Bức Họa Treo Trên Tường


(Truyện ngắn nằm trong series “Sống Bên Rừng Bia Mộ” của tác giả Ngạ Quỷ)

Liệu trầm ngâm ngồi một lúc trước ngôi mộ mọc đầy rong rêu. Đôi mắt anh lơ đãng nhìn xung quanh trời mây, nhìn lại không gian tịch mịch lúc này. Đời người thật sự đã trải qua quá nhiều số phận, cũng như quá nhiều nhịp điệu khiến người ta phải suy tư.

Về chuyện đời của cô gái đã chết dưới nấm mồ kia, một phần có thể là do sự cả tin đến mức ngu dốt của chàng trai đó, cũng một phần là do sự mù quáng trong cuộc tình của cô ta.

Kết thúc câu chuyện về nấm mồ mọc đầy rong rêu. Ông Trịnh lại đứng lên, tiếp tục đi đến trước một nấm mồ khác. Nấm mồ mới này hoàn toàn tách biệt với những nấm mồ còn lại. Nó được nghiễm nhiên nằm riêng một chỗ trong khu nghĩa trang. Nấm mồ gần nhất với nó, có lẽ cũng phải đến cả chục mét.

Nấm mồ này cỏ mọc đầy um tùm, giống hệt như một nấm mồ hoang không có bất cứ người nào chăm sóc từ lâu lắm vậy.

Lão Trịnh bước tới gần ngôi mộ, giơ đôi bàn tay gầy guộc của mình nhổ một vài cái cây dại cao ngất ngưởng, để lộ ra nấm mồ bên trong.

Ông ta nhổ xong đám cây dại thì lại ngồi bệt xuống đất, ngồi trỏ tay vào nấm mộ và nói:

– Người chết ở nấm mồ này cũng có một cái chết hết sức bất đắc dĩ, một cái chết phải dùng tính mạng để đánh đổi. Nếu chủ nhân của ngôi mộ này không chết, có lẽ sẽ có rất nhiều người phải bỏ mạng vì thứ được chôn cùng anh ta.

Liệu quay sang nhìn lão Trịnh rồi hỏi:

– Chủ nhân của nấm mồ này là người như thế nào hả bác?

Lão Trịnh ngửa đầu nhìn lên trời một lúc, ngẫm nghĩ rất lâu rồi mới nói:

– Tôi cũng không nhớ rõ ràng lắm, người này chết cũng đã lâu rồi. Về công việc khi anh ta còn sống thì tôi không rõ, nhưng về tính cách của anh ta thì tôi cho rằng anh ta là một người rất tốt, là một người theo chủ nghĩa anh hùng đúng nghĩa.

Liệu ngồi nghe ông Trịnh nói rất nghiêm túc, anh ngồi yên vị tại đó tiếp tục chờ đợi câu chuyện đời của người này sẽ được ông Trịnh hé lộ.

Ông Trịnh nói:

– Trước khi anh ta chết, anh ta có để lại cho tôi một lá thư tuyệt mệnh. Nói rằng hãy chôn anh ta cùng với thứ đó, để cho cơn ác mộng ấy sẽ vĩnh viễn chấm dứt.

Liệu hỏi:

– Trước khi chết anh ta có gặp ông ư?

Lão Trịnh gật đầu nói:

– Không những có gặp tôi. Mà anh ta… còn chết trước mặt tôi.

Liệu tròn mắt, hai mắt mở to hơi kinh ngạc. Nói như vậy, là người nằm dưới nấm mồ này đã tự sát trước mặt lão Trịnh. Chuyện gì đã xảy ra, lại có thể khiến cho con người ta rơi vào bước đường cùng như thế?

Liệu chăm chú nhìn lão Trịnh, chờ đợi câu trả lời thỏa đáng.

Lão Trịnh ngừng lại một chút, rồi bắt đầu nhớ lại câu chuyện xưa. Câu chuyện được ghi lại trong lá thư tuyệt mệnh của người nằm dưới huyệt mộ này. Câu chuyện về một bức tranh…



Hà Dương Cầm là một họa sĩ nổi tiếng và dành được rất nhiều lời ca tụng trong giới nhà nghề. Những bức tranh của anh vẽ thường là những bức tranh trìu tượng, đôi khi rất khó hiểu về nhiều mặt. Nhưng nếu như người ta có thể suy ngẫm ra vẻ đẹp trong đó, biết ngắm nhìn theo một chiều rất riêng thì những bức tranh đó là độc nhất vô nhị.

Thế nhưng, số mệnh đã không mỉm cười với anh bởi cuộc sống của anh cũng rất ngắn ngủi. Khi anh vừa hoàn thành xong một tác phẩm được cho là vĩ đại nhất cuộc đời mình thì anh cũng đã chết.

Anh chết bất đắc kỳ tử với khuôn mặt thảng thốt ngạc nhiên. Người ta thấy anh ngã gục trước bức tranh của mình và bàn tay thì lại xòe ra hai ngón tay tự đặt lên mặt như muốn móc mắt.

Họa sĩ vang danh Hà Dương Cầm đã chết, tin tức này vừa mới xuất hiện đã lập tức làm trấn động giới nghệ thuật. Bức tranh cuối cùng của Hà Dương Cầm được cho là tác phẩm đắt giá nhất mọi thời đại và được gia đình anh ta đem bán đấu giá ngay sau đó.

Một mức giá cao kỉ lục đã được trả cho bức tranh của một họa sĩ người Việt. Hơn mười triệu đô la cho một bức tranh nghệ thuật của Hà Dương Cầm, và nó được một người Việt kiều mới từ Mỹ chuyển hẳn về Việt Nam định cư đã mua lại.

Mặc dù bức tranh đã được bán đấu giá và có người mua lại thành công. Thế nhưng vẫn có không ít người muốn săn tìm bức tranh, như một loại sở thích khám phá. Có không ít người muốn được ngắm nhìn bức tranh cuối cùng của Hà Dương Cầm, để xem rốt cuộc trong bức tranh nghệ thuật đó cuối cùng là ẩn chứa bí mật gì mà lại có thể khiến họa sĩ Hà Dương Cầm phải kinh ngạc đến chết đi như vậy?

Dẫu vậy, kể từ khi người sở hữu bức tranh bán đấu giá đó tại buổi đấu giá lại cũng là lần chót. Người ta không thể tìm được danh tính ông ta, cũng như nơi bức tranh tọa lạc.

Sự việc cứ như vậy, như đã sắp chìm vào quên lãng của tất cả. Nhiều người đã cho rằng bức tranh cuối cùng của Hà Dương Cầm kia sẽ không bao giờ có thể được chiêm ngưỡng một lần nữa.

Nhưng không, hai năm sau bức tranh ấy đã xuất hiện trở lại.

Lần này người ta cũng nghe thấy thứ tin tức hệt như lần trước. Chủ nhân của bức tranh ấy đã chết, một cái chết bất đắc kỳ tử vì hoảng sợ, vì chứng nhồi máu cơ tim hệt như cố họa sĩ Hà Dương Cầm khi trước. Khi người ta phát hiện ra cái xác của ông ta, người ta thấy ông ta dường như cũng đang cố tình muốn móc đôi mắt của mình ra để không muốn nhìn thấy một thứ gì đó thì phải.

Bức tranh một lần nữa xuất hiện trước công chúng, và lần này lại tiếp tục được đem đi bán đấu giá.

Với hai cố sự xảy hy hữu đối với những chủ nhân trước đây của nó, càng đẩy mức giá của bức tranh cao hơn bao giờ hết. Một mức giá hai mươi lăm triệu đô la cho một bức tranh đã được đưa ra. Người ta chưa từng thấy một bức tranh nào của một họa sỹ gốc Việt lại có giá cao kỉ lục đến như vậy.

Tiếp tục với những chuyện xảy ra như lần trước, chủ nhân tiếp theo của bức tranh cũng có số phận không khác gì hai người trước đó. Ông ta cũng chỉ sống ẩn mình trong hai năm cùng với bức tranh, rồi lăn ra chết với cái chết tương tự.

Điều này làm dấy lên sự nghi ngại và bản tính tò mò ngày càng thôi thúc của nhiều người. Bức tranh đó đến tột cùng là ẩn chứa bí mật gì?

Trong khi dư luận đang xôn xao vì một chuyện như thế, thì lúc này nhà nước cũng vào cuộc. Một vụ việc liên quan đến duy nhất một bức tranh, đã kéo theo lần lượt ba mạng người chết đặt ra một giấu hỏi cực lớn. Nhà chức trách cho rằng liệu có khi nào có một kẻ sát hại cả ba mạng người theo cùng một thủ đoạn. Họ không tin cái việc người ta chỉ nhìn một bức tranh rồi lăn ra để chết. Đó là một sự lý giải hết sức ngu xuẩn và chỉ những kẻ ấu trĩ với lối suy nghĩ nông cạn, những kẻ cuồng tranh hoặc mê tín đến phát điên mới có thể nghĩ đến việc ấy là do hoảng sợ mà thành.

Một chuyên án điều tra được thành lập, do Hoàng Xuân Danh phụ trách. Danh có trách nhiệm truy tìm đầu mối, và khoanh vùng các sự kiện liên quan đến tất cả ba nạn nhân. Tìm kiếm khả năng khả nghi có xuất hiện để ra tay hãm hại cả ba người.

Liệu có khi nào, hung thủ chính là một kẻ mê tranh nhưng hắn lại không muốn bức tranh đó được sở hữu bởi một người nào khác mà không phải hắn nên mới gϊếŧ các nạn nhân? Nhưng câu hỏi đó nhanh chóng bị Danh phủ nhận, bởi nếu hung thủ yêu thích tranh như thế, hắn nên gϊếŧ nạn nhân xong rồi cuỗm luôn bức tranh đi mới đúng. Vậy tại sao hắn còn để bức tranh lại?

Danh suy nghĩ đến vấn đề này, liền đặt ra một hướng suy luận gắt gao. Rất có thể là do hắn muốn ngụy tạo những cái chết theo lẽ tự nhiên để nhà chức trách không thể tìm ra manh mối, chỉ cho rằng đây là một vụ án đột tử. Rồi hắn sẽ tìm cách để lấy lại bức tranh theo một con đường chính thống hơn. Đây chính là luận điểm mà Danh nhất quyết bám chặt vào, để suy luận con đường tiếp theo tìm ra hung thủ.

Trong khi chuyên án điều tra mới được thành lập. Thì lại một lần nữa bức tranh kia được đem ra công bố đấu giá.

Thêm Bình Luận