Chương 32: Vii. Phân Định Giới Hạn Giữa Thiền Và Tịnh 2

* Thiền tức là Chân Như Phật Tánh trong bổn tâm chúng ta, Tông môn gọi là “bổn lai diện mục trước lúc cha mẹ sanh ra”. Tông môn chẳng nói toạc ra, cốt sao người tham cứu tự hiểu lấy, nên mới nói như vậy. Chứ thật ra nó là cái tâm thể thuần chân, không Năng, không Sở, vừa Tịch vừa Chiếu, ly niệm linh tri (“ly niệm linh tri” là không có ý niệm suy nghĩ gì, nhưng mọi cảnh hiện hữu đều hiểu rõ cả).

Tịnh Độ là Tín Nguyện Trì Danh cầu sanh Tây Phương, chứ chẳng phải chỉ riêng “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà!” “Có Thiền” là cực lực tham cứu đến mức niệm lặng, tình mất, thấy thấu tột “bổn lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”, minh tâm kiến tánh. “Có Tịnh Độ” là chân thật phát Bồ Đề tâm, sanh tín, phát nguyện, trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương. [Nói] Thiền và Tịnh Độ chỉ là ước về Giáo, ước theo Lý [mà nói].

“Có Thiền, có Tịnh Độ” là ước về căn cơ, ước theo mặt tu hành. Giáo Lý luôn luôn như thế, Phật chẳng thể tăng, phàm chẳng thể giảm. Ước theo căn cơ để tu hành thì phải y giáo khởi tu, tu hành đến cùng cực để chứng lý, chứ thật sự chẳng có gì khác cả!

Thứ hai là văn tuy tương tự, nhưng thật ra khác biệt rất lớn. Hãy nên hiểu kỹ càng, đừng bộp chộp. Nếu tham thiền chưa ngộ, hoặc ngộ chưa triệt để, đều chẳng thể gọi là “có Thiền”. Nếu niệm Phật nhưng thiên chấp duy tâm, lại không tín nguyện, hoặc có tín nguyện nhưng chẳng chân thật, thiết tha, mà chỉ hời hợt, hờ hững, thực hành qua quít, hoặc hạnh tuy tinh tấn nhưng tâm luyến cảnh ma, hoặc cầu đời sau sanh vào nhà phú quý hưởng thú vui ngũ dục, hoặc cầu sanh lên trời hưởng phước lạc trời, hoặc cầu đời sau xuất gia làm tăng nghe một hiểu được cả ngàn, đắc đại tổng trì, hoằng dương đạo pháp phổ lợi chúng sanh, đều chẳng được gọi là “có Tịnh Độ”!

* “Có Thiền, có Tịnh Độ; khác nào cọp mọc sừng, hiện đời làm thầy người, đời sau làm Phật, Tổ” là người triệt ngộ Thiền Tông, minh tâm kiến tánh, lại còn thâm nhập Kinh tạng, biết hết các pháp môn Quyền, Thật của Như Lai, nhưng trong các pháp môn lại chỉ chọn lấy một pháp Tín Nguyện Niệm Phật để tự lợi, lợi người làm chánh hạnh tu tập. Bậc thượng phẩm thượng sanh đọc tụng kinh Đại Thừa, hiểu Đệ Nhất Nghĩa đã nói trong Quán kinh chính là hạng người này.

Người ấy có đại trí huệ, có đại biện tài, ma tà ngoại đạo nghe tên vỡ mật, như hổ đội sừng oai mãnh khôn sánh! Có ai đến cầu học bèn tùy cơ thuyết pháp: nên dùng Thiền Tịnh song tu để tiếp độ bèn dùng Thiền Tịnh song tu để tiếp độ; nên dùng chuyên tu Tịnh Độ để tiếp độ bèn dùng chuyên tu Tịnh Độ để tiếp độ. Bất luận là thượng, trung, hạ căn, không ai chẳng được lợi ích; há chẳng phải là đạo sư của trời người ư?

Đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn, vãng sanh thượng phẩm, trong khoảng khảy ngón tay chứng Vô Sanh Nhẫn, tệ nhất cũng chứng được Sơ Trụ. Cũng có người đốn siêu các địa vị, đạt đến Đẳng Giác. Bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo còn có thể hiện thân làm Phật trong trăm cõi, huống là những địa vị sau đó, càng cao càng thù thắng, cho đến địa vị thứ bốn mươi mốt là Đẳng Giác! Vì thế nói là: “Đời sau làm Phật, Tổ!”

* “Không Thiền, có Tịnh Độ; vạn người tu vạn về; nếu được thấy Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ” là có người tuy chưa minh tâm kiến tánh, nhưng quyết chí cầu sanh Tây Phương. Do trong kiếp xưa, Phật từng phát đại thệ nguyện nhϊếp thọ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu chúng sanh thật sự có thể như con nhớ mẹ, chí thành niệm Phật sẽ cảm ứng đạo giao, liền được nhϊếp thọ. Người tận lực tu Định Huệ cố nhiên được vãng sanh, nhưng kẻ ngũ nghịch thập ác, lâm chung bị sự khổ bức bách, phát lòng hổ thẹn lớn lao, xưng niệm danh hiệu Phật hoặc tới mười tiếng, hoặc chỉ một tiếng rồi liền lâm chung, cũng đều được Phật hóa thân tiếp dẫn vãng sanh. Chẳng phải là “vạn người tu, vạn người về” hay sao?

Kẻ ấy tuy niệm Phật chẳng bao nhiêu, nhưng do cực kỳ mãnh liệt nên đạt được lợi ích lớn lao như thế, chớ nên so sánh nhiều ít với những kẻ niệm Phật hời hợt, qua loa! Đã sanh về Tây Phương, thấy Phật nghe pháp, dù có nhanh chậm bất đồng, nhưng đều đã cao dự dòng thánh, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển, tùy theo căn tánh cạn hay sâu, là Tiệm hay Đốn mà chứng các quả vị. Đã được chứng quả, cần chi phải nói đến khai ngộ nữa! Vì thế nói: “Nếu được thấy Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ!”

* “Có Thiền không Tịnh Độ, mười người chín chần chừ, ấm cảnh nếu hiện tiền, chớp mắt đi theo nó”: Người tuy triệt ngộ Thiền tông, minh tâm kiến tánh, nhưng Kiến Tư phiền hoặc chẳng dễ đoạn trừ, phải qua nhiều duyên rèn luyện để trừ sạch không còn sót gì mới có thể thoát khỏi phần đoạn sanh tử. Với kẻ chẳng đoạn được chút gì thì chẳng cần bàn đến nữa! Dù cho đoạn đến mức còn một mảy phiền não chưa trừ sạch thì vẫn hệt như cũ: khó tránh nổi luân hồi lục đạo! Biển sanh tử sâu thăm thẳm, nẻo Bồ Đề xa vời vợi, còn chưa về được nhà đã mạng chung. Trong mười người đại triệt đại ngộ, chín người đã như thế; cho nên nói “mười người chín chần chừ” (thập nhân cửu ta lộ).

Ta là “ta đà”, thông thường nói là “đảm các” (chần chừ). “Ấm cảnh” là “trung ấm thân cảnh”, tức là các cảnh hiện ra bởi các nghiệp lực thiện ác trong đời này và bao kiếp. Khi cảnh này hiện, trong khoảng chớp mắt sẽ theo nghiệp lực thiện hay ác nào mạnh mẽ nhất đi thọ sanh trong đường thiện hay ác, chẳng mảy may tự chủ được; như người mắc nợ, chủ nợ nào mạnh sẽ lôi đi. Tâm tình lắm mối, đặt nặng nơi nào sẽ nghiêng về đó. Ngũ Tổ Giới tái sanh làm Tô Đông Pha, Thảo Đường Thanh lại sanh làm Lỗ Công, họ còn là căn cơ bậc thượng đấy nhé! Vì thế nói: “Ấm cảnh nếu hiện tiền, chớp mắt đi theo nó!”

Chữ Ấm có nghĩa là ngăn che, ý nói: do nghiệp lực này ngăn che khiến chân tánh chẳng thể hiển hiện được. Có kẻ cho rằng “ta đà” nghĩa là lầm lạc, “ấm cảnh” là cảnh [hiển hiện bởi] ngũ ấm ma, toàn là do chẳng hiểu chữ Thiền và chữ Có nên mới nói hồ đồ như thế. Lẽ nào bậc đại triệt đại ngộ mười người hết chín kẻ lạc lối, chạy theo cảnh ngũ ấm ma bị ma dựa phát cuồng ư? Phàm những kẻ bị ma dựa phát cuồng toàn là hạng tăng thượng mạn chẳng biết giáo lý, chẳng rõ tự tâm, tu mù luyện quáng đó thôi, sao lại gán cho bậc đại triệt đại ngộ là chẳng biết tốt xấu vậy? Điều này quan hệ rất lớn, chẳng thể không biện định rõ!

* “Không Thiền, không Tịnh Độ; giường sắt và cột đồng, vạn kiếp cùng ngàn đời, không một ai nương dựa”. Có kẻ cho rằng câu “không Thiền, không Tịnh Độ” chỉ kẻ vùi đầu tạo nghiệp, chẳng tu thiện pháp, thật lầm lẫn quá!

Pháp môn vô lượng, nhưng chỉ có Thiền và Tịnh Độ phù hợp với các căn cơ nhất. Kẻ nào chưa triệt ngộ, lại chẳng cầu vãng sanh, hời hợt, qua quít tu các thiện pháp khác. Đã chẳng thể cân bằng Định Huệ, đoạn Hoặc chứng Chân, lại chẳng cậy vào Phật lực để đới nghiệp vãng sanh; do đã tạo ác nghiệp, khó trốn khỏi ác báo. Một khi hơi thở ra chẳng trở vào, liền đọa địa ngục, rõ ràng là trải kiếp dài lâu nằm ngồi, ôm ấp giường sắt, trụ đồng để đền trả các thứ ác nghiệp: tham lam thanh sắc, sát sanh hại mạng v.v... Chư Phật, Bồ Tát tuy rủ lòng thương xót, nhưng họ bị ác nghiệp chướng ngăn che nên chẳng thể được lợi ích.



Người xưa nói: “Người tu hành nếu không chánh tín, cầu vãng sanh Tây Phương, tu lung tung các điều thiện khác thì gọi là oan gia đời thứ ba” chính là nói đến tình cảnh này. Bởi lẽ, do đời này tu hành, đời sau hưởng phước. Cậy phước làm ác ắt bị đọa lạc. Tạm vui trong đời này, khổ mãi trong cả kiếp dài lâu. Ví như nghiệp địa ngục tiêu hết, lại chuyển sanh làm súc sanh, muốn lại được thân người, khó vô cùng khó!

Vì thế, đức Phật dùng tay nhón lấy chút đất, hỏi A Nan: “Đất trong tay ta nhiều hay đất trong đại địa nhiều?” A Nan bạch Phật: “Đất trong đại địa nhiều!” Phật dạy: “Được thân người như đất trong tay ta, mất thân người như đất trong đại địa”. Nói “muôn kiếp và ngàn đời, không một ai nương dựa” là do bị ràng buộc bởi vần điệu của bài kệ nên chỉ nói thiển cận như thế.

Hết thảy pháp môn chuyên cậy vào tự lực, pháp môn Tịnh Độ chuyên cậy vào Phật lực. Hết thảy các pháp môn phải hết sạch Hoặc nghiệp mới có thể liễu sanh tử. Pháp môn Tịnh Độ đới nghiệp vãng sanh liền dự vào dòng Thánh. Đại sư Vĩnh Minh sợ thế gian chẳng biết nên soạn riêng bài Liệu Giản này để chỉ dạy cho đời sau, có thể nói là “chiếc bè báu nơi bến mê, là người dẫn lối nơi đường hiểm!” Tiếc là mọi người trong thế gian đọc lướt qua, chẳng chịu nghiên cứu đến cùng tột, chẳng phải là đồng phận ác nghiệp xui khiến đến nỗi thành như thế chăng?

* Đạt Ma từ Tây qua, truyền Phật tâm ấn, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Nhưng cái để thấy, để thành ấy chính là thiên chân Phật tánh có sẵn ngay nơi tâm chúng ta, [Ngài dạy như thế] để con người trước hết biết được cái gốc rồi tự dựa vào đó mà tấn tu hết thảy các pháp tu chứng cho đến khi nào tu được cái không thể tu, chứng được cái không thể chứng mới thôi! Chứ chẳng có nghĩa là vừa ngộ liền đầy đủ cả phước lẫn huệ, viên mãn rốt ráo Phật đạo Bồ Đề! Giống như vẽ rồng điểm nhãn để [người nghe] tự mình được thọ dụng.

Do vậy, Thiền tông phát triển rực rỡ, chói ngời nơi Chấn Đán (Trung Hoa), đạo “tâm này chính là Phật”, pháp “phi tâm phi Phật” lan khắp hoàn vũ. Người thiên cơ sâu đối với mỗi cơ, mỗi cảnh liền biết đầu mối, liền phun châu nhả ngọc, chẳng vướng lối sáo mòn, vào sống ra chết trọn chẳng ngăn ngại, sợ hãi, được đại giải thoát, đắc đại tự tại. Nếu căn cơ hơi kém hơn, dù đại triệt, đại ngộ, nhưng phiền não tập khí chưa thể trừ sạch thì vẫn là người trong sanh tử y như cũ. Xuất thai cách ấm đa phần bị mê. Bậc đại ngộ còn như thế, huống kẻ chưa ngộ ư? Vì thế phải chuyên tâm dốc chí vào pháp môn Tịnh Độ cậy vào Phật từ lực mới là kế sách ngàn phần ổn thỏa, vạn phần thích đáng vậy!

* Trong Luật, Giáo, Thiền Tông, trước hết phải hiểu sâu giáo lý rồi mới y giáo tu hành. Tu hành công sâu, đoạn Hoặc chứng Chân mới thoát khỏi sanh tử. Nếu chẳng hiểu giáo lý, bèn là tu mù luyện quáng. Nếu không, được chút ít đã cho là đủ bèn bị ma dựa phát cuồng. Dù cho hiểu giáo lý, công tu hành sâu xa, vẫn phải đoạn Hoặc, nếu còn chút mảy may nào chưa đoạn sạch sẽ vẫn y như cũ, chẳng thể thoát khỏi cảnh khổ được! Mãi đến khi Hoặc nghiệp hết sạch mới có thể thoát ly sanh tử, nhưng vẫn còn cách địa vị Phật rất xa, phải trải bao kiếp tấn tu mới viên mãn được Phật quả.

Ví như dân hèn sanh ra đã thông minh, đọc sách, học văn nhiều năm khó nhọc, học vấn đã thành, thi đậu làm quan. Do có tài năng lớn, từ chức quan nhỏ được thăng cấp dần đến khi làm Tể Tướng, quan vị cực phẩm nhưng không thể nào lên cao hơn được nữa! Địa vị bậc nhất trong đám quần thần, nhưng so với thái tử, sang hèn khác nhau một trời, một vực, huống hồ so với hoàng đế? Suốt đời làm bầy tôi, tuân hành lệnh vua, cúc cung tận tụy giúp vua cai trị quốc gia. Nhưng cái địa vị tể tướng ấy thật chẳng dễ dàng gì! Cả nửa đời siêng năng, vất vả, ra sức nhẫn nại. Cho đến cuối cùng cũng chẳng hơn được thế. Còn kẻ học vấn, tài năng sút kém đôi chút chẳng đạt được như thế thì có đến trăm, ngàn, vạn, ức người! Đấy là tự lực.

Học vấn tài năng ví như hiểu sâu giáo lý, y giáo tu hành. Địa vị đến bậc tể tướng ví như công tu hành sâu, đoạn Hoặc chứng Chân. “Chỉ có thể xưng là Thần (bầy tôi), chẳng dám xưng là vua” ví như tuy ra khỏi sanh tử, vẫn chưa thành Phật. “Những kẻ học vấn chẳng đủ, chẳng thể đạt được như thế rất nhiều” ví như rất nhiều kẻ chưa đoạn hết Hoặc, chẳng thể thoát khỏi biển khổ sanh tử.

* Trong pháp môn Niệm Phật dù chẳng hiểu giáo lý, chưa đoạn Hoặc nghiệp, chỉ cần tín nguyện trì danh cầu sanh Tịnh Độ, lúc lâm chung, quyết định được Phật đích thân tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Đã sanh về Tây Phương, gặp Phật nghe pháp, ngộ Vô Sanh Nhẫn, liền ngay trong một đời ấy, quyết định bổ vào địa vị Phật. Đấy là Phật lực lại kiêm tự lực, nghĩa là: tín nguyện trì danh là tự lực, tự lực ấy có thể cảm được đức Phật. Do thệ nguyện nhϊếp thọ, Phật rủ lòng từ tiếp dẫn, đấy là Phật lực có thể ứng đến ta. Do cảm ứng đạo giao bèn được như thế.

Nếu như hiểu sâu giáo lý, đoạn Hoặc chứng Chân thì phẩm vị vãng sanh càng cao, viên thành Phật đạo càng nhanh. Bởi thế, Văn Thù, Phổ Hiền, Hoa Nghiêm hải chúng, Mã Minh, Long Thọ, tổ sư các tông đều nguyện vãng sanh. Ví như thác sanh vào hoàng cung, vừa ra khỏi thai mẹ đã quý hiển át cả quần thần. Đấy là do thế lực của vua. Chờ đến khi khôn lớn, học vấn tài năng mỗi mỗi đều đầy đủ cả sẽ có thể tiếp nối ngôi báu, bình trị thiên hạ. Hết thảy quần thần phải nghe theo chiếu dụ. Đấy chính là vương lực, tự lực cùng có.

Pháp môn Niệm Phật cũng giống như thế: chưa đoạn Hoặc nghiệp, nương Phật từ lực vãng sanh Tây Phương liền thoát sanh tử, giống như thái tử mới sanh đã quý hiển át cả quần thần. Khi đã vãng sanh, Hoặc nghiệp tự đoạn, quyết định bổ vào địa vị Phật, giống như thái tử khôn lớn kế thừa ngôi báu, bình trị thiên hạ.

Thêm nữa, bậc đã đoạn Hoặc nghiệp như Mã Minh, Long Thọ, tổ sư các tông, bậc đã chứng địa vị Bổ Xứ như Văn Thù, Phổ Hiền, Hoa Nghiêm hải chúng đều nguyện vãng sanh, giống như trước kia trấn giữ chốn biên thùy hẻo lánh, chẳng thể nối ngôi, nay sống trong Đông Cung, chẳng bao lâu sẽ lên ngôi báu.

* Tâm tánh chúng ta hệt như chư Phật, chỉ vì mê trái nên luân hồi chẳng ngơi. Như Lai xót thương tùy cơ thuyết pháp khiến cho hết thảy hàm thức đều biết đường về nhà. Pháp môn tuy nhiều, trọng yếu chỉ có hai môn Thiền và Tịnh là dễ liễu thoát nhất. Thiền chỉ có tự lực, Tịnh kiêm Phật lực.

So sánh hai môn, Tịnh khế cơ nhất, như người vượt biển phải nhờ sức thuyền mới mau đến được bến, thân tâm thản nhiên. Chúng sanh đời mạt chỉ có thể hành nổi pháp này. Nếu không là trái với căn cơ, nhọc nhằn nhưng khó thành. Phát đại Bồ Đề, sanh tín nguyện chân thành, thiết tha, suốt đời kiên trì, chỉ niệm đức Phật. Niệm đến cùng cực, tình kiến mất sạch chính là niệm nhưng vô niệm, diệu nghĩa Thiền - Giáo triệt để hiển hiện; đến khi lâm chung được Phật tiếp dẫn lên ngay thượng phẩm, chứng Vô Sanh Nhẫn. Có một bí quyết, tha thiết bảo ban: “Dốc lòng thành, tận lòng kính” mầu nhiệm, huyền diệu làm sao!