Tập 1 - Chương 7

Nửa đêm, bệnh xá phân khu được lệnh di chuyển. Người ta di chuyển một cái bệnh xá bằng đủ các thứ phương tiện: xe trâu, xe thồ, hon đa, xuồng máy và cáng. Mọi người không ai hiểu lý do tại sao lại phải di chuyển vậy. Các chị, các má phàn nàn sao lại không để cho anh em ở trong nhà bà con, cô bác cho dễ bề săn sóc. Ra nằm rừng rồi mưa, rồi gió, vết thương anh em đã lành không khéo lại đau trở lại.

Đồng chí phụ trách chỉ biết trả lời với các mẹ và các chị đây là lệnh của cấp trên nên phải thi hành. Các gia đình có thương binh ở trong ấp chiều hôm đó chuẩn bị cho anh em ra đi chẳng khác gì chuẩn bị cho những con em của chính mình trước một chuyến đi xa. Họ mua bánh mì, nước cam, đường sữa, trái cây bỏ vào những cái giỏ ni lông đưa đến đặt ở giường thương binh. Các cô con gái thì chờ đợi để khiêng cáng thương đi đến địa điểm mới. Những anh em thương binh đã tập đi lại được thì chống nạng đi một vòng khắp các nhà đồng bào quen biết chào từ biệt bà con cô bác.

Họ biết cái thời kỳ nhộn nhịp nhất sắp qua đi, sẽ còn lâu họ mới lại được trở lại một cái bệnh xá đặt ngay trong nhà dân như thế này...

Từ đầu Tết Mậu Thân, bệnh xá phân khu được dời về phía tây sông Sài Gòn, cạnh đường số 1, trong một cái ấp cách trấn Trảng Bàng không bao nhiêu. Những ngày đó, dân vệ ở một số đồn trên trục đường 1, đường 7, đường 2… bỏ chạy, những đồn lớn thì co lại, ban ngày chúng không dám đi ra ngoài cổng gác. Người ta đưa thương binh đến bệnh xá một cách gần như công khai. Bệnh nhân được phân về các gia đình. Hầu hết các công việc giặt giũ quần áo, bón cơm, bón sữa cho anh em đều do các mẹ, các chị làm thay hết. Các nhân viên và cán bộ của bệnh xá chỉ làm công tác chuyên môn của họ mà thôi.

Những ngày đó, tin chiến thắng cứ bay về tới tấp. Chiều chiều anh em thương binh đã đi lại được, thường ra đứng ở đầu ấp đón những đoàn thương binh từ tiền phương về để thăm hỏi tin tức và tìm xem có anh em nào thuộc đơn vị của mình không. Tuy là một cái bệnh xá phân khu, nhưng vì nó ở gần trên đường đi về của các đơn vị, nên nhiều cán bộ, chiến sĩ của các trung đoàn chủ lực cũng vào đây điều trị. Cũng có những người, đáng lẽ theo giấy giới thiệu thì phải về một bệnh xá khác, nhưng vì thích được ở trong nhà dân, nên giả vờ lạc đường và đến đây. Họ vào xin với cán bộ phụ trách và cuối cùng cũng được nhận. Thương binh gồm đủ loại binh chủng: pháo binh, bộ binh, các chiến sĩ biệt động hoạt động ở nội thành, các chiến sĩ đặc công, thanh niên xung phong, bộ đội địa phương, du kích và một vài cán bộ dân, chính, đảng của khu vực Trảng Bàng, củ Chi nữa.

Trung đoàn 16 là một trung đoàn độc lập của phân khu, nên có đến hàng trăm thương binh nằm ở bệnh xá này.

Quá nằm bệnh xá đã hơn hai tuần. Vào bệnh xá mấy ngày, nét mặt anh thay đổi hẳn. Hai gò má nhô lên, khuôn mặt gầy đi làm cho cặp mắt của anh sâu và to thêm, da anh trắng ra. Cái khuôn mặt và nước da ấy thật hợp với cái nét tư lự vừa mới xuất hiện ở anh sau khi bị thương. Mỗi lần đến làm thuốc, Bảy Hường lại nhìn anh, cười. Bảy Hường săn sóc anh đặc biệt cẩn thận. Quá cảm thấy điều đó. Có những hôm không phải phiên làm thuốc của cô, nhưng buổi chiều, cô cũng đến thăm anh và nói dăm ba câu chuyện. Hôm anh mới tỉnh lại, Bảy Hường là người đầu tiên kể cho đi ra Bến Đá như thế nào. Anh nghe cái đêm ấy đoàn thương binh đến chỗ nào thì cô ta trông thấy pháo hiệu xanh bay lên. Cô còn khoe với anh rằng cô biết từ trước anh là người sẽ nổ phát súng đầu tiên đêm ấy, và chính cô đã chờ đợi phát súng đó trong những giây phút hồi hộp.

Bảy Hường cũng kể cho anh nghe chuyện cái cô con gái nào đó đã cứu anh và đưa đến giao cho cô, chuyện cái ông Thêm nghe tin anh và đến đứng bên mạn thuyển nhìn anh như thế nào.

It hôm sau khi Quá về đến trạm xá, có một đồng chí phóng viên nhà báo phân khu đến hỏi lại thành tích của anh để viết báo. Đồng chí phóng viên đó đi đến nhà anh ở theo sau Bảy Hường. Khi anh hỏi Bảy Hường là ai nói chuyện này với ông phóng viên thì cô ta cười ngặt nghẹo:

- Có thành tích thì người ta tìm đến người ta hỏi chớ bộ tui mà lại nói thêm cho anh được!

Vì phải nằm một chỗ, nên việc gì, tin tức chiến sự như thế nào, Quá đều phải hỏi Bảy Hường và cô cũng thích được kể cho anh nghe những câu chuyện như thế. Nhưng có một chuyện mà Quá vẫn không dám hỏi. Đó là cô gái nào đã cứu anh và đưa anh đến bên cái xuồng của Bảy Hường? Bảy Hường chỉ nói với anh rất sơ sài là cô gái ấy đã đưa anh đến và cô nói rằng cho gửi lời thăm anh khi nào anh tỉnh dậy. Cô ấy cũng có đòi một cái giấy biên nhận.

Mọi chuyện Quá chỉ biết có như thế, còn lại thì anh phải nghĩ ra trong tưởng tượng. Có lẽ đó là một cô du kích ở chung quanh vùng Tân Thới Hiệp chăng? Đúng là lần đầu tiên mình mở mắt ra, mình có trông thấy mờ mờ bóng một người con gái, hình như mặc cái áo xanh. Cô ta nói một điều gì đó có vẻ rất dịu ngọt mà trong lúc nửa tỉnh nửa mê anh không tài nào nghe ra được. Như trong một câu chuyện thần thoại, cô con gái mặc áo xanh đã hiện ra, cứu anh mang đi trong một giấc chiêm bao rồi cũng biến đi mất lúc nào anh cũng không biết...

Người con gái áo xanh vẫn cứ ám ảnh anh. Lúc đầu anh nghĩ đến cô ta chỉ vì một sự tò mò muốn biết, nhưng rồi dần dần, trong suy nghĩ, anh tưỏng tượng và thêu dệt ra một cô gái thật đẹp và anh nghĩ rằng cô ta cũng đang mong được gặp lại anh...

Những tin tức về trung đoàn mà người ta đưa về càng ngày càng ít hoặc là không rõ ràng. Ngay cả nhũng thương binh cũng không nói được hết diễn biến của những trận đánh ngày hôm đó. Họ cũng không biết rõ những ai còn, ai mất. Ngay đến cái tin chủ nhiệm trinh sát Thân cũng chẳng rõ ràng gì. Người thì nói ông ta đã chết, người thì nói ông ta bị bắt, có người lại nói là ông ta bị thương và đã được đưa về bệnh viện trên Miền. Các chiến sĩ của trung đoàn nằm ỏ bệnh xá chì được nghe qua đài hai cái tin chiến thắng của đơn vị mình. Tin thứ nhất là đơn vị X đã tiêu điệt một tiểu đoàn thiếu trong trận tập kích vị trí Cây Xoài (tức là Nhà máy bột ngọt). Tin thứ hai là đơn vị X đã đánh càn và tiêu hao nặng hai đại đội thuộc đoàn Y thủy quân lục chiến ngụy ở xã Tân Thới Hiệp, trước cửa ngõ Sài Gòn. Có tin đồn là sau trận tập kích vào chốt Cây Xoài, trung đoàn 16 đã đánh nhau nhiều trận lớn khác...

Quá nghe những cái tin như thế và càng nóng ruột. Những con người anh mới gặp một lần, mới nghe tên một lần, mà anh cảm thây có nhiều cảm tình như ông Ba Kiên, như trinh sát Thị, như cái ông Thêm từng xuống đúng bên mạn xuồng thăm anh trong giấc mê, bây giờ đều đang ở dưới đó cả. Người biết anh nhất có lẽ là Thị, là ông Ba Kiên. Anh không muốn kể thành tích anh cho ông phóng viên nghe, nhưng anh lại muốn có những người biết về thành tích minh. Anh xuống đó, chắc nhiều người sẽ nhảy lên ôm lấy anh mà kêu lên: “Thằng Quá đã vể! Thằng Quá đã về!”.

Mấy hôm nay Lâu đã tập tễnh đi lại và đến khoe với Quá là chỉ dăm ba ngày nữa cậu ta sẽ trở về đơn vị. Điều đó càng làm cho Quá thêm nóng ruột. Bác sĩ cho anh biết: ít nhất là phải điều trị một tháng thì anh mới có thể trở lại trung đoàn. Như thế là đã rút ngắn thời gian nhiều lắm và cũng chì có thể thực hiện được với điều kiện là anh chấp hành thật đúng những nội quy điều trị bệnh xá đã đề ra cho các thương bệnh binh. Việc bệnh xá có lệnh đi chuyển càng làm cho Quá nóng ruột thêm. Chiều hôm trước đó, người ta lại cho một số anh em, tuy chưa thật lành vết thương lắm, trở về đơn vị.

Bệnh xá được chuyển vào một khu rừng ở vùng giáp ranh giữa củ Chi và Trảng Bàng. Gọi là khu rừng nhưng thực ra đây chỉ là một vùng đất bằng có nhiều cây nhỏ chen giữa những cây cầy cao vυ"t. Trong rừng có những con đường bò chạy ngang dọc. Khu rừng này trước đây vẫn là nơi đóng quân của các đơn vị hoạt động vùng ven trong những năm trước.

Đến địa điểm mới, cán bộ và nhân viên bệnh xá vừa đặt bồng là bắt tay vào đào hầm ngay. Ngày hôm sau, họ làm chuyên môn một buổi, còn một buổi nữa dành ra để lao động xây dựng doanh trại. Buổi chiều, Bảy Hường đến tiêm thuốc cho Quá, nói:

- Tụi em bữa nay nhận súng cả rồi đấy! Cấp trên phổ biến là tất cả nhân viên, cán bộ của bệnh xá sẽ được tổ chức thành các đội du kích sằn sàng đánh địch phản kích như hồi “Gian-xơn Xi-ty” ấy...

Một lát sau nữa thì Lâu chạy đến, kêu toáng lên:

- Quá! Thằng Hùng con má Hai vào bệnh viện. Nó bị trong trận càn ở cầu sắt... Mẹ kiếp, cái thằng Lựu đánh nhau bỏ chạy, làm ảnh hưỏng chung đến cả đơn vị, về dọc đuờng nó lại bỏ trốn đâu mất. Không khéo chạy theo địch rồi... Ra đây gặp Hùng này, nó đang nói chuyện ở ngoài trạm trực.

Lâu đi hết hầm này đến hầm khác báo cho những anh em cán bộ, chiến sĩ trung đoàn cái tin quan trọng này. Một lát sau, người ta đã tập trung đông nghịt ngoài trạm trực.

Quá vớ lấy nạng, nhăn mặt đứng dậy thì lập tức Bảy Hường nắm vai anh, giữ lại:

- Anh Quá, anh làm chi kỳ vậy, bộ muốn què chân à?

- Mai tôi ra!

Quá gạt tay Bảy Hường, nói một cách giận dữ và chống nạng khập khiễng đi ra trạm trực.

Đêm ấy, anh lên một cơn sốt. Bảy Hường thì nhất quyết sở dĩ như vậy là vì anh đã cố gắng quá sức, và vết thương có thể bị đau lại. Còn anh, thì anh biết mình lên cơn sốt vì nhiều nguyên nhân khác: sau khi nghe câu chuyện thằng Hùng kể lại.

Đêm ấy, anh nằm mơ thấy mình bị thương và đang đi trên một chiếc xuồng...

Cái tin thằng Lựu chạy trốn làm xôn xao cả trạm xá. Có người nói là nó đã đầu hàng, có người nói là chính nó đã gọi pháo bắn vào anh em thương binh trên bến và họ cả quyết nó là một tên điệp cài lại. Họ dẫn chứng những câu nói hồi nó học chính trị ở dưới Gò Sao. Ai cũng nói là chính mình đã nghĩ đến chuyện nó có thể phản bội. Từ sự việc này suy diễn ra, họ cho là bệnh xá sở dĩ phải di chuyển là vì thằng Lựu. Nó đã đầu hàng và khai báo ra tất cả.

Khắp nơi người ta chửi thằng Lựu. Người ta thề nếu ra trận gặp lại nó thì sẽ xé xác nó ra. Họ tán ra trăm thứ chuyện chung quanh thằng Lựu: nào là cái mồm nó ngọt xớt, lúc đầu ông Thận cứ biểu dương nó mãi, nào là cái thằng tổ sư đùn việc... Thằng Lựu... thằng Lựu... thôi thì đủ chuyện về nó...

Riêng có Lâu thì chửi đổng lên một lúc rồi sau đó im lặng không tham gia gì vào câu chuyện này nữa. Anh có biết ít nhiều về thằng Lựu, anh rất ghét nó, nhưng không biết tại sao anh vần nghĩ là thằng Lựu nhất định không phải đi đầu thú.

Lựu vừa bổ sung về đơn vị được mấy hôm thì đi xuống đồng bằng. Cậu ta được bổ sung vào tiểu đội Lâu. Ngay khi Lựu mới về tiểu đội, Lâu đã biết, nhờ mấy anh em tân binh cùng hành quân với cậu ta từ ngoài Bắc vào, Lựu là một chiến sĩ rất sợ bom pháo. Điều này câu ta cũng thú nhận ngay với Lâu trước khi ra trận:

- Em sợ lắm, nhờ thủ trưởng báo cáo cho em làm cấp dưỡng hay công việc gì cũng được. Em sẽ cố gắng làm hết sức em. Em không sợ mệt đâu. Còn như ra trận thì em cứ nghe tiếng bom đạn là tim nó đập thình thịch.

- Rồi sẽ quen đi...

Lâu nói với cậu ta như vậy. Và cũng nghĩ rằng cậu ta không đến nỗi nào. Nhiều anh tân binh cũng thế, sau vài trận đạn tiếng súng thì đánh được.

Trận tập kích căn cứ dã ngoại của địch ỏ Cây Xoài, Lựu kêu đau bụng, nhưng Lâu bảo:

- Đau bụng cũng đi. Đi rồi nó khắc thôi đau.

Hôm ấy, Lâu luôn luôn cập kè Lựu đi theo bên mình. Khi anh phát hiện địch và ném trái lựu đạn đầu tiên xong, quay lại đã thấy Lựu chúi đầu úp mặt bên gò mối: Anh nắm lấy cổ ào cậu ta, quát lên:

- Nằm đây mà chết à? Chạy lên đi, theo tôi...

Lựu chạy theo anh mấy bước thì lại mất hút đi đâu. Lâu vừa đánh giặc vừa điên tiết lên khi nghĩ đến cái cậu tân binh quá quắt này. Anh định bụng khi về đơn vị nhất định sẽ cho cậu ta một trận nên thân. Tính Lâu vốn lỗ mãng. Nếu không phải là lúc đang đánh nhau với địch thì anh đã nắm ót Lựu từ gò mối lôi lên mà phang ngay mấy cái bạt tai tại chỗ. Thế nhưng rồi sau đó anh bị thương và không biết thằng Lựu lại chúi mũi trốn vào góc nào...

Giận thì giận thật, nhưng anh vẫn có ý định sau trận đó về anh sẽ nói với ban chỉ huy tiểu đoàn xin cho thằng Lựu xuống làm anh nuôi theo như nguyện vọng của nó. Dù sao thì nó cũng nói rất thật với anh cái ý nghĩ của nó. Nói cho cùng, cái khuyết điểm của thằng Lựu thật đáng thương hại. Và cũng cho công bằng mà nói, thì hồi ở hậu cứ những việc như đi thồ gạo, vác đạn, thằng Lựu được ông Thận biểu dương là chính đáng, những việc lao động như thế nó làm rất tích cực.

Nghĩ đến thằng Lựu rồi Lâu lại nghĩ đến ông Thận và ông Thực. Vì là một chiến sĩ từng trải qua nhiều cuộc chiến đấu ác liệt, tuy không tham dự, nhưng anh cũng hình dung ra phần nào cái hoàn cảnh vô cùng khó khăn của những người chỉ huy trong trưòng hợp như thế. Ông Thận và ông Thực thật ra thừa biết Lựu là một thằng nhát gan, nhưng rồi vẫn phải bố trí nó cầm súng trong một trận ác liệt như thế. Tiểu đoàn không còn người nữa! Khác với Quá, Lâu không nôn nóng lắm về việc ra viện, vì anh là lính cũ, anh biết rằng cuộc đời chiến đấu vào sinh ra tử còn dài, không đi đâu mà vội. Nhưng sau khi nghe tin thằng Lựu đào ngũ thì tự nhiên anh thấy nao nao trong lòng và nhớ đồng đội. Anh thấy mình cần có mặt lúc này ở đơn vị để san sẻ cái gian khổ, cái lo âu... Anh hình dung ra những gương mặt phờ phạc, những đêm hành quân mà ngoảnh đi ngoảnh lại, đơn vị thưa thớt chỉ có dăm bảy người.

Lâu đến hầm Quá định nói cái ý nghĩ đó của mình để trút bớt nỗi băn khoăn. Anh cũng định nói với Quá rằng nhất định ngày mai anh sẽ xin ra viện.

Nhưng anh vừa đi đến trước cửa hầm thì thấy người ta đang khiêng đến đó một cái cáng. Anh em thương binh của viện và anh em nhân viên phục vụ đi theo rất đông sau cái cáng và nói chuyện gì đó với một cô con gái.

- Chuyện gì vậy? Lâu hỏi một người đi cạnh anh.

- Thằng Tám Hàn đầu hàng rồi!

- Ai nói? Tin đâu vậy?

- Đấy, cậu công vụ của Tám Hàn bị thương nằm trên cáng kia kìa!

- Sao lại bị thương?

- Thì nó bắn chứ còn sao? Tiên sư nó, bắn cả người phục vụ mình thì còn trời đất nào nữa...

Đoàn người cứ bâu lấy cái cáng và cô con gái như một đám người đi đưa tang. Bác sĩ phụ trách bệnh xá phải đề nghị hộ giải tán sau khi đã đưa thương binh vào trong hầm. Họ bố trí An nằm chung một hầm với Quá vì ở đây có cái giường, Quá đã đi lại được, chuyển sang nằm võng.

Cô con gái vào hầm trước, trải tấm vải mưa lên giường và đỡ một đầu đòn cáng cho người ta đặt thương binh nằm xuống giường.

Y sinh trực phải vào đây làm thủ tục vì bệnh xá chưa có phòng khám. Anh ta hỏi cô gái:

- Cô cùng ở một đơn vị với đồng chí...

- Tôi không ở đơn vị nhưng tôi biết...

- Họ tên đồng chí ây là gì?

Trong khi cô gái ngồi nói chuyện với y sinh trực, thì Quá ngồi trên võng lắng nghe. Càng nghe, anh càng chú ý đến câu chuyện của cô gái. Cô ta nói đến trung đoàn 16, đến trận cầu sắt. Lúc đó Lâu đã tìm cách len vào hầm, đến đứng bên Quá lúc nào; anh ta đập vào lưng Quá, ghé tai nói nhỏ:

- Cậu có nhớ thằng An không?

Quá giật mình quay lại:

- Thằng An nào?

- Đấy, nó còn nằm trước mặt cậu đó, trước nó làm công Vụ cho Tám Hàn. Cái đêm mà cậu khiêng tớ đi rồi gặp hai người.

- A, em nhớ ra rồi!

- Nghe nói cậu ta bắn trật thằng Tám Hàn nên bị nó bắn bị thương...

Cô gái vẫn trả lời những câu hỏi của y sinh:

- Em cũng không biết nữa, vì từ tối hôm đó trở đi, ảnh toàn nói mê.

- Cô có biết người ta đã tiêm những thuốc gì cho anh ấy không?

Cô gái ngơ ngác:

- Em không làm y tá nên đâu có biết!

Lâu lại nói nhỏ với Quá:

- Mình trông cô này quen quá!

- ừ, sao em trông cũng quen quá!

- Cậu chỉ nói leo, cậu mới vào trung đoàn được mấy bữa, còn người ta ở đâu trên phân khu, cậu làm sao mà quen được?

Cô gái vừa lắng nghe hai người nói chuyện vừa trả lời y sinh:

- Em cứ đổ đại sữa vào miệng cho ảnh, chẳng biết ảnh có nuốt được ngụm nào không thì không rõ...

Lâu:

- Đấy, cái cậu công vụ mà tớ nói chuyện hồi gặp nhau ở phân khu bộ, tớ trêu cậu ta phát khùng lên vì hai cái bắp ngô đấy...

Giọng nói y sinh mỗi lúc một gay gắt:

- Nhưng tại sao thương binh vào viện mà lại không có người hộ tống?

- Thì còn ai nữa mà hộ tống? Ông Ba Kiên, trung đoàn trưởng trung đoàn 16 tìm thấy ảnh ở giữa đường và cho người khiêng ra bến giao cho em đưa đi luôn.

- Vậy thì cô là người hộ tống chứ còn ai nữa?

- Dạ, vậy là em... Nhưng em có được bàn giao gì đâu? Mà em cũng chỉ biết ảnh ở phân khu bộ, làm cận vệ cho thủ trưởng.

Đồng chí y sinh bật cười và đứng dậy đi đến bên giường An, Bảy Hường cũng đã đến đó từ lúc nào. Theo lệnh của y sinh, cô chuẩn bị thuốc, ống tiêm, lấy mạch, nhiệt, huyết áp. Căn hầm quá chật, y sinh quay lại nhìn Lâu, nhìn Quá, rồi lại nhìn cô gái:

- Bây giờ cô có thể về được, và nói vói đơn vị làm các giấy tờ gửi đến đầy đủ cho đồng chí ấy.

Cô gái:

- Liệu anh ấy có việc gì không, đồng chí?

Y sinh quay nhìn cô gái lần nữa, rồi cười:

- Bây giờ thì chưa biết được.

- Khi cô gái bước chân lên đến bậc đất trên miệng hầm thì Bảy Hường gọi theo:

- Thôi, chị Sáu về nghen!

Cô gái quay lại, nhìn một lúc rồi kêu lên:

- A, chị Bảy! Vậy mà vội quá em không nhìn ra chị!

Cô định quay xuống nhưng thấy Bảy Hường đã cặm cụi làm việc, đành chào một câu rồi đi.

Ngoài cửa hầm, một số anh em thương binh vẫn lảng vảng qua lại thăm dò tin tức, đón lấy cô gái mà hỏi chuyện tíu tít...

Đồng chí y sinh hỏi Bảy Hường:

- Cô quen cô ấy à?

- Vâng, có quen sơ sơ hồi ở dưới trung đoàn 16.

Quá bỗng đứng phắt dậy, bước lên cửa hầm. Lúc đó Lâu đã đi lẫn vào trong đám thương binh đang hỏi chuyện cô gái Bảy Hường liếc nhìn theo anh, cười. Một lúc sau, không biết nghĩ sao, Quá lại quay trở về hầm, nằm vật xuống võng...

Sau những ngày liên tiếp xảy ra những sự kiện đột xuất bệnh viện, không khí ở đây như được đổi khác. Đi đâu, cũng thấy người ta chuẩn bị nhộn nhịp. Cán bộ, nhân viên thì chuẩn bị đào hầm, chuẩn bị gạo chống càn, lĩnh thêm súng đạn. Tổ cấp dưỡng của bệnh xá cũng được trang bị B.40. Bảy Hường được cử phụ trách tiểu đội trưởng nữ của bệnh xá. Anh em thương binh, một số tương đối khá, xin ra viện, vì người ta nghe tin đâu bệnh xá sẽ đưa bớt một số anh em về bệnh viện Miền gần phía biên giới. Điều này thì nhiều người không thích. Một số đơn vị cử cán bộ đến đón anh em ra viện. Cũng có tin đồn: sắp có càn lớn ở vùng này.

Lâu thì từ sau cái tin Tám Hàn đầu hàng càng dứt khoát hơn. Cho hay không cho, anh cũng sẽ xin ra viện. Anh đã quyết như vậy. Cũng sau hôm đó, các ban trong bệnh xá họp anh em thương bệnh binh và phổ biến danh sách người đi, người ở. Những người xét có thể được thì cho ra viện. Một số chuyển lên bệnh viện Miền. Còn lại một số ít nữa thì điều trị trong một thời gian ngắn và sẽ cho ra. Bệnh xá phân khu từ đây coi như một trạm chuyển tiếp. Nó phải tổ chức sao cho thích ứng với tình hình mới, luôn sẵn sàng chiến đấu. Lâu ở trong danh sách những người ở lại một thời gian rồi sẽ ra viện. Quá thì ở trong danh sách những người được chuyển lên bệnh viện Miền. Ngay sau khi vào viện, An được đưa lên phòng mổ, và người ta cũng chuẩn bị chuyển viện cho anh sau khi đã mổ xong sơ bộ.

Họp xong trở về, Lâu chuẩn bị gói ghém đồ đạc và sang gặp Quá:

- Cậu có viết thư gì cho các anh ở trung đoàn thì viết, đi. Chiều nay tớ về hậu cứ và có người xuống dưới đó thì tớ sẽ theo xuống.

- Anh không xin bác sĩ mà đi người ta phê bình chết.

- Xin cũng không được. Cậu không biết đó thôi, chứ trước đến giờ bao nhiêu người ra viện có cần gì giấy tờ đâu.

Quá nghĩ một lúc:

- Em cũng sẽ xin ở lại đây mấy ngày rồi. Em ra như anh chứ em không chuyển viên đâu.

- Điều đó thì không được, vì mình về là do mình, còn ở lại đây hay không là lại do họ. Bệnh xá người ta cát quân số cậu đi thì cậu ở lại đây với ai?

- Nếu vậy thì em cũng ra viện với anh.

- Cậu nói đùa! Chân cậu như thế làm sao mà đi được?

- Đây sang bên Thanh An gì mà không đi được? về bên đó nghỉ mấy hôm.

- Nghe bác sĩ nói cậu còn phải mổ lấy viên đạn ở đâu nữa mà?

- Viên đạn nằm trong chân, bây giờ nó còn chay lung tung, chưa mổ đươc.

Quá xán quần, giơ vết thương còn lở loét, nán nắn vào đầu gối và thử co duỗi chân. Chân phải của anh chưa duỗi thẳng ra được. Anh vẫn còn phải đi bằng nạng.

Lâu nhìn vết thương, lắc đầu. “Lâu sẽ không chấp nhận cho mình theo về. Không có Lâu thì làm sao mà về đến hậu cứ của trung đoàn được?” Quá ngồi ôm cái chân, rầu rĩ. Bác sĩ nói với anh là vết thương ở gần chỗ phải co duỗi nhiều, phải để thật lành da, sau đó phải có một thời gian, tập đi trở lại thì mới bình thường. Có người nằm lâu quá bị teo cơ, bắp chân dần dân nhỏ lại như cái xe điếu. Rồi lại còn phải mổ để lấy viên đạn trong chân nữa. Nghĩ mà ngao ngán.

Lâu còn nói là tình hình bây giờ đã khác, có về hậu cứ cũng không yên đâu. Nghe đâu tụi địch đang chuẩn bị đánh ra Thanh An, đánh ra Rạch Đáp, kiểm soát đường 14. Lại có tin sư đoàn “anh cả đỏ” Mỹ sắp về mở cuộc càn quét lớn chung quanh khu vực củ Chi và Trảng Bàng. Chiến sự ở đây rồi cũng sẽ ác liệt. Anh cũng khuyên Quá giống như bác sĩ, nói:

- Chịu khó về trên Miền điều trị một thời gian rồi lại trở về đơn vị. Cuộc chiến đấu còn dài...

Còn một phương sách cuối cùng là xin ở lại. Quá nghĩ đến Bảy Hường. Hai hôm nay, cô ta bận tíu tít vì ca thương binh mới. Suốt đêm qua, thức trực ở phòng mổ. Sáng nay, cô tạt qua hầm một chút và hỏi Quá:

- Anh đã lấy giấy chuyển viện chưa?

Quá trả lời không nhìn Bảy Hường:

- Tôi không đi đâu cả. Vài hôm nữa tôi sẽ xin ra!

Bảy Hường nói không biết thật hay đùa:

- Ra viện thì không được đâu, nhưng ở lại thì em ủng hộ.

Như vậy là vẫn có khả năng xin ở lại viện được chăng? Anh sẽ hỏi lại Bảy Hường vấn để này.

Lâu dặn Quá viết thư đi và đừng có nói với ai chuyện mình chuẩn bị ra viện. Cậu ta còn nhiểu người phải gặp lắm. Gặp những anh em trong trung đoàn để nói với họ viết thư về đơn vị và xem tình trạng thương tật của họ thế nào còn về báo cáo lại. Trông Lâu thật là vui vẻ...

Quá đang thèm khát một sự hoạt động. Hai tuần lễ nằm trong viện anh cảm thấy tù túng quá. Bây giờ mà về đơn vị thì anh đã có thể tán như khướu.

Anh đã thành cựu binh qua một trận đánh. Anh đang thèm khát được đi, được gặp. Cái gì cũng mới lướt qua trước mắt anh như một cuộn phim: Một trận đánh, một đêm cáng thương, nét mặt một ông Trung đoàn trưởng, cuộc nói chuyện ngắn ngủi với đồng chí chủ nhiệm trinh sát, một phó chính ủy phân khu mới hôm nào đó, nay bỗng trở thành một tên phản bội. Và sự mơn man được là thương binh nằm trên một chiếc xuồng, được một người con gái chăm sóc rồi lại trao cho một người con khác. Tất cả đối với anh vẫn có một cái gì thật đẹp, thật mộng. Anh đã viết mấy lá thư cho bạn bè ở hậu phương, kể lại những chuyện này. Nhưng rồi những chuyện đó anh kể đã hết. Nằm ở bệnh xá mãi như thế này thì chán lắm. Trong thư viết cho một người bạn thân, anh nói đến chuyện cái cô gái cứu sống anh y như chuyện thẩn thoại. Theo như trong thư anh viết, thì cho đến bây giờ anh vẫn chưa biết tông tích cỏ gái đó ở đâu, và lại có một cô gái khác đang hết sức săn sóc Anh, làm anh vô cùng cảm dộng. Lá thư anh viết trong lúc thật hào hứng. Lá thư gửi đi rồi, anh đã đem chuyện riêng của minh tâm sự với một ngươi bạn ở hậu phương xa, còn ở đây, thì sự việc anh lại giữ kín mọi người.

Quá đang sống trong một tình trạng tâm lý thật phức tạp: say sưa, mơ mộng, nhưng lại bực tức, cáu ghét. Yêu hết mọi người một cách vụиɠ ŧяộʍ, nhưng lại không dám thổ lộ tấm tình của mình. Những ngày nằm ở bệnh xá. Người mà Quá nghĩ đến nhiều nhất là bà nội. Có những lúc anh nhớ nhà ngơ ngẩn, nhưng sau mỗi lần nhớ nhà như vậy thì anh lại thấy xôn xao muốn trở về đơn vị. Rõ ràng cuộc chiến đấu, sinh hoạt trong trung đoàn đang có một cái gì gắn bó với Anh, thay cho tình cảm gia đình mà đang thiếu thốn. Tuy Anh không thích ở bệnh xá, nhưng Bảy Hường đối với anh thật tốt. Nếu như rồi đây, đi khỏi cái bệnh xá này thì nhất định anh sẽ không thể nào quên được người con gái ấy. Cái tâm trạng của Quá là tâm trạng của một thanh niên đang yêu nhìn cái gì chung quanh cũng đẹp. Cái tâm trạng ấy của một thanh niên đang mộng mơ, nhưng bất cứ một việc gì không vừa lòng trong thực tại thì lại sinh ra cáu gắt. Vui đó, giận đó, như một đứa trẻ...

Có hôm Bảy Hường đã nói với anh:

- Bệnh xá mà thương binh cứ như anh cả thì hộ lý và y tá bọn em đến chết mất!

- Sao vậy? Quá bắt chước giọng Bảy Hường.

- Khó chiều hết chỗ nói chứ còn sao nữa?...

Sau những lúc như thế, Quá lại tỏ ra ngoan ngoãn, chấp hành rất tốt những nội quy mà bệnh xá đã đề ra. Bảy Hường bảo anh uống thuốc là anh uông thuốc, bảo anh nằm ngủ là anh lên võng.

Bảy Hường vẫn có ý muốn trở vể trung đoàn 16. Lúc đưa đoàn thương binh về phía sau, cô đã có ý định quay trở xuống, nhưng vì đội phẫu tiền phương phân khu rút hết về đây, cô chẳng có lý do gì để đi một chuyến nữa. Bây giờ, cô có ý định xin ở lại, nếu như bệnh xá có một bộ phận để lại cho trung đoàn...

Bảy Hường vẫn nghĩ mình làm cái nghề y tá là một điều bất đắc dĩ.

Là một cô bé tinh nghịch, gan lỳ, từ lúc lên mười một, mười hai tuổi, bà má đã giao cho cô mang cơm ra rừng cho các chú cán bộ hoạt động bí mật. Có hôm, cô đi từ trong rừng ra, gặp tụi nó, cô thản nhiên tạt xuống cái ruộng dưa không biết của ai, bứt đại mấy trái, chúng nó đi qua rồi, cô định trở vể, nhưng lại nghĩ đưa dưa về cũng chẳng làm gì, cô lại vào rừng để lại cho các chú. Các chú nghe Bảy Hường kể chuyện, ai cũng cười lăn ra. Chú Hai, người phụ trách, ôm cô bé vào lòng mà nói:

- Vậy là cháu có thể đi hoạt động cách mạng được rồi đó!

Từ hôm đó. Bảy Hường cứ vể nhà đòi với ông già và bà già cho đi thoát ly. Tất nhiên là việc đó không thể được, vì các chú nói là nói cho vui vậy, chứ trong hoàn cảnh hoạt động bí mật gian khổ như thế, đời nào các chú lại nhận một cô bé như Bảy Hường. Một buổi chiều, Bảy Hường mang cơm ra rừng thì không gặp các chú nữa. Ngày hôm sau, có người tin vể cho gia đình biết là vì có động nên các chú đã chuyển cơ quan đến một địa điểm khác. Một thời gian, Bảy Hường mất liên lạc với các chú.

Nhưng rồi dần dần cô cũng dò la được tin tức. Cô nghe người lớn nói chuyện là các chú Giải phóng ra ở ngoài bưng. Vậy là cô bỏ nhà trốn đi tìm. Và khi gặp các chú thì nhất định cô đòi ở lại. Tất nhiên là chỉ một hôm sau, ông già tìm đến cơ quan và bắt cô bé về Cho đến hai năm sau, mãi đến lúc Bảy Hường mười lăm tuổi, nhờ các chú xin giúp cho, ông già mới đồng ý cho con gái mình thoát ly. Lúc đầu, cô bé làm liên lạc. Lúc đó thương binh nhiều mà không có người phục vụ, các chú bảo Bảy Hường phải đi học y tá để về giúp đỡ các chú. Cô không ngờ từ sau khi đi học về, thì người ta giao cho cô một cái túi thuốc có chữ thập đỏ mà không giao cho cầm súng. Các lực lượng địa phương càng ngày càng lớn lên cho đến khi thành lập ra phân khu, ra bệnh xá phân khu, và cô được biên chế về đây. Nhiều lần, cô gái để đạt nguyên vọng xin cho ra đơn vị, nhưng các chú cứ bảo là y tá hiện nay đang thiếu.

Đầu Tết Mậu Thân, cô xin nài mãi, người ta mới sáp xếp cho được vào trong đội phẫu tiền phương. Cho đến sau cái lần gặp ông Ba Kiên, thì ý định xin được về đơn vị chiến đấu càng thôi thúc cô.

Chung quanh cô gái nghịch ngợm ấy, người ta đồn đại lắm chuyện. Ví như: trong một bữa liên hoan, có chiến sĩ quả quyết là anh ta đã trông thấy bảy hường cầm một bát “B.52” rượu giơ lên nốc cạn trong một hơi rồi quẹt mồm đứng dậy. Cô sang đến trung đội khác, cũng trong buổi liên hoan đó, người ta lại mời rượu, một lần nữa cô lại uống cạn một bát “B.52” như không. Có người cũng quả quyết rằng mình đã trông thấy Bảy Hường một tay đút túi quần, một tay cầm điếu thuốc lá hút phì phèo giống hệt như một nam thanh niên vậy. Còn về chuyện đánh nhau thì thôi khỏi nói. Người ta bảo có lần ra trận, cô đã giật súng của một chiến sĩ và quát lên: Không bắn được thì đưa đây, cầm lấy cái túi thuốc này cho tui! Suốt trận đánh, chiến sĩ đó cứ cầm túi thuốc chạy theo Bảy Hường... Rồi nào là chuyện Bảy Hường cầm B.40 trèo lên cây bắn, nào là chuyện Bảy Hường bắn “trực thăng” ngoài trảng trống. Đại loại trong những câu chuyện như thế, người ta nói lại để khen cũng có, mà để vui đùa với nhau cũng có. Cô gái cũng biết người ta đồn đại về mình như vậy, nhưng cô không hề quan tâm đến chuyện đó. Có đôi lúc trước những câu chuyện đùa nghịch như thế, cô còn tỏ thái độ thách thức nữa là khác.

Tuy bề ngoài Bảy Hường có vẻ là một cô gái nghịch ngợm, bất chấp dư luận, cãi lộn với cả con trai, nhưng bên trong cô lại có một tâm hồn rất dễ rung cảm. Chính những nét dịu dàng ấy, Quá đã tìm thấy ở cô gái trong những ngày cô săn sóc thương binh. Trước đây, có một chiến sĩ nào đó quả quyết rằng Bảy Hường không biết khóc. Buổi chiều, khi người ta đã làm xong thủ tục và chuyển An đi lên bệnh viện Miền, Bảy Hường đến gặp Quá:

- Anh Quá, hôm nay em sẽ nói với anh một chuyện.

- Chuyện gì vậy, có quan trọng lắm không?

- Quan trọng lắm chớ, bộ không quan trọng mà em lại để mãi đến bây giờ mới nói.

- Thì nói đi!

- Anh có đồng ý không đã nào?

- Tôi biết thế nào mà đồng ý? A, nếu như việc ở lại viện thì tôi đồng ý ngay.

- Ở lại viện thì không được dâu. Chân cẳng anh vậy, rồi nó càn vô, ai mà khiêng anh chạy được?

- Chị nói giùm tôi vậy. Chị cứ nói là vết thương nó gần lành da rồi, chỉ vài hôm nữa là đi được.

Bảy Hường nói lửng lơ:

- Giá mọi hôm mà anh cũng nói như vậy với em thì...

- Bây giờ mới nói là vì bây giờ mới có chuyện tôi phải chuyển viện mà!

Bảy Hường im lặng một lúc rồi nói sang chuyện khác:

- Thôi, chuyện ấy để đó đã, anh hãy trả lời cho em chuyện này...

Quá nóng ruột:

- Thì nói đi!

- Nhưng anh có đồng ý không đã?

- Đồng ý!

Bảy Hường rút ra một cái ví từ trong túi xách.

Quá kêu lên một tiếng “A!” và chồm lên định cướp lai.

Bảy Hường tránh ra:

- Anh ngồi yên đã nào! Em không giữ cho anh thì còn đâu cái bót này mà anh đòi?

Cô mở ví, lấy ra một tấm ảnh và đưa trả cái ví cho Quá:

- Anh vừa nói đồng ý rồi đó chi! Em xin anh làm kỉ niệm...

Quá nhìn Bảy Hường môt lúc rất lâu, không biết nói gì, rồi cười, cầm lấy cái ví.

Lâu gửi tất cả đồ đạc cho một chiến sĩ ra viện mang về hậu cứ trước cho anh, và sáng dậy thay quẩn áo, giả vờ như đi chơi, về đơn vị sau. Khi anh ra đến cửa thì gặp một cán bộ già, trông ngờ ngợ, ông ta hỏi Lâu:

- Đây có phải đường vào bệnh xá phân khu không, đồng chí?

Lâu đang chỉ đường thì một người đi phía sau ông ta, kêu lên:

- Thằng Lâu!

Lâu nhận ra người đó là ông Thêm.

- Đi đâu đấy? Sắp ra viện được chưa? Cậu đưa anh Dũng vào gặp ban chỉ huy bệnh xá đi!

Lâu cúi xuống nhìn bộ quần áo của mình, ngập ngừng:

- Tôi ra viện.

- Ra viện thì quay lại một chút rồi cùng về!

Lâu liếc nhìn ông cán bộ già, rồi nhìn ông Thêm nói nhỏ:

- Tôi trốn về...

- Trốn về cũng được. Cứ vào đây đã! Đây là thủ trưởng Dũng, chính ủy trung đoàn chúng ta ngày xưa. Bây giờ thủ trưởng lại sắp về lại với anh em. Thủ trưởng đến thăm anh em cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đang nằm viện. Ai ra được, thủ trưởng sẽ đề nghị cho ra.

Ông cán bộ già cười:

- Ai chưa ra được thì cũng đề nghị với bệnh viện kiên quyết để lại.

- Báo cáo thủ trưởng, tôi ở trong danh sách ra viện rồi, nhưng vì phải chờ mấy hôm nữa lâu quá nên tôi ra trước thôi.

Gặp ông Thêm, Lâu thấy nhẹ cả người. Có cán bộ của trung đoàn vào nhận cho thì nhất định người ta sẽ cho ra, sớm đi mấy hôm chẳng sao. Anh biết hiện nay đơn vị đang rất cần những chiến sĩ cũ như anh trở về.

Lâu vừa đi vừa liếc nhìn ông Dũng. Ông Dũng cao hơn ông Thêm đến gần nửa cái đầu, gầy đen, trông có vẻ nhanh nhẹn. Lâu đã nghe nói về ông từ hồi ở ngoài Bắc, nhưng chưa lần nào gặp. Vào miền Đông Nam Bộ, ông được rút về Miền, sau được bổ sung xuống làm phó chủ nhiệm chính trị phân khu.

Theo như người ta kể lại, thì ông Dũng là một người khá khô khan. Anh em đồn rằng: Hồi ở ngoài Bắc, vợ ông đến thăm trong giờ làm việc, ông cho người ra chiêu đãi sở bảo bà đợi đến hết buổi mới ra tiếp. Ban chỉ huy trung đoàn bảo ông nghỉ việc ít hôm, nhưng ông không nghỉ, và chỉ đến hết giờ làm việc, mới ra gặp. Dạo thằng con trai ông lên chơi, ông cũng bỏ nó lang thang suốt ngày. Nó đến gặp các chú, nói:

- ở với bố chán lắm...

Ít lâu nó đòi về...

Đang nói chuyện với ông Thêm, bỗng ông Dũng quay lại hỏi Lâu:

- Ở bệnh xá các cậu đã chuẩn bị gì chưa?

- Chuẩn bị gì cơ a?

Ông Dũng nháy mắt với ông Thêm.

Lâu:

- Hai ba hôm nay có tin thằng Lựu đào ngũ. sau đó thì thằng Tám Hàn đầu hàng. Lâu chợt nhìn thấy cô gái đi sau ông Dũng và ông Thêm thì biết mình nói điều này thừa. Đó chính là cô gái đã nói với anh cái tin này khi đưa An đến bệnh xá. Anh vội vàng chỉ Sáu Trang:

- Những chuyện đó thì đồng chí này đã biết cả rồi...

- Tôi không hỏi tin đó, mà tôi hỏi xem các cậu chuẩn bị chống càn chưa? Bệnh xá đang làm những gì? Các cậu có biết là chúng nó đang tập trung quân ở Dầu Tiếng. Tây Ninh, chuẩn bị càn ra đường 14 chưa?

- Báo cáo thủ trưởng, chỉ thấy bệnh viện cho về bớt, một số cho chuyển viện, số ở lại còn rất ít.

- Anh An còn đó không, anh?

Cô gái hỏi.

- Chuyển viện sáng nay rồi.

Ông Dũng đã quay sang ông Thêm:

- Có lẽ bệnh xá trung đoàn phải đưa sang bên kia sông. Theo tôi, cứ nên gom hết anh em thương binh đơn vị về bên ấy.

Lâu xen vào câu chuyện:

- Anh em ở đây một số đang chuẩn bị chuyển viện, nhưng họ chưa muốn đi. Chắc là các thủ trưởng đến thế nào họ cũng tìm gặp đề bạt nguyện vọng xin ở lại.

Ông Thêm vừa mới gặp ông Dũng hôm qua, sau khi hành quân về đến hậu cứ một ngày. Đến nơi, ông Dũng chưa kịp hỏi han gì, ông Thêm đã ngồi kể hết tình hình trung đoàn, từ việc phó chính ủy Cường bị bom ở Phú Hòa Đông, đến chuyện Thận và Thực hy sinh ở cầu sắt, chuyện thằng Tám Hàn đầu hàng, chuyện ông Ba Kiên đang gặp khó khăn ở Bĩnh Mỹ, số chiến sĩ còn lại dưới đó, và trước khi đi, thì tình hình khu vực này căng thẳng như thế nào. Cuối cùng, ông Thêm nói đến đề nghị của ông Ba Kiên là xin ông Dũng trở về làm chính ủy trung đoàn trong tình hình khó khăn này.

- Anh Ba nói với tôi là cố gắng gặp cho được anh. Hình như anh ấy lo rồi đây...

- Rồi đây thế nào?

- Sợ không biết tình hình như thế rồi bộ phận dưới đó có về được nữa không? Hôm tôi ra về, anh Ba giao cho tôi đưa hết anh em cán bộ chiến sĩ thuộc trung đoàn bộ về. Anh nói để dưới đó hy sinh vô ích. Anh nói với tôi về mau chóng củng cố trung đoàn để nhận nhiệm vụ mới, đừng chờ đợi anh ấy về. Sau đó anh mới dặn tìm gặp anh.

Nghe ông Thêm nói, ông Dũng cứ ngồi cầm cái bật lửa gõ gõ mãi trên bàn, thỉnh thoảng nháy nháy con mắt bên phải. Ông nghĩ một điều gì đó thật khó khăn. Ông Thêm nói xong một lúc lâu, ông mới thở dài:

-Từ ngày tôi về công tác cùng một đơn vị với anh Ba Kiên đến bây giờ, cứ bao giờ gặp khó khăn là anh ấy lại phải đứng mũi chịu sào một mình. Tôi cứ như thằng trốn nợ. Nghĩ mà xấu hổ. Nếu lần này anh Ba Kiên có thế nào thì có lẽ tôi sẽ phải ân hận suốt đời. Hồi ấy, tôi đã nhất định xin ở lại trung đoàn, nhưng các ông cứ bắt phải về Miền. Chẳng lẽ mình là người làm công tác chính trị mà lại không chấp hành mệnh lệnh.

- Bây giờ liệu anh cố xin về trung đoàn được không?

- Điều đó thì chưa biết. Nhưng hôm trước, sau khi anh Ba nhắn với thằng Thị về cũng đã nói chuyện này với tôi. Tôi có đề nghị lên trên. Hôm ấy họp có cả anh Chín trong Bộ tư lệnh Miền. Các anh đồng ý biệt phái tôi vế một thời gian để củng cố đơn vị.

- Một thời gian rồi ở luôn, anh chuẩn bị về đơn vị sơm sớm, anh Ba đang giao cho tôi thu nhặt anh em thương binh ở các bệnh viện về, xin cán bộ và tân binh bổ sung.

- Không biết nhiệm vụ tới của trung đoàn như thế nào, thủ trưởng?

- Phân khu đã điện cho trung đoàn rút về trên này nhận nhiệm vụ mới, nhưng vì mất liên lạc nên dưới đó không nhận được. Tôi đã cho Thị trở xuống lại tìm anh Ba.

- Chắc kỳ này chúng ta lại trở về làm chủ lực Miền thôi chớ, thủ trưởng?

- Không đâu. Nhiệm vụ còn khó khăn lắm. Vẫn là đơn vị độc lập ở cái vùng ven này thôi.

- Lại trung đoàn độc lập! Ông Thêm thở dài buông thõng một câu.

Từ sau ngày thành lập, trung đoàn 16 luôn luôn là một trung đoàn chủ công của một sư đòan chủ lực miền bắc. Vào chiến trường miền nam nó luôn là một trung đoàn mạnh, từng đánh những trận công kiên nổi tiếng ở Tây Nguyên như: Đắc Tô, Đắc Sút, Tu-mơ-rông. Trong chiến dịch chống cuộc càn “Gian-xơn Xi-ty” ở biên giới, nằm trong đội hình chiến đấu với một sư đoàn mạnh của miền Đông Nam Bộ, trung đoàn đã đánh những trận tiêu diệt nổi tiếng như trận Đồng Rùm, Chà Dơ, và đặc biệt là trận đánh lữ đoàn 196 Mỹ. Vậy mà bây giờ người ta lại đưa một trung đoàn có truyền thống như vậy đi hoạt động du kích ở một vùng sau lưng địch thì thật là bất công. Ông Thêm nghĩ vậy và nói với ông Dũng:

- Không phải bọn tôi ngại gian khổ ác liệt đâu, nhưng anh tính xem, hiện nay ở chiến trường miền Đông này, thử hỏi có lấy được mấy trung đoàn mạnh như trung đoàn ta? Cứ mãi như thế này thì nó đến mòn mỏi đi làm sao mà xây dựng được truyền thống cho đơn vị?

Ông Dũng:

- Chính trên cũng đã cân nhắc mãi mới giao nhiệm vụ này cho chúng ta đấy!

Ông Dũng chưa vội nói hết tình hình với ông Thêm, nhưng theo ông biết, thì sắp tới cấp trên giao cho trung đoàn 16 một nhiệm vụ rất nặng nề. Cứ bề ngoài mà nhìn, thì đúng như ông Thêm nói, nó giống như không quan trọng lắm. Trung đoàn sẽ đứng chân ngay trên khu vực Trảng Bàng, Củ Chi, giữ vững địa bàn vùng ven, chống phá những cuộc hành quân bình định gom dân, hỗ trợ cho phong trào du kích và đấu tranh chính trị của nhân dân và lực lượng vũ trang tại chỗ, phối hợp với các đơn vị lớn hoạt động ở vòng ngoài.

Lâu nay, các báo chí và đài phát thanh địch không ngớt rêu rao là thằng Mỹ đang xuống thang để tỏ thiện chí cùa mình trong cuộc đàm phán ở Pa-ri. Nhưng trong thực tế, thì những nơi mà thằng Mỹ đang xuống thang đó lại diễn ra cảnh trái ngược. Nếu như ở miền Bác, cuộc chiến tranh phá hoai lùi xuống dưới vĩ tuyến 19 để gọi là “hạn chế”, thì ở miền Nam, các đơn vị Mỹ đang rút đi một cách nhỏ giọt để “phi Mỹ hóa cuộc chiến”. Nhưng thực tế thì, ở nơi những cái chân thang mà bọn Mỹ đang tụt xuống đó, mức độ của sự ác liệt được nhân lên gấp bội. Số bom đạn, trước đến nay vẫn rải đến trên khắp miền Bắc, nay tập trung cả vào một khu vực từ vĩ tuyến 19 trở vào. Ở miền Nam, những sư đoàn Mỹ, trước kia là lực lượng cơ đông càn quét, cướp phá nhiều nơi, nay tập trung về, dốc sức bình định đồng hàng và vùng ven đô bằng những thử đoạn dã man nhất, bằng những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất: đốt nhà, ủi đất, rải chất độc hóa học và dùng “trực thăng” đi soát giấy, ném cối và bắn đại liên xuống đầu từng người một.

Trảng Bàng và Củ Chi là vùng trọng điểm của cuộc bình định. Sư đoàn “anh cả đỏ” Mỹ tâp trưng về đây trên danh nghĩa là xuống thang, rút vào vòng trong, nhưng thực tế là để tô chức một cuộc ủi đất, gom dân càn quét đánh bật chủ lực của chúng ta khỏi hai hên bờ sông Sài Gòn, tạo ra một vùng đất trắng, ngăn cách vùng giải phóng với vùng sau lưng địch, để từng bước đẩy lùi chủ lực ta về biên giới.

Trước khi ông Dũng về lại trung đoàn, Bộ tư lệnh phân khu đã nói cho ông biết về tình hình khó khăn đó. Mấy hôm nay, tin tức tình báo cũng cho biết chúng nó đang tập trung quân số, vũ khí, phương tiện chiến tranh rất lớn chung quanh khu vực này. Sư 25 ngụy đươc điều về trong tiểu khu Trung Hòa, củ Chi. Sư đoàn “anh ca đỏ” Mỹ tập trung ở Tây Ninh. Lực lương cơ động cua các đơn vị bảo an dân vệ cũng đươc điều về thêm trên các trục đường 1. đường 2. đường 7- Chúng nó tổ chức những cuộc hành quân nhỏ đánh rã thăm dò ở Bến Súc, Rạch Bắp, Bến Tranh. Trôn hai bờ sông Sài Gòn, suốt ngày người ta nghe tiêng xe tăng rị.

Trên trời Trảng Bàng, củ Chi, “trực thăng” vũ trang nối đuôi nhau bay từng đoàn. Chúng nó bốc quân chỗ này đổ xuống chỗ kia. Những chiếc cần cẩu oằn lưng, mang những cỗ đại bác hoặc những chiếc xe tăng đen xì, lúc la lúc lắc dưới bụng, bay từ phía nam lên phía bắc. C.130 lượn suốt ngày. Đêm đến những chiếc phản lực cắt ngang cắt dọc bầu trời, chụp ảnh, để lại những bụm khói trắng xóa sau những tia chớp lóa mắt trên hai bờ sông.

Tụi giang thuyền cùng trở lại hoạt động. Chúng nó tuần tra trên sông, từ Phú Hòa Đông cho về đến Rạch Bắp. Nhân dân Thanh An và Bến Súc đêm nằm nghe tiếng ca nô nô máy giật mình lo sợ. Có nhà chạy vào ấp chiến lược. Tin đồn nay mai nó sẽ đổ quân xuống các ấp trên đường 14...

Trong khi đó. một số đơn vị chủ lực của ta cũng đã áp sát xuống vùng ven. Phía sau trung đoàn 16, bộ đội đóng chật trong các làng 13, làng 10, các rừng cao su trong khu vực Dầu Tiếng.

Ông Dũng được lệnh cấp tốc củng cố trung đoàn và chuẩn bị sang sông Sài Gòn nhận nhiệm vụ.

Ngay sau khi gặp ông Thêm, ông tổ chức một đoàn cán bộ gồm có cán bộ chính trị, quân sự, có nhiệm vụ đến bệnh xá quân khu nắm lại số cán bộ, chiến sĩ trung đoàn có thể trở về chiến đấu. nghiên cứu sắp xếp lực lượng bổ sung cấp tốc cho trung đoàn. Sau đó, họ sẽ đến làm việc với hai địa phương Trảng Bàng và Củ Chi để bàn kế hoạch phối hợp tác chiến trong thời gian tới.

Vừa ở trong hầm ban chỉ huy bệnh xá ra, ông Dũng đã bị anh em thương binh đứng vây chặt vòng trong vòng ngoài. Đồng chí phụ trách bệnh xá phải mời anh em lên hội trường. Các nguyện vọng được lần lượt trình bày.

Có người thiếu giấy tờ trước khi chuyển viện. Có người đã từ lâu không có giấy tờ cung cấp sinh hoạt phí. Có người chưa được giải quyết việc khen thưởng đề bạt qua những đợt chiến đấu. Những việc tồn tại sau một đợt chiến đấu dài ứ lại. Ông Dũng giao cho cán bộ chính sách ghi lại và giải quyết trước hết cho những người được chuyển viện. Giữa lúc đó thì một chú bé đến đứng đằng sau ông, mấy lần muốn nói, nhưng đành rụt rè đứng đợi. Ông Thêm trông thấy, quay lại:

- Cháu cần Hỏi ai?

- Cháu muốn gặp chính uỷ.

- Gặp làm gì?

Cháu là chiến sĩ của trung đoàn, nhưng chưa có danh sách nên bây giờ người ta định chuyển cháu lên Miền.

Ông Thêm ngơ ngác:

- Cháu ở tiểu đoàn mấy?

- Cháu chưa ở tiểu đoàn nào cả.

- Vậy thì cháu ở ban nào, hay đơn vị trực thuộc?

- Cũng chưa.

Ông Dũng quay lại, nghe câu chuyện giữa ông Thêm vá chú bé, thì bật cười:

- Vậy cháu muốn gì nào?

- Cháu đề nghị cho cháu về trung đoàn!

- Nhưng cháu vào trung đoàn bao giờ? Đánh nhau ở đâu mà bị thương?

- Cháu đánh nhau trong trận cầu sắt, bị thương và chú Ba bảo cháu về trên này...

Chú bé ấp úng, không nói được nữa. May sao lúc đó nó bỗng trông thấy Sáu Trang. Nó kêu lên một cách mừng rỡ:

- Chị Sáu!... Báo cáo thủ trưởng, chị Sáu chị áy biết cháu bị thương trong trận cầu sắt, và chính chú Ba giao cho chị ấy đưa cháu về trên này.

Sau khi nghe Sáu Trang trình bày lại trường hợp của chú bé, ông Dũng nói:

- Vậy cháu là người của phân khu chứ không phải của trung đoàn.

Chú bé cãi:

- Hồi cháu vào bộ đội, má cháu giao cháu cho chú Ba chứ không phải cho lão Tám Hàn mà! Nhưng vì chú Ba bận quá chú nói cháu hãy tạm đi với lão ta về trên Miền. Má cháu cũng không thích cho cháu đi với lão ta đâu. Vì thế mà hôm đánh nhau ở cầu sắt, Tám Hàn gọi cháu, cháu hổng có theo lão nữa...

Mọi người nghe thằng Hùng nói, cười ồ lên. Ông Thêm nghe chuyện có vẻ thích thằng Hùng lắm. Ông nói nhỏ với chính uỷ:

- Cho nó về trung đoàn cũng được. Nguyện vọng nó đã vậy...

Ông Dũng không nói gì. Ông nghĩ đến những ngày chiến đấu ác liệt sắp tới và nhìn chú bé rất lâu. Chú bé nghe ông Thêm nói vậy thì như được khích lệ, tiến tới sát ông Dũng:

- Chú Ba chú nói với cháu là cứ về trên này rồi chú sẽ xin cho vào trung đoàn. Chú cứ cho cháu về trung đoàn, hôm nào chú Ba về, nhất định chú ấy sẽ đồng ý mà!

Ông Dũng quay lại đồng chí cán bộ đi bên cạnh:

- Thôi được, hãy cứ nhận cháu về tạm ban chính trị rồi giải quyết sau.

Ông quay sang thằng Hùng:

- Cháu nhớ là chú tạm thời nhận cháu về trung đoàn rồi giải quyết sau, vì cháu là người của phân khu, các chú không có thẩm quyển giải quyết.

Hùng định nói thêm nữa, nhưng sau đó nó lại nghĩ rằng nhất định về đó, nó sẽ gặp ông Ba Kiên. Vậy là nó yên tâm.

Vừa giải quyết xong chuyên thằng Hùng, thì một cô gái, chưa nói đã đỏ mặt, tiến đến gần bên ông Dùng. Ông Dũng hỏi ngay:

- Đến lượt cô cũng là người của trung đoàn chúng tôi nữa sao?

Cô gái liếc nhanh ông Dũng rồi nhìn xuống chân, nói:

- Cháu là y tá. Cháu xin ở lại bộ phận bệnh xá chia cho trung đoàn, nhưng các đồng chí phụ trách bảo là trung đoàn không nhận nữ.

- Điều đó thì đúng như vậy.

- Nhưng cháu cũng đã đi với trung đoàn trong gần suốt hai đợt dưới đó và chú Ba cũng đã hứa với cháu là sẽ nhận cháu về trung đoàn.

Ông Dũng nghĩ đến việc trung đoàn có thêm được một người, ngần ngại:

- Tôi sẽ coi đồng chí như chiến sĩ trung đoàn 16 với hai điểu kiện, đồng chí đồng ý vậy không?

- Chú cứ nói!

- Điều kiện thứ nhất là ban phụ trách ở đây đồng ý.

Bảy Hường cười.

- Điều kiện thứ hai là nếu như đồng chí nói thật đúng lý do vì sao đồng chí muốn về đơn vị chúng tôi.

- Cháu muốn ra đơn vị chiến đấu hơn là ở cơ quan.

Nói xong Bảy Hường đỏ mặt. Ông Dũng gật đâu:

- Tôi phải hỏi trước như vậy, để nói cho đồng chí rõ, trung đoàn chỉ nhận nữ y tá chứ không nhận chiến sĩ nữ.

Có một người nào đó nói trong hàng:

- Đồng chí ấy chưa nói thật đâu. Đồng chí ấy xin về trung đoàn còn có lý do khác nữa đó?

Giữa lúc đó thì vô tình ông Thêm lại hỏi:

- Này cô Bảy, cậu Quá nằm ở hầm nào?

Bảy Hường đang lúng ba lúng búng thì Quá từ phía sau kêu lên:

- Báo cáo thủ trưởng, tôi đây!

Từ lâu Quá vẫn đứng đằng sau không lên được, bây giờ nhờ có ông Thêm gọi đến, người ta tránh đường cho cậu chống nạng khập khễnh bước tới.

- Báo cáo chính uỷ, đây là cậu trinh sát mà tôi nói.

Ông Dũng:

- Tôi có nghe nói về đồng chí. Đồng chí bị thương ở đâu?

- Ớ chân và đầu gối nhưng sắp đi được rồi.

- Cậu yên trí, không cần phải man khai gì cả. Chúng mình sẽ xin cho cậu về nằm bệnh xá trung đoàn cho gần đơn vị. Cậu đồng ý chứ?

- Đồng ý ạ!

Chung quanh, nhiều người khác cũng nói:

- Đồng ý ạ!

Quá đỏ mặt lùi ra thì có tiếng gọi bên cạnh:

- Anh Quá!

Quá quay lại không biết nói gì, vì anh nhận ra cô gái đã đưa An vào viện hôm trước.

- Anh không biết em đâu...

- Tôi biết... Anh nói lắp bắp.

Quá chưa biết nói gì thêm thì thằng Hùng cũng tiến lại phía hai người:

- Chị Sáu, chị có về trung đoàn không?

- Không. Chị không phải người trung đoàn.

- Nhưng chị cứ xin về như em. Chị coi, người nào xin về cũng được cả mà! Anh An đi bao lâu về, chị?

- Chị không biết.

Quá:

- Tôi cứ tưởng đồng chí là du kích đâu dưới Tân Thới Hiệp.

Thằng Hùng quay lại nhìn Quá:

- Chị Sáu chị đi hoài với trung đoàn mà anh không biết?

Sáu Trang:

- Hôm ấy em tưởng đâu...

- Tưởng là tôi chết...

Hùng:

- Hôm ấy chị Sáu cũng tưởng là em chết, phải vậy không?

Giữa lúc đó, một đồng chí liên lạc đến tìm gặp ông Dũng.

Cậu ta vừa thở vừa nói cái gì đó có vẻ quan trọng lắm.

Ông Dũng thì thầm với ông Thêm một lúc, rồi quay lại nói với tất cả anh em thương binh:

- Trừ một số các đồng chí phải vể bệnh viện Miền điều trị, chúng tôi sẽ để cán bộ giải quyết giấy tờ xong hôm nay. Còn những anh em khác thì chiều nay theo bệnh xá về bên kia sông, mọi việc vể sau trung đoàn sẽ giải quyết, sắp tới, nhiệm vụ trung đoàn chúng ta sẽ rất nặng nề. Chúc các đồng chí chóng bình phục, trở về đơn vị. Bây giờ không có thì giờ nhiều nữa, các đồng chí phải giải tán về ngay. Bệnh xá đang chuẩn bị di chuyển. Địch triển khai càn rồi đó. Tụi Mỹ vừa đổ một tiểu đoàn xuống Đồng Lớn, Sa Nhỏ và cầu Ván. Các đồng chí ở trong vòng càn rồi đấy.

Quá nhìn Sáu Trang:

- Bây giờ đồng chí về đâu?

- Em đi xuống phía đồng Lớn, nơi địch đang đổ quân đây.

Có người gọi, Sáu Trang vội nói:

- Chào anh Quá nghen! Chị đi, Hùng nghen!

Thằng Hùng nhanh nhảu:

- Chị Sáu đi nghen! Rồi, chị còn về trung đoàn thăm em. Em còn có nhiều chuyện muốn nói với chị lắm.

Quá cũng muốn nói với Sáu Trang như thằng Hùng nói nhưng anh không dám. Sáu Trang đi rồi, anh mới nhớ là mình quên hỏi xem cô ta là người ở đơn vị nào, công tác ở bộ phận nào.

Trong khi anh em thương binh được gọi về họp cấp tốc thì đoàn cán bộ cũng vội vã ra đi. Ra đến đường cái, đoàn chia làm ba: ông Dũng và hai trợ lý tác chiến đi về hướng bắc, họ sẽ tạt qua chỗ tiểu đoàn 8, lấy thêm chiến sĩ, đi về phía đường 19, nghiên cứu cụm địch nống ra gần ấp Mồ Côi. Tiểu đoàn 8 đã ở lại vùng Bình Mỷ và Tân Thới Hiệp suốt từ đầu đợt một cho đến khi hai tiểu đoàn kia xuống lại vùng này trong đợt hai thì rút về trên củng cố. Trung đoàn nhận được lệnh là bằng mọi cách, tập trung lực lượng cho tiểu đoàn 8 tập kích vào cụm Mỹ đóng dã ngoại này để đánh một đòn phủ đầu vào kế hoạch ủi đất gom dân của chúng nó. Ông Thêm cùng với mấy cán bộ chính trị quay trở về bên kia sông chuẩn bị súng đạn và điều tân binh, cán bộ bổ sung cho tiểu đoàn. Sáu Trang thì vẫn đi theo một kế hoạch của phân khu. Cô rẽ xuống phía nam, đi về Đồng Lớn. Bà mẹ và chị Hai của cô đang ở đó.

Sáu Trang ra đến đường số 6, con đường chia ranh giới giữa hai quận Trảng Bàng và Củ Chi, thì gặp những đoàn người đi ngược chiều, người xe bò, người quang gánh, có người chỉ cầm một cái túi xách trong tay. Họ trả lời những câu hỏi của Sáu Trang một cách vội vàng về tình hình địch:

- Nó ra gần đến Sa Nhỏ rồi!

- Nó còn đốt nhà, khói lên đen nghịt không thấy còn hỏi chi...

- Lính ra nằm đầy Suối Cạn, mấy ổng du kích chạy biệt tăm biệt tích hết trọi rồi, còn đâu mà đánh với đấm.

Những lần trước, buổi sáng họ chạy như thế, đến chiều êm họ lại trở về. Nhưng lần này nghe nói thằng Mỹ cụm lại luôn ở Đồng lớn không rút.

Sáu Trang vẫn cặm cụi đi về phía có tiếng đại bác. Vốn sống quen ở vùng ven, cô biết số dân đó là số dân chạy trước. Có khi họ chưa trông thấy bóng thằng Mỹ, nhưng họ đã nói là trông thấy. Có khi chúng nó đã rút thì họ lại nói là chúng nó đang cụm lại. Họ chạy ra ngoài cánh đồng ngồi và nhìn chừng. Cứ như thế, người này hỏi thăm người khác, người khác lại hỏi thăm người khác nữa...

Địch đang càn ở Đồng Lớn. Điều đó thì đã rõ. Nhưng càn ở khu vực nào? Nó có đến cuối làng, nơi giáp với ấp cỏ Ống không? Nhà Sáu Trang ở đó, nơi có những tàn tranh đang bay lả tá đó, nơi đại bác đang bốc lên những ngọn khói đen kịt đó. Má và chị Mai không biết có chạy không? Những lần trước chỉ có chị Mai chạy thôi, còn má thì ngồi trong hầm cho đến khi đại bác hết bắn.

Lần này nghe nói chúng nó làm dữ lắm. Thằng đại uý phụ trách tiểu khu Trung Hòa nói là chúng nó sẽ đốt sạch mấy cái ấp cỏ ống, Sa Nhỏ, Đồng Lớn, gom hết dân vào trong tiểu khu. Chắc là hôm nay nó đang bắt đầu từ cái ấp trong cùng là ấp Đồng Lớn. Có những chiếc “trực thăng’’ hạ cánh rồi lại cất cánh bay lên ở phía đó.

Sáu Trang về đến đầu ấp cỏ ống thì nghe tiếng một người gọi:

- Này, sang chi bển, người ta đang chạy đi cả, mày lại chạy về. Bộ định đi chiêu hồi chắc?

Sán Trang quay lại và nhận ra ông Hai Trụ. Nhà ông cũng ở bên ấp Đồng Lớn.

- Vô đây đã! Chút nữa êm rồi qua về với...

Ông già mặc quần xà lỏn, tay cầm cái nón rách. Đang ngồi giữa sân một cái nhà sát ngay cạnh đường cái nhìn về phía những cụm khói bốc lên từ phía ấp Đồng Lớn hai chòm ria điểm bạc hai bên mép giật giật:

- Mày về chi, con Sáu?

- Dạ, cháu nhân đi công tác qua, định tạt về thăm nhà một chút.

- Thăm với nom? Quân chủ lực đâu mà không về đánh? Lần này thì tụi nó bốc quang cả cái ấp Đồng Lớn.

Sáu Trang không biết nói thế nào, đành ngồi im lặng. Cô nhận nhiệm vụ của phân khu về hai quận Trảng Bàng và Củ Chi này, bắt liên lạc với các cơ sở vũ trang, bí mật phối hợp hoạt động trong các đợt tới. Vậy mà tình hình rối ren như thế này thì rồi chưa biết ra sao. Các ấp Đồng Lớn, Cỏ Ông, Sa Nhỏ là những ấp giáp ranh giữa ta và địch. Từ những căn cứ ấy, ban đêm du kích đột ấp làm công tác vũ trang tuyên truyền. Cũng từ những nơi đó, các cơ sở bên trong của chúng ta, khi ra khi vào, liên lạc với trên, nhận sự chỉ đạo về mọi mặt công tác và cung cấp những tin tức quan trọng. Bây giờ chúng nó đang chuẩn bị ủi trắng, đốt sạch. Những cái ấp đó mất đi thì những căn cứ du kích chung quanh tiểu khu Trung Hòa sẽ trơ ra trong vòng những cuộc càn quét.

- Chú Hai có biết má cháu chạy đi đâu không?

- Chạy vào ấp chiến lược chứ còn chạy đi đâu nữa? Ngày hôm kìa nó bắn đại bác vào ấp, ngày hôm kia nó gọi loa, ngày hôm qua nó đốt, ngày hôm nay nó lại đốt. Ai mà gan lỳ bám trụ với bom đạn mãi được?

Sáu Trang biết chú Hai nói vậy thôi, chứ chú không vào ấp chiến lược. Không phải bây giờ nó mới gom dân ấp Đồng Lớn, mà từ năm 66 nó đã đốt nhà và đưa “trực thăng” đến bốc dân đưa vào Trung Hòa, đưa sang Dầu Tiếng. Chú Hai đã trốn đi trong những ngày càn. Rồi sau đó lại trở về, chặt tầm vông dựng lại cái nhà ngay trên nền cũ. Hầu hết các gia đình ở Đồng Lớn sau một thời gian, cũng quay trở về ấp cũ như vậy.

- Chắc nó càn vậy vài hôm rồi cũng êm thôi, chú Hai?

- Lần này nó làm dữ dằn lắm chớ chẳng như những lần trước đâu!

- Chú sang đây từ lúc nào vậy?

- Buổi sáng tao đi trồng mấy cỏ báng ngoài bìa rừng, nghe nổ súng, tao chạy về đây.

Một lúc êm, Sáu Trang theo ông Hai Trụ về Đồng Lớn. Không có người nào dọc đường cho ông hỏi thăm nữa. Đến đầu ấp, ông quay lại nhìn Sáu Trang:

- Mày có thứ gì của Giải phóng mang trong người nữa không?

- Dạ không.

- Được rồi. Cứ đi với tao, có gì để tao liệu. Coi chừng chúng nó vẫn ở trong ấp chưa ra.

Qua một cái nhà cháy. Qua hai cái nhà cháy. Mỗi lúc ông Hai bước một nhanh hơn. Chẳng có ai dập ngọn lửa cho những ngôi nhà. Nhưng mái tranh bốc lên cháy rần rật rồì sụp xuống, trơ ra nhưng cái cột cũng đang bốc lửa cháy ngùn ngụt như những cây nến khổng lồ. Trời mỗi lúc một tối thì ngọn lửa cũng mỗi lúc một đỏ hồng lên.

Bây giờ thì ông Hai chạy. Ông chạy hớt hải vế phía trước ông nhận ra một đứa bé đang bước thất thểu quanh một hố bom. Nó vừa đi vừa kêu:

- Má ơi! Giọng nó bị ngọn khói tạt vào làm cho nghẹn lại, khản đặc.

Khi trông thây ông Hai thì thằng bé ngồi thụp xuống và khóc to tiếng.

- Má mày đâu rồi? Ông Hai bế thằng nhỏ lên, vừa phủi đất trên tóc, trên lưng nó, vừa hỏi.

Thằng nhỏ nín khóc, trả lời ngọng đét:

- “Chực thăng” bốc má, chui xeo, hắn ạp chui... Hi hi.

Ông Hai không hỏi gì nữa, bế thằng bé đi thẳng đến ngôi nhà cháy đã gần tàn. Rồi như mệt quá, ông ngồi thụp xuống trước cái sân đang nóng hầm hập hơi lửa. Nhà ông Hai cũng chỉ còn trơ lại mấy cái cột cháy.

Bên kia là nhà Sáu Trang, cũng đang cháy dở như thế. Không có một người nào. Họ là những người đầu tiên trở về. Ông Hai hầu như quên mất Sáu Trang bên cạnh, ngồi một lúc lâu, ông mới quay lại:

- Đợi một chút, người ta đi về rồi mới hỏi thăm được.

Mãi dến chừng bảy, tám giờ tối, lác đác có năm ba người trở về. Không còn nhà nữa, họ vơ vội một vài thứ gì đó, rồi lại ra đi. Người thì nói là má Sáu Trang bị “trực thăng” bốc, người thì nói là bà đã cùng chị Hai vào Trung Hòa từ sáng. Bà Hai Trụ bị bốc đi cùng với đứa con gái. Thằng Đức, con út ông Hai, lúc đầu chạy trốn, sau thấy má nó bị lôi lên “trực thăng”, chạy theo khóc thì bị một thằng Mỹ hất té nhào xuống bên cạnh hố bom. Nó sợ quá không dám theo nữa, nằm đó cho đến lúc trông thấy chiếc máy bay chở má và chị nó xoay tít cánh quạt, quạt cát bụi mù cả mắt nó, từ từ bay lên...

Thằng bé chỉ tay lên trời, về hướng Trung Hòa, nói với ông Hai:

- Chực xăng i dìa trởng! (Trực thăng đi về trởng)

Ông Hai hỏi Sáu Trang:

- Mày định đi đâu giờ?

- Có lẽ con lại về cơ quan...

- Hãy chờ đây khuya coi sao, ở đó tao nấu cơm cho ăn. Đại bác có bắn thì vô trong hầm kia nấp!

Ông chỉ cái hầm sau nhà. Cái hầm trước nhà nó đã đặt thuốc nổ phá banh. Khói thuốc còn bám đen xịt trước cửa hầm.

Ông Hai ra ngoài vườn, đào đất, lấy lên một cái thùng đại liên đựng gạo và bảo Sáu Trang xuống múc nước hố bom lên. Cái giếng sau nhà nó cũng đã đánh thuốc nổ sập xuống.

Sáu Trang vo gạo. Ông Hai chặt mấy khúc tầm vông đóng xuống đất làm cái kiềng nấu. Họ nhóm lửa lên ngay trước cái nhà sập.

- Bây giờ chú tính sao, chú Hai.

- Thì dựng lại nhà mà ở chứ còn tính sao nữa?

- Chú nói liệu người ta còn về ở đây nữa không, chú?

- Đận này nó làm ráo riết, chưa chắc đã ai dám về! Thanh niên, đàn bà, con gái thì phải chạy hết rồi, may chỉ còn lại mấy ông già như tụi tao...

Ba người ngồi ăn giữa sân. Họ ăn cơm với khô cá nướng, không biết từ đâu, ông Hai lấy ra một xị rượu, ông rót vào chén cho Sáu Trang rồi mới rót vào chén ông:

- Uống với ta một ngụm, tao đang buồn...

- Chắc thím Hai bị “trực thăng” bốc vào trong ấp. Trên trực thăng” còn nhiều người mình, chú khỏi lo.

- Tao buồn là buồn người ta bỏ cái ấp đồng Lớn này thôi. Du kích cũng chạy rồi! Cán bộ cũng chạy rồi! Chủ lực thì không thấy về. Nói dân bám trụ, chúng tao bám trụ. Nhưng bám trụ mãi mà không oánh thì bám trụ cái gì chớ? Chúng nó bắt dân vào ấp chiến lược như bát cóc bỏ đĩa. Bắt vào họ lại ra. Ra rồi nó lại bắt vào. Chẳng có ai ngăn cản chúng nó cả thì làm sao? Đấy, chúng nó đã đưa xe ủi đất về ủi bên Gò Nổi rồi! Nay mai nó sẽ ủi Đồng Lớn, ủi cỏ ống, ủi hết ra đến bờ sông Sài Gòn rồi chúng mày lấy đất đâu mà ở? Tao có nằm trong cái hầm này thì rồi cũng chỉ nằm một mình mà nhìn trời nhìn đất chứ mày bảo bám trụ với ai nào?

- Chú Hai định vẫn ở lại đây thiệt hở, chú Hai?

Tao không ở đây thì đi đâu? Tao già rồi, tao cần chi. Bất quá một trái đạn nổ trên hầm thì coi như lấp luôn. Mai tao gửi thằng nhỏ này vào ấp chiến lược.

- Chui ông i... (Tôi không đi).

Nghe thằng nhỏ nói. Sáu Trang muốn bật cười, nhưng tiếng cười nghẹn lại. Tự nhiên Sáu Trang nghĩ đến một cái trạm liên lạc các đầu mối của cô ở bên cái nền nhà cháy này. Cô nhìn ông Hai. Ông ngồi xếp bằng tròn trên tấm vải mưa, lưng thẳng, một tay đặt trên chòm râu, một tay đặt trên chén rượu, một nửa khuôn mặt lấp đi trong bóng tối, chỉ còn trông thấy đường viền của một vầng trán nhô cao, bướng bỉnh.