Chương 1

Nhang đèn, người sống tế người chết.

Đôi khi là người chết đòi nợ người sống.

Chủ cửa hàng nhang đèn người tên Thất định sẵn ăn chén cơm cửa địa phủ. Lặn lội hai giới âm dương. Vén màn những sự thật đen tối đằng sau những sự kiện thần quái tâm linh.

Anh thi trong hũ vàng

Thiếu nữ trên sông

Quỷ trạch

Xương khô dưới áo lụa

....

Nợ dương cũng là nợ, phải trả.

Nợ âm cũng là nợ, càng phải trả.

Kẻ mang nợ không trả, nửa đêm có ma gõ cửa.

Halo mình là zanazana. Đây là truyện tâm linh đầu tay của mình. Truyện nói về huyền thuật, tâm linh, linh dị. Những thông tin và một vài địa danh trong truyện chưa hề được xác thực và chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Mọi người hoan hỉ đọc truyện ủng hộ mình nhaaa.

_____.

Rầm..

Tiếng sấm ầm lớn, một tia sét xẻ ngang trời. Mưa rơi ào ào, con đường hẻm chật chội thoát nước không kịp đã bắt đầu ngập.

Người thanh niên trẻ đứng trên bậc thềm cao gọi với vào trong:

- Thầy ơi, mưa to lắm. Đường lại ứ nước sình cả lên rồi. Mình đóng cửa nha thầy.

Trong nhà vọng ra tiếng đàn ông. Nom bộ đã có tuổi nhưng mà còn hãn lắm.

- Ừ thế đóng cổng chính đi. Để cái cửa ngách trong nhà nghe chưa. Khách đến họ còn có đường vào.

Người thanh niên vâng dạ nhanh nhảu đóng hai cánh cửa gỗ nặng trịch trước cổng lại. Xong chạy ù vào nhà đóng cửa gian ngoài, nhớ lời thầy còn để chừa cái cửa hông không đóng.

- Bác tổ trưởng sao không giải quyết cái cống nghẹt kia đi nhể. Hễ mưa là nó thoát nước không kịp thầy ạ. Hẻm thì hẹp mà cứ tù nước thì hôi phải biết.

Trong nhà, ông cụ hơn 60 tuổi vén cái mành trúc đi từ gian trong ra. Da dẻ hãy hồng hào mà tay chân nhanh nhẹn khoẻ khoắn lắm.

Ông Thất mới bảo:

- Ôi con ạ, nay thông mai lại nghẹt. Chả bõ người ta làm cái hẻm rộng ra còn tạm. À mà con để giấy bút lên bàn chưa đấy.

Cậu chàng đáp:

- Con để rồi thầy. Gần rằm tháng bảy, đông ghê thầy nhỉ.

- Ừ, nào dịp này là bận phải biết. Thôi vào nghỉ đi.

Cậu thanh niên vâng dạ rồi vào nhà trong. Ông Thất ngồi xuống ghế nhìn ra gian ngoài. Miệng lẩm bẩm liên hồi.

- Tháng cô hồn thì bận thật. Cơ mà sao mình thấy nó không yên. Sắp tới chắc loạn lắm đây. Thôi thì số nó vậy.

Nói rồi ông cũng tắt điện vào nhà.

Đằng trước bên cửa hông có bóng người đi vào, đến trườc bàn án viết hí hoáy một hồi lâu rồi đi. Trong chớp mắt đấy chả thấy bóng dáng đâu nữa. Mà tờ giấy trên bàn chậm chậm trên nền vàng chữ đen dần dần xuất hiện

"Hai tập giấy vàng, gạo muối, nhang nến, hoa oản mỗi loại một bộ. Ngày mùng ba có người tới nhận lễ. Bà cô Tổ Trần Thị Oanh."

Ông Thất - chủ cửa hàng nhang đèn Đằng Thất trên Đường Hoàng Tuyền. Gọi là đường Hoàng Tuyền vậy là do xưa kia hẻm này chuyên mua bán vàng mã quan tài, có nhà còn nhận làm ma chay tế lễ. Dân ở đây họ gọi là hẻm Yên mà sau người ngoài gọi Hoàng Tuyền mãi họ cũng gọi theo vậy cho tới giờ. Cái cửa hàng này của ông Thất cũng lâu lắm rồi, có người bảo là thấy nó từ trước thời cải cách đất nước cơ. Người trẻ thì họ không để ý gì, chớ mà người già trong khu hẻm thì kính ông Thất lắm, gọi là thầy Thất luôn.

Chục năm trước ông Thất ở một mình, sau người ta thấy ông ẵm đâu về thằng bé con bé tí gầy tong teo, ta tưởng nó sắp đi tới nơi luôn rồi. Ấy thế mà nó sống khoẻ mạnh cho tới giờ cũng mười tám mười chín rồi. Trắng trẻo ngoan ngoãn lắm. Hồi bé tí nó gọi ông Thất là ông rồi lại học đòi người lớn gọi thầy. Ông cụ thương nó lắm, có ngón nghề nào là dạy nó hết. Cho nó ăn học đàng hoàng mà nó học hết cấp ba bảo sao cũng không chịu học tiếp. Thằng bé ấy là người thanh niên trẻ kia, tên Phúc.

Để mà nói về ông cụ Thất, người lớn tuổi ở đây cũng chỉ biết chút chút thôi. Cơ mà người ta biết ông làm vàng mã, cũng làm thầy làm cô này kia. Còn ông thế nào họ cũng không rõ. Đôi khi mua vàng mã, nhờ ông xem ngày xem số cúng kiếng này kia thôi à.

....

Trong nhà, có lẽ lớn tuổi rồi nên hay nhớ về chuyện xưa. Nay ông Thất nằm trên giường mà lại hồi niệm từng chút về đời mình.

Thật ra ông là người Trung Quốc, bà nội ông là người Việt Nam ở vùng biên giới. Khi xưa bị đằng trai bên đó bắt đi. Không về được rồi ở bên đó luôn, bà hay kể cho con cháu về quê mình lắm. Nó rộng ra sao bà cũng không biết, bà cũng chỉ biết nói tiếng dân tộc mình. Cơ mà bà biết cái đất đó bà không về được nữa. Sau này ông thay bà về lại rồi ở đây luôn.

Hồi nhỏ ông theo cả nhà đi khắp nơi kiếm sống, âu cũng là cái thời chiến loạn. Cũng vào lúc ấy mà ông tiếp xúc với cái giới tâm linh này. Thời đó thì người chết nhan nhản ra đấy, ma cỏ cũng nhiều, gặp phải cũng dễ hiểu thôi. Đợt đó ông chết giả rồi cứ thể mà mở mắt âm dương luôn. Còn nhỏ, sợ quá thế là ông được bố mẹ gửi cho đạo sĩ nuôi. Cả nhà góp ăn cho đạo quán nhà người ta, cứ thế rồi ở chỗ đó luôn, không đi nữa.

Từ nhỏ học thuật học đạo vẽ bùa tróc quỷ, lớn dần cũng thành cái nghề. Lúc ấy mới biết mình ở Bình Thành. Đạo mình tu thờ Bắc Âm Phong Đô Đại Đế. Hành nghề mấy chục năm thì Trung Quốc qua chiến tranh bắt đầu vô cải cách đổi mới. Mà hồi đó đổi mới bên đó ghê lắm, người ta bà trừ phong kiến, mê tín khắp nơi. Ở không được nữa nên ông chạy xuống vùng Thục Trung.

Nơi này cũng là bước ngoặt mới của ông. Ở Thục Trung ông bốc mộ cho người ta kiếm cái ăn, hôm ấy lại bốc cái mộ cho người ta làm đường. Lúc ấy bốc mộ người ta cũng không kiêng kị gì, bởi người ta sợ chính quyền lắm. Mà khi ấy ông bốc thì đã biết có chuyện không hay, muốn ngăn người ta lại nhưng không được nên cũng xắn tay áo vào theo. Thiên sư cốt coi trọng nhân quả, mình nhìn thấy đã là cái nhân nên không thể làm ngơ được. Đưa quan tài ra rồi ông mới túa mồ hôi hột, quan tài bằng đá, đồ bồi táng theo cũng nhiều. Nhưng mà nói đây là mộ quý tộc thời xưa thì cũng không giống. Tại quý tộc người ta xem phong thủy mà hạ táng, đồ bồi táng theo cũng quý lắm. Nhưng đây thì lại quan tài đá, đồ chôn theo cũng chỉ bình lọ, thế mà lọt vô cái đống kia lại có rương đồng to lắm. Khi đó thì ai nghĩ đến đồ cổ hay gì đâu, dân họ sợ chính quyền cơ mà cốt tủy thì họ vẫn còn kiêng kỵ mấy cái người xưa dạy lắm. Ai nấy ngây ra chả biết xuống tay chỗ nào. Ông Thất thì mặt tái mét. Bởi ông biết đây chẳng phải mộ gì cả. Đây là một cái quan sát cục trong cái trấn cục nào đó. Người ta trấn cái gì mà quan sát cục âm khí tử khí đen ngòm như vậy.

Sợ nhưng mà đào lên rồi cũng phải dọn dẹp, người ta thắp cây nhang rồi khuôn dần đồ đạc đi chỗ khác để san đất. Còn ông Thất, ông cứ nhìn chằm chằm cái cấm chế ấy. Ở đây chỉ mỗi ông thấy phù văn chằng chịt trên quan tài đá, chằng chịt là thế mà vẫn mong manh lắm. Cái tử khí kia nó ăn mòn dần phù văn rồi, chực để mà thoát ra nữa thôi.

Về đến nhà mà ông cứ đứng ngồi không yên, mang cái kính bát quái ra thì nó quay vòng vòng. Ông mới cắn răng chuẩn bị đồ đạc rồi đi xem thử. Kiễm gỗ đào, gạo nếp, chỉ đỏ, chu sa, bùa chú và thêm mấy đồng tiền cổ sư phụ để lại cho ông. Trong tay nải còn có bức vẽ Phong Đô Đại Đế toạ trên quỷ đế ngũ phương.

Đến cái mộ lúc sáng thì kim trên la bàn bát quái mới yên lại chỉ cứng ngắc về một hướng trong núi. Ông Thất siết lại tay nải cầm là bàn hướng về phía đó mà đi. Càng đi mồ hôi càng tuôn ra như tắm, âm khí lạnh buốt toả vô người. Đâu đó còn có thi khí vờn quanh. Ông Thất căng muốn nứt con mắt, sợ hãi tràn lan trong lòng.

- Cái thứ đó, cái thứ đó nó ra rồi. Đứt mất một mắt quan sát trấn yểm. Nó ra rồi.

Nói rồi ông chạy như điên, la bàn trên tay đã nứt đi từ khi nào. Đợi đến lúc ông chạy đến trung tâm âm khí. Ba mươi lăm quan tài đá đã được ai moi lên xếp ngay ngắn nơi sườn núi. Máu trong người như đông lại, chân tay tê liệt cả. Ông Thất chỉ biết đứng trân trân ra đó.

"Trận đồ 36 quan sát cục từ thời nhà Tấn"

Truyện tình tiết chậm nên móng mọi người cho mình thời gian nhé.