Chương 3

Hồn người chết không nói chuyện. Tôi không biết tại sao.

Harlo Landerson bị các nhân viên chức trách giải đi. Trong ví của hắn, người ta tìm thấy hai bức ảnh chụp Penny Kallisto. Tấm hình đầu tiên, cô bé trần trụi và còn sống. Tấm hình thứ hai, cô bé đã chết.

Stevie ở dưới nhà, trong vòng tay của mẹ cậu bé.

Wyatt Porter, cảnh sát trưởng ở Sở Cảnh sát thị trấn Pico Mundo, yêu cầu tôi chờ trong phòng Stevie. Tôi ngồi xuống mép chiếc giường chưa sắp xếp ngăn nắp của cậu bé.

Tôi ngồi một mình không lâu thì Penny Kallisto đi xuyên qua tường và ngồi xuống cạnh tôi. Vết dây buộc đã biến mất khỏi cổ cô bé. Trông em như chưa bao giờ bị siết cổ, chưa bao giờ phải chết.

Như trước giờ, cô bé vẫn câm lặng.

Tôi thường tin vào kiến trúc truyền thống của dương thế và cõi âm. Thế giới này là một cuộc hành trình để khám phá và rửa tội. Thế giới bên kia gồm có hai đích đến: một nơi là cung điện dành cho linh hồn và vương quốc vô tận những điều kì diệu lạnh lẽo, tối tăm và không thể hình dung nổi.

Bạn cứ việc nghĩ tôi là kẻ ngớ ngẩn. Những người khác đều nghĩ thế cả.

Stormy Llewellin, một thiếu nữ có quan điểm độc đáo, lại tin rằng chuyến đi xuyên suốt thế giới này của chúng ta nhằm mục đích tôi luyện cho chúng ta vững vàng hơn vào kiếp sau. Nàng bảo tính trung thực, chính trực, dũng cảm và cương quyết chống lại cái ác của chúng ta sẽ được đánh giá vào phút cuối chúng ta có mặt trên thế giới này, và nếu được duyệt, chúng ta sẽ gia nhập vào đội quân những linh hồn, tham gia một nhiệm vụ cao cả nào đó ở thế giới bên kia. Những ai không vượt qua cuộc sát hạch xem như không sống tiếp nữa.

Tóm lại, Stormy xem cuộc đời này như trại huấn luyện binh lính. Nàng gọi kiếp sau là “giai đoạn tại ngũ”.

Tôi hi vọng nàng đã nhầm, bởi lẽ một trong những hàm ý của thuyết vũ trụ nàng đưa ra đó là rất nhiều nỗi kinh hoàng chúng ta biết đến ở đây chính là sự tiêm chủng phòng ngừa tình trạng tồi tệ ở thế giới bên kia.

Stormy nói những điều chúng ta trông đợi ở kiếp sau sẽ bõ công chúng ta nhẫn nại ở kiếp này, một phần vì chuyến phiêu lưu nhưng chủ yếu do phần thưởng dành cho giai đoạn tại ngũ sẽ đến vào kiếp sống thứ ba.

Về phần mình, tôi thích nhận phần thưởng vào thời điểm sớm hơn nàng dự đoán.

Nhưng Stormy thích trì hoãn việc hưởng thụ. Nếu ngày thứ Hai nàng thèm soda kem, nàng sẽ chờ đến thứ Ba hoặc thứ Tư mới uống một li. Nàng khăng khăng bảo rằng chờ đợi khiến li nước ngon hơn hẳn.

Quan điểm của tôi lại khác: nếu bạn thích mê món soda kem, thứ Hai uống một li, thứ Ba uống thêm li nữa, thứ Tư uống tiếp li khác.

Theo Stormy, nếu tôi sống theo triết lí đó quá lâu, tôi sẽ trở thành một gã nặng tám trăm pao, đến lúc ngã bệnh phải nhờ cần trục và đội thợ xây đến lôi ra khỏi nhà.

Nàng từng nói, “Nếu anh muốn bị bẽ mặt với việc được chở đến bệnh viện trên xe tải sàn phẳng thì đừng hòng có chuyện em ngồi lên cái bụng béo phị của anh như chú dế Jiminy ngồi trên lưng cá voi, nghêu ngao ca bài ‘Khi bạn cầu nguyện một vì sao’ nhé.”

Tôi khá chắc chắn rằng trong bộ phim hoạt hình Pinocchio của hãng Disney, chú dế Jiminy chưa bao giờ ngồi trên lưng cá voi. Thực ra tôi còn ngờ vực cả chuyện chú dế đó chạm trán cá voi.

Tuy nhiên, nếu tôi đưa ra lời nhận xét ấy với Stormy, nàng sẽ tặng tôi ánh mắt hình viên đạn ngụ ý rằng Anh ngớ ngẩn đến mức hết thuốc chữa hay chỉ là đang giỡn? Nên tránh đến vẻ mặt đó nếu không muốn sợ chết khϊếp.

Vừa ngồi đợi trên mép giường của Stevie, tôi vừa nghĩ rằng ngay đến Stormy cũng không thể làm tinh thần tôi phấn chấn hơn. Quả thực, nếu bức hình Scooby-Doo cười toe toét in trên khăn trải giường không làm tôi vui trở lại thì có lẽ chẳng điều gì giúp được.

Tôi vẫn cứ nghĩ mãi về chuyện Harlo mất mẹ năm lên sáu tuổi, lẽ ra cậu ta phải là hình tượng gợi nhớ đến người mẹ, thế nhưng cậu ta đã làm ô uế kí ức về mẹ mình.

Và rồi tôi nghĩ đến Penny: cuộc đời cô bé kết thúc quá sớm, sự mất mát khủng khϊếp đối với gia đình em, một nỗi đau không nguôi làm thay đổi mãi mãi cuộc sống những người thân của em.

Penny đặt tay trái lên tay phải của tôi và siết chặt an ủi.

Bàn tay em mang đến cảm giác thật như tay của một cô bé còn sống, rắn rỏi, ấm áp. Tôi không hiểu tại sao cô bé lại trở nên có thực đến thế đối với mình và tuy em đi xuyên tường nhưng em hiện hữu trước mắt tôi và vô hình với mọi người.

Tôi ứa nước mắt. Đôi khi tôi vẫn khóc. Tôi không xấu hổ với việc rơi lệ. Vào những lúc thế này, nước mắt giúp xua tan các cảm xúc, nếu không chúng sẽ ám ảnh tôi, sự ám ảnh làm tôi đau lòng.

Ngay sau khi những giọt lệ long lanh đầu tiên chỉ mới khiến mắt tôi nhòa đi chứ vẫn chưa kịp rơi xuống, Penny đã siết chặt tay tôi trong đôi tay cô bé. Cô bé mỉm cười và nháy mắt như muốn nói: Chuyện ổn rồi, anh Odd Thomas. Quên nó đi, tống khứ nó đi.

Người chết rất thông cảm cho những người sống. Họ đi trước và biết hết những nỗi sợ hãi, nhược điểm, những hi vọng bế tắc của chúng ta và việc chúng ta trân trọng thế nào thứ không thể kéo dài mãi mãi. Họ thương xót chúng ta, tôi nghĩ thế, và quả thực họ nên thương xót chúng ta.

Khi nước mắt tôi đã khô, Penny đứng nhổm dậy, mỉm cười lần nữa và dùng tay vuốt lên ngược tóc tôi ra sau trán. Tạm biệt, cử chỉ ấy dường như để nói lên điều đó. Cảm ơn và tạm biệt.

Cô bé băng qua căn phòng, xuyên tường, đi vào không gian buổi sáng tháng Tám ở tầng nhà nằm phía dưới trên mảnh sân trước, hay đi vào một lãnh địa khác tươi sáng rực rỡ hơn cả mùa hè tại thị trấn Pico Mundo này.

Lát sau, cảnh sát trưởng Wyatt Porter xuất hiện ngay cửa phòng.

Cảnh sát trưởng là một người đàn ông to lớn nhưng diện mạo của ông không đáng sợ lắm. Với cặp mắt lồi và hai bên má chảy xệ, khuôn mặt ông chịu ảnh hưởng của trọng lực trái đất nhiều hơn hẳn phần cơ thể còn lại. Tôi thấy ông di chuyển nhẹ nhàng và quyết đoán nhưng qua hành động và phong thái có vẻ ông gánh vác rất nhiều thứ nặng nề trên đôi vai rắn chắc, vạm vỡ.

Nhiều năm qua, khi những ngọn đồi thấp bao bọc thị trấn của chúng tôi được đυ.c đẽo thành khu lân cận đầy các cư xá, dân số bùng phát, và khi sự hèn hạ của một thế giới hiểm ác len lỏi vào nơi trú ngụ cuối cùng của phép lịch sự, như thị trấn Pico Mundo, thì có lẽ cảnh sát trưởng Porter đã chứng kiến quá nhiều hành động dối trá của con người. Có lẽ gánh nặng ông chất trên vai là hàng đống kí ức ông muốn trút bỏ nhưng không thể.

“Vậy là hai bác cháu mình lại gặp nhau,” ông cất tiếng và bước vào phòng.

“Dạ phải,” tôi đồng tình.

“Cửa ngoài sân vỡ toang, đồ đạc tan tành.”

“Đa phần không phải do con làm vỡ, trừ cây đèn ngủ.”

“Nhưng con tạo ra tình huống dẫn đến điều đó?”

“Dạ phải, thưa bác.”

“Tại sao con không đến chỗ bác, để bác tìm cách khiến Harlo tự rơi vào bẫy?”

Trước đây chúng tôi đã hợp tác theo kiểu đó.

“Cảm giác của con,” tôi đáp, “cho thấy cần phải đối đầu với hắn ngay tức thì, có lẽ chẳng mấy chốc hắn sẽ lặp lại tội ác.”

“Cảm giác của con.”

“Dạ phải, thưa bác. Đó chính là điều con nghĩ Penny muốn truyền đạt. Sự khẩn nài lặng lẽ liên quan đến cô bé.”

“Penny Kallisto.”

“Dạ phải, thưa bác.”

Cảnh sát trưởng thở dài. Ông ngồi xuống chiếc ghế duy nhất trong phòng: một chiếc ghế dành cho trẻ con, màu tím phủ lên phần lưng ghế có thân mình và đầu của khủng long Barney. Trông như ông đang ngồi trong lòng Barney. “Này con trai, con làm phức tạp cuộc đời của bác quá.”

“Họ làm phức tạp cuộc đời của bác và cuộc đời của con còn phức tạp hơn của bác nhiều lắm,” tôi nói, có ý chỉ những người đã khuất.

“Chắc rồi. Nếu là con, bác đã phát điên lâu rồi.”

“Con cũng cho là thế,” tôi thừa nhận.

“Nghe này, Odd, bác muốn tìm cách giữ con đứng ngoài tòa án, nếu sự việc diễn biến đến đó.”

“Con cũng muốn tìm cách.”

Ít người biết một vài bí mật kì lạ của tôi. Chỉ duy có Stormy Llewellin biết tất cả.

Tôi muốn giấu tên, muốn có một cuộc sống giản dị và êm ả, hay chí ít cũng giản dị ở chừng mực các linh hồn cho phép.

Cảnh sát trưởng cất giọng. “Bác nghĩ hắn sẽ thú tội trước mặt luật sư của hắn. Có thể không cần xét xử. Nhưng nếu có mở phiên tòa, phía cảnh sát của bác sẽ nói hắn mở ví lấy tiền chung cá độ cho con, có thể là cá độ một trận bóng chày, và bức ảnh của Penny rơi ra.”

“Con có thể khiến mọi người tin chuyện đó,” tôi quả quyết.

“Bác sẽ nói chuyện với Horton Barks. Anh ta sẽ giảm thiểu tối đa sự liên quan của con khi đưa tin.”

Horton Barks là chủ biên của tờ Thời báo hạt Maravilla. Hai mươi năm trước tại rừng Oregon, trong lúc bách bộ, ông ấy đã dùng bữa tối với quái vật Big Foot, nếu bạn gọi đồ khô ăn liền và xúc xích đóng hộp là bữa tối.

Tôi không biết chuyện Horton đã dùng bữa tối với quái vật Big Foot có thật không hay đó chỉ là những gì ông ấy tuyên bố. Theo trải nghiệm hàng ngày của tôi, tôi không thể ngờ vực chuyện Horton hay bất kì ai kể rằng đã chạm trán với sinh vật lạ, từ người ngoài hành tinh cho đến ma quỷ.

“Con ổn chứ?” cảnh sát trưởng Porter cất giọng hỏi.

“Dạ tạm ổn. Nhưng con không muốn muộn giờ làm. Giờ này là lúc quán ăn đông khách nhất.”

“Con còn làm ở đó à?”

“Dạ.” Tôi lấy ra cái điện thoại di động nho nhỏ kẹp ở thắt lưng khi nhảy xuống hồ bơi. “Con vẫn làm bình thường.”

“Chắc chút nữa bác sẽ ghé qua ăn một đĩa đầy ắp khoai tây và trứng.”

“Điểm tâm phục vụ cả ngày,” đó là lời hứa trịnh trọng từ năm 1946 của Quán Vỉ nướng Pico Mundo.

Cảnh sát trưởng Porter đổi tư thế ngồi khiến khủng long Barney rêи ɾỉ. “Này con định suốt đời làm đầu bếp chế biến thức ăn nhanh à?”

“Dạ không. Con đang nghĩ đến việc chuyển đổi sự nghiệp sang lĩnh vực lốp xe.”

“Lốp xe ư?”

“Có lẽ ban đầu sẽ kinh doanh, sau đó đến tháo lắp. Ở Tire World, người ta luôn tạo cơ hội việc làm.”

“Sao lại là lốp xe?”

Tôi nhún vai. “Ai cũng cần nó cả. Và đây là lĩnh vực con chưa biết, một thứ mới mẻ để học hỏi. Con muốn xem sinh hoạt ở đó thế nào, sinh hoạt ở công ty kinh doanh lốp xe.”

Chúng tôi ngồi đó khoảng gần một phút không ai nói gì. Sau đó ông lên tiếng, “Và đó là điều duy nhất con nghĩ đến cho tương lai sao? Ý bác là vụ lốp xe.”

“Công việc bảo trì hồ bơi cũng có vẻ hấp dẫn. Với những cộng đồng mới kéo đến khắp quanh đây thì ngày nào cũng sẽ xuất hiện hồ bơi mới xây.”

Cảnh sát Porter trầm ngâm gật gù.

“Và hẳn sẽ rất tuyệt khi làm việc tại sân chơi bowling,” tôi nói. “Nhiều khách mới cứ đến rồi đi, không khí sôi động của các trận đấu.”

“Con sẽ làm gì tại sân chơi bowling?”

“Trước hết là trông coi mấy đôi giày cho thuê. Phải lau sạch chúng hay làm gì đó trước khi cho người khác thuê tiếp. Rồi đánh bóng nữa. Bác phải kiểm tra dây buộc đều đặn.”

Cảnh sát trưởng gật đầu và chiếc ghế hình Barney màu tím kêu rít lên nghe giống tiếng chuột hơn là tiếng khủng long.

Quần áo của tôi gần khô hẳn nhưng chúng nhăn nhúm thảm thương. Tôi xem đồng hồ. “Con nên đi thôi. Con phải thay đồ trước khi đến quán ăn.”

Cả hai chúng tôi nhổm dậy.

Chiếc ghế Barney đổ sụp.

Nhìn đống đổ nát màu tím, cảnh sát trưởng cất giọng, “Chuyện này có thể xảy ra khi con đánh nhau với Harlo.”

“Dạ phải,” tôi đáp.

“Bảo hiểm sẽ tính luôn vào phần kia.”

“Bao giờ mà chả có bảo hiểm,” tôi đồng tình.

Chúng tôi đi xuống lầu, Stevie đang ngồi trên ghế đẩu trong bếp, vui thích thưởng thức bánh nướng hương chanh.

“Bác xin lỗi bác đã làm gãy cái ghế trong phòng ngủ của cháu,” cảnh sát trưởng Porter nói với cậu bé vì ông luôn là người trung thực.

“Dù sao đó cũng chỉ là cái ghế cũ hình Barney chán ngắt,” cậu bé lên tiếng. “Cháu bỏ xó món đồ hình Barney chán ngắt ấy mấy tuần rồi.”

Cầm chổi và hốt rác, mẹ cậu bé Stevie đi quét dọn những mảnh kính vỡ.

Cảnh sát trưởng Porter trình bày chuyện cái ghế với mẹ Stevie, cô có ý bỏ qua xem như chuyện nhỏ, nhưng ông vẫn một mực yêu cầu cô phải tìm ra giá tiền và cho ông biết.

Ông đề nghị chở tôi về nhà nhưng tôi nói. “Với con cách nhanh nhất chỉ cần quay lại lối đi đã dẫn đến đây.”

Tôi rời khỏi nhà qua khoảng trống từng là vị trí lắp cánh cửa bằng kính, đi vòng quanh hồ bơi thay vì lội bì bõm trong đó, trèo lên bức tường gạch, băng qua một lối nhỏ, leo qua hàng rào sắt, đi qua bãi cỏ quanh một ngôi nhà khác, băng qua phố Marigold Lane và trở về căn hộ nằm phía trên ga-ra của mình.