Tập 2 - Chương 11 (Chương cuối)

Giữa mùa khô năm 1970, sau khi càn lên biên giới, đảo chính ở Cam-pu-chia, bọn Mỹ không những không Việt Nam hoá được cuộc chiến mà còn mở rộng chiến tranh ra phạm vi toàn cõi Đông Dương.

Trong khi cả hai phía, ta và địch, kéo nhau sang đất Chùa Tháp, thì một lần nữa tụi Mỹ lại chuẩn bị xuống thang. Đất ven đô, cây chưa kịp xanh trở lại đã bị càn ủi lần thứ hai. Bọn nguỵ không chịu nhận bàn giao một vùng giáp ranh chưa được bình định. Tiểu đoàn Bảy sang sông và đánh nhau được vài trận thì bọn Mỹ lại tràn về. Mật độ phi pháo không kém trước, hoạt động của biệt kích không kém trước, các đoàn bình định được tăng cường. Vùng ven đô là nơi tập kết cuối cùng của tụi Mỹ. Lần này chúng nó phải rút, nhưng rút ở đâu thì rút, ở vùng ven đô vẫn đông đặc. Sư này đi, thì có lữ khác thế chân. Ở các vùng Đồng Lớn, Sa Nhỏ, cỏ ống, giáp ranh giữa ta và địch không còn dân, nhưng còn cái thum nhỏ thì không mất. Cái gì rồi cũng quen, cũng có sự thích nghi. Lần này dân không chạy, lính ta không chạy, các cơ quan cũng không chạy nữa. Nhưng địch ủi đến đâu cũng chỉ có đất trắng, ủi qua rồi, phía sau lại nghe súng nổ. Từ phía biên giới Cam-pu-chia, những đoàn vận tải lại vượt qua lộ Trắng, lộ Đỏ, qua sông Nha Thức đưa gạo đưa đạn xuống. Mỹ và nguỵ có chừng ấy người, chừng ấy súng, chừng ấy máy bay, đưa dùng chỗ này thì thiếu mất ở chỗ khác...

Cuộc chiến đấu chưa kết thúc nhưng xu thế thì đã rõ. Riêng về số phận những con người thì chẳng làm sao mà biết trước được. Ông Thêm, sau khi lên chính uỷ trung đoàn, vẫn đơn vị mãi cho đến ngày 29 tháng 4 năm 1975 thì hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn. Ông Hai bình toong, đến ngày hoà bình lập lại, đành ở luôn trên đất Tây Ninh với cửa hàng hủ tiếu của ông. Rồi cô út Lích yêu ai nữa? Có một lần thằng Huy gặp cô trong bệnh viện, hai người đều nhận ra nhau nhưng chẳng ai hỏi ai một câu nào. Nghĩa bị đưa đi Hố Nai, rồi nghe nói ra Phú Quốc. Nhưng trong những đoàn tù binh được trao trả, người ta chẳng tìm thấy anh.

Ông Hai Trụ, bà Tám Kim biết còn sống đến hôm nay nữa không? Cô Tạng bị chúng nó bắt đi, đến khi đường Mười bốn giải phóng thì tự nhiên được thả về không có giấy tờ gì cả. Ông Sáu Dần đóng cửa bắt con gái ngồi làm bản tự kiểm điểm, không cho tiếp xúc với ai, cũng không cho ai tiếp xúc. Nghe nói ông bắt cô gái kể lại công việc làm từng ngày một trong gần suốt cả năm trời.

Còn Ba Hồng thì đi đâu, làm gì? Có thể cô sẽ trở thành một cơ sở trong nội thành, nhưng biết đâu đến nước cùng đường, cô ta lại không đi làm ở sở Mỹ? Có điều chắc chắn sau ngày 30 tháng 4, cô ta không thể đi đâu khỏi đất Sài Gòn. Sáu Trang có tìm ra chị cô không? Có còn gặp lại An nữa không? Hai người này không dễ gì một lúc có thể quên nhau. Nhưng trong chiến tranh có bao nhiêu chuyện như thế rồi người ta vẫn phải quên đi.

Chỉ có Năm Lâu là rõ ràng. Sau này lên trung đoàn phó, rồi trung đoàn trưởng. Hoà bình lập lại, cưới Tư Tầm, có một căn nhà ở khu kinh tế mới vùng Trảng Bàng Củ Chi, nơi anh đã sống chết bao nhiêu năm với đồng bào ven đô. Năm 79, anh lại dẫn trung đoàn đi sang đất bạn. Lại một cuộc chiến tranh mới. Lúc đó, không biết Tư Tầm có như ngày xưa nữa không. Chắc tình yêu giữa hai người lúc đó có khác hơn. Họ đã có nhà cửa, có con cái. Dầu sao thì Năm Lâu cũng là con người thực tế, có tính toán. Anh biết mình còn ở bộ đội, còn gắn với mảnh đất miền Nam, thì cuộc sống mọi mặt của anh cũng phải thích nghi với hoàn cảnh. Con người như Năm Lâu chắc chả bao giờ buồn và Tư Tầm có lẽ là một người vợ có hạnh phúc.

Còn Hùng thì chì có một nguyện vọng là đánh giặc xong về lại với má Hải ở Hóc Môn:

Ngày nay đánh giặc đến cùng

Ngày mai thống nhất vác thùng đi chơi!

Nó hay hát câu hát đó và câu hát cũng là ý muốn của nó. Nhưng ý muốn là một việc, mà cuộc đời lại là việc khác. Bây giờ Hùng không ở trung đoàn Mười sáu nữa. Hoà bình lặp lại, người ta cho nó đi học một lớp sĩ quan rồi điều về làm cán bộ (coi như cán bộ nguồn) tại một quân đoàn ở Sài Gòn.

Dầu sao thì như vậy cũng gần hợp với nguyện vọng của nó. Hàng ngày, sau giờ làm việc, nó có thể về nhà với má. Hoặc nếu má Hai đồng ý, thì nó mời má về sống ở thành phố.

Chỉ có mối tình giữa Thị và Xăng là thật nan giải. An và Sáu Trang còn có thể có điều kiện gặp nhau chứ Thị và Xăng thì thật khó, Thị lại tiếp tục đi theo trung đoàn sang Cam-pu-chia để đánh tụi Pôn Pốt. Đến nay, có dễ anh đã trên dưới 40 tuổi rồi. Thị dẫu chưa lấy vợ, vẫn đùa bỡn trước những chuyện tình. Đối với Xăng mặc dầu vẫn yêu, anh có thái độ rõ ràng hơn: Viết thư về để cô tự do đi lấy chồng và bản thân anh từ nay cũng không chịu sự ràng buộc nào. Ngày hoà bình lập lại, nghe nói hai người có gặp nhau một lần. Chắc là trong cuộc gặp mặt ấy, câu chuyện giũa hai người phải thú vị và hấp dẫn lắm!

Con chó Đớp, trong một cuộc hành quân, giữa chặng đường nghỉ, xông vào rừng theo một con rắn độc và bị rắn cắn chết! ông Thêm cứ phàn nàn mãi về sự sai sót của mình: nướng rắn cho Đớp ăn để nó quen mùi rạn. Ông đã tự tay đào một cái hố chôn con Đớp quay đầu về hướng núi Bà Đen: Ngọn núi vẫn chỉ đường cho mọi chiến sĩ, là niềm hy vọng, là nỗi an ủi của họ, là mối dây liên lạc giữa những sự cô đơn và niềm tin tất thắng của người lính trên vùng Đất trắng.

Đoàn quân ra đi, bỏ lại con Đớp nằm giữa rừng. Từ đó, khi nói về ông Thêm, bao giờ người ta cũng nhắc đến con Đớp. Câu chuyện xảy ra đến nay đã gần mười lăm năm. Mười lăm năm: thời gian đủ cho một thế hệ già đi, một thế hệ lớn lên. Bây giờ con trai tiểu đoàn trưỏng Thực đã là kỹ sư, con gái của tư lệnh phó Năm Truyện đã là một nhà báo. Em trai tiểu đoàn trưởng Canh nay là một trung đoàn trưởng pháo binh. Bạn gái học cùng trường với Xưa nay đã là giáo viên ở một trường đại học. Những người con, người em, ngưòi yêu của những người ra đi vẫn để tại trong lòng họ hình ảnh đẹp nhất về người đã mất. Họ không biết khi ngã xuống, trước lúc nhắm mắt, người thân cùa họ nghĩ gì? Có phần suy nghĩ nào dành cho riêng họ không? Làm sao đây cho xứng đáng với người đã mất? Nếu bây giờ, người cha ấy, người anh ấy, người yêu ấy lại trở về trên cõi đời này thì chắc họ sẽ có bao nhiêu lời khuyên bảo. Chỉ có những người mất đi là có một cuộc đời hoàn chỉnh nhất, đẹp đẽ nhất. Nếu họ sống đến bây giờ! Nhưng biết đâu? Họ sống đến bây giờ thì lại không còn sống như con người đã từng sống những năm gian khổ ấy? Cả cuộc đời của những người anh hùng đó đã đóng đinh vào một thời kỳ lịch sử và được thời kỳ lịch sử đó đóng khung lại. Xin đừng gỡ một tấm tranh trong nhà thờ ra treo ở nhà tiếp khách. Nếu như cho đến ngày hôm nay, cuộc đời của những con người ấy có điều đó đáng nói với ta nhất thì đó là trong thời gian ấy, trong không gian ấy, họ đã dám nhìn thẳng vào sự thật lịch sử mà chọn lựa một hành động...

...

Đáng lẽ ra câu chuyện kết thúc ở đây, nhưng có một số bạn thắc mắc rồi không biết Tám Hàn sẽ ra sao? Sau khi bỏ đơn vị ra đi, hắn có bị đẩy sâu thêm vào những hành động tội lỗi hơn thế nữa không? Rồi kết thúc cuộc đời phàn bội của hắn ta ra sao? Vì muốn giải đáp được phần nào sự mắc mớ đó, tác giả xin được ghi thêm đoạn cuối cùng những điều hiểu biết được về hắn khi chạy thoát về Sài Gòn.

Cơn mưa buổi chiều kéo dài mãi không ngớt. Trung tướng Lê Nguyên Khang ngồi không yên, đứng dậy đi đi lại lại trong phòng làm việc. Hắn ta khoanh hai tay trước ngực, đầu hơi cúi xuống. Thỉnh thoảng lại quay nhìn qua cửa kính, rồi lại nhìn đồng hồ. Tấm bản đồ Sài Gòn treo trước mặt hắn đã từ lâu không đυ.ng tới. Tấm bản đồ vùng chiến thuật ba treo phía sau lưng hắn cũng từ lâu không đυ.ng tới. Đã lâu rồi, hắn không tiếp các tướng lĩnh. Hắn đã thôi giữ chức tư lệnh vùng ba chiến thuật, cũng thôi luôn không còn dính líu gì đến biệt khu Thủ đô nữa.

Sau Tết Mậu Thân, để triệt hạ chân tay Nguyền Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu đã đòi Mỹ cách chức tên tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan và đưa Đỗ Cao Trí về Sài Gòn giữ chức tư lệnh biệt khu Thủ đô, kiêm tư lệnh quân đoàn 3 và vùng ba chiến thuật. Các viên tướng trẻ đầu bò mà thủ lãnh là Nguyễn Cao Kỳ đang thất thế. Bây giờ trong tay Lê Nguyên Khang chỉ có vẻn vẹn một sư đoàn thuỷ quân lục chiến. Nhưng cả cái sư đoàn thuỷ quân lục chiến ấy, bây giờ cũng đâu còn trong tay của hắn ta? Phần đông các tiểu đoàn bị xé lẻ, tăng viện cho các tư lệnh vùng chiến thuật để đối phó với cuộc tổng tiến công dồn dập của đối phương ở khắp các chiến trường.

Đằng sau chuyện thay đổi nhân sự phía trên thì phía dưới, đường dây “ốp - phe” bạch phiến của Lê Nguyên Khang và Nguyễn Cao Kỳ, hàng năm kiếm lãi cả chục triệu, đô-la ấy cũng đang bị đe doạ. Một tay của Nguyễn Văn Thiệu đang thọc sâu vào túi Nguyễn Cao Kỳ và một tay nữa của hắn sắp bóp vào hầu của Lê Nguyên Khang.

Hoạ vô đơn chí! Đã mấy tuần nay, vợ của hắn ta lại lăn đùng ra ốm. Khang vốn là thuộc hạ và là tôi trung của Nguyễn Cao Kỳ, nhưng đến nước này thì có dễ lại phải trở cờ quay sang Nguyễn Văn Thiệu. Cái nước cờ đầu tiên đó phải dùng đến bà vợ. Vợ Khang phải làm thân với vợ Thiệu từ con đưòng buôn bán và “áp-phe”. Bây giờ bà ta đang nằm rêи ɾỉ trong bệnh viện Xanh Pôn. Chờ ngớt cơn mưa, tự tay trung tướng sẽ lái xe du lịch vào bệnh viện thăm vợ...

Trong khi Khang đang đi đi lại lại trong phòng thì sĩ quan cận vệ vào báo cáo là viên đại tá Việt cộng vừa mới hồi chánh xin được yết trình ngài trung tướng.

- Yết trình? Sao lại vào lúc này?

- Nhưng... Vì thưa ngài trung tướng, ngài đã hẹn...

- Tao hẹn bao giờ? Hử? Tao hẹn bao giờ...

- Dạ... Thưa...

- Tao bảo đưa hắn tới, tao nhìn mặt, chớ tao làm việc gì với hắn, hử? Đồ ngu? Lại vào lúc này...

Lê Nguyên Khang vẫn vừa đi lại, vừa quát tháo ầm ĩ. Viên sĩ quan đứng im. Ngoài trời vẫn mưa. Hắn vẫn chưa thể vào bệnh viện Xanh Pôn thăm vợ được. Lê Nguyên Khang lại nhìn đồng hồ. Viên sĩ quan cận vệ vẫn đứng trơ như phỗng đá. Ông Khang nóng lắm, đừng có cãi lộn với ông dầu ông có sai mười mươi đi nữa. Chỉ có cách cứ để vậy cho cơn giận của ông nguôi ngoai dần.

Và cơn giận của trung tướng có nguôi ngoai thật, ngài vừa đi vừa nói:

- Thôi, cho nó vào, mau lên.

Viên sĩ quan cao cấp Việt cộng hồi chánh bước vào phòng làm việc trong lúc Lê Nguyên Khang văn khoanh tay đi lại, rồi đến trước cửa sổ đứng nhìn ra ngoài trời mưa.

- Báo cáo trung tướng tư lệnh Lê Nguyên Khang, tôi...

- Anh ngồi xuống.

Lê Nguyên Khang vẫn nhìn ra ngoài trời. Còn Tám Hàn, sau khi giật gót giơ tay chào phía sau viên trung tướng nguỵ, đến ngồi chờ trên cái ghế đối diện với cái ghế không người mà tư lệnh Lê Nguyên Khang vẫn hay ngồi đó. Tám Hàn vận bộ quân phục thuỷ quân lục chiến mới, đầu cũng húi cao như Lê Nguyên Khang, tay áo cũng xẵn quá cùi chỏ như Lê Nguyên Khang, nếu hắn ta có khác Lê Nguyên Khang là chỉ khác cái mặt. Tóc Tám Hàn đã điểm bạc, tóc Lê Nguyên Khang hãy còn xanh. Khuôn mặt Lê Nguyên Khang là khuôn mặt vuông chữ điền, cái cằm bạnh ra gần như một góc vuông. Còn khuôn mặt Tám Hàn là một khuôn một dài như mặt ngựa. Đến khi cùng ngồi vào ghế, thì hình dáng của hai người càng khác nhau rõ rệt. Cái lưng Tám Hàn hơi gù, mắt không dám nhìn thẳng, còn Lê Nguyên Khang thì có vẻ chán chường, ngả lưng vào thành ghế, hắn nghiêng đẩu nhìn Tám Hàn như nhìn một con vật kỳ lạ mới được gặp lần đầu.

- Anh cần gặp tôi...

- Thưa trung tướng, ngài cho gọi tôi...

- ừ thì cứ cho là như thế...

- Anh có gì cần nói, tôi còn mười phút nữa.

Lê Nguyên Khang lại nhìn đồng hồ.

Mười phút, làm sao chì trong mười phút mà lại có thế nói được bao nhiêu là chuyện. Tám Hàn đi đầu thú vào đúng một đơn vị thuỷ quân lục chiến. Hạ cấp báo lên thượng cấp, thượng cấp báo lên tư lệnh. Một phần do sự tò mò của Lê Nguyên Khang trước đây, một phần do sự háo hức muốn được ra mắt sớm của Tám Hàn, hắn quyết định xin gặp Lê Nguyên Khang. Biết Lê Nguyên Khang là một tên tướng có mang ít nhiều tính chất cao bồi giống Nguyễn Cao Kỷ, thích mặc quân phục, tay áo bao giờ cũng xắn quá cùi chỏ, đầu bao giờ cũng húi cao, Tám Hàn đã chạy vạy xin được một bộ quân phục thuỷ quân lục chiến mới, tóc vốn đã cắt cao, còn vào tiệm hớt cho cao thêm hơn nữa.

Hắn đã chuẩn bị trong túi một cuốn sổ con, gạch đầu dòng những điều cần nói, về tình hình chung của các đơn vị thuộc miền đông Nam Bộ, về tình hình tê liệt sức chiến đấu cùa các đơn vị chủ lực và địa phương của phôâ khu Một do hắn chỉ huy, về những con đường vận tải và những kho hậu cần của phân khu và của Miền suốt từ biên giới về, những nơi hắn đã đi qua và đã biết. Hắn cũng không quên nhớ lại đôi nét, những lời nói, những chỉ thị, những chủ trương, rồi tính nết, thói quen của các vị tướng lĩnh bên ta. Những điều đó rất có ích cho hắn sau này trong việc đưa chuyện, trong việc gặp các nhà báo. Thế nào cũng sẽ có một cuộc họp báo và đại tá Tám Hàn sẽ ra mắt giới thượng lưu của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Nhưng khi bước vào phòng, trước thái độ thờ ơ của Lê Nguyên Khang, hắn đâm ra hoảng hốt: Thế nghĩa là thế nào? Sao với một nhân vật quan trọng như hắn mà Lê Nguyên Khang lại chỉ dành cho có mười phút, như vậy có quá ít không?

Nhưng dầu sao thì hắn cũng phải nói, nói để tên tướng ngụy ngửi thấy cái mùi thơm của những tài liệu mà hắn đưa đến...

- Thưa ngài trung tướng tôi xin được phép báo cáo... Tám Hàn cứ nói, và Lê Nguyên Khang thì ngồi ngắm Tám Hàn. Hắn không thèm ghi chép. Thậm chí có khi như không cần nghe những điều Tám Hàn đang nói...

Lê Nguyên Khang hết nhìn đồng hồ, lại nhìn qua cửa sổ. Năm phút, bảy phút. Sự trình bày của Tám Hàn bỗng trở nên lúng túng. Hay là hắn không tin minh... Bỗng Lê Nguyên Khang đứng dậy, cắt ngang câu chuyện:

- Thôi được rồi, những điểu đó anh sẽ được trình bày sau, bây giờ tôi chỉ hỏi anh một điều: Tại sao anh hồi chánh?

Im lặng một lát, Tám Hàn ngẩng đầu lên.

- Thưa ngài trung tướng, trước hết, tôi thấy cuộc chiến đấu của chúng tôi là vô vọng...

- Còn gì nữa?

- Thứ hai, tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.

- Còn gì nữa?

- Thứ ba, cho đến bây giờ, tôi thấy thực chất chế độ Cộng sản là một chế độ hà khắc, không có dân chủ...

- Cho nên đã đến lúc thay thầy đổi chủ...

Lúng túng một lúc:

- Thưa trung tướng, không, đây là một sự giác ngộ, một sự thay đổi về chính kiến...

Lê Nguyên Khang bổng phá lên cười ha hả, cười hết mình, cười đến nỗi Tám Hàn không hiểu ra nguyên cớ vì sao, há hốc mồm nhìn ngài trung tướng vừa cười vừa rút mùi soa lau nước mắt, nước mũi giàn giụa.

Một lúc sau, Lê Nguyên Khang ngồi lại thẳng thắn, chống hai cùi tay lên một bàn, nhìn thẳng vào mắt Tám Hàn, nói bằng một giọng mai mỉa:

- Ông Tám Hàn ạ, bây giờ ông mới thay đổi chính kiến thì e muộn quá. Trong khi ông thay đối chính kiến của ông, thì tôi, trung tướng Lê Nguyên Khang này, đang nghĩ một điều rất thực tế: Đã làm thằng đầy tớ thì chẳng làm gì có chính kiến! Tôi nói thiệt đó Tám Hàn ạ, những thằng đầy tớ như anh, anh đừng tự ái, và cả như tôi đây nữa, thì phải biết khôn, biết lựa chọn thằng chủ. Thằng chủ chết thì thằng đầy tớ cũng chẳng còn... Bây giờ ông nói ông đã lựa chọn sai con đường... Ha... ha... chữ nghĩa ông dừng mới đẹp đẽ làm sao! Nghe ông nói tôi cứ tưởng đâu là người ưu thời mẫn thế, sống chết với sự nghiệp, với quốc gia... Ha... Ha... Nếu quả thật như vậy, đệ xin chắp tay cúi đầu lạy đại ca một ngàn lạy... Chính kiến... chính kiến cái cốc khô! Chính kiến cái con tiểu! Anh có muốn về với quốc gia, vớt vát một đôi ngày sống gấp trong cái thế giới tự do đầy hấp dẫn này thì về, đừng nói chữ chính kiến với tôi, với thằng Lê Nguyên Khang này, nghe chưa? Thằng ngốc! Chúng ta, cả tôi, cả anh, chẳng qua chỉ là những con rối trên sân khấu, người ta giật dây đằng nào thì chúng ta quay đầu đi đằng ấy... Nhưng này ông Tám Hàn ạ, tôi cũng xin báo cho ông biết rằng, ông muốn thay đổi chính kiến bây giờ thì muộn quá mất rồi. Đêm vui của chúng tôi sắp kết thúc và vở kịch cũng sắp hạ màn rồi. Cho đến bây giờ ông mới lại hóa trang, bôi râu vẽ mặt định sắm vai mới thì e muộn quá mất rồi... Tôi nói vậy để ông suy nghĩ, tuỳ ông muốn hiểu thế nào thì ông hiểu. Bây giờ ông có thể về được... Những tài liệu của ông, những điều hiểu biết của ông về phía Việt cộng rồi sẽ có người ghi lại, bây giờ tôi còn vội... Quá của tôi mất hai phút rồi... Vậy thế thôi ông Tám Hàn nhé.

Lê Nguyên Khang nói rồi đứng dậy bắt tay Tám Hàn. Tám Hàn đi ra ngơ ngác, hắn không làm sao hiểu nổi ý nghĩa đằng sau câu chuyện! Hay là mấy hôm nay ở hội nghị Ba-lê vừa có điều gì quan trọng? Hay là tình hình trên chiến trường đang rất bất lợi cho phía đồng minh? Hay là thằng cáo già Lê Nguyên Khang thử xem có thật mình vể hồi chánh không? Hay là...

Trong lúc Tám Hàn ra về với trăm mối tơ vò như vậy thì tướng Lê Nguyên Khang đã phóc lên chiếc xe du lịch, phóng như bay trên xa lộ Biên Hoà. Hắn rẽ vào bệnh viện Xanh Pôn để thăm bà trung tướng chừng hai mươi phút, rồi cắp cô tình nhân lên xe về khách sạn.

Tình nhân mới của Lê Nguyên Khang là một dì phước. Tình cờ trung tướng bắt gặp cô ta trong lúc đang di làm thuốc. Ngài trung tướng, giữa những ngày chán chường sự thế, vào bệnh viện trông tin hồi phục của phu nhân, đã tìm được món tiêu sầu này. Sự sốt ruột của Lê Nguyên Khang mà Tám Hàn không hề biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân là sự hẹn hò một đêm khoái lạc với cô trinh nữ của tu viện sắp buông mình sa xuống cõi trần tục!





HẾT!