Chương 5: Mặt Tối

Khoảng thời gian vào năm năm trước, khi đó tôi chỉ là một học sinh cấp hai, một đứa con nít vắt mũi chưa sạch. Vì cha mẹ phải đi làm ăn xa nên tôi chuyển lên tỉnh ở với ông bà, cũng đồng nghĩa với việc tôi phải chuyển đến một ngôi trường mới. Tôi là một đứa rất vô tư chẳng thèm để ý đến ai hay quan tâm ai, với tôi lúc đó chỉ học thôi cũng cảm thấy rất mệt rồi. Đáng lẽ tôi đã định sẽ không kết bạn hoặc chỉ vài đứa cho không khí thêm vui vẻ là được.

Chuyện gì đến cũng phải đến, cảm xúc của tôi rất phức tạp sau khi học hết một năm tại ngôi trường này, nói đúng hơn là ở cái lớp tôi được chuyển đến.

Trong ngày đầu tiên nhận lớp dĩ nhiên mọi người đều sẽ vui vẻ nói cười với nhau, nhất là những người đã từng học chung với nhau từ năm trước. Những đứa bạn mới này hoà đồng hơn tôi nghĩ, họ không hề khó gần hay dở trò ma cũ bắt nạt ma mới, họ không giống với những lời đồn tôi từng nghe từ những người bạn học ở tỉnh.

Tất cả đều rất nhiệt tình nên tôi cũng không muốn làm lơ họ, người bạn đầu tiên bắt chuyện với tôi là Minh Thư là người bạn thân với tôi đến tận bây giờ. Cậu ấy gần giống với tôi cũng học sinh mới chuyển đến vào năm trước nên bọn tôi nói chuyện rất hợp nhau. Tất cả mọi thắc mắc về trường lớp, Minh Thư đều là người hướng dẫn cho tôi và tôi cũng chỉ đi theo Minh Thư vào mỗi giờ ra chơi.

Sau hơn 2 tháng, tôi đã dần quen với nội quy của trường và lớp học, tầm nhìn của tôi cũng dần mở rộng để chú ý nhiều thứ hơn. Thứ lọt vào tầm mắt tôi lúc đó chính là cô bạn ngồi ở cuối lớp, tôi chưa từng thấy cô ấy giao tiếp với bất kỳ ai trong lớp. Trong một lần xuống căn tin mua quà vặt cô ấy vô ý đạp lên giày tôi, cú đạp khá đau nên tôi khó chịu mà bật ra một câu chửi thề khó nghe.

“Mẹ nó, bộ mày bị đui hả?”

Cô bạn đó cũng chỉ biết cúi đầu luôn miệng nói xin lỗi cứ như rất sợ tôi, Minh Thư đứng cạnh xua tay đuổi nhỏ đi nhưng nhỏ vẫn đứng đó mà cúi đầu như cái máy. Tôi rất ngại ánh nhìn của người khác nên đặt một tay lên vai để cô ấy không cúi đầu xuống nữa, khi vừa chạm vào tôi cảm nhận rõ cái run lên rồi rụt người lại của nhỏ đó. Nó đang rất sợ tôi.

“Mày tên gì?”

“An...Nhiên.”

“Mắc gì run dữ vậy?”

“Tui sợ bà đánh tui.”

“Mày có làm gì đâu mà sợ tao đánh?”

An Nhiên im lặng chỉ xuống chiếc giày bị dơ một chút mà tôi đang mang, tôi đơ mặt ra vì chẳng hiểu nhỏ này có vấn đề gì về thần kinh không. Vô tình đạp giày nhau là chuyện bình thường mà, sao lại sợ bị tôi đánh? Nét mặt tôi cũng không đến mức hung dữ, chỉ là cau mày một chút vì bị đau thôi.

Khi đó tôi chẳng thể nhận thức được những chuyện kinh khủng mà An Nhiên phải chịu đựng, tôi nhăn nhó nhìn cô ấy một lúc rồi mới giơ chân lên phủi sạch vết bẩn trên giày.

“Cái này về giặt tí là sạch, không sao đâu.”

“Tui xin lỗi.”

“Lỗi phải gì? Thôi đi dùm đi.”

Tôi xua tay đuổi cô ấy đi nhưng khi quay mặt sang hướng khác tôi vẫn cảm nhận được một ánh mắt, An Nhiên vẫn đứng đó nhìn tôi một lúc mới chịu đi về lớp. Cũng vì cái nhìn đó mà tôi bắt đầu chú ý đến nhỏ hơn, tôi vào lớp sau khi hết giờ ra chơi, đập vào mắt tôi là cảnh tượng cái lớp đầy rác cứ như có người cố tình xả ra. Lớp sĩ số có 42 người nhưng không ai bước ra quét dọn, chỉ có một mình An Nhiên đang nhặt từng mẩu giấy bỏ vào thùng rác.

Thấy bạn cùng lớp phải làm một mình nên tôi rất bất bình, trong đầu vừa khó hiểu sao không ai giúp nhỏ một tay cho nhanh, cũng vừa không hiểu tại sao An Nhiên phải nhặt mà không quét cho kịp vào giờ vào học.

“Tụi bây ngồi không làm gì? Giúp một tay đi, cô sắp vô tới nơi rồi còn ngồi đó.”

Tôi vừa nhắc nhở lũ bạn đang ngồi tám chuyện vừa đi xuống cuối lớp lấy cây chổi cỏ, trong một phút giây ngắn ngủi tôi như chết đứng ở đó khi thấy cây chổi bị bẻ ra nhiều thành nhiều khúc, lông chổi cũng bị rút ra quăng đầy trên bàn học. Mà chỗ ngồi đó chính là của An Nhiên.

“Cái gì đang xảy ra đây?”

Câu hỏi đặt ra cứ như cho một mình tôi nghe và phải tự mình tìm câu trả lời, tôi nhìn một lượt qua từng người đang ngồi dửng dưng trong lớp, họ bắt gặp ánh mắt nghi ngờ của tôi liền né tránh như sợ sẽ bị buộc tội. Nhưng trong lòng tôi hiểu rất rõ, cái lớp học tưởng chừng như ai cũng tốt đẹp này chính là tập thể của những cái xấu xa nhất.

Suốt một tuần đó tôi luôn tự hỏi bản thân có phải họ thật sự xấu hay chỉ do một nguyên nhân nào đó, An Nhiên vẫn bị bắt nạt như thường thậm chí là bị đánh một cách không thương tiếc. Cô ấy nhìn tôi với ánh mắt cầu cứu nhưng tôi đã cố ý lơ đi, có thể mọi người sẽ thắc mắc tại sao tôi lại không giúp đỡ.

Con người chúng ta luôn có một sự đề phòng nhất định với thế giới bên ngoài, khi tiếp nhận một thông tin quá lớn, não bộ sẽ sản sinh phản ứng tự bảo vệ theo bản năng của mỗi người. Chính tôi hay bất kỳ ai cũng vậy, tôi không thể chống lại vài chục người vì một người tôi chỉ vừa biết tên không lâu. Ai cũng có sự ích kỷ, ai cũng muốn bản thân có được những thứ tốt đẹp nhất. Tại sao tôi phải từ bỏ những người bạn đó trong khi họ đối với tôi rất tốt?

Có hôm tôi nhìn thấy An Nhiên phải chạy bạt mạng đến căn tin chỉ để mua một ly mì ăn liền, nhỏ không ngồi ăn tại chỗ mà chạy thật nhanh về lớp cứ như bị ma đuổi. Minh Thư ngồi đối diện với tôi, cậu ấy cũng phải lắc đầu ngao ngán khi nhìn thấy An Nhiên như thế.

“Lại bị sai vặt nữa rồi.”

Đúng như Minh Thư nói, tôi về lớp trước và nhìn thấy thằng lớp trưởng đang mắng chửi An Nhiên. Không rõ lý do là gì nhưng tôi thấy nó đổ nước trong ly mì vào cặp sách và bàn học của An Nhiên, nhỏ không dám phản kháng chỉ biết đứng co ro một góc nhìn tụi nó phá hoại sách vở trong cặp.

“Tụi mày quá đáng lắm rồi đấy!”

Thằng lớp trưởng nhìn tôi rồi lại quay sang nắm tóc An Nhiên đè xuống vũng nước trên bàn, vẻ mặt ngạo mạn của nó như đang thách thức tính kiên nhẫn của tôi.

“Bớt lo chuyện bao đồng lại đi.”

“Tao sẽ nói với cô nếu mày còn quá đáng.”

“Lũ con gái tụi mày sao thích mách lẻo quá vậy?”

“Có buông ra không?”

An Nhiên nhìn lại nhìn tôi bằng ánh mắt đáng thương đó, tôi thật sự chỉ muốn xông tới mà kéo cô ấy ra khỏi đó ngay. May mắn là thằng nhãi đó đã chịu buông tay, nó đi ngang qua còn cố ý hất mạnh vào vai tôi một cái kèm theo một lời cảnh cáo.

“Mày coi chừng tao đấy.”

Những trò bắt nạt càng ngày càng đi quá giới hạn, đỉnh điểm là vào một hôm tôi vào nhà vệ sinh để giặt khăn lau bảng, vài đứa bạn cùng lớp của tôi đang xúm lại một đám ở cửa phòng vệ sinh cuối dãy.

“Không phải tao đã nói hạng nhất là của tao sao?”

“Mày không hiểu tiếng người hả?”

“Loại như mày có học cũng chỉ làm được mấy việc bốc vác thôi, học giỏi làm gì?”

“Cố tỏ vẻ cho ai coi vậy?”

Tôi bước đến gần xem có chuyện gì đang xảy ra ở trong đó, bọn nó vẫn chưa nhận ra có sự hiện diện của tôi mà tiếp tục những hành động quá đáng đó. An Nhiên đang bị một đứa nhấn đầu xuống bồn vệ sinh, xung quanh là những đứa khác đang lấy điện thoại ra quay lại hình ảnh đó.

“Tụi mày làm cái quái gì vậy? Dừng lại ngay cho tao!”

Tôi lôi con nhỏ đang giữ chặt An Nhiên ra, không thể kiềm được cơn giận dữ trong người nên tôi đã tát thẳng vào mặt nó. An Nhiên thoát ra được liền ho dữ dội xong lại nấc lên, tiếng khóc của cô ấy khiến tôi cảm thấy xót xa vô cùng.

“Lại con nhỏ bao đồng này nữa.”

Nhỏ đó nhìn tôi bằng nửa con mắt rồi thở hắt một hơi, nó nắm cổ áo tôi kéo lại gần rồi trừng mắt cảnh cáo.

“Đừng tỏ vẻ anh hùng, coi chừng đứa tiếp theo uống nước trong đó là mày đấy.”

Tôi hất tay ra rồi nhấn đầu nó xuống gần chạm vào nước trong bồn, nó giãy dụa muốn thoát ra nhưng tôi vẫn giữ chặt nó xuống. Mấy đứa kia liền lôi điện thoại ra quay lại để mách với giáo viên, tôi biết bản thân đang động vào người không nên động. Con nhỏ thích bắt nạt người khác này lại là con của giáo viên, tôi muốn dạy dỗ nó nên chỉ cảnh cáo rồi buông tay ra. Tránh lại rước thêm phiền phức.

“Cảm giác thế nào? Khó chịu lắm đúng không? Nhớ cho kỹ cái mùi này mà tránh xa con Nhiên ra một chút, mày còn động vào nó thì không xong với tao đâu .”

Sau vụ việc đó tôi đã bị mời phụ huynh lên làm việc và phải viết bản kiểm điểm, đó cũng là lúc tôi biết mình đã sai, tôi không thể để An Nhiên cứ phải chịu những tổn thương về tinh thần lẫn thể xác được. Có thể nói đó là do lương tâm không cho phép tôi ngồi nhìn cô ấy bị đau, tôi bắt đầu cùng An Nhiên chống đối lại những đứa trong lớp bằng cách từ chối mọi yêu cầu bọn nó đưa ra.

Tình trạng bắt nạt giảm trong mắt tôi nhưng lại tăng lên với An Nhiên, họ nhân lúc tôi không có mặt còn đánh cô ấy thậm tệ hơn, thấy mọi chuyện dần tệ đi nên tôi đã nói lại mọi chuyện với cô chủ nhiệm, An Nhiên cảm ơn tôi rất nhiều vì đã cố gắng giúp đỡ nhưng sự vui vẻ đó chẳng được bao lâu.

Cô chủ nhiệm đã gọi riêng An Nhiên ra ngoài và cô ấy đã trở vào lớp với đôi mắt đỏ hoe, tôi lặng người khi nhìn thấy những giọt nước mắt trên gương mặt xanh xao của cô ấy. Tôi đảo mắt nhìn lại những người trong lớp một lần nữa, ánh mắt của họ nhìn An Nhiên cứ như nhìn một tên tội phạm. Cảm xúc bộc phát khiến tôi chẳng thể kiềm chế được cơn tức giận trong lòng, tôi đập bàn đứng dậy lớn tiếng hỏi những người đang trưng ra vẻ mặt vô cảm đó.

“Con Nhiên nó làm gì tụi mày ăn hϊếp nó hoài vậy?”

Minh Thư kéo tôi ngồi xuống với vẻ mặt hốt hoảng, cậu ấy nhíu đôi mày lại nhìn tôi rồi lắc đầu nhưng tôi không muốn bỏ qua dễ dàng như vậy, tôi hùng hổ muốn hỏi cho ra lẽ nhưng cứ mở miệng là Minh Thư sẽ che miệng tôi lại.

“Mày cũng như tụi nó phải không Thư?”

Tôi hỏi nó với cái giọng bất lực vô cùng, khi đó chỉ mong nó trả lời “không” hoặc đơn giản chỉ là một cái lắc đầu, nhưng nó lại nhìn tôi rồi im lặng không nói một câu nào.

Giờ tan học hôm đó tôi đã nói chuyện riêng với Minh Thư, một cuộc trò chuyện dài làm tôi hiểu được môi trường ở đó hơn, ở đâu cũng có một thứ gọi là luật bất thành văn. Tại ngôi trường này hay đúng hơn là lớp tôi đang học, giáo viên chỉ trọng những học sinh biết nghe lời, còn học sinh thì chỉ chơi với những người có nhan sắc. Nhưng người họ tôn trọng nhất vẫn là người có hoàn cảnh gia đình tốt, nói trắng ra là những đứa con nhà giàu.

“Ở môi trường này, tụi nó ghét nhất là bị qua mặt. Chỉ cần có ai giỏi hơn thì tụi nó sẽ tìm cách kéo xuống không cần phải có lý do.”

“Nhưng tại sao cả giáo viên cũng không bảo vệ cho con Nhiên?”

“Là vì tiền đó mày.”

“Tiền?”

“Con Nhiên nó học giỏi nên mới bị mấy đứa trong lớp ghét, còn giáo viên ai cũng ghét nó đều là do nó không đi học thêm. Ngày nhà giáo ai cũng có tiền có quà biếu cô, chỉ có con Nhiên là không có.”

“Chỉ vì nó nghèo mà phải chịu đối xử bất công sao? Đúng là cái trường rác rưởi.”

An Nhiên là một học sinh ưu tú, tất cả các môn luôn đạt điểm giỏi nhưng gia đình cô ấy lại chẳng được khá giả, giáo viên chủ nhiệm luôn hắt hủi và cả bạn học cùng lớp cũng chẳng tha cho An Nhiên. Thành tích luôn đứng đầu lớp khiến những người khác cảm thấy như bị qua mặt, cũng vì những suy nghĩ vô lý đó mà họ luôn nhắm đến An Nhiên mà bắt nạt. Giáo viên vì sợ ảnh hưởng thành tích thi đua của lớp nên không muốn lên tiếng can thiệp. An Nhiên cứ thế mà bị bắt nạt suốt mấy năm cũng không ai dám đứng ra bảo vệ cô ấy.

Trong suốt năm học cuối cấp đó, tôi đã dùng mọi cách để bảo vệ cho An Nhiên nhưng có vẻ mọi việc sẽ không như ý mình mãi. Hôm đó là một ngày mưa dai dẳng, tôi đến lớp và chẳng nhìn thấy An Nhiên đâu, cặp sách vẫn ở trong lớp nhưng lại không thấy người đâu cả. Chuông vào giờ đã reo nhưng An Nhiên vẫn chưa vào lớp khiến tôi phải sốt ruột, tôi chạy ra ngoài nhờ bác bảo vệ tìm giúp nhưng tìm mãi cũng không thấy.

Đến giờ ra chơi thì cơn mưa cũng chịu dứt, tôi bỏ dở ba tiết học cuối cùng cũng tìm được , An Nhiên đang ngồi ở một băng ghế đá cách trường không xa, cô ấy thấy tôi liền ôm chặt mà khóc đến khàn cổ. Hỏi ra mới biết lại là bị mấy đứa trong lớp kéo ra đây, họ lấy quyển vở soạn đề cương quăng xuống cống nước rồi ngoảnh mặt bỏ đi, An Nhiên ấm ức nhìn quyển vở trôi đi nhưng không thể phản kháng lại. Vừa hay hôm nay có tiết của cô chủ nhiệm nên An Nhiên không dám vào lớp, quyển vở soạn đề cương đã mất, cô ấy sợ sẽ bị mắng nên ngồi dầm mưa ngoài đây.

“Tại sao lại là tôi? Tôi đã cố làm theo những gì họ muốn, tôi chỉ muốn được yên ổn học tập cũng là sai sao?”- An Nhiên gào thét như đang chấp vấn tôi và cũng như cho lũ bạn độc hại đó biết cô ấy đang ấm ức thế nào

Tôi tự dặn với lòng cuối tuần này phải nói chuyện cho ra lẽ với cô chủ nhiệm vào giờ sinh hoạt lớp, lần này tôi rất chắc bản thân sẽ không yếu thế mà để cho An Nhiên phải chịu ấm ức nữa. Minh Thư đã cố tìm cách khuyên nhủ vì sợ mấy đứa trong lớp sẽ gây khó dễ cho tôi, cậu ấy là một người bạn tốt vì đã nghĩ cho tôi và không muốn tôi phải gặp rắc rối. Nhưng tôi không thể ngồi yên mặc cho bọn nó muốn làm gì thì làm được, Minh Thư tuy nhìn rõ được họ nhưng lại chẳng dám đứng ra thay đổi nó. Vậy thì tôi sẽ làm việc đó.

Cũng vì không có ai chịu đứng ra loại bỏ những thành phần độc hại này, nên dần những học sinh đó đã trở nên suy đồi đạo đức, chúng ích kỷ chỉ biết nghĩ cho bản thân mà không nghĩ đến cảm giác của người khác. Chúng chà đạp một người chỉ vì nghĩ họ đang đe dọa đến vị trí của chúng, việc làm đau và nhục mạ người khác trở thành thú vui của chúng. Loại người đó có được gọi là người không?

“Thưa cô, em muốn cô xem xét lại việc An Nhiên bị bắt nạt.”

“Bắt nạt? Sao An Nhiên không nói mà để em phải lên tiếng?”

“Vì lần nào cô cũng không giải quyết nên em mới phải nói trước lớp đấy ạ.”

“Cô đã nói chuyện riêng với An Nhiên, em ấy nói ổn mà. Phải không An Nhiên?”

Tông giọng của cô giáo khi đó rõ ràng là đang muốn đe dọa người khác, ánh mắt coi thường cùng với nét mặt như sẽ nổi giận bất cứ lúc nào nếu An Nhiên nói “không” hoặc lắc đầu. Tôi nhận ra rằng nếu cứ im lặng chờ đợi câu trả lời của An Nhiên, cô ấy sẽ bị áp lực bên trong đè ép đến không dám trả lời một câu nào.

“Mày cứ nói ra đi, rõ ràng là tụi nó bắt nạt mày mà. Nếu mày không nói tụi nó sẽ làm tới chuyện gì nữa?”

Trái ngược với sự bức xúc đang bộc phát của tôi, An Nhiên vẫn im lặng không dám hé môi nửa lời, tôi biết với những người đã từng hoặc đang bị bắt nạt sẽ rất khó nói ra, có nhiều người còn chọn cách im lặng chịu đựng. Nhưng đôi khi chịu đựng không phải là giải pháp tốt khi những kẻ bắt nạt đó vẫn sẽ không bỏ qua, càng im lặng chúng sẽ càng lấn tới vì chúng biết rõ mục tiêu bị nhắm đến sẽ không dám phản kháng.

“Nếu mày im lặng thì tụi nó có tha cho mày không hay sẽ còn quá đáng hơn nữa?”

An Nhiên đã lung lay khi nghe câu nói đó của tôi, cô ấy không cúi đầu tránh né nữa mà nhìn thẳng vào mắt cô giáo trên bục giảng, bao nhiêu uất ức đè nén đều được xả hết ra bên ngoài.

“Thưa cô, mấy bạn trong lớp bắt nạt em.”

“Em chỉ cụ thể người đó được không? Nói vậy sao biết là bạn nào, không lẽ cả lớp đều bắt nạt một mình em?”

“Dạ cô, trừ Yên Nhi và Minh Thư thì các bạn còn lại đều bắt nạt em.”

“Sao các bạn lại bắt nạt em?”- Đây là câu hỏi mà hầu hết những giáo viên vô trách nhiệm đưa ra khi biết học sinh của mình bị bắt nạt

An Nhiên cũng vì câu hỏi đó mà khựng lại một chút, cô ấy không biết phải trả lời cô giáo thế nào. Vì vốn dĩ An Nhiên còn chẳng biết lý do tại sao bản thân mình lại bị nhắm tới.

“Cái đó sao cô không hỏi mấy đứa nó? An Nhiên còn không biết lý do bị bắt nạt là gì.”

“Em im lặng một chút đi Yên Nhi, cô hỏi An Nhiên chứ không phải hỏi em.”

“Nhưng câu hỏi đó quá vô lý mà cô.”

“Em muốn chống đối giáo viên phải không?”

Tôi buộc phải im lặng vì không thể để cô giáo lấy tội của tôi ra mà lảng tránh chuyện của An Nhiên được, cô ấy vẫn đang im lặng suy nghĩ cái lý do khiến cho mọi người đều muốn bắt nạt mình. Lúc đó tôi chỉ muốn bảo An Nhiên đừng suy nghĩ thêm gì nữa.

“Thưa cô, em cũng không biết lý do.”

“Không biết? Ý em là các bạn bắt nạt em không lý do? Em nghĩ ai cũng rảnh rỗi đi đánh một người vô cớ để bị tố cáo sao?”

“Các bạn thật sự có đánh em.”

“Nếu tất cả các bạn thật sự đánh em, có phải em nên xem lại bản thân mình không?”

“Tại sao ạ?”

“Em không thấy bản thân mình có vấn đề mới bị người khác đánh sao? Trong lớp không ai bị gì nhưng chỉ có em là bị nhắm tới, em mới là người cần xem lại thái độ của mình.”

Đến giờ tôi vẫn tự hỏi liệu đó có phải là lời nói của giáo viên hay không, cô giáo đang dung túng cho những đứa học sinh xấu tính đang ngồi bên dưới. Những đôi mắt dữ tợn đang hướng về phía An Nhiên như đang khẳng định cô ấy mới là người có tội.

An Nhiên chạy ra khỏi lớp và từ hôm đó tôi cũng không thấy cô ấy đến trường nữa, đầu óc tôi cứ mông lung vì không biết có phải do tôi nên mọi chuyện mới thành thế này. Nếu tôi không thúc đẩy An Nhiên đứng lên thì cô ấy đã không tủi thân đến mức phải bỏ học.

Đám học sinh xấu tính đó cũng chẳng bị trừng phạt gì, không còn An Nhiên ở lớp để bọn chúng bắt nạt nữa, chúng lại bắt đầu tìm kiếm nạn nhân mới. Theo lời kể của Minh Thư, bọn chúng không dám nhắm đến tôi vì sợ tôi sẽ lại đi tố cáo, Minh Thư sau lần đó cũng tuyệt giao với họ và cùng tôi đi tìm nhà của An Nhiên.

Tôi hỏi được địa chỉ nhà An Nhiên từ một người bạn cũ của cô ấy, khi đến nơi cửa đã bị khoá ngoài nên tôi và Minh Thư phải ngồi đó đợi, đến tầm xế chiều mới có một người đàn ông ở nhà bên cạnh đến hỏi chuyện.

“Tụi bây là bạn của con Nhiên hả?”

“Dạ chú, chú biết An Nhiên khi nào có ở nhà không chú?”

“Nhà nó chuyển đi rồi mà, nó không nói gì cho tụi bây biết hả?”

“Dạ không.”

“Ông nó vừa mất nên cha nó lên rước nó về quê rồi.”

“An Nhiên đi lâu chưa chú?”

“Mới về sáng nay, cha nó lên trường nói chuyện nó bị bắt nạt trong lớp rồi rút hồ sơ luôn.”

Tôi có hơi ngạc nhiên khi nghe ông chú đó nói về việc này, hoá ra An Nhiên vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục chống lại các lớp học thối nát đó, cô ấy vẫn muốn được đối xử công bằng nên đã không im lặng chịu đựng nữa.

“Chú nghe nói cha nó làm căng lắm, tội nghiệp con Nhiên, mẹ nó mất sớm nên nó phải thức khuya dậy sớm lo cho ông nó trong bệnh viện. Hôm nào chú cũng thấy nó về nhà mà quần áo cứ lấm lem hết trơn, hỏi nó thì nó nói bị té mà ngày nào chú cũng thấy nó bị trầy trụa tùm lum. Giờ mới biết nó bị bắt nạt.”

“An Nhiên không bị bắt nạt nữa là tốt rồi, cảm ơn chú đã nói với tụi con.”

“À khoan, tụi bây có biết nhỏ nào tên Yên Nhi thì đưa cho nó cái này, con Nhiên nó đi gấp quá nên không vào trường đưa trực tiếp được.”

“Dạ con là Yên Nhi nè chú, An Nhiên gửi gì cho con hả?”

Ông chú chạy vào trong nhà lấy ra một chiếc lọ thủy tinh bỏ đầy những con hạc giấy màu trắng trong đó, chú còn rất cẩn thận bỏ vào một cái giỏ cho tôi rồi chỉ vào con hạc giấy màu xanh dương duy nhất bên trong.

“Nó kêu chú dặn con phải mở con hạc giấy đó ra xem.”

“Dạ con cảm ơn.”

“Không có chi đâu, tụi bây lo về nhà đi. Đi về đường tối nguy hiểm.”

“Dạ thưa chú tụi con về.”

Dứt lời tôi cầm cái giỏ bỏ lên rổ xe rồi ngồi lên yên sau cùng Minh Thư về nhà, nó cũng tò mò nên ở lại xem An Nhiên gửi cái gì cho tôi. Hai đứa loay hoay mãi mới mở con hạc giấy ra được, đó là nét chữ của An Nhiên, cô ấy để lại lời nhắn cho tôi bên trong con hạc giấy.

“Yên Nhi, xin lỗi bà vì đi mà không báo trước nha, tui bận rộn lo đám tang cho ông nên không đến trường nói với bà được. Lọ hạc giấy này ban đầu là tui gấp cho ông tui nhưng ông tui lại muốn tui đưa nó cho một người cần đến nó hơn, tui đã nghĩ ngay đến bà. Cảm ơn bà vì đã bảo vệ tui suốt một năm nay, tui không biết phải trả ơn bà thế nào nữa. Trong đó là một nghìn con hạc giấy tương đương với một điều ước, tôi tặng nó lại cho bà mong là những điều bà mong muốn sẽ thành sự thật. Tôi cũng sẽ không yếu đuối để bị bắt nạt nữa nên bà cứ yên tâm nhé. Hẹn gặp lại.”

Tôi từng nghe một câu chuyện về hạc giấy, những đứa trẻ trong đó đã ngày đêm gấp hạc vì mong sẽ có được điều ước để bạn mình có thể khoẻ lại. Bọn trẻ ngây thơ nhưng lại biết giúp đỡ người bạn đang lâm bệnh nặng, tuy cuối cùng không gấp đủ và người bạn đó cũng qua đời nhưng số hạt giấy đó đã cho thấy tấm lòng của bọn trẻ. Lũ trẻ chỉ là mong bạn nó được khoẻ lại.

An Nhiên lại gặp phải hoàn cảnh trái ngược với đứa trẻ đó, cô ấy là người phải gấp hạc giấy và người cô ấy muốn cứu là người ông đang bệnh nặng. An Nhiên biết rõ điều ước chỉ là ảo tưởng nhưng vẫn cố gắng với hy vọng sẽ tạo ra kỳ tích, hoàn cảnh khó khăn đáng lẽ ra nên được giúp đỡ nhưng lại bị mọi người chà đạp hất hủi không thương tiếc. Họ đánh cô ấy, mắng chửi cô ấy bằng những lời lẽ rất thậm tệ nhất, biến cô ấy thành thú vui tiêu khiển chỉ vì họ muốn nhìn thấy cô ấy suy sụp.

Sau khi An Nhiên chuyển đi thì những người tham gia bắt nạt đã phải nhận hình phạt thích đáng, cha của An Nhiên đã đâm đơn kiện đến bộ giáo dục, vụ việc bạo lực học đường của lớp tôi được đưa lên cả báo đài. Cô giáo chủ nhiệm bị đình chỉ vô thời hạn vì bao che cho thói xấu của học sinh, cộng thêm tội chèn ép và không làm đúng chuẩn mực của một giáo viên nên có. Những hình phạt đó thật sự rất đáng với cô ta, đám bắt nạt An Nhiên đều bị hạ hạnh kiểm, đứa nhận hình phạt nặng nhất cũng đã bị buộc phải thôi học.

Trong tâm trí mỗi người luôn hiện hữu dã tâm trong đó, đó chính là phần thú tính mà họ luôn che giấu bên trong hay còn được gọi một cách khác đó là tính ác của con người. Chỉ cần thấy một người đau khổ hay buồn bã, họ đều sẽ cảm thấy vui vẻ thỏa mãn mong muốn người đó phải nhận thêm nhiều nỗi đau. Mặc dù nó chẳng có gì gọi là vui cả, những thứ đó chính là mặt tối của con người.

Nó chỉ tồn tại những thứ xấu xí và tiêu cực, nó khiến cho con người không thể điều khiển được bản thân mà làm tổn thương người khác. Nhưng đáng sợ hơn vẫn là, chính người đó lại cảm thấy vui vẻ trên nỗi đau của người họ đã làm tổn thương. Còn những nạn nhân của họ luôn phải chịu giày vò đến mức ám ảnh, người bị họ nhắm đến đã làm gì sai để phải chịu đựng những thứ đó?

Chứng kiến những chuyện mà An Nhiên đã gặp phải tôi mới hiểu thế giới này vẫn còn nhiều thứ rất đáng sợ, nhưng tôi rất vui vì bản thân chưa bao giờ là nạn nhân của những thành phần độc hại đó. Tôi cũng mừng cho An Nhiên vì đã thoát khỏi cái nơi không khác gì là địa ngục này. Có người xấu thì cũng có những người tốt, thế giới rộng lớn sẽ có rất nhiều yêu thương và che chở cho những nạn nhân đó, đôi khi chỉ là người tốt vẫn chưa đến lúc xuất hiện mà thôi.

-End-