Biệt Ly Ơi Chào Mi


Bảo Lâm bảo Trúc Vỹ:

- Bây giờ em hãy mang bài sử ra đây, đọc tôi nghe.

Trúc Vỹ có vẻ miễn cưỡng, ngồi xuống trước mặt Bảo Lâm, tay lật sách. Bảo Lâm ngăn lại:

- Đừng mở sách, em đọc thuộc lòng cho tôi nghe.

Trúc Vỹ ngẩng lên nhìn bầu trời, những chiếc răng nhỏ nhắn của cô gái cắn nhẹ lên môi. Cô suy nghĩ thật lâu mới bắt đầu đọc.

Trúc Vỹ có lẽ đọc hết ra chữ, cứ ngập ngừng mãi. Cuối cùng cô ta thở dài:

- Thưa cô... Sao người xưa họ lắm chuyện như vậy? Cách nói của họ cầu kỳ, đầy điển tích, điển cố.

- Hình như thế.

- Thế tại sao chúng ta sống ở thời đại này lại phải học cách nói chuyện phức tạp xưa cũ đó làm chi?

- Bộ giáo dục muốn em nhận thức được tư tưởng trong câu chuyện chứ đâu phải học cách nói của người xưa.

Như sực nhớ ra điều gì, Bảo Lâm hỏi:

- Thế em hiểu nội dung của câu chuyện nói về cái gì không?

Trúc Vỹ lắc đầu một cách thành thật:

- Em thấy cứ ông này viết thế này, viết thế nọ mãi, em nhức cả đầu.

Bảo Lâm nói:

- Nhưng tôi đã giải thích cặn kẽ rồi!

Nhưng rồi suy nghĩ một chút, nàng thấy là phải thay đổi cách dạy.

- Cũng tại tôi không đúng, tốt nhất là phải dẫn giải toàn bộ câu chuyện cho em rõ, thay vì câu nệ vào từng câu, từng chữ. Thôi bây giờ em chú ý nghe nhé. Tôi sẽ kể nội dung câu chuyện cho em rõ, rồi giải nghĩa từng đoạn sau.

Bảo Lâm ngồi ngay ngắn lại, tay vòng qua gối, bắt đầu giảng giải tại sao lại có chuyện vua cha và ba đứa con trai của ông đã lập mưu ám hại nhau vì một ngôi báu.

Bảo Lâm chưa kể hết đã thấy Trúc Vỹ rùng mình:

- Tại sao ta lại học chi những thứ như vầy? Cuộc sống này có bao nhiêu điều tốt đẹp, bao nhiêu cái đáng yêu, đáng quí, sao lại học chuyện ganh ghét? Con định gϊếŧ cha, cha gϊếŧ con làm gì? Cuộc sống hòa bình trên quả đất không hay hơn sao?

- Nhưng đấy là sự kiện lịch sử đã xảy ra. Nó có thật, cần phải tìm hiểu ý nghĩa của nó.

- Con người đã sống xấu xa vậy ư? Kém hơn cả cây cỏ.

Bảo Lâm trố mắt nhìn Trúc Vỹ, vừa xúc động vừa kinh ngạc. Chợt nhiên Bảo Lâm thấy hiểu ra. Sách vở đối với Trúc Vỹ quả thật khó hiểu và phức tạp, vì con người của Trúc Vỹ quá đơn giản và hiền lành, đơn giản đến độ không chấp nhận được sự hiềm tỵ nho nhỏ, huống hồ chi nói đến chuyện tranh chấp giữa anh với em, giữa cha với con, những chuyện tranh quyền đoạt lợi.

Trúc Vỹ có thế giới riêng, có triết lý sống và đạo lý riêng của nàng. Trong thế giới đó chỉ toàn chuyện tốt lành, không có điều ác, điều xấu. Vậy thì, ta dạy cho cô bé này cái gì? Dạy những điều xa lạ hàng trăm năm, vô nghĩa với Trúc Vỹ. Dạy Trúc Vỹ học để Trúc Vỹ có được một mảnh bằng đại học? Nhưng mảnh bằng đó có giúp ích được gì cho Trúc Vỹ chứ?

Bảo Lâm như ngẩn ra nhìn cô gái. Trúc Vỹ cúi đầu nói lí nhí:

- Xin lỗi cô. Đúng ra em không nên thắc mắc mấy chuyện đó. Có lẽ vì không thuộc bài nên em hay vòng vo. Hay là để em đọc lại, có thể sẽ thuộc.

Bảo Lâm đưa tay ngăn lại:

- Thôi không cần nữa.

Nàng im lặng một lúc rồi nói tiếp:

- Tôi đang suy nghĩ điều em vừa nói đây. Em có cái lý của em đó chứ. Câu chuyện này không còn thích hợp với thời đại chúng ta. Mà này, hình như em còn có một cô giáo viên khác kèm các môn toán, lý, hóa cho em nữa phải không?

Trúc Vỹ ngập ngừng:

- Vâng.

- Thế những môn đó em học ra sao?

Trúc Vỹ yên lặng, Bảo Lâm hỏi tiếp:

- Chắc cũng không khá cho lắm?

Trúc Vỹ thở dài nói:

- Dạ! Mấy cái chữ X và chữ Y lúc nào cũng như đối lập với em. Công thức thì khó nhớ quá, học mãi không thuộc. Cô Nguyễn, giáo viên dạy toán cho em, bảo là em chỉ như một con búp bê.

Bảo Lâm ngạc nhiên:

- Búp bê?

- Vâng. Búp bê có cái vỏ bên ngoài đẹp lắm, nhưng trong đầu chỉ có rơm với cỏ.

Trúc Vỹ nói xong cúi xuống sờ lấy mấy bông hoa đỏ trên cỏ.

- Em nghĩ, có lẽ cô ấy rất ghét em. Thế còn cô? Cô có ghét em không?

Bảo Lâm nói:

- Không! Tôi không hề ghét em, nói đúng hơn, tôi rất thích em.

Trúc Vỹ ngẩng lên, cảm động:

- Cô không thấy là em ngu lắm ư?

Bảo Lâm nói:

- Thật ra thì em cũng không ngu lắm đâu. Em biết độc lập suy nghĩ, có óc phân tích, vậy thì không ngu được. Có thể em quá khôn nữa là khác. Có điều biện pháp giáo dục này hình như không còn thích hợp với em.

Bảo Lâm nhìn Trúc Vỹ. Cô nàng đang đùa với những cánh hoa màu đỏ. Lâm chợt nghĩ, hay là Trúc Vỹ giống như những cánh hoa đó? Nó chỉ nở cho riêng nó chứ không cho người khác. Có ai ngắm hay không cũng mặc.

- Trúc Vỹ, em có thật sự muốn vào đại học không?

Trúc Vỹ yên lặng.

- Em nói cho tôi biết đi!

Trúc Vỹ lặng lẽ lắc đầu.

- Như vậy tại sao em cứ phải thi mãi như vậy?

Trúc Vỹ thở dài nói:

- Đó là ý của cha. Cha không chịu nổi chuyện em thi rớt. Cha thông minh, năng động như vậy, không hiểu sao lại có một đứa con gái ngu dốt như em. Nhưng mà cô ạ, cha làm thầy, con bán sách cũng là chuyện bình thường thôi phải không cô?

Trúc Vỹ nhìn lên, rồi chợt nhiên hoảng hốt:

- Ồ! Đến rồi kìa.

Bảo Lâm không hiểu:

- Ai? Ai đến?

- Cha đấy!

Bảo Lâm quay lại, đúng là ông Tạ Thắng. Ông ta đang từ bụi trúc đi qua bãi cỏ hướng về phía nàng và Trúc Vỹ. Hôm nay mặc dù là ngày nghỉ, ông vẫn chỉnh tề trong bộ âu phục thẳng nếp. Bảo Lâm vội đứng dậy. Lần đầu tiên, Bảo Lâm thấy ông Thắng ban ngày. Dưới những tia nắng ấm, ông Thắng không trẻ như lúc dưới ánh điện màu trang trí. Nàng có thể trông rõ những nếp nhăn ở dưới đuôi mắt, ở trên môi ông. Nhưng thật lạ lùng, những nếp nhăn đó lại không khiến ông ta xấu đi mà chỉ tạo nên nét già dặn, chín chắn, vững chãi của một nhà thông thái.

- À!

Ông Tạ Thắng cười, như một thói quen, đưa tay lên nâng cao cặp kính.

- Hai thầy trò cô kiếm được một điểm học lý tưởng quá hở. Nhưng mà nắng càng lúc càng gắt, hai người không thấy nóng ư?

Trúc Vỹ đứng lên, cười với cha:

- Không nóng đâu cha ạ.

- Thế cha có phá rối chuyện ôn bài của con không?

Ông Tạ Thắng hỏi con gái rồi cúi xuống nhìn những quyển sách trên cỏ. Bảo Lâm yên lặng nhìn hai cha con ông Tạ Thắng rồi chợt nhiên nói:

- Trúc Vỹ, hôm nay chúng ta học bấy nhiêu đó đủ rồi, em xếp sách vở rồi vào nhà nghỉ đi, tôi có chuyện cần nói riêng với cha em.

Ông Tạ Thắng có vẻ ngạc nhiên nhìn Bảo Lâm:

- Cô là thầy bói ư?

Bảo Lâm ngạc nhiên:

- Sao thế?

Ông Tạ Thắng nhìn Bảo Lâm cười nói:

- Làm sao cô biết được là tôi ra đây định nói chuyện với cô?

Bảo Lâm cười:

- Thì ông cứ coi như tôi sẽ hành nghề thầy bói vậy.

Trúc Vỹ cúi xuống lượm mấy quyển sách. Con Mực cũng chạy đến vẫy đuôi. Trúc Vỹ liếc nhanh về phía Bảo Lâm rồi nhìn về phía cha. Nàng biết câu chuyện mà cô giáo và cha cô sắp nói đương nhiên là có dính dấp đến nàng. Hơi lo lắng, nhưng rồi Trúc Vỹ cũng cùng chó Mực bước vào trong.

Nhìn theo bóng Trúc Vỹ trên lộ trải sỏi, Bảo Lâm nói:

- Ông có một đứa con gái tuyệt vời.

Ông Tạ Thắng với nụ cười nhẹ:

- Thật vậy ư? Chúng ta vừa đi vừa nói chuyện nhé? Tôi đã dặn vυ" Ngô làm thêm phần ăn để giữ cô lại dùng cơm trưa nay, dù gì bây giờ cũng gần mười hai giờ rồi.

Thêm Bình Luận