Hồi 4: Kể lại chuyện xưa.

Hai vợ chồng đã tìm kiếm suốt cả đêm rồi, không tung tích, không dấu vết, cứ như Thục Quyên chưa từng tồn tại trên cõi đời này vậy. Điều đó đã cứa một nhát thật sâu vào tâm can hai người làm cha mẹ là ông Trương Quân và bà Đình Trúc. Họ đã báo với chính quyền địa phương rồi, với cái lý do khó tin rằng con ông bà bị ma nữ bắt đi ngay trước mặt sao? Không, họ đâu có ngốc như vậy, không khéo sẽ bị tống vào trại tâm thần mất, họ chỉ đến và trình báo rằng Thục Quyên đã mất tích vào đêm qua...một điều chắc chắn là cô ấy tuyệt đối không hề bỏ nhà ra đi, hiện tại gia đình rất cần đến sự trợ giúp từ công an.

Nhưng theo điều luật thì chưa đến 24h sẽ không được xem là mất tích, nhất là đối với một người ở trong độ tuổi trưởng thành như Thục Quyên.

Bất lực, vô vọng, lo sợ...bà Đình Trúc ủ rũ ngồi trong phòng tiếp khách ở ngôi chùa Khơ Me đó. Bà đang chờ ông Trương Quân nói chuyện cùng vị sư cả kia, người đã hết lòng giúp đỡ nhưng đáng tiếc lại bất thành.

Mãi tận gần một giờ đồng hồ sau mới thấy ông Trương Quân cùng sư cả bước ra từ tư thất. Trông qua bộ dáng thì ông Trương Quân cũng không nhẹ nhàng hơn bà được là bao. Vị sư cả thấy đôi vợ chồng mất con đến thất thần thì lấy làm thương cảm, ông khẽ giọng cảm thán.

- Ài... nghiệt duyên, đúng là nghiệt duyên mà!

Nghe vậy, bà Đình Trúc khó hiểu.

- Thưa thầy, thầy nói nghiệt duyên là sao vậy?

Vị sư cả mỏi mệt ngồi xuống chiếc đệm tròn dưới đất, bàn tay theo thói quen lần lần chuỗi hạt.

- Nghiệt duyên này là của con gái ông bà tạo, duyên âm này cũng do con gái ông bà kết. Nay báo ứng đã tới hồi phải trả, đúng giờ đúng khắc oan gia nghiệp chướng trở về tìm.

Hai vợ chồng nghe xong lời này thì buồn bực lắm, bởi lẽ Thục Quyên con gái họ đoan trang nhân hậu, từ nhỏ hiền lành hướng thiện bẩm sinh, chưa từng gây gỗ phẫn nộ với ai, thế cớ sao bây giờ lại nói duyên âm nghiệp chướng này là do Thục Quyên tạo? Lòng hơi bất mãn, bà Đình Trúc có phần gay gắt nói.

- Thầy nói vậy thì tội nghiệp cho con gái tôi, nó có bao giờ làm ác với ai đâu mà gây nghiệp phải trả.

- Thục Quyên con gái bà hiện tại thì không gây ra nghiệp chướng, nhưng tiền thân kiếp trước nó lại gây ra ác quả đậm sâu. Lưới trời l*иg lộng, thoát được một kiếp, kiếp sau ắt phải đền.

Hai vợ chồng Trương Quân, Đình Trúc nghe xong thì sững sờ chết lặng. Được một hồi, như đã lấy lại chút bình tĩnh tạm bợ, ông Trương Quân lên tiếng.

- Ý thầy là kiếp trước Thục Quyên làm ác, nên kiếp này ma nữ đó mới đến đây đòi mạng? Thầy nhìn ra được chuyện gì...xin hãy nói cho vợ chồng tôi tường tận.

Vị sư cả bất di bất động, vẫn mang một nét thanh tĩnh điềm nhiên chậm rãi đáp lời.

- Năm đó, khi lần đầu trông thấy con bé Thục Quyên được bà đây bế trên tay, ta cũng đã thấy mờ nhạt hình bóng ma nữ kia lảng vảng bên cạnh, vậy nên mới tặng cho con bé chiếc dây đỏ đeo tay hộ thân, liền đó ma nữ phải lui xa không thể tiếp cận. Nhưng đồng thời năm đó nhìn vào ma nữ kia ta cũng thấy được oán niệm trong ả, câu chuyện đằng sau ả...

Nói đến đây, sư cả lắc đầu thở dài, lại tiếp.

- ...Có chút yếu lòng, ngã Phật từ bi nên không triệt để tiêu diệt, dù lúc ấy linh hồn ma nữ rất yếu ớt mờ nhạt. Có ngờ đâu hồi tháng trước đột nhiên tất thảy dây bện đỏ trong chùa đều đứt đoạn, biết có việc chẳng lành, cũng lại nghi ngờ do ma nữ kia bày sự, ài...quả nhiên đúng thật...

Ông Trương Quân lại hỏi.

- Thế thì dây đỏ đeo tay của Thục Quyên tự dưng bị đứt là do...

- Phải, do ả ta giở trò đó.

Dứt lời, không khí chìm vào trầm mặc. Chợt, sư cả lên tiếng.

- Ài...nghiệp này cũng do Thục Quyên gây tạo, ả ma nữ kia lại là kẻ hứng chịu khổ đau. Theo luật nhân quả, có vay có trả là lẽ thường tình ở đời, thôi thì...hãy thuận theo tự nhiên đi, A Di Đà Phật.

Bà Đình Trúc thút thít khóc, ông Trương Quân siết chặt tay vợ như để tỏ ý ủi an, miệng lại hỏi vị sư.

- Thầy đã nhìn thấy câu chuyện đằng sau ma nữ đó, cũng lại thấy được tiền kiếp Thục Quyên, vậy xin thầy hãy kể cho vợ chồng tôi được biết...có khi tìm ra phương cách cứu được con mình.

- Chuyện quá khứ vị lai, nợ nần kiếp trước, người ở kiếp này không cần tìm hiểu, cứ thuận tự nhiên thôi.

Dĩ nhiên lời này làm sao khiến hai vợ chồng nghe lọt tai được, họ nằng nặc van nài vị sư cả hãy kể ra nguồn cơn nguyên cớ tất cả. Họ rất mong hiểu được có câu chuyện bí mật nào đang ẩn giấu đằng sau lưng đứa con gái tội nghiệp của mình.

Sư cả do dự, lát sau mới bấm đốt ngón tay, hướng mắt nhìn tượng Phật, cảm thán thốt rằng.

- Âu cũng là số mệnh.

Đến đây, sư cả đành đồng ý sẽ tường thuật lại những gì mình đã thấy trong chấp niệm của ả ma nữ kia cho hai vợ chồng Trương Quân, Đình Trúc được biết.

...

Cứ như vậy quá khứ dần dần hé mở, đem chuyện xưa tái hiện lần nữa...

Chuyện rằng xưa kia vào thời Pháp thuộc, tầm những năm 1887 ở vùng đất Nam Bộ có nổi lên một gánh hát cải lương hồ quảng, gánh này nghe đâu do một cô đào người Tàu thành lập, đặt tên là Đồng Nữ Bang.

Sở dĩ gọi là Đồng Nữ Bang cũng bởi gánh này chỉ thu nhận toàn đàn bà con gái, dù là công việc kéo cờ dựng gánh nặng nhọc thì cũng đều do các chị em phụ giúp nhau làm, tuyệt nhiên không hề có bóng dáng đàn ông. Mà gánh này cũng rất có tiếng, dù đào kép đều là nữ nhưng ca xang hát xướng không hề thua kém bất kỳ gánh hát cải lương nào khác, lại có phần nổi trội cả, bởi lẽ người ta tìm đến không chỉ để nghe hát tuồng mà còn để ngắm giai nhân.

Đúng vậy, Đồng Nữ Bang này như một kho tàng mỹ nữ, cô đào nào cũng đẹp cũng xinh, giọng hát lại như oanh yến gọi mời, quả nhiên đi đến vùng nào cũng đều thu hút cánh mày râu vùng đó. Đàn bà với nhau thì ghen tị ngưỡng mộ, đàn ông thì thèm khát mê say, đây chính là cái sức thu hút của gánh hát cải lương hồ quảng Đồng Nữ Bang.

Vậy gánh hát này có liên quan gì đến Thục Quyên và ả ma nữ kia?

Dĩ nhiên có liên quan, bởi cả hai người chính là hai cô đào kép nổi tiếng nhất ở gánh Đồng Nữ Bang này!

Năm đó, bầu gánh là cô hai Điệp người Tàu, cô này trong một lần ra chợ thì bắt gặp có đứa con gái độ chừng mười ba mười bốn đang quỳ bên cái xác lạnh đắp chiếu, nó liên tục rao rằng...

- Bán thân lấy tiền chôn cha!

Cảm thương cho thân phận con bé, cô hai Điệp đứng ra ngả giá tranh quyền mua nó với một gả công tử nhà giàu, gả này muốn mua nó về cốt để hầu chuyện gối chăn, dĩ nhiên hai Điệp không để hắn đạt thành ý nguyện dơ bẩn này rồi!

Còn nhớ lúc đó cô hai Điệp này chìa ra đôi bàn tay mượt mà đeo vòng ngọc về phía nó rồi hỏi.

- Cô mua, em có bán không?

Làm sao mà không được? Con bé mừng đến phát khóc, nó liên tục dập đầu tạ ơn hai Điệp, trong lòng mừng rỡ khôn nguôi, rốt cuộc cũng gặp được quý nhân giải nạn. Còn tên công tử kia thì xem chừng tức lắm, mà cũng đành ngậm ngùi bỏ đi.

Hỏi qua mới biết, con bé này tên là Ngô, cũng do nhà nó nghèo, thường ngày toàn ăn ngô sắn qua bữa đỡ đói nên cha má đặt là Ngô. Má nó mất sớm, cha nuôi nó trong cảnh bần hàn cũng nhất quyết không để con đi ở đợ nhà người, nay lao tâm lao lực quá đỗi mà ông cũng yểu mạng qua đời, bỏ lại Ngô mồ côi trên dương thế.

Cô hai Điệp dẫn Ngô về gánh hát, gánh Đồng Nữ Bang. Ở đây ai cũng thướt tha lụa là, chỉ mỗi mình nó lấm lem bùn đất, trong lòng sinh ra mặc cảm thu mình rụt cổ chẳng dám nhìn ai. Các chị em thấy nó thì tươi cười chọc ghẹo đôi câu rồi cũng thôi, nhưng...chỉ duy nhất một cô gái ngồi trước bàn trang điểm là chẳng thèm liếc mắt nhìn tới Ngô dù chỉ một lần.

Chiều hôm đó, cô hai Điệp cùng Ngô lo chuyện hậu sự an táng cho người đã mất xong thì liền trở về. Trên đường về gánh, hai Điệp ngắm nghía con bé Ngô này không thôi, thầm đánh giá nó có nhan sắc nhưng lại bị áo thô vải rách và bùn phèn làm lấp che dung mạo, tự vấn nếu bẩm sinh nó có giọng hát ngọt ngào nữa thì mình ắt hẳn lời to.

Dùng lửa thử vàng, đêm đó Ngô tắm rửa xong thì được cho mặc bộ áo lụa trắng, tóc chải gọn gàng lại cài thêm trâm bạc, quả nhiên vừa xuất hiện liền khiến các chị em trầm trồ, có người còn thốt lên rằng.

- Mèn ơi! Cô hai tài giỏi dữ đa, kiếm đâu ra con nhỏ đẹp quá chừng quá đất, đào hát kiểu này em nhìn còn mê mà!

Dứt lời thì cả gánh cười phá lên, vẫn là đàn bà con gái ở cùng nhau tốt hơn cả, tiếng cười hoà quyện tựa như chuông reo đàn tấu, thi vị vô cùng.

Ngô lấy làm ngại ngùng, nó bẽn lẽn. Chợt, cô hai Điệp hỏi nó.

- Em gái nhỏ, em có biết hát không? Có nghe hát bao giờ chưa?

- Dạ thưa cô, em...em không biết hát, nhưng có mấy lần gánh hát ghé làng, em cũng nghe văng vẳng được một chút.

Nói đoạn, hai Điệp vẫy tay kêu một cô gái bước ra thị phạm, là cái cô ngồi bàn trang điểm đã ngó lơ Ngô. Cô này vận áo dài hồng, chân mang guốc mộc, gương mặt thanh tú đến lay động lòng người, có điều...lạnh lùng quá...

- Em hát thử một câu cho Ngô hát theo đi Thủy, tuồng nào cũng được, mà dễ thôi, em nó mới vào.

Thủy, cô gái mày vân mi ngọc ấy hoá ra tên là Thủy, trong lòng Ngô âm thầm ghi nhớ.

Thủy bước lên đứng cạnh Ngô, nhìn nó mà cất tiếng, thanh âm trong trẻo ru hồn khiến tất cả mọi người có mặt đều thinh lặng thưởng thức.

Thủy hát rằng...

- Tay nâng chén rượu đào kính dâng anh hào

Mừng quân tử thuyền quyên buổi đầu sơ giao

Luyến lưu ôn hầu tài cao...

Ba câu này vừa hay lại hợp với tình cảnh hiện thời vừa gặp gỡ người mới về gánh là Ngô, khiến các chị em nghe xong thì tủm tỉm cười, một người lên tiếng trêu chọc.

- Thủy à, người ta vừa mới tới, hát vậy không phải là bị em nhìn trúng rồi chứ?

Dứt lời thì vô tư cười hi hi, các chị em cũng theo đó cười chung. Thủy không nói không rằng chỉ liếc mắt lườm Ngô một cái, xem chừng trong dạ không ưa con bé này.

Hai Điệp lại hỏi.

- Em có biết ba câu chị Thủy vừa hát trong tuồng nào không?

- Dạ...dạ không, em không biết thưa cô.

Thủy lầm bầm "Đồ nhà quê", trước khi bước chân lên thuyền trở về phòng còn bỏ lại một câu.

- Là tuồng Lữ Bố hí Điêu Thuyền, ngốc.