Chương 23: Đại huynh trở về

Ngày hè, tiếng ve kêu râm ran ở khắp mọi nơi. Trúc lý cây cối nhiều dân cư ít, thật sự là thiên đường của ve sầu.

Bọn nhỏ trong Trúc lý chia làm hai phe, mỗi đứa cầm một cái vợt bắt ve sầu, đi lang thang trong Trúc lý. Tụi nhỏ phía Nam lấy Đại Xuân dẫn đầu, còn đám nhỏ phía Đông lại do Khuyển Tử cầm đầu, cả một đám nhốn nháo.

Hai đội quân giáp mặt dưới gốc cây dâu già, giương cung bạt kiếm, động một cái là bùng nổ ngay. Khuyển Tử tiến lên một bước, Đại Xuân cũng bước lên một bước, đoàn đội hai bên đứng phía sau hai đứa cũng hằm hằm lườm nhau.

Đại Xuân nói: “Hoằng huynh, nơi này là địa bàn của bọn ta.”

Khuyển Tử nói: “Ơ kìa, ve cũng là của các ngươi chắc?”

Khuyển Tử vân đạm phong khinh đánh giá bốn năm đứa nhỏ đứng sau Đại Xuân.

Khuyển Tử và Đại Xuân lớn xấp xỉ nhau, hai đứa tuổi cũng xêm xêm, lại đều có khí chất lãnh đạo.

Xét đến uy danh bắn cung của Khuyển Tử thì tụi bên Đại Xuân nhất thời á khẩu, không đứa nào dám đối ứng.

Hai bên giằng co không xong, A Đề đánh bạo nói: “Nơi này thuộc về bọn ta, tất nhiên ve cũng thuộc về bọn ta.”

“Nhảm nhí, rõ ràng là ve từ bên phía bọn ta bay đến.”

Trang Lan phản bác, theo con bé thì ve có cánh, tụi nó cũng không phải không biết bay.

Mắt thấy hai đứa lại sắp lao vào cãi nhau, Đại Xuân nói: “Tránh ra, để bọn nó đi.”

Chỉ là mấy con ve thôi mà, khắp núi thiếu gì, chẳng lẽ không bắt nổi.

Đoàn đội của Đại Xuân tuy rằng tâm không cam tình không nguyện nhưng vẫn phải nghiêng người nhường đường.

Khuyển Tử dẫn đầu đi trước, Trang Lan, A Bình, A Ly nối gót theo sau. Khuyển Tử cũng chẳng hứng thú với ve sầu lắm, chẳng qua là bồi mấy đứa trẻ hai nhà Trang Trương chơi đùa mà thôi.

Bên Khuyển Tử có hai cái vợt lưới, nó cầm một cây, A Ly cầm một cây. Trang Lan và Khuyển Tử chung một tổ, còn A Ly và A Bình một tổ còn lại. Khuyển Tử rón rén tiến đến gần một con ve đang đậu trên thân cây, vung vợt nhào đến, Trang Lan bưng lọ sành nhỏ, lấy tay bịt miệng lọ, giam con ve vào trong lọ sành. Bốn đứa rong chơi nơi cây dâu già trong Lâm Tùng, cũng không thu hoạch được gì nhiều.

________

Mùa hè nóng như thiêu như đốt, phơi nắng đến mức mồ hôi chảy ròng ròng, bốn đứa bắt được mười mấy con ve liền, sau đó lại trở về sân nhà họ Trang.

Sân nhà họ Trang có hoa có cây, có thể nghỉ ngơi dưới bóng râm.

A Hà nấu một nồi canh đậu xanh, bê vào sân để nguội cho tụi nhỏ uống giảm khát giải nhiệt. Mỗi đứa bưng một chén canh đầy mà tu ừng ực, mát mẻ khoan khoái. Khuyển Tử uống hết một chén lại đi múc thêm một chén nữa, bưng đến sau cây sơn trà, ở bên kia Trang Dương trải chiếu hóng mát.

Cây sơn trà nhà họ Trang thật cao lớn, không biết được trồng từ bao giờ, từ lúc nhà họ Trang mua tòa nhà này thì cây sơn trà đã ở trong sân này rồi. Cây sơn trà này được Trang Dương chăm sóc cẩn thận, cây mọc tốt tươi, cành lá sum suê, qua nhiều năm như thế đã cao vυ"t như cây dù.

Trang Dương ngồi dưới tàng cây sơn trà, đối diện với ao sen nở rộ. Gấu trúc nhỏ ngồi bên chân Trang Dương, gặm cắn cuộn thẻ tre, tất nhiên cuộn thẻ tre ăn không ngon bằng lá trúc tươi, có thể nói là đồ ăn bị hư rồi, gấu nhỏ không thích ăn, chỉ gặm cắn lung tung. Trang Dương lấy cuộn thẻ tre từ trong miệng Măng ra, ngẩng đầu lên lại vừa hay thấy Khuyển Tử bưng một bát canh đậu xanh đến.

Khuyển Tử so với đợt xuân thì đã cao lên không ít, nó mặc quần áo cũ của Trang Dương, nhìn trông quần áo có hơi dài.

“Cậu hai, cho cậu.”

“Được.”

Khuyển Tử đặt chén canh lên án thư, nó cũng không rời đi ngay lập tức. Ánh mắt nó nhìn thẻ trúc trên án thư, Trang Dương đã viết được một nửa.

Khuyển Tử không biết Trang Dương viết những gì, nó rất thích xem Trang Dương viết chữ.

Trang Dương luôn ngồi ngay ngắn chỉnh tề, chăm chú để tâm, chữ của anh chỉnh tề đẹp đẽ.

Măng mất đi cuộn thẻ tre cũng không ngừng gây sự, nó vươn cái móng vuốt khoát chân lên án thư, muốn lấy lại “đồ chơi” của nó. Mắt thấy gấu nhỏ đại sự sắp thành, Khuyển Tử vươn tay với lấy cuộn thẻ tre khiến Măng vồ hụt.

Trang Dương nâng chén lên từ tốn uống, ngẩng đầu thì thấy hành động của Măng và Khuyển Tử. Anh khẽ cười, vươn tay vỗ vỗ đầu Măng.

“Măng, lại đây.”

Khuyển Tử gọi Măng theo, không để cho nó đi quấy nhiễu Trang Dương đọc viết nữa.

Măng đi theo Khuyển Tử đến bên ao sen, Khuyển Tử dừng lại đứng lặng yên ngắm hoa sen, Măng ngoan ngoãn đứng bên cạnh Khuyển Tử cũng nhìn ra ao sen, tựa như gấu nhỏ cũng biết thưởng thức cảnh đẹp vậy.

Bên đầm nước, gió mát nhẹ nhàng, hoa sen nở rộ, thật là một ngày hè tươi đẹp.

Khuyển Tử đã không còn dạy tụi trẻ hai nhà Trang Trương nữa. Cái gì nên học thì tụi nó cũng đã học rồi, cho dù có muốn học cũng không biết dạy cách nào —— tỉ dụ như bách phát bách trúng.

Chỉ có điều nó thường hay chơi với tụi trẻ Trang Trương. Hầu như chiều nào Khuyển Tử cũng sẽ đến lượn lờ ở nhà họ Trang. Không chỉ có Măng đối xử với Khuyển Tử như người nhà, mà ngay cả A Bình, Trang Lan cũng coi nó thành huynh trưởng của tụi nhỏ. Đến cả người hầu ở nhà họ Trang cũng dần quen thân với Khuyển Tử.

Nhưng thứ mà Khuyển Tử có thể cho nhà họ Trang cũng không nhiều —— chỉ mang sang được mấy con cá khô hay cá mè tươi.

Cá mè hấp có thể coi là mỹ vị nhân gian. Trang Dương rất thích ăn nên Khuyển Tử rất siêng mang sang.

Nếu nói tỉ mỉ, sẽ phát hiện ra mỗi lần Trang Dương ở trong sân thì Khuyển Tử sẽ lán lại một lúc, còn nếu Trang Dương không có ở nhà thì Khuyển Tử chỉ nghỉ chân một chốc rồi đi luôn.

Cũng khó trách Khuyển Tử thích Trang Dương, ai ai cũng thích người ôn hòa xinh đẹp, dù là nam hay nữ.

________

Ở Trúc lý đã mấy tháng, Khuyển Tử đã thích ứng với cuộc sống nơi này. Hơn nữa còn rất vui vì lúc trước đã rời Phong hương mà đến đây.

Ở Phong hương Khuyển Tử phải làm việc nhà cho bác, bất kể việc gì cũng phải làm, nhưng lại chẳng có gì là thuộc sở hữu của mình. Ở Trúc lý này, Khuyển Tử nuôi lợn thì là lợn của mình, mà làm ruộng thì khi thu hoạch cũng là của mình hết.

Lợn nhỏ Bạch Bạch đến mùa hạ đã lớn hơn nhiều, được nuôi thả ở khu rừng phía sau nhà Khuyển Tử. Con lợn này đã không còn ai lo việc vệ sinh cho nó nữa, suốt ngày lêu lổng khắp núi rừng. Vì ở Trúc lý không có động vật cỡ lớn, nên thân là một con lợn, có vẻ nó đã xưng bá một phương. Chỉ có một điều không tốt là nó hay lăn trên bùn trên đất mà đánh giấc nồng, rồi vùi người vào đó khiến toàn thân đầy bẩn, không còn trắng hồng nữa.

Cả dê và thỏ cũng đều phát triển. Chẳng qua là lợn hay là dê thỏ thì cũng đều chưa tới tuổi sinh sản hay có thịt đổi lấy tiền.

Ngày hè trên bờ sông, cải trắng nhà họ Trang đã xanh mướt một màu, lá củ tốt tươi. Thỉnh thoảng A Hà lại ra nhổ củ về làm thức ăn cho nhà họ Trang.

Đậu nành nhà Khuyển Tử cũng chín, đã đến lúc thu hoạch.

Khuyển Tử và mẹ phân công làm việc ở ruộng đậu. Đậu nành được nhổ lên từng bụi từng bụi, đầu rễ dọc một hướng chất thành đống, lại dùng dây thừng buộc ngang bó. Hai mẹ con nhà họ Lưu không đủ sức nên làm rất chậm. Tụi trẻ hai nhà Trang Trương thấy Khuyển Tử thu hoạch đậu nành thì cũng chạy ngay sang giúp đỡ. Thường ngày tụi nó không phải làm việc đồng áng, nên là rất thích thú với việc xuống ruộng làm việc.

“Không được đâu, ta với Khuyển Tử làm là được.”

Mẹ Lưu thấy mấy đứa trẻ quen sống trong nhung lụa này nói muốn giúp đỡ mà bị dọa giật mình.

“A Hoằng huynh, muội giúp một tay, chỉ cần làm như thế thì muội cũng làm được.”

Trang Lan không chịu đi, con bé vươn tay nhổ cây đậu lên, ung dung nhổ lên hai bụi.

“Hoằng huynh, để chúng ta giúp đi, sẽ không gây rối đâu.”

“Đúng vậy, A Hoằng huynh.”

Nếu là những nhà nông khác, thấy mấy đứa nhóc này líu la líu lo, hấp ta hấp tấp, đối với việc làm ruộng một chữ cũng không biết thì không khỏi sẽ thấy phiền phức. Nhưng Khuyển Tử thì không, nó đưa tụi nhỏ vào một dây chuyền, A Ly và Trang Lan thì nhổ cây, A Bình sẽ buộc lại thành từng bó, còn Khuyển Tử sẽ phụ trách gánh mấy bó đậu đó về sân.

Trong chốc lát rôm rả cả mảnh ruộng, ngập tràn tiếng cười nói, mỗi người một việc, ai cũng đều có thể tham dự trong đó.

Khuyển Tử để tụi trẻ Trang Trương làm mấy việc nhẹ nhàng còn nó sẽ phụ trách việc nặng. Nó gánh từng bó đậu về sân, lại rải ra phơi nắng, đợi đến cả cây lẫn quả đậu đã khô vàng là có thể mang đi đập đậu rồi.

Đậu trong ruộng nhổ hết cả gốc rễ, nhổ từng bụi từng bụi, chỉ còn lại đất ruộng trống trải, sân nhà Khuyển Tử phơi ngập tràn đậu.

Khuyển Tử trồng ruộng đậu này thu hoạch cũng không tốt lắm, quả đậu khá lép. Làm một người nông dân cũng không dễ dàng như vậy, cần phải tích lũy kinh nghiệm. Có điều toàn phải tự mình trồng xuống, chăm sóc hoa màu, rồi lại thu hoạch. Đối với Khuyển Tử mà nói đó đã là chuyện rất vui vẻ rồi.

Khuyển Tử mượn nhà ông Dịch đồ đập đậu, đập liên tục để tách quả đậu ra. Đây là việc chân tay lại mất nhiều thời gian, Khuyển Tử và mẹ Lưu mỗi người cầm một cây, cực nhọc đập đậu cũng phải mất tròn một ngày mới làm xong việc. Mệt đến còng người, cánh tay nhức mỏi, cuối cùng cũng thu được một giỏ đậu lớn.

Hai mẹ con vui mừng cất đậu vào bếp, cất trữ cẩn thận. Đây là phần lương thực trân quý của nhà họ.

Hạt đậu sau khi tuốt, còn lại cành đậu thì bó chặt lại xong chất vào kho củi. Cái này làm củi đốt rất tốt, bén lửa dễ cháy, lửa lại mạnh.

***

Sau khi thu hoạch đậu, người và đất đều phải nghỉ ngơi. Mấy ngày sau Khuyển Tử lại đi xới đất. Khuyển Tử dùng bừa quật đất lên rồi cào tơi đất. Khuyển Tử làm lúc sáng sớm và chiều tối để tránh mặt trời gay gắt.

Đến chiều tối ở Trúc lý mọi người làm đầy ruộng, Khuyển Tử cũng trong đội ngũ đó.

Trang Lan và A Bình như thường ngày đến bờ Tây chơi đùa. Thấy Khuyển Tử đang bận rộn, Trang Lan hỏi:

“A Hoằng huynh, huynh cắt cỏ cho thỏ chưa?”

“Vẫn chưa.”

“Để em giúp huynh.”

Trang Lan vui vẻ chạy đến nhà Khuyển Tử, hỏi mẹ Lưu lấy giỏ và liềm. Mẹ Lưu nhắc nhở: “Cẩn thận kẻo cắt vào tay nhé.” Trang Lan cười đáp: “Không sao đâu, con dùng nhiều lần rồi ạ.” Trang Lan cầm liềm, A Bình xách giỏ, hai đứa ra bờ sông cắt cỏ cho thỏ ăn.

Trang Dương đứng trên lầu hai thấy hai đứa lại chạy sang bờ Tây, anh cũng không ngăn lại, để cho tụi nhỏ học làm chút việc đồng áng cũng không có gì không tốt, cho tụi nhỏ thấy người nông dân vất ra sao.

Cỏ dại bên bờ sông nhiều, tùy tay cắt một lúc là được một giỏ lớn.

“A Bình, chúng ta đi cho thỏ ăn thôi.”

Mặc dù thỏ trắng nhỏ đã lớn, không còn đang yêu như cũ nhưng Trang Lan vẫn tình nguyện cho tụi nó ăn.

A Bình đứng ngây ra nhìn về phía con đường mòn bên bờ bên kia Trúc lý, dường như không nghe thấy tiếng gọi của Trang Lan.

“A Bình, ngươi đang nhìn gì thế?”

Trang Lan nhìn theo ánh mắt A Bình, không nhìn thì thôi, vừa ngoảnh đầu lại Trang Lan vội “A” một tiếng, ngay lập tức buông giỏ và liềm trong tay, chạy như điên qua cầu gỗ, lao về phía con đường mòn. Cô bé nhảy nhót ở trên đường, lớn tiếng gào thét: “Đại huynh, đại huynh về rồi!”

Phía trước có ba chiếc xe ngựa hoa lệ rầm rộ trờ tới. Trang Lan nhận ra xe ngựa chở đại huynh và cậu. Đợt xuân cũng chính trên con đường này, cô bé tiễn họ rời đi. Chỉ là lúc đó chỉ có hai cỗ xe rời đi, vậy mà sao giờ trở về lại là ba cỗ xe thế này?

Không chỉ Trang Lan với A Bình phát hiện xe ngựa, lúc này đã có người vội chạy đi báo cho nhà họ Trương và nhà họ Trang, mẹ Trang và Trang Dương từ trong nhà vội vàng đi ra, đứng trước cửa nghênh đón.

Ở Trúc lý chỉ có hai nhà Trang Trương là có xe ngựa, ba cỗ xe ngựa xuất hiện cùng lúc khiến những người nông dân đang làm trong ruộng phải ngừng tay mà nhìn ngó.