Chương 19: Tình trạng "Quá tải"

Dù tự nhận định việc học không quá vất vả so với tưởng tượng ban đầu, tôi đã thật sự học tập nghiêm túc đến kiệt sức. Sáng nào tôi cũng thức rất sớm, khi ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối đen. Có hôm, mưa tí tách đập vào khung kính và gió rin rít gào rú rợn người. Thường tôi thức dậy là "rê mông" từ giường qua bàn học, ngồi làm liền một hơi bốn năm bài tập Kế toán mới nghe tiếng Pascale đi nhà vệ sinh xả nước ầm ầm. Chị phải ra khỏi nhà từ rất sớm, vì chị thường hay đi học tận thị xã bằng xe lửa. Trường Đại học Liège còn thêm vài cơ sở nuôi trồng thủy hải sản, các khu vườn thí nghiệm, những phòng lab khoa học, những trang trại thú y nằm rải rác khắp các thị xã lân cận.

Sau khi Pascale ra khỏi nhà lúc sáu giờ rưỡi, đến lượt các anh chị khác trong nhà mới thức dậy, sửa soạn nấu nướng, cụ bị cơm hộp chuẩn bị lên trường. Hầu như ngày nào họ cũng phải lên đồi Sart-Tilman để vừa làm việc trong phòng lab, vừa viết luận án Tiến sĩ. Chỉ có tôi là học Cao học, được chọn các tín chỉ theo sở thích. Tôi lên lớp chỉ vài buổi trong tuần, chủ yếu là tự học tại nhà hoặc lên thư viện.

Thời gian đầu nếu không có giờ học trên giảng đường, tôi hay lên thư viện ngồi cho có không khí, phần tôi cũng ngại ở nhà một mình, cảm giác cô đơn choáng ngợp khiến tôi bải hoải không học nổi. Nhưng chỉ vài tuần sau, tôi thích yên tĩnh ở nhà, "ngồi đồng" làm bài tập đến tận trưa mới mò ra bếp ăn cơm. Cơm đã được các anh chị trong nhà thay phiên nhau nấu từ sớm, dù chẳng ngon lành gì nhưng vì không tốn thời gian cho việc bếp núc, tôi không càm ràm tẹo nào, chỉ bỏ thức ăn vào lò vi sóng hâm nóng rồi ăn vội cho "qua ngày đoạn tháng".

Thỉnh thoảng chán cơm thèm... pizza, tôi khoác áo, đi bộ ra Place Saint Lambert tìm mua một góc pizza rồi vừa đi vừa ăn. Sau buổi ăn trưa đạm bạc mà anh em trong nhà hay đùa là "ít đạm nên tốn ít bạc", tôi ngủ một giấc đúng nửa tiếng, để đồng hồ báo thức dậy học bài tiếp. Quả là quá trình hai năm đi làm trong Van Lattel cho tôi một tác phong làm việc chuyên nghiệp. Tôi xem chuyện học vừa là công việc vừa là thú vui nên dù mỗi ngày học đến mười hai tiếng đồng hồ, tôi ngạc nhiên nhận ra mình vẫn trụ vững, điều mà khi còn ở Việt Nam tôi chưa bao giờ hình dung nổi.

Ngoài ra, tôi hiểu rõ người Bỉ yêu cầu cao ra sao trong mỗi việc dù nhỏ nhất, tôi đã áp dụng nguyên tắc đó vào từng bài tập của mình. Hồi còn học Đại học ở Việt Nam, tôi không bỏ hết công suất vào chuyện học, mọi thứ đều rất amateur, quá sơ sài và nghiệp dư mà tôi cứ ngỡ như thế là đủ rồi. Giờ tôi học hành pro hơn rất nhiều. Ngay cả các giáo sư khi nhận bài tiểu luận của tôi cũng có lời khen là tôi làm bài rất chuyên nghiệp, hơn hẳn đám sinh viên Bỉ học thẳng từ Đại học lên. Giờ tôi mới thấy quí hai năm mình được làm việc trong môi trường tuyệt vời ở Van Lattel. Tôi đã dám khẳng định: từ môi trường doanh nghiệp trở ngược về giảng đường rất lợi thế.

_ Thấy em học hành suôn sẻ vậy chị cũng mừng – Chị Linh thật thà – Chị đứng ra "gây quỹ" khuyến học cho em nên có phần hồi hộp. Khi nào em có điểm thi những môn đầu tiên, nhớ cho chị biết để báo tin cho họ hàng nhe!

_ Thật ra, nhiều lúc em cũng thấy oải – Tôi thú nhận – Mục đích của em sang đây không chỉ là học...

_ Biết rồi! – Chị Linh cười thấu hiểu – Em còn muốn "vụ kia" nữa!

_ Vụ kia là vụ gì? – Tôi tự dưng cáu – Ý em nói là ngoài chuyện học em còn muốn enjoy nhiều hơn cuộc sống ở châu Âu. Em muốn có thời giờ đi du lịch bụi, muốn kết bạn nhiều hơn với người Bỉ, muốn tham gia vào những hoạt động cộng đồng...

_ Chừng nào thư thư, nghỉ lễ nào đó – Chị Linh đề nghị - Thì qua Pháp chơi với gia đình chị. Chị trả lại tiền xe lửa cho.

_ Thôi, qua Paris em sợ gặp người quen – Tôi rụt vai, đỏ mặt.

Hôm gặp lại Quang, tôi cứ suy nghĩ mãi về những lời anh nói. Thật sự Quang không "có ý gì" khi lần đầu gặp tôi ở Van Lattel. Anh chỉ muốn cùng đi dạo Bruxelles với tôi, chỉ cho tôi những nơi cần chiêm ngưỡng. Nhưng rồi ánh mắt cảnh giác, những lời nói ác cảm sâu xa với Việt kiều của tôi làm anh thấy bực. Quang cũng chỉ định trêu ghẹo tôi cho không khí thân mật hơn, nào ngờ, càng đùa, tôi càng ghét anh thậm tệ.

_ Chắc em từng là nạn nhân của Việt kiều – Quang nhún vai – Hoặc em nghe quá nhiều định kiến về Việt kiều. Dân tộc nào cũng có người tốt người xấu. Văn hóa nơi nào cũng có điểm hay điểm dở. Em cứ khăng khăng nói Việt kiều xấu xa, thì anh cũng có lý do để ghét người trong nước.

_ Sao? – Tôi hỏi lại – Người trong nước toàn là nạn nhân của Việt kiều...

_ Em không biết đó thôi – Quang nhướng mày, cố gắng bình tĩnh, chậm rãi giải thích – Bao nhiêu Việt kiều về nước làm ăn bị đối tác lường gạt do không thông hiểu luật lệ. Cũng có rất nhiều Việt kiều về nước muốn cưới vợ đàng hoàng nhưng lại gặp phải những cô gái lợi dụng. Nói chung, bên nào cũng có thể là nạn nhân.

_ Thật sao? – Tôi bắt đầu bị thuyết phục.

_ Đương nhiên – Quang mệt mỏi – Tại em toàn đọc báo trong nước chửi Việt kiều, nói chuyện theo kiểu bênh vực một bên như vậy đâu có công bằng.

_ Thật ra gia đình em có đông bà con họ mạc là Việt kiều lắm – Tôi thành thật – Cũng có người tốt, dĩ nhiên cũng có người cà chớn. Thế hệ sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở nước ngoài như anh thì em ghét hơn cả.

_ Vì sao? – Quang bất bình.

_ Vì... em ganh tị - Tôi thú nhận – Cùng là người gốc Việt, cùng một độ tuổi, nhưng khi Việt kiều làm việc trong các công ty lớn thì đều là expatriate, lương cao ngất, quyền hành mạnh, được các sếp Tây tin dùng. Bất công cho những nhân viên sinh ra và lớn lên tại Việt Nam quá!

Quang không tìm ra lời nào để đáp nhưng gương mặt anh lộ rõ vẻ bất mãn. Trong phút chốc có thể anh thấy vọng vì tôi quá thiển cận nhưng tôi không hối hận về những gì mình nhận xét. Cuối cùng, Quang uống ực cạn ly nước suối rồi cố gắng nói tiếp.

_ Em đã làm việc vài năm trong Van Lattel, giờ em lại đang du học ở Bỉ. Em hãy công bằng nhìn nhận, chất lượng giáo dục ở châu Âu cao hơn rất nhiều so với Việt Nam. Phải vậy không?

_ Phải! – Tôi thú nhận – Ý anh là Việt kiều trẻ với nền giáo dục ở phương Tây khi về Việt Nam làm việc, chắc chắn là phải được trọng vọng hơn người thụ hưởng nền giáo dục thuần Việt? Vì thế, ganh tị với Việt kiều là lố bịch?

_ Đúng đó! – Quang bật cười – Em dùng rất đúng từ, lố bịch!

Tôi cũng phì cười, giải thích thêm với Quang vì mình từng gặp rất nhiều Việt kiều trẻ có thái độ hách dịch, đâm thọt đồng nghiệp Việt Nam, bợ đỡ sếp Tây. Họ đúng là Việt gian thời hiện đại. Tôi cũng thú nhận mình cảnh giác với Quang ngay từ những ngày đầu mới quen nhau vì thấy anh... đẹp trai quá.

_ Em tự biết mình không có tí kinh nghiệm nào với đàn ông con trai – Tôi nói luôn một lèo – Nên cũng tránh tiếp xúc với những người nằm trong vòng "nguy cơ cao". Anh không những đẹp trai lại còn tự hào về "nhan sắc" của mình không che giấu. Đàn ông mà tự hào thái quá về vẻ bề ngoài của mình, em thấy đáng ngại!

_ Thật sự, anh cố ý chọc em thôi – Quang cười to – Chứ bình thường anh cũng không ý thức được mình đẹp trai. So với tụi Tây bên đây, anh có đẹp gì cho cam.

Cả hai đều cười, không khí có phần thân thiện hơn với những lời thú nhận thẳng thắn. Đột nhiên Quang trầm hẳn, anh lại nhìn sâu vào mắt tôi, chuẩn bị nói điều gì đó quan trọng và khó khăn. Thái độ của anh làm tôi ngại ngùng. Tôi tản lờ ánh mắt hút hồn người đối diện của Quang, nhìn ra ngoài cửa sổ "Thời tiết chán quá! Mưa hoài. Vậy mà cuối tuần này em và những anh chị cùng nhà định lấy xe lửa đi Luxembourg chơi..."

_ Em có biết mình xinh không? – Quang đột ngột hỏi.

_ Hả? – Tôi suýt bật ngửa – Xinh?

_ Chưa ai nói với em là em xinh sao? – Quang bật cười trước thái độ của tôi.

_ Cũng có mấy anh bạn người châu Phi – Tôi bình tĩnh lại – Em biết em xinh chứ! Đúng ra, em biết mình cũng... có phong cách!

Nói xong tôi đỏ rần mặt làm Quang cười to không ngớt. Anh gật đầu đồng tình, tôi tuy không sắc nước hương trời nhưng cũng xinh xinh được được. Điều làm tôi thu hút anh quả là do "phong cách" ngộ nghĩnh cứ hay cảnh giác đàn ông, xù lông lên giận dữ rồi lại giả vờ hiền lành ngây thơ. Quang nói chưa từng thấy cô gái nào "quái quái" như tôi, rất tự tin về bản thân nhưng lại hiện ra mình khá e dè trước người khác phái. Tôi vừa có một mặc cảm nào đó, lại vừa rất chảnh chọe.

_ Em không ý thức được mình xinh – Quang cố gắng lý giải – Nhưng lại vô cùng kiêu hãnh vì những giá trị riêng nào đó, chỉ có ai tinh ý mới đủ khả năng nhìn ra. Và em đang chờ một hoàng tử xứng đáng, nhìn thấu những giá trị độc đáo của riêng mình!

_ Trời ơi! – Tôi đỏ mặt la lên – Đừng có làm thầy bói phán lung tung.

_ Anh không làm thấy bói – Quang trở nên nghiêm trang quá thể - Anh đã nhìn ra những giá trị của em...

_ Ồ không! – Tôi la lên – Đừng nói anh là hoàng tử em đang đi tìm! Em xỉu mất!

Quang đưa tay lên trời, cười, không nói gì thêm dù ánh mắt lộ rõ anh muốn khẳng định "Chính anh đây". Tôi cố tản lờ, xoay qua nói chuyện thời tiết, chuyện học hành rồi đột ngột nói phải lấy xe bus xuống trung tâm Liège. Quang muốn mời tôi cùng ăn trưa, khẳng định sẽ trả tiền nhưng tôi từ chối với lý do mình có hẹn với bạn cùng làm bài tập rồi. Anh lại nài nỉ chúng tôi có thể lại gặp nhau vào buổi tối, cùng ăn chung trước khi anh lái xe quay về Paris. Tôi cũng viện cớ mình có lớp học Pháp văn, tối đó phải thi kiểm tra.

Cuối cùng, Quang buồn buồn hẹn "Vậy thôi, dịp khác mình gặp lại. Chừng nào anh đi công tác sang Bỉ anh sẽ gọi điện trước cho em. Hoặc nếu em đến Paris, nhớ liên lạc nhé. Anh sẽ dắt em đi chơi. Em chưa biết Paris mà, phải không?". Tôi hứa đại rồi lao đầu chạy ra bến xe bus. Quang đuổi theo xin số điện thoại di động và địa chỉ e-mail rồi đành vẫy tay chào tôi. Trên xe tôi ngoái lại nhìn, thấy Quang xụi vai buồn bã, mưa đang lất phất mà anh không hề cầm theo một cái ô. Tôi thở dài, nghĩ mình cũng quá đáng.

Nhưng tôi đã bị "quá tải" trước những lời thú nhận của Quang rồi.