Biệt Ly Ơi Chào Mi


- Có đau lắm không? Có cần uống thuốc giảm đau không? Bác sĩ nói là Lâm sẽ thấy nhức nhối lắm, uống thuốc đi chứ?

Bảo Lâm giật mình, nàng như mới tỉnh giấc, quay trở về thực tế sau giấc mộng xa xăm. Bảo Lâm mở to mắt ra. Nàng phát hiện Từ Sâm đã kéo ghế từ vị trí đối diện đến cạnh bên nàng. Anh chàng đang nhìn nàng với đôi mắt to. Đôi mắt có chút lôi cuốn và đang nhìn nàng rất lạ. Lâu lắm rồi, Bảo Lâm cũng đã gặp ánh mắt giống như vậy. Đúng rồi! Ánh mắt của La Dũng. Bảo Lâm giật mình, hoàn toàn trở về thực tế. Bảo Lâm luống cuống, cố rút tay ra khỏi tay Từ Sâm nhưng không được. Nàng nói:

- À, cậu Sâm. Tôi khỏe lắm, không thấy đau đớn gì cả. Cậu yên tâm.

Bảo Lâm lại cố rút tay ra nhưng vẫn không được. Từ Sâm nhìn trừng trừng vào mắt Bảo Lâm, giọng nói của cậu ta có cái gì đó đổi khác:

- Đừng nên thế! Tại sao lúc nào Lâm cũng như muốn trốn lánh tôi? Tại sao vậy? Giữ khoảng cách để làm gì? Không cho tôi cái diễm phúc được chăm sóc, chìu chuộng Lâm à?

Bảo Lâm bối rối. Trời đất! Chuyện gì sắp xảy ra đây? Không, không được. Hôm nay xảy ra bấy nhiêu chuyện đủ rồi. Đầu óc như muốn nổ tung rồi. Không thể suy nghĩ, phân tích gì nữa được. Mọi thứ đang đau. Ta không có quyền nghĩ khác được.

Bảo Lâm lưỡi như cứng ra, môi như khô lại. Nàng cố gắng nuốt nước bọt nói nhỏ nhẹ:

- Cậu Sâm, cậu nên tỉnh táo một chút nào! Cậu còn trẻ tuổi! Tôi lúc nào cũng coi cậu như em. Cậu biết đấy, nếu em tôi còn sống, nó cũng bằng cỡ tuổi cậu.

Mặt Từ Sâm đỏ hẳn. Chàng nói nhanh, giọng nói có vẻ xúc động:

- Nhưng tôi đâu phải là em của Lâm đâu? Lâm cao lắm là lớn hơn tôi hai tuổi thôi! Khoảng cách thời gian như vậy đâu lớn lắm. Bảo Lâm, đừng hòng nói với tôi là Lâm hoàn toàn không hiểu vì sao tôi cứ tìm cách xuất hiện trước cửa nhà của Lâm, cũng đừng cho rằng hoàn toàn không hiểu vì sao tôi cứ quan tâm, lo lắng, cứ tìm mãi lý do để gần gũi Lâm. Tôi muốn nói với Lâm rằng...

Bảo Lâm hoảng hốt, cố rút tay và thu người vào ghế:

- Đừng! Đừng... Cậu đừng làm tôi sợ, cậu Sâm. Cậu còn trẻ, có thể cậu chưa hiểu được cậu đang làm gì. Hãy quên đi, cậu Sâm. Đừng nói đến chuyện đó nữa, bằng không một ngày nào đó cậu lớn lên, cậu trưởng thành, cậu sẽ thấy hối hận về những gì cậu vừa nói với tôi.

Từ Sâm mở trừng trừng đôi mắt, rồi tự nhiên nhắm nghiền lại. Hình như cậu ta đang cắn nhẹ môi. Từ Sâm ngã người ra sau một chút. Đã có một khoảng cách nhỏ. Khuôn mặt Từ Sâm không còn đỏ mặt nữa mà tái đi. Lập tức Bảo Lâm hiểu ra. Nàng đã khiến cho Từ Sâm thấy tổn thương. Từ Sâm bị chạm tự ái.

Bảo Lâm bối rối. Đặt tay mình lên tay Từ Sâm, Bảo Lâm nói như giải thích, phân bua:

- Cậu thấy đó cậu Sâm. Cậu không hiểu được tôi đâu.

Ngừng một chút, nàng tiếp:

- Tôi bây giờ già rồi. Tôi không xứng đáng với cậu nữa.

Từ Sâm cắt ngang:

- Thôi đừng nói gì hết!

Khuôn mặt chàng có nét giận hờn của trẻ con. Chàng hất tay Bảo Lâm ra rồi thọc tay vào tóc với cái vẻ nũng nịu của trẻ con, trông rất dễ thương.

Từ Sâm vừa lắc đầu vừa nói:

- Tôi hiểu rồi, Lâm không coi tôi ra gì cả. Lâm cho tôi chỉ là một đứa con nít, chưa trưởng thành, chưa biết suy nghĩ. Lâm khi dể tôi. Chưa bao giờ tôi nhận ra điều ấy và thấm thía như lúc này.

Bảo Lâm vội vã nói. Nàng cũng không hiểu tại sao mình lại nói như vậy:

- Không phải vậy đâu, hoàn toàn không phải.

Từ Sâm buông tay xuống, nhìn thẳng Bảo Lâm:

- Không phải sao? Có nghĩa là Lâm không coi tôi là đứa con nít, phải không? Tôi dù sao cũng hai mươi bốn tuổi rồi. Tôi cũng đã đi làm, đã có một vị trí trong xã hội nhất định. Nói tóm lại, tôi đã trưởng thành, đã có nghề nghiệp, có trình độ và nhận thức rõ ràng những gì mình đang làm. Vậy thử còn gì nữa, Lâm hãy cho biết đi! Thế nào mới gọi là trưởng thành chứ?

Từ Sâm nhíu mày suy nghĩ. Đôi mắt chàng như van lơn, như cầu khẩn nhìn Bảo Lâm:

- Lâm hãy nói đi! Lúc Lâm nói chuyện tình yêu với La Dũng, bấy giờ hắn bao nhiêu tuổi?

Bảo Lâm mở to mắt. Nàng cảm thấy ngột ngạt khó thở. Nàng muốn nói với Từ Sâm:

- Cậu Sâm! Cậu biết không, chính vì có chuyện La Dũng mà tôi không muốn lầm lỡ, không muốn sa chân một lần nữa. Cậu không hiểu đâu. Cậu không hiểu vì sao tôi lại sợ tuổi trẻ như vậy, và vì sao tôi lại già thế này. Tất cả cũng chỉ vì tình yêu, vì nỗi đau.

Đầu óc Bảo Lâm lúc này lan man bao ý nghĩ. Bất giác nàng nói:

- Cậu Sâm này!

Bảo Lâm tiếp tục rất khẽ:

- Thuốc giảm đau cậu để đâu, cho tôi. Tôi cảm thấy đau quá, đau quá...

Lập tức, ngón đòn khỏa lấp được hữu hiệu ngay. Từ Sâm như gác mọi chuyện qua một bên, vội vã tìm trong đống thuốc ra viên thuốc Bảo Lâm cần.

Từ Sâm nhìn Bảo Lâm. Viên thuốc được uống ngay với nước lọc. Nhìn khuôn mặt nhăn nhó của Bảo Lâm, Từ Sâm chợt như hối hận. Lòng chàng buồn rười rượi. Đúng ra không nên, không nên nhắc đến tên La Dũng. Bảo Lâm đang bị đau vết thương ở tay, ta đành lòng nào lại nhắc đến vết thương ở tim nàng. Rõ thật tàn nhẫn!

Bảo Lâm tựa đầu vào ghế nói:

- Bây giờ cậu hãy cho tôi nghĩ một chút nhé. Chuyện kia để hôm khác sẽ bàn đến. Lúc nào tôi khỏe, tôi không còn đau, chúng ta sẽ có dịp bàn lại.

Từ Sâm nói nhanh:

- Lỗi tại tôi cả. Bảo Lâm nói đúng, tôi rõ ràng chưa trưởng thành. Tôi còn ích kỷ ngang ngạnh, chưa biết cách chìu chuộng, chăm sóc.

Từ Sâm có vẻ đau khổ về những gì mình làm không đúng lúc đã qua.

Bảo Lâm ngồi đấy, ngồi yên. Trong phút giây, nàng chợt thấy lòng mình thoáng một chút xúc động, nhưng nàng vẫn im lặng.

Cuộc đời thường có nhiều dữ kiện đôi khi không giải thích nổi và bất ngờ thường hay dồn dập đến cùng một lúc. Chuyện đó cũng xảy ra với Bảo Lâm.

Bệnh của mẹ đang ở trạng thái "tỉnh" đột ngột biến sang trạng thái "động". Thật ra thì cũng không phải bất ngờ, vì ngay từ đầu, bác sĩ đã từng cho ông Vĩnh Tú, cha Bảo Lâm và nàng biết:

- Nếu quý vị không đưa bà ấy vào viện tâm thần, bệnh sẽ càng lúc càng nặng. Bước đầu chỉ là ảo giác tưởng tượng, nhưng càng lúc sự tưởng tượng đó sẽ mang lại nguy hiểm. Bắt đầu nói nhảm, rồi đến đánh người, đập phá đồ đạc, la hét, cái gì cũng có thể xảy ra, vì vậy quý vị nên tỉnh táo một chút, suy nghĩ sáng suốt một chút. Đưa bà ta vào viện tâm thần trị liệu thì hơn, chứ đừng quá thương yêu bà ta mà nấn ná để ở nhà. Tôi báo trước sẽ có chuyện không hay xảy ra.

Cha con Bảo Lâm không phải là không tỉnh táo, không biết suy nghĩ, có điều họ không đành lòng để bà Tố Trinh, mẹ Bảo Lâm, vào nhà thương điên. Ở đấy có nhiều hình ảnh mà tình cảm gia đình không thể chấp nhận được. Đó là chưa kể lúc mới bệnh, bà Tố Trinh tỏ ra rất hiền lành. Bà chỉ ngồi lẳng lặng, suy tưởng, nhớ tiếc đến đứa con trai đã mất. Hành vi như vậy nào có gì nguy hiểm đến ai? Rồi sau đó, không hiểu nghe ai nói, bà biết được chuyện mình sẽ bị đưa vô nhà thương điên. Thế là bệnh trở nặng ngay. Bà bệnh không phá phách mà chỉ là một sự đột quỵ. Đôi chân yếu dần, đi đâu cũng cần phải có người dìu. Mới hôm trước bác sĩ đến khám, cho biết cơ thể không hề có bệnh gì ngoài vấn đề tâm thần. Chính tâm thần tác động làm bà đột quỵ. Lúc tỉnh, bà thường van vỉ cùng chồng:

- Anh Tú, em đã sống chung với anh hơn hai mươi năm. Anh hãy thề đi! Thề là sẽ không bao giờ đưa em vào nhà thương điên nghen.

Tình cảm, sự trung hậu, và lương tâm con người đã bắt ông Vĩnh Tú thề. Ông hứa, và năn nỉ mọi người đừng nhắc đến chuyện đưa bà vào nhà thương điên nữa.

Công việc nhà bây giờ rất bận rộn. Bảo Lâm tất bật với việc ở trường, việc đi dạy kèm. Người giúp việc chỉ làm những việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Vì vậy, để tiện việc chăm sóc, thuốc thang cho vợ, ông Vĩnh Tú đã xin về hưu non. Tưởng mọi việc sẽ êm, nhưng rồi bệnh của vợ ông càng lúc càng nặng ra. Không biết bắt đầu từ bao giờ, Bảo Lâm đã trở thành mục tiêu la chửi, đay nghiến của bà. Con người bình thường cũng thế thôi, cũng cần phải có đối tượng nào đó để trút bỏ những uất ức, bực dọc, đè nén. Những bực dọc đó có thể là sự bất mãn trong sự nghiệp, sự cạnh tranh, giành giật, hay là kẻ thù, tình địch hoặc một kẻ gai mắt.

Thêm Bình Luận