Chương 5

Truyện còn có tên khác là CHỨNG BỆNH - Tác giả: Tuế Dục

Ngay từ nhỏ, Nhiễm Ngân đã dạy Chu Niệm rằng: Thức ăn vốn không phải là thứ dùng để thưởng thức mà là cung cấp năng lượng cho cơ thể con người. Nó có ngon hay không cũng chẳng có gì quan trọng cả, dinh dưỡng và sự cân bằng mới là điều quan trọng nhất.

Nhiễm Ngân lại đẩy sữa đậu nành vào tay Chu Niệm rồi ra hiệu cho cô uống hết: “Tháng sau sẽ có cuộc thi vẽ tranh cấp tỉnh về chủ đề nhân vật với quy mô lớn, con đã chuẩn bị như thế nào rồi?”

Suy nghĩ của Chu Niệm đang bị chiếm giữ bởi sự nhộn nhạo trong dạ dày nên có phần mất tập trung: “Vâng... Cũng tàm tạm rồi ạ.”

Nhiễm Ngân cau mày, hỏi lại với vẻ không vui: “Tàm tạm hả? Rốt cuộc là con có nắm chắc hay không? Nếu không chắc chắn mình có thể giành được hạng nhất thì con đừng tham gia nữa, đỡ phải mất mặt.”

Chu Niệm lấy lại tinh thần rồi nở nụ cười ngoan hiền: “Con có thể làm được mà.”

Nhiễm Ngân lập tức giãn mặt, vừa mỉm cười vừa đưa tay chạm vào mặt Chu Niệm, khen ngợi: “Mẹ biết Thất Cân của chúng ta là người giỏi nhất mà. Con không đành lòng để mẹ thất vọng đâu.” Sau đó bà ta lại mở miệng: “Con mau uống hết sữa đậu nành đi.”

“Vâng.”

Chu Niệm đã đoạt được rất nhiều giải thưởng hội họa cấp quốc gia rồi, hơn tám mươi phần trăm trong số đó đều là giải nhất. Sở dĩ Nhiễm Ngân hết mực quan tâm đến cuộc thi hội họa cấp tỉnh lần này là vì chỉ có kiểu tranh chân dung về con người mới được tham gia thi thố.

Trong lĩnh vực hội họa, con người là thứ khó vẽ nhất, đồng thời cũng chính là loại có thể bộc lộ trình độ của họa sĩ rõ nhất.

Nhiễm Ngân biết điều này rất rõ.

Bởi bà ta vốn là một họa sĩ, tốt nghiệp tại một học viện nghệ thuật nổi tiếng. Trong quá trình học tập, Nhiễm Ngân đã tổ chức rất nhiều buổi triển lãm cá nhân nên cũng được xem là người khá tiếng tăm. Sau khi tốt nghiệp, bà ta đã mở một phòng vẽ tranh rồi đứng lớp giảng dạy, sự nghiệp thăng hoa như diều gặp gió.

Sau đó, Nhiễm Ngân với Chu Tẫn Thương yêu nhau rồi kết hôn. Thế là vì tình yêu, bà ta đã từ bỏ sự nghiệp, đóng cửa phòng vẽ tranh rồi đi theo Chu Tẫn Thương trở về thị trấn Hoa Doanh, sinh Chu Niệm, từ đó về sau trở thành một bà nội trợ toàn thời gian.

Chu Niệm ăn hết thức ăn mà Nhiễm Ngân bày biện trên đĩa và uống cạn sữa đậu nành, sau đó vừa ôm cái bụng căng phồng vừa chậm rãi đứng dậy. Cô chuẩn bị đi lên phòng vẽ ở tầng hai để lấy dụng cụ vẽ tranh rồi ra ngoài vẽ vật thực.

Phòng vẽ tranh nằm bên cạnh phòng ngủ của Chu Niệm, rộng rãi và sáng sủa. Bên trong có nhiều giá vẽ, một số được trải vải vẽ tranh sơn dầu ở bên trên, còn một số thì kẹp giấy vẽ tranh, hoặc là tranh màu nước hoặc là tranh sơn dầu.

Bên ngoài phòng vẽ tranh là ban công được lát sàn gỗ. Vào những ngày đẹp trời, Chu Niệm sẽ vẽ tranh sơn dầu. Sau khi vẽ xong, cô sẽ chuyển giá vẽ ra ban công để bức tranh nhanh khô hơn.

Chu Niệm vác giá vẽ lên vai, xách hộp đựng dụng cụ vẽ tranh rồi rời khỏi phòng ngủ để bước xuống lầu.

Lúc tới phòng chính, Nhiễm Ngân bèn đưa mười nhân dân tệ cho cô: “Thất Cân à, nếu tiện đường thì con hãy mua một ít quả quýt trên đường về nhà nhé.”

Chu Niệm cầm lấy tiền: “Vâng.”