửa thường cao tới đầu gối của người lớn, mà bây giờ thì không cao đến vậy nữa, chỉ còn khoảng đến mắt cá chân, ngoại trừ dùng gỗ thì cũng có nơi dùng gạch dài cố định ở nền nhà và cửa.

Ngưỡng cửa có tác dụng ngăn cản nhân tố bất lợi vào nhà, đồng thời góp phần ngăn tài lộc thoát ra. Rất quan trọng với phong thủy nơi ở.

Cái ngưỡng cửa này lúc trước là do ông nội tự mình bố trí, ông cũng có nghiên cứu về mảng phong thủy, vốn làm theo thiết kế của ông thì ngưỡng cửa nhà này hẳn là có thể trừ tà cản hung, lại không ngờ ở thời khắc mấu chốt như bây giờ, nó lại vướng người đến vậy.

Chờ ông nội đứng vững lại định đuổi ra ngoài thì đúng lúc thấy làn khói mỏng kia lẻn vào người một con rắn xanh lục vừa ló đầu khỏi bụi cỏ. Con rắn xanh khè khè hai tiếng sau đó lẩn vào bụi rậm.

Ông nội tận mắt thấy rắn xanh lẩn mất, bước vội lên vươn tay bắt, mà vừa chạm vào lại bị rắn nhỏ trơn trượt tránh đi. Con rắn nhỏ nhanh thoăn thoắt chui vào trong bụi. Ông nội vội đến dậm chân, lập tức chui theo vào bụi cỏ đi tìm. Nhưng bây giờ trời đã đen kịt, dù có tinh mắt cỡ nào ông nội cũng không có năng lực nhìn đêm.

Ông nội đành quay lại, cầm nến ra soi tìm trong bụi cỏ, sớm biết sẽ thế này ông đã mang theo đèn pin rồi.

Ông cứ thể tìm khắp bụi cỏ cả một đêm, chờ trời dần hửng sáng mới đi về nhà.

Tôi lúc ấy đã sốt cao không giảm, mơ thấy ác mộng cả một đêm, vậy nên mẹ cũng túc trực bên tôi cả đêm không nghỉ. Ông nội vừa về đến nhà mẹ đã chạy ra đón, báo với ông tình trạng của tôi đêm qua, ông nội lại kéo thân thể mệt mỏi vào nhìn tôi một lát. Chỉ thấy ông cau chặt mày, không nghỉ ngơi mà chạy vội đi sắc thuốc, sau đó gọi bố tôi đến mang thuốc cho mẹ, để mẹ bón cho tôi uống.

Ông nội nói với mẹ tôi bị hồn của bác cả bám vào, nếu muốn tôi bình an thì phải xem bác ấy yêu cầu cái gì, chỉ có thỏa mãn yêu cầu của bác ấy thì bác ấy mới chịu rời khỏi thân thể của tôi. Bây giờ là ban ngày, chờ tối ông nội sẽ mở đàn hỏi giúp tôi, ông bảo mẹ chăm sóc tôi cho tốt, ông muốn đi nghỉ ngơi một lát, nghỉ đủ sức tối mới mở đàn được. Nói xong ông liền vào phòng nghỉ ngơi.