Chương 11: Món nợ khổng lồ

Tôi hít một hơi thật sâu khi máy bay thông báo đã đáp xuống phi trường Zaventem ở Bruxelles. Tôi nhớ sáu tháng trước mình đã rất xúc động và tràn đầy hào hứng được đến Bỉ tu nghiệp hai tuần tại tập đoàn mẹ Van Lattel. Lần quay trở lại này, cảm xúc trong tôi thật khác lạ. Cũng hãng hàng không Singapore Airlines, cũng sân bay Zaventem, cũng bầu trời buổi sớm mai còn mờ sương ngoài cửa sổ. Và cũng sẽ là người "tài xế" ấy sẽ chờ rước tôi. Lần này, Jean không cần phải giơ cao tấm bảng ghi tên Nguyễn Phương Vy nữa. Nhưng anh sẽ không chở tôi về khách sạn Ibis sang trọng. Tôi không còn là nhân viên Van Lattel và tôi đến Bỉ cũng không phải để tu nghiệp vài tuần ngắn ngủi.

_ Chào mừng em quay lại nước Bỉ - Khi xe chạy ra khỏi phi trường, Jean mỉm cười nói – Nhìn em không được hào hứng lắm? Lần này không thấy ra lệnh cho anh mở kính xe để chụp hình rào rào như lần trước.

_ Em lo lắng – Tôi thú nhận – Thực sự, em cũng không biết mình có quyết định đúng không...

_ Đầu tư cho việc học không bao giờ là một dự án rủi ro – Jean trấn an – Can đảm lên!

_ Giờ em ôm một cục nợ khổng lồ - Tôi tiếp tục lải nhải – Biết đến bao giờ mới trả nổi...

Jean nhún vai không đáp, anh là khởi nguồn của sự việc khiến tôi đang bị áp lực. Có thể sau này khi thành công, tôi sẽ cảm ơn Jean không hết, nhưng nếu tôi thất bại...

_ Chúng ta đã bàn về chuyện này rồi mà – Jean cuối cùng cũng lên tiếng, giọng có vẻ lạnh – Em đã suy nghĩ kỹ, giờ chỉ còn một con đường là dấn bước theo hướng mình đã chọn. Càng bị lung lạc tinh thần bao nhiêu, em càng dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. Không ích lợi gì hết!

_ Em biết rồi – Tôi gắt lên – Nhưng lo lắng thì phải cho em rên lên chứ! Em có quen ai khác ở đất Bỉ này ngoài anh đâu. Mà rồi em cũng về Liège, đâu có ở Bruxelles gần anh. Anh khỏi sợ làm phiền.

_ Không sao, không phiền gì hết – Jean thật thà không nhận ra vẻ giận dỗi của tôi – Gặp khó khăn gì dù là nhỏ nhất, em cứ gọi cho anh.

_ Thôi, anh cứ để em tự lực cánh sinh – Tôi ngồi thẳng người lên – Em có trách nhiệm với cuộc đời mình chứ!

Bruxelles đang vào Thu, những chiếc lá treo lơ lửng trên cành, màu xanh đang đổi sang sắc đỏ và đôi chỗ đã dần chuyển sang vàng sậm. Giá mà tôi có vài ngày ngắn ngủi ở lại Bruxelles cho thư thả, trước khi "lao đầu" vào cái dự án kéo dài một năm ở Bỉ. Dự án mà tôi phải vay mượn mười lăm ngàn euros, tức là gần nửa tỷ đồng, để quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Sáu tháng trước, sau khi hoàn thành hai tuần tu nghiệp, Jean chở tôi ra phi trường Zaventem về nước. Trong lúc chờ ra máy bay, tôi buộc miệng thổ lộ đang nuôi mộng du học. Tôi ước sẽ tìm một học bổng nào đó, bán phần cũng được, để sang châu Âu. Nhìn tôi thở dài não nùng, Jean ngạc nhiên "Ước mơ đẹp đó, sao thấy oải vậy?". Tôi thú nhận mình có thành tích học Đại học cũng tầm tầm, không thuộc hàng xuất sắc, không có bảng điểm đẹp. Trình độ ngoại ngữ thì chỉ tà tà, tuy nghe nói tiếng Anh lưu loát vì đã đi làm hai năm, được tiếp xúc với người nước ngoài, nhưng thực chất ở Việt Nam có rất nhiều bạn đạt điểm TOEFL, IELTS, GMAT... cao ngất ngưỡng. Các bạn ấy cũng đang ngày đêm hăm hở săn học bổng. Tôi tự biết lợi thế cạnh tranh của tôi quá thấp. Cả năm qua tôi cũng đã tìm tòi, đã nộp hồ sơ nhiều chương trình và đều nhận được những lời từ chối. Thực ra tôi đang nản và có ý bỏ cuộc, nhưng sang Bỉ lần này, được làm việc trong Van Lattel hiện đại, tôi lại bùng cháy giấc mơ được đi học.

_ Nếu em thực tế, tự biết mình không có khả năng tìm học bổng – Jean nói nhẹ tênh – thì đi du học tự túc vậy!

_ Tự túc? – Tôi cười phá lên cay đắng – Nếu gia đình em có khả năng cho đi học tự túc, thì em khổ sở săn lùng học bổng cả năm qua làm gì?

_ Đâu phải mọi gia đình đều có khả năng, thì mình vay mượn ngân hàng hay một tổ chức nào đó. Sau này đi làm trả nợ dần dần – Jean hào hứng – Anh cũng mượn tiền để học MBA hai năm ở Stanford.

_ Sao? – Tôi há hốc – Không phải anh là cháu nội của ông chủ tập đoàn Van Lattel thì được gia đình đài thọ hết sao?

Jean ngớ người rồi chợt cười xòa. Anh nhận ra tôi không hiểu gì về tình hình châu Âu. Jean kể ở phương Tây, cha mẹ luôn muốn con tự lập và có những quyết định của riêng mình. Chưa bao giờ gia đình Jean giao vào đầu anh ý nghĩ sẽ thừa kế cả cơ ngơi Van Lattle. Anh phải tự chứng minh năng lực trước khi được mọi người tin tưởng. Vả lại, tập đoàn Van Lattel không chỉ thuộc sở hữu của gia đình anh mà của Hội Đồng Quản Trị, tất cả mọi quyết định về chiến lược đều bị cổ đông chi phối. Ai có cổ phiếu cao thì có tiếng nói mạnh. Mọi việc đều thuận theo luật thị trường. Ông nội Jean có công sáng lập Tập đoàn, nhưng trong suốt mấy chục năm qua, công ty đã trải qua vài lần sáp nhập với nhiều cổ đông quan trọng khác. Van Lattel không phải là công ty gia đình, được điều phối theo kiểu cha truyền con nối. Thời sinh viên Jean cũng phải đi làm thêm kiếm tiền bỏ túi, anh cũng nhận rửa xe cho chính ba của mình để nhận thù lao vài euro.

Khi Jean muốn đi du học ở Mỹ, anh mượn tiền của tập đoàn Van Lattel. Với cam kết tốt nghiệp quay về công ty làm việc anh sẽ trả dần, hiện lương hàng tháng của Jean vẫn đang bị trừ. Anh đang ôm một món nợ khá lớn, vì học phí của một khóa MBA ở Stanford là rất cao, cộng thêm tiền ăn ở trong vòng hai năm lên đến gần hai trăm ngàn đô la Mỹ.

Thật ra trong tập đoàn, có những trường hợp được cho đi học MBA, do công ty đài thọ hoàn toàn. Những trường hợp đó rơi vào các nhân viên kỹ thuật, những người rất giỏi về chuyên môn nhưng không có kiến thức về quản trị doanh nghiệp. Nếu nhận ra họ có tiềm năng làm quản lý, sẽ được cất nhắc vào những vị trí quan trọng, tập đoàn sẽ đầu tư cho họ đi học MBA. Nhưng họ cũng chỉ được học tại Bỉ, không có chuyện được ưu ái gởi sang tận Mỹ.

_ Chắc em cũng không biết để được nhận vào học ở Stanford là phải rất giỏi – Jean tự hào – Bằng MBA ở đó rất uy tín. Ba phần tư bạn học của anh cũng đều mượn tiền đi học. Mà họ đã từng đi làm trên dưới mười năm. Có người còn dắt theo vợ con.

_ Thật sao? – Tôi càng thấy mình giống con ếch – Nhưng biết đâu khi đi học về, họ không tìm được việc, sao có thể trả nợ? Tình hình kinh tế của cả thế giới thì đang khủng hoảng...

_ Biết vậy, nhưng phải cân nhắc thôi – Jean trầm ngâm – Thật ra đa phần đều xin nghỉ làm không lương để học MBA, khi tốt nghiệp xong họ có thể quay về công ty cũ. Anh cũng vậy, trong thời gian đi học, anh không nhận một đồng lương, lại còn tiêu xài biết bao nhiêu tiền ở Mỹ. Nhưng anh luôn tự hào về kiến thức anh đã nhận, và chưa bao giờ thấy hối hận vì chuyện đi học.

_ Ở Việt Nam, nếu phải vay mượn ngân hàng thì đều là vì những việc vô cùng hệ trọng – Tôi thở dài – Chứ ai mà mượn tiền để đi du học! Gia đình em lại đang mượn ngân hàng tiền mua nhà, lãi suất lên đến 22% một năm. Kinh khϊếp quá!

_ Lãi suất cao vậy sao? – Jean đớ người – Vậy em mượn tập đoàn Van Lattel đi! Anh sẽ nói chuyện với phòng Nhân Sự về trường hợp của em. Em sẽ được mượn tiền để đi du học, lãi suất chỉ tượng trưng chừng một phần trăm một năm thôi. Em sẽ phải ký cam kết, khi học xong về làm việc lại trong tập đoàn trong vòng hai hay ba năm gì đó.

Jean gieo vào đầu tôi một giải pháp mới, tôi như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm cho dự án du học trời Tây của mình. Trên suốt chuyến bay quay về Việt Nam lòng tôi ngổn ngang, có lẽ tôi nên nghe theo gợi ý của Jean để có điều kiện được du học. Nhưng rồi khi về đến nhà, nhìn cảnh ba mẹ tôi còn quá vất vả, tháng nào cũng phát sốt với số tiền phải trả ngân hàng cho căn nhà nhỏ xíu của chúng tôi, cộng thêm tiền học phí cho đứa em trai mới vô Đại học và trăm thứ tiền khác, tôi thấy ý định mượn tiền đi du học của mình thật ích kỷ.

Trước kia gia đình chúng tôi sống trong một căn nhà nhỏ nằm ở hẻm sâu lại thường xuyên khổ sở vì cảnh nước ngập. Thấy bà nội đã già, ba mẹ tôi quyết định mượn tiền ngân hàng trả góp để bù tiền đổi sang căn nhà khác tiện lợi hơn. "Đến lúc bà nội trăm tuổi già, còn có chỗ khang trang, sạch sẽ mà làm đám cho bà nội đỡ tủi" – Ba tôi nói – "Lãi suất ngân hàng cao thật, nhưng không mượn thì cũng không biết chừng nào mới có căn nhà đàng hoàng để ở. Đành vậy!"

Hiện tại tiền lương của tôi cũng còn rất khiêm tốn, tôi chỉ góp tiền chợ cho mẹ, đóng tiền học Anh văn cho em trai và tiêu xài cho những nhu cầu cá nhân là hết sạch. Mất ngủ suy nghĩ thêm vài đêm, tôi quyết định dẹp ước mơ đi du học của mình vào tủ khóa lại.

Trở lại nước Bỉ trong một quyết định khó khăn lần này, tôi thấy mình như già đi cả chục tuổi. Giờ nghĩ lại cảnh cách nay chỉ mới sáu tháng, tôi còn õng ẹo chụp hình "tự sướиɠ" ở Bruxelles để cho Jean bắt gặp mà thấy như đã lâu lắm rồi. Tôi không còn là cô gái nhí nhố nữa, khi đang gánh món nợ mười lăm ngàn euro và cam kết "bán mình" cho tập đoàn Van Lattel trong vòng ba năm.

_ Anh đưa em ra ga – Jean dặn dò – Rồi em tự mình đáp xe lửa về Liège nhé. Đến nơi, em đón taxi về ký túc xá. Sáng mai thì vô trường xác nhận nhập học liền. Sau đó ra sở di trú khai tên để xin làm "carte de séjours", một loại thẻ căn cước tạm thời cho người nước ngoài định cư trên sáu tháng. À, nhớ ra ngân hàng xin mở tài khoản cá nhân. Có số tài khoản rồi thì báo ngay cho phòng Nhân Sự của Van Lattel để họ rót tiền vào cho em. Rồi phải đi mua bảo hiểm nữa. Nhớ là đi đến đâu thì đem theo sẵn tất cả hồ sơ giấy tờ của em. Phải xong ba cái thủ tục hành chính thì mới yên tâm học hành được.

_ Anh đã lên danh sách những việc cần làm ngay cho em rồi mà – Tôi vừa buồn cười vì vẻ lo lắng của Jean vừa thấy ngán hành trình làm giấy tờ sắp tới – Giá mà em học ở Bruxelles, có gì nhờ anh giúp dễ hơn nhỉ...

_ Thì chính em khăng khăng đòi học ở Liège chứ ai – Jean thật thà – Liège có gì đẹp đâu, thua xa Bruxelles, lại còn không quen biết ai hết.

_ Thì... thì... - Tôi lập lại lý do giả tạo của mình – Em muốn biết thêm một thành phố khác của vương quốc Bỉ. Vả lại trường Đại học Liège là trường công thuộc loại lâu đời và uy tín nhất châu Âu.

_ Thôi đừng quá lo lắng – Jean ân cần – Để anh tìm xem có ai quen, người đàng hoàng, đáng tin cậy sống ở Liège, anh sẽ nhờ hỗ trợ em trong những trường hợp cần thiết.

Tôi nhìn Jean cảm kích. Anh không biết lý do thật sự tôi muốn lánh Bruxelles đến Liège học. Tôi ngại ở Bruxelles gần gũi nhau nhiều, Jean sẽ có điều kiện "đu" theo tôi.