Chương 42

Tôi mới ngủ được một tiếng thì y tá đã đánh thức tôi dậy. Cảnh sát trưởng Porter đang được chuyển từ phòng mổ ra khoa hồi sức tích cực.

Cửa sổ bày ra cảnh trí những ngọn đồi tối sẫm nhô lên bầu trời đen đầy các dấu chấm chữ Braille hóa màu bạc. Mặt trời vẫn còn nằm bên dưới đường chân trời phía đông thêm một giờ nữa.

Cầm cái túi đựng quần áo bẩn, tôi quay ra hành lang ngoài khoa hồi sức tích cực.

Jake Hulquist và em gái cảnh sát trưởng đang đợi ở đó. Cả hai chưa từng thấy vật gì giống tấm thẻ nhựa màu đen.

Khoảng một phút sau, y tá và hộ lí từ góc khuất chỗ thang máy bước vào hành lang dài, mỗi người đi ở một đầu cái băng ca cảnh sát trưởng đang nằm. Bà Karla Porter đi bên hông chồng, đặt một tay trên cánh tay ông.

Khi băng ca đi ngang qua, tôi thấy cảnh sát trưởng mê man, mũi gắn ống thở, màu da rám nắng chuyển sang tái nhợt; môi ông xám đi.

Y tá kéo còn hộ lí đẩy băng ca qua cánh cửa đôi của khoa hồi sức tích cực. Bà Karla đi theo họ sau khi báo cho chúng tôi biết không thể mong cảnh sát trưởng tỉnh lại trong vòng nhiều giờ.

Kẻ gϊếŧ Robertson đã làm cảnh sát trưởng trọng thương. Tôi không thể chứng minh nhưng khi bạn không tin vào sự trùng hợp ngẫu nhiên thì hai vụ nổ súng nhằm mục đích thủ tiêu, cách nhau vài giờ, tại một thị trấn đã ngủ say nhỏ bé như thị trấn Pico Mundo này ắt phải có liên quan tới nhau rành rành như hai anh em sinh đôi.

Tôi tự hỏi có lẽ nào kẻ gọi đến số điện thoại riêng của cảnh sát trưởng cố gắng nhái giọng tôi, muốn bị tưởng lầm là tôi, mong được gặp mặt nói chuyện và hẹn gặp ngay trước cửa nhà không. Biết đâu hắn trông mong cảnh sát trưởng không chỉ mắc lừa mà còn đề cập tên tôi với vợ ông trước khi rời phòng ngủ.

Nếu đã nỗ lực dàn xếp đẩy tôi vào một vụ gϊếŧ người, lí nào không gài luôn hai vụ?

Tuy cầu nguyện cho cảnh sát trưởng mau hồi phục nhưng tôi lo sợ điều ông sẽ nói khi tỉnh lại.

Chứng cớ ngoại phạm của tôi trong lúc ông bị bắn chẳng có gì ngoài chuyện tôi đang giấu một cái xác trong căn nhà tôn tại Nhà thờ Sao chổi Thì thầm. Lời thanh minh đó, cùng tử thi được thẩm tra sẽ chẳng ích gì cho luật sư biện hộ.

Ở khu vực dành cho y tá trên tầng bốn, không ai trong số các y tá đang trực nhận ra món đồ tôi tìm thấy trong ví Robertson.

Dưới tầng ba tôi gặp may hơn. Tại đó, một y tá da nhợt nhạt và đầy tàn nhang, tính tình hay đùa cợt đứng ở bàn trực, đang kiểm tra thuốc trong li theo danh sách tên bệnh nhân. Cô cầm lấy miếng nhựa hình chữ nhật bí ẩn, xem xét cả hai mặt rồi nói, “Một tấm thẻ suy tưởng.”

“Là gì?”

“Thường chúng không đυ.c lỗ mà có những biểu tượng nhỏ in bên trên. Chẳng hạn như một dãy thánh giá hay hình Đức Mẹ Đồng Trinh.”

“Cái này không có.”

“Em phải đọc bài kinh lặp đi lặp lại, như kinh Lạy Cha hay kinh Kính Mừng, đồng thời di chuyển ngón tay từ biểu tượng này đến biểu tượng khác.”

“Vậy nó giống kiểu tràng hạt tiện lợi có thể mang theo trong ví ư?”

“Đúng rồi. Tràng hạt.” Miết tay tới lui trên những cái chấm nổi, cô nói, “Nhưng không chỉ người theo Đạo Cơ đốc mới sử dụng chúng. Thực ra, khởi nguồn chúng là đồ vật của trào lưu Thời đại mới.”

“Những thứ ấy ra sao?”

“Chị thấy những tấm thẻ có hình tràng hoa, Đức Phật, dấu hiệu hòa bình, chó mèo nếu em muốn hướng thẳng năng lượng suy tưởng đến việc giành được thắng lợi cho động vật, hay hình dãy hành tinh Trái Đất để em có thể suy tưởng về một môi trường trong lành hơn.”

“Cái này có phải dành cho người mù không?” tôi hỏi.

“Không, không hề.”

Cô giơ tấm thẻ ra trước trán giây lát như nhà thần học đọc nội dung bức thư qua bì thư dán kín mít.

Tôi không biết tại sao cô ấy làm vậy nhưng quyết định không đặt câu hỏi.

Dò theo các dấu chấm lần nữa, cô cất giọng, “Khoảng một phần tư các tấm thẻ là dạng chữ nổi giống vậy. Điều cần làm là ấn ngón tay lên các dấu chấm và suy tưởng về từng chữ cái.”

“Nhưng nó viết gì?”

Trong lúc tiếp tục sờ tấm thẻ, vẻ nhăn nhó khó chịu lan ra khuôn mặt cô từ từ như hình ảnh nổi lên khỏi màu đen của tấm phim chụp. “Chị không cho đây là chữ nổi. Chúng viết những thứ khác, chữ này chữ kia, vài từ gợi cảm hứng. Một câu thần chú để tập trung năng lượng. Câu đó in trên bao đựng tấm thẻ.”

“Em không có bao đựng.”

“Hoặc em cũng có thể đặt in thứ em muốn, một câu thần chú riêng, bất cứ cái gì. Đây là cái màu đen đầu tiên chị từng thấy.”

“Vậy chúng thường có màu gì?” Tôi thắc mắc.

“Trắng, vàng, bạc, xanh da trời, nhiều khi là xanh lá cây dành cho câu thần chú về môi trường.”

Vẻ nhăn nhó của cô lộ hẳn ra khắp khuôn mặt.

Cô trả tấm thẻ lại cho tôi.

Với sự ghét bỏ ra mặt, cô nhìn chằm chằm những ngón tay đã lần theo các dấu chấm.

“Em nói tìm thấy nó ở đâu?” cô hỏi.

“Tầng dưới trong hành lang, trên sàn nhà,” tôi bịa.

Cô cầm chai Purell từ sau quầy lên, đổ một đống dầu đặc quánh trong suốt vào lòng bàn tay trái, đặt chai xuống và chà xát dữ dội hai bàn tay với nhau, khử trùng chúng.

“Nếu là em, chị sẽ tống khứ nó đi,” cô vừa nói vừa xát xát hai bàn tay. “Và sớm chừng nào tốt chừng đó.”

Cô dùng quá nhiều Purell đến mức tôi ngửi thấy mùi cồn etylic bay hơi.

“Tống khứ nó đi, tại sao?” tôi hỏi.

“Nó có năng lượng tiêu cực. Câu thần chú xấu xa. Nó sẽ mang sự nguy hại đến đổ ập lên em.”

Tôi tự hỏi không biết cô đã học ở trường điều dưỡng nào.

“Em sẽ ném vào thùng rác,” tôi hứa.

Tàn nhang trên mặt cô dường như rực lên, bừng bừng như cơn mưa hạt tiêu nhỏ. “Đừng ném ở đây.”

“Được thôi, không ném ở đây.”

“Không được ném vào chỗ nào trong bệnh viện hết,” cô nói. “Lái xe ra ngoài sa mạc, chỗ không có ai, lái thật nhanh, ném ra ngoài cửa sổ, để gió cuốn bay đi.”

“Kế hoạch nghe có vẻ được đấy.”

Tay cô khô và sạch bong. Vẻ khó chịu tan biến cùng mùi cồn. Cô mỉm cười, “Hi vọng giúp được em chút ít.”

“Chị giúp em nhiều lắm.”

Tôi cầm tấm thẻ suy tưởng đi ra khỏi bệnh viện, bước vào màn đêm sắp tàn, nhưng không làm một chuyến xe đi sa mạc.