Chương 3: Gà Mái Già Hầm Nấm Đỏ

Chu Toàn ủ rũ cụp đuôi theo cậu cả vào nhà. Trong phòng phía đông, bà dì của Chu Toàn đang nhét thêm củi vào lòng bếp, mợ cậu thì ở trong phòng bếp thái thịt, xắt rau.

Nghe tiếng bước chân vào nhà, bà dì của Chu Toàn ngẩng đầu. Vừa thấy là Chu Toàn, bà cụ sắp 80 tuổi cười tươi đến mức lộ hết cả răng giả trong miệng ra. Bà lão thấp bé đang ngồi trên đệm hương bồ cẩn thận đứng lên rồi bước như bay về phía Chu Toàn.

Chu Toàn thấy thế vội vàng tiến lên, cậu biết bà dì tuổi lớn, chân cẳng đã bắt đầu có chút không tiện.

Đã rất lâu không gặp Chu Toàn, bà cụ dùng tay xoa vuốt khắp mặt Chu Toàn, vừa nói cậu gầy vừadùng mu bàn tay lau nước mắt của mình.

Bà nội Chu Toàn mất sớm, lúc cậu học tiểu học thì cha mẹ cũng gặp tai nạn lao động mà qua đời. Chu Toàn gần như là lớn lên ở nhà bà dì nên bà rất thương cậu, chẳng kém cháu ruột của mình chút nào.

Chu Toàn đưa bánh kẹp phục linh cho bà dì, thuốc lá cho cậu cả rồi đỡ bà dì vào phòng, vừa đi vừa an ủi: “Bà dì, con lớn lên chứ không phải gầy, mặt chỉ là không mũm mĩm như hồi nhỏ mà thôi.”

Bà cụ nghe vậy dùng bàn tay thô ráp sờ mặt Chu Toàn lần nữa, không quá tin tưởng nói: “Rõ ràng là gầy đi, lần trước bà sờ vẫn còn thịt đấy. May mà bà có hầm gà mái già cho con, lúc nữa phải ăn nhiều vào.”

Ở trong thôn, gà mái quý hơn gà trống, vì gà mái có thể đẻ trứng. Lúc trước kinh tế không tốt, dầu muối xì dầu dấm trong nhà thôn dân đều phải dùng trứng gà đổi về cả. Hơn nữa, trong mắt người già, gà mái già là bổ nhất, có dinh dưỡng hơn mấy con gà trống mới nuôi một hai năm đã gϊếŧ nhiều. Cho nên ở đây, gà mái già đẻ trứng đều dùng để điều dưỡng thân thể cho người ở cữ hoặc bị bệnh.

Tuy hiện tại kinh tế phát triển, ăn thịt gà cũng không phải chuyện khó khăn gì, nhưng trong nhà bà dì, chỉ có lúc Chu Toàn tới thì bà dì mới tự mình đi chọn gà mái già rồi hầm nấm.

Đỡ bà dì vào phòng, Chu Toàn nhìn thoáng qua rồi hỏi: “Ủa, anh Văn Lễ còn chưa về.”

Cậu cả kẹp cây thuốc lá vào phòng nghe vậy nói: “Chuyến xe cuối cùng trong tuyến đường nó lái phải hơn 6 giờ mới xuất phát, mỗi lần nó làm ca chiều về nhà đều phải gần 8 giờ cơ. Không cần chờ nó đâu.”

“Muộn thế cơ ạ, một ca dài lắm hả cậu?”

“Cũng không quá dài, có ca sáng với ca chiều. Xe bus chạy vùng ngoại ô trong thành phố chúng ta cũng chỉ có tuyến đó là đông, người nhiều nên tan ca cũng muộn.”

Chu Toàn vừa nói chuyện vừa mở một túi bánh kẹp phục linh ra, lấy cái bánh màu trắng gạo to bằng bàn tay bên trong ra đưa cho bà dì: “Bà dì, đây là đặc sản ở thủ đô, bánh kẹp làm từ phục linh, nghe nói bổ lắm.”

Ở bên kia, cậu cả cũng không khách khí với cháu ngoại mình, ông cầm cây thuốc Trung Nam Hải nhìn nhìn rồi nói: “Ái chà, đây là Trung Nam Hải hả? Trước giờ chỉ nghe qua chứ chưa thấy qua bao giờ. Nghe nói các lãnh đạo ở Trung Nam Hải đều hút cái này, cậu phải nếm thử xem nó có vị gì mới được. Hôm nay nhờ phúc thằng nhóc con, cậu cũng hưởng thụ đãi ngộ của các vị lãnh đạo Trung Nam Hải một phen.”

Đáng tiếc cậu cả còn chưa kịp mở cây thuốc thì mợ cả đang chuẩn bị cơm chiều trong bếp đột nhiên đến gần phòng gọi: “Lão Trần, nước tương trong nhà hết rồi, ông mau ra nhà Nhị Long ở cửa thôn mua đi, chút nữa tôi còn phải dùng xào rau.”

Nhà Bảo Nhị Long mở tiệm tạp hóa duy nhất trong thôn, đương nhiên Nhị Long cũng không phải tên thật, chỉ là tên gọi ở nhà mà thôi.

Chu Toàn nghe vậy nói mình có thể đi mua nước tương, nhưng mợ vội nói: “Không cần, con không biết phải mua loại nào đâu, cứ để cậu con đi.”

Chu Toàn nghe vậy gãi đầu không nói nữa. Cậu nhớ hình như nhà Bảo Nhị Long chỉ bán hai loại nước tương, một là xưởng nông thôn tự pha chế, hai là xưởng nước tương rau muối của thành phố họ sản xuất, một chai nhựa chứa khoảng 200ml.

Xưởng nước tương thành phố sản xuất còn được, tuy hương vị kém hơn các nhãn hiệu nổi tiếng nhưng tốt xấu gì cũng là sản phẩm đã trải qua xét duyệt kiểm nghiệm. Loại ở xưởng nông thôn thì chỉ là nước muối trộn màu thực phẩm mà thôi, ăn vào ngoài vị mặn ra thì chẳng còn gì nữa cả.

Cho nên hai loại nước tương có cái gì mà chọn? Chẳng lẽ là mình nhiều năm không về, tiệm tạp hóa nhà Bảo Nhị Long có hàng mới?

Ngẫm lại cũng có lý, rốt cuộc so với các thôn khác thì điều kiện kinh tế của thôn Hai Họ cũng không tồi, cho nên tiệm tạp hóa mở rộng kinh doanh cũng coi như hợp tình hợp lý.

Cậu cả ngoan ngoãn ra ngoài mua nước tương, Chu Toàn tranh thủ lúc mợ ra khỏi bếp nhét một miếng bánh kẹp phục linh vào tay bà.

“Mợ cũng nếm thử đi, đây là đặc sản ở thủ đô đấy.”

Mợ cả nghe vậy cũng cắn một miếng rồi nói: “Hương vị rất thanh đạm, chắc là bà cụ thích ăn lắm đây.”

Mợ cả nói quá đúng, chỉ mới vài phút mà bà dì của Chu Toàn đã ăn xong miếng bánh kẹp phục linh đầu tiên, bây giờ đang rất thản nhiên ăn miếng thứ hai.

Chu Toàn thấy thế cười, cậu đẩy hết chỗ bánh phục linh còn lại về phía bà dì rồi nói với mợ: “Mợ cả, mấy hôm nữa Văn Quyên có về không? Con mua hai bộ sảm phẩm dưỡng da, một bộ của mợ một bộ của Văn Quyên. Nhưng mà hành lý nhiều quá nên con gửi chuyển phát nhanh qua bưu điện, địa chỉ viết chỗ làm của Văn Quyên, chắc mai kia là đến, hai người thử xem dùng tốt không.”

Trần Văn Quyên là em gái của Trần Văn Lễ muội muội, em họ Chu Toàn, tốt nghiệp cấp 2 xong thì học ở trường vệ sinh dịch tễ thành phố, sau đó làm y tá trong bệnh viện huyện.

Chu Toàn và cô em họ hoạt bát này rất thân thiết nên trước khi đi nhắn tin báo cho cô biết quà cho cô và mợ cả đã được đóng gói gửi bưu điện về, đỡ sợ nhét vào hành lý rồi lại vỡ nát.

Mợ cả nghe vậy cười nói: “Chỉ có A Toàn mới cẩn thận thế, thằng ranh Văn Lễ kia chẳng thèm quan tâm mẹ với em dùng cái gì chăm da. Thuốc bổ xương khớp năm trước con gửi cho bà cũng tốt lắm, bà cụ nói uống xong đỡ đau hẳn.”

Sau khi bà dì lớn tuổi thì mắc viêm khớp, Chu Toàn nghe Văn Quyên kể xong thì mua axít amin, đường glucose và canxi gửi về. Cha của một đồng nghiệp của cậu là bác sĩ khoa chỉnh hình ở bệnh viện lớn, nói mấy thứ này có tác dụng rất tốt đối với việc trị liệu và giảm viêm xương khớp.

“Thế thì tốt quá, bác sĩ nói canxi phải uống liên tục, axít amin với đường glucose thì một năm uống hai ba tháng là được. Sang năm con lại mang về cho bà dì.”

“Không cần, trong nhà vẫn giữ hộp thuốc, chờ lúc cần uống cầm đến tiệm thuốc hoặc bệnh viện chỗ em con là được.”

Lúc họ nói chuyện thì ngoài sân vang lên tiếng ong ong, chẳng bao lâu sau, một chiếc xe máy điện chở hai người xuất hiện. Đầu Hổ nằm trong chuồng vẫn không kêu mà chậm rãi đi ra, từ từ vẫy đuôi với hai người ngồi trên xa.

Cậu cả và anh họ Văn Lễ xách nước tương và rượu cùng đi vào nhà.

“Ấy, sao hôm nay con tan ca sớm thế?” Mợ cả nhìn đồng hồ treo tường kiểu cũ trong phòng mặt rồi hỏi.

“Đồng nghiệp biết hôm nay nhà mình có người thân về, thay ca giúp con nên về sớm.”

“Như vậy cũng được à? Đừng làm phiền người khác đấy.”

“Không phiền đâu, lúc trước vợ nó sinh con, con cũng thay ca giúp nó suốt mà, nhà ai mà chẳng có lúc bận rộn, giúp nhau một chút là chuyện thường.”

“ừ, thế con nói chuyện với A Toàn đi, mẹ vào bếp xào rau đây.”

Mợ cả làm việc cực kì nhanh nhẹn, ngoài nồi gà hầm nấm và bánh bột ngô nướng do bà dì tự làm thì mợ cả làm xong bốn món xào, một món nộm chỉ mất có nửa giờ.

Cậu cả đặt bàn giường đất tới chỗ bình thường ăn cơm. Chu Toàn và anh họ cùng đặt một cái mặt bàn tròn lên bàn giường đất hình vuông, sau đó vào bếp mang đồ ăn ra.

Mọi người đã lâu không gặp nói chuyện rôm rả, bà dì gắp cả hai cái đùi gà cho Chu Toàn, Trần Văn Lễ ở bên cạnh giả vờ lắc đầu thở dài.

Những người khác thấy thế cười ha ha, Chu Toàn cố ý gắp một cái đùi gà lên cắn một miếng to chọc tức hắn.

Nói thật, mỡ dưới da gà mái già rất nhiều, nếu làm không tốt ăn sẽ rất ngấy, mà bà dì lại không phải đầu bếp, chỉ là nấu nướng theo kiểu nông thôn mà thôi. Nhưng như thế cũng có chỗ tốt, nấm trong nồi gà hầm nấm này là một loại đặc sản ở quê.

Chu Toàn không biết tên khoa học của loại nấm này là gì, dù sao người già trong thôn ngoài thôn đều gọi nó là nấm đỏ nên đám trẻ cũng gọi theo như thế. Loại này nấm toàn thân đỏ sậm, dày mình, gần như không có mùi lạ, trong thôn thích dùng nó hầm chung với các loại thịt, tăng vị hút mỡ mà lại không át mất vị thịt.

Ví dụ như nồi gà hầm nấm này, mỡ đều bị nấm đỏ hút hết nên dù ăn da gà cũng không bị ngấy. Mà mỡ lại thấm đẫm nấm, bên trong miếng nấm đều là hương vị thơm ngon của thịt gà.

Cắn xuống đùi gà, răng xuyên qua da gà hơi dai, thịt gà chắc, giòn mà lại trơn mềm lập tức bị nuốt vào trong miệng. Hương vị tươi ngon đặc biệt của nấm quyện với mùi thơm của thịt gà làm mỗi lần nhai đều là một lần hưởng thụ.

Gà mái già hầm nấm ăn kèm với với bánh bột ngô nướng đặc chế của bà dì tràn đầy hương vị của nhà, Chu Toàn ăn đến hai bên quai hàm đều phồng lên.

Mấy đứa nhỏ ăn ngon, người lớn đương nhiên vui mừng, cậu cả nhấp một ngụm rượu gạo, gắp một miếng đồ nhắm, sau đó theo bản năng nhìn thoáng qua đồng hồ thạch anh cũ treo trên tường.

“Ấy, đến giờ rồi, bật TV đi.”

Cậu cả vừa nói vừa nhanh nhẹn nhảy xuống giường sưởi, bật chiếc TV thùng đặt trên tủ đứng. Tiếng nhạc quen thuộc vang lên, trong TV bắt đầu bản tin thời sự.

Mợ cả thấy thế đảo mắt, sau đó nói với Chu Toàn ngồi đối diện mình: “Ngày nào cậu con cũng xem thời sự, bất chấp nắng mưa, không biết còn tưởng ông ấy là cán bộ cấp cao đấy.”

Cậu cả nghe vậy thì trả lời rất nghiêm túc: “Tôi không phải cán bộ lớn, nhưng tốt xấu gì cũng là người đứng đầu một thôn, quan tâm thời sự có cái gì không đúng? Ở làng trên xóm dưới, thôn chúng ta cũng có thể coi là giàu có, lúc trước ông ngoại tôi, chú Bảo và ông nội A Toàn tốn mất bao nhiêu công sức? Nói dốc hết tâm huyết cũng không quá đúng không? Các cụ tận tâm tận lực như vậy, tôi không phát triển thêm thì cũng không thể kéo lùi lại được. Bản tin thời sự là con đường tìm hiểu chính sách quốc gia an toàn nhất, nhanh nhất, chuẩn nhất, tôi không xem cái này thì xem cái gì?”

“Tôi nói không lại ông, ông muốn xem thì cứ xem, tôi cũng nói cái gì đâu. Nhưng ông xem nhiều năm như vậy mà tôi cũng chẳng thấy ông phân tích ra chính sách có lợi gì cho thôn chúng ta cả.”

“Ấy, mụ này nói cái gì thế hả, tôi nói cho bà.......”

Cậu cả còn chưa nói xong thì đột nhiên ở phía tây suối, cách nhà Chu Toàn không xa truyền đến tiếng chửi bậy ồn ào, tiếng chó sủa, ngay cả Đầu Hổ nhà cậu cả cũng ra khỏi chuồng, gầm gừ về phía có tiếng ồn.

Chó trong thôn không ngửi thấy mùi người lạ là sẽ không sủa. Cậu cả nghe tiếng, đứng sát cửa sổ nhìn ra phía ngoài, cẩn thận xác định phương hướng rồi nói: “Hỏng rồi, là chỗ nhà chú Bảo, hay là trộm vào? Tôi phải đi xem mới được.”

Nói rồi cậu cả khoác áo lông, đi giày, nhanh chóng đi ra ngoài.

Trần Văn Lễ cùng Chu Toàn thấy thế, nhìn nhau một cái rồi cực kì ăn ý đi theo ông.