Chương 53

Cái gai nhú khỏi ngón cái. Tôi giật nó ra nhưng lỗ thủng gây ra chảy máu vẫn nhói buốt như “tặng” tôi thêm một vết nhiễm trùng.

Hổ thẹn, ngồi ngay thềm nhà mẹ mình, tôi cảm thấy tủi thân như đó không phải là một cái gai mà là cả bụi gai nhọn.

Lúc nhỏ, khi bị đau răng, tôi không thể trông đợi được mẹ dỗ dành.

Mẹ luôn gọi bố hay một người hàng xóm nào đó đưa tôi đi nha sĩ, trong lúc ấy, bà rút vào phòng riêng và khóa trái cửa. Bà ẩn náu ở đó một hai ngày cho đến lúc chắc rằng tôi không còn kêu ca bệnh tật gì mà bà phải quan tâm nữa.

Cơn sốt nhẹ hay chứng viêm họng hành hạ tôi là cơn khủng khoảng mà mẹ tôi không thể giải quyết. Năm lên bảy, đau đớn do viêm ruột thừa, tôi gục ngã tại trường và được tức tốc đưa đến bệnh viện; nếu tình trạng của tôi trở nặng khi ở nhà, chắc mẹ tôi để tôi đi đời trong phòng khi bà còn đang bận rộn với chồng sách nội dung nhẹ nhàng, nhạc êm dịu và các sở thích thượng lưu khác nhằm nặn ra một “thế giới hoàn hảo” của riêng bà.

Những nhu cầu tình cảm, niềm vui nỗi buồn, hoài nghi và hi vọng, khổ sở và lo âu của tôi là việc của riêng của mình tôi khám phá và giải quyết, không hề có sự chỉ bảo hay cảm thông của mẹ. Hai mẹ con chỉ nói về những điều không khiến mẹ tôi bối rối hoặc không tạo cho mẹ cảm giác buộc phải hướng dẫn dìu dắt.

Mười sáu năm sống chung một mái nhà mà như sống tại hai thế giới song song hiếm khi giao thoa. Đặc trưng nổi bật thời thơ ấu của tôi là nỗi cô đơn giày vò và hàng ngày vật lộn để tránh né cảm giác trong tâm hồn mà nỗi cô đơn tẻ nhạt gây ra.

Vào những thời điểm dữ dội, khi sự việc buộc hai thế giới song song kia phải giao nhau trong các cơn khủng hoảng mà mẹ tôi không thể chịu nổi và không dễ thoái lui, mẹ chắc chắn cầu viện đến cùng một công cụ kiểm soát. Khẩu súng. Mối kinh hãi về những cuộc chạm trán đen tối ấy và tội lỗi sau đó khiến tôi thà chọn nỗi cô đơn còn hơn bất cứ sự tiếp xúc nào đưa mẹ vào trạng thái khốn cùng.

Hiện giờ, trong lúc đang ấn chặt ngón tay cái và ngón trỏ vào với nhau để ngăn máu chảy, tôi nghe tiếng cửa lưới bật mở phát ra tiếng “tưng tưng”.

Tôi không dám quay lại nhìn mẹ. Nghi thức cũ chẳng mấy chốc sẽ được tiến hành.

Sau lưng tôi mẹ cất giọng, “Đi đi.”

Nhìn chằm chằm vào những cái bóng đan nhau của cây sồi vào vườn hồng sáng rực xa kia, tôi đáp, “Con không thể. Lần này thì không.”

Tôi xem đồng hồ - 11:32. Mức độ căng thẳng của tôi không thể xoắn chặt thêm chút nào nữa, từng phút phải từng phút trôi qua, như đồng hồ chứa bom nằm trên cổ tay tôi.

Giọng mẹ đã trở nên chán nản và gượng gạo dưới trọng lượng của gánh nặng tôi đặt lên bà, gánh nặng về lòng tốt và sự quan tâm đơn giản của con người, điều bà không có. “Mẹ không chịu nổi chuyện này đâu.”

“Con biết. Nhưng có một việc... con không chắc là... một việc mẹ có thể thật sự giúp được con.”

Mẹ ngồi xuống cạnh tôi ở đầu bậc thềm trước nhà. Bà cầm khẩu súng bằng hai tay, nhắm vào mảnh sân râm mát bóng cây tối.

Bà không xài đồ giả. Khẩu súng đã nạp đạn.

“Mẹ sẽ không sống kiểu đó. Không đâu. Mẹ không thể. Người ta luôn luôn muốn cái này cái kia, rút cạn sức mẹ. Tất cả mọi người muốn, muốn, muốn, tham lam vô độ. Nhu cầu của con... như đống sắt đối với mẹ, sức nặng như bị chôn sống.”

Đã nhiều năm, cũng có lẽ chưa bao giờ tôi dồn ép bà nặng nề như trong ngày thứ Tư định mệnh ấy: “Mẹ à, điều điên rồ là sau hơn hai mươi năm gánh chịu chuyện tào lao này, sâu thẳm trái tim con, nơi có lẽ đen tối nhất, con nghĩ vẫn còn le lói tình yêu thương dành cho mẹ. Có thể đó là lòng thương hại, con không chắc, nhưng nó đủ sức gây đau đớn như tình yêu thương.”

Bà không muốn tình yêu thương từ tôi hay bất kì ai. Bà không muốn có nó để phải cho đi. Bà không tin tình yêu. Bà sợ tin vào nó và những nhu cầu kèm theo nó. Bà chỉ muốn sự ăn ý không đòi hỏi, các mối quan hệ kiệm lời ngọt ngào. Thế giới hoàn hảo của mẹ tôi chỉ có một cư dân, và nếu bà không thể yêu bản thân, chí ít bà cũng dành sự trìu mến dịu dàng nhất cho chính mình và van nài được ở một mình khi buộc phải có mặt cùng người khác.

Lời tuyên bố ngập ngừng về tình yêu thương của tôi khiến mẹ quay khẩu súng về phía mình.

Mẹ ấn họng súng lên cổ họng, hơi nghiêng về phía cằm, như vậy dễ bắn vỡ sọ.

Bằng lời lẽ nặng nề và thái độ thờ ơ lạnh lùng, mẹ có thể tống cổ bất cứ ai mẹ chọn, nhưng thỉnh thoảng những vũ khí ấy không đủ sức mang lại kết quả như mong muốn trong mối quan hệ bất thường của chúng tôi. Cho dù không cảm nhận được thì mẹ cũng nhận thấy sự hiện diện của mối dây ràng buộc đặc biệt giữa mẹ và con, và mẹ biết đôi khi nó không bị đứt đoạn bởi vất cứ thứ gì ngoại trừ những biện pháp tàn nhẫn nhất.

“Con muốn bóp cò giùm mẹ không?” bà hỏi.

Như mọi khi, tôi quay mặt đi. Như thể tôi hít bóng cây sồi cùng không khí, như thể phổi tôi đẩy nó trôi tuột vào máu, tôi cảm giác một bóng tối lạnh lẽo dâng lên trong tâm thất.

Như mọi khi lúc tôi ngoảnh đi, bà nói, “Nhìn này, nhìn tao này, bằng không tao sẽ bắn lòi ruột tao ra và chết từ từ, kêu la ngay đây trước mặt mày.”

Rợn người, run rẩy, tôi hướng sự chú ý trở về mẹ như bà muốn.

“Mày cũng có thể bóp cò, thằng khỉ ạ. Để tao bóp cũng chẳng khác gì đâu.”

Tôi không thể đếm và cũng không muốn nhớ từ trước đến giờ tôi đã nghe thấy thách thức này bao nhiêu lần rồi.

Mẹ tôi bị điên. Các nhà tâm lí học có thể dùng hàng loạt thuật ngữ đặc trưng hơn và ít mang tính phê phán hơn nhưng trong Từ điển của Odd, hành vi của mẹ là định nghĩa về chứng điên.

Tôi nghe kể không phải lúc nào mẹ cũng như vậy. Khi còn nhỏ, mẹ dễ thương, vui tươi, tình cảm.

Thay đổi khủng khϊếp diễn ra năm mẹ mười sáu tuổi. Mẹ bắt đầu có những chuyển biến tâm trạng đột ngột. Sự dễ thương thay bằng cơn giậm ầm ĩ mà mẹ chỉ có thể kiểm soát tốt nhất khi ở một mình.

Liệu pháp chữa trị và hàng loạt thuốc men không thể khôi phục lại bản chất tốt đẹp trước kia của mẹ.

Năm mười tám, khi mẹ cự tuyệt không điều trị thêm nữa, không ai khăng khăng ép mẹ tiếp tục áp dụng tâm lí liệu pháp hay dùng thuốc, vì lúc ấy mẹ không bất thường, duy ngã và đầy đe dọa như khi vừa bước qua độ tuổi hai mươi.

Khi bố gặp mẹ, mẹ chỉ rầu rĩ vừa phải và nguy hiểm vừa phải, để khiến ông cuồng si. Khi tình trạng của mẹ nặng lên, ông cao chạy xa bay.

Mẹ không bao giờ bị đưa vào trại tâm thần vì khả năng tự chủ của bà thật tuyệt vời khi không có chuyện phải tiếp xúc với người khác, điều vượt quá khả năng của bà.

Vì mẹ có thu nhập rủng rỉnh mà không cần làm việc, và vì mẹ thích cuộc sống như người ẩn dật nên tình trạng thật sự của mẹ không có mấy ai trong thị trấn Pico Mundo nhận ra.

Vẻ đẹp đặc biệt cũng giúp mẹ giữ bí mật. Hầu hết mọi người thường nghĩ những người tốt nhất là những người được ban cho sắc đẹp; chúng ta khó hình dung một vẻ bề ngoài hoàn hảo lại che đậy cảm xúc méo mó hoặc tâm hồn mục nát.

Giọng mẹ trở nên chua ngoa và chống đối hơn, “Tao nguyền rủa cái đêm để cho thằng cha ngu ngốc của mày phụt mày vào người tao.”

Câu nói không khiến tôi sốc. Trước đây tôi đã nghe rồi, và còn tệ hơn nữa.

Mẹ nói, “Lẽ ra tao phải nạo mày ra và quẳng vào sọt rác. Nhưng tao sẽ được gì khi li dị? Mày chính là tấm vé.”

Khi nhìn mẹ trong tình thế này, tôi không hờn ghét và mà đau khổ và tuyệt vọng, thậm chí khϊếp đảm. Tôi không thể tưởng tượng làm sao tôi có thể chịu đựng được nỗi đau và lòng căm thù nếu tôi là mẹ.

Duy nhất một điều khiến tôi thấy an ủi là khi mẹ ở một mình, khi mẹ không bị ép buộc cho đi thứ gì, mẹ hài lòng, nếu không nói là hạnh phúc. Tôi muốn mẹ ít nhất cũng ở trong tâm trạng hài lòng.

Mẹ la lên, “Ngừng làm tao sôi máu hoặc bóp cò đi, thằng quỷ nhỏ.”

Một trong những kí ức đầu tiên sống động nhất của tôi là vào đêm mưa tháng Giêng khi tôi lên năm tuổi và đang bị cúm. Khi không ho, tôi khóc đòi quan tâm dỗ dành, và mẹ không thể tìm ra xó xỉnh nào trong ngôi nhà để có thể trốn biệt âm thanh của nỗi khổ sở phát ra từ tôi.

Mẹ vào phòng tôi và nằm dài lên giường cạnh tôi, như bất kì bà mẹ nào nằm dỗ đứa con bị ốm, nhưng mẹ mang theo khẩu súng. Phương pháp dọa tự tử luôn thu được sự im lặng của tôi, sự vâng lời của tôi, sự miễn thứ bổn phận làm mẹ cho bà.

Đêm đó, tôi cố hết sức nuốt cơn đau và kìm nước mắt nhưng tôi không thể quên đi được cái cổ họng đau đớn và rát buốt. Đối với mẹ, cơn ho của tôi là hành động đòi hỏi tình mẫu tử, và sự dai dẳng của nó đưa bà đến cực điểm cảm xúc.

Khi lời đe dọa tự tử không chặn dứt được cơn ho, mẹ chĩa họng súng vào mắt phải của tôi. Bà thúc tôi ráng nhìn thấy điểm sáng của viên đạn trong nòng súng hẹp đen ngòm kia.

Mẹ con tôi nằm đó rất lâu, bên ngoài mưa rơi lộp độp, đập vào cửa sổ vào phòng ngủ. Từ đó về sau, tôi biết rất nhiều thứ kinh hoảng nhưng không thứ nào thuần túy như cái tôi nếm trải vào đêm ấy.

Với tầm nhìn của một thanh niên hai mươi tuổi, tôi không tin mẹ gϊếŧ tôi hay sẽ có lúc làm như thế. Nếu mẹ gây hại cho tôi, hay bất kì ai khác, mẹ đã tự đẩy mình vào mối tương tác với người khác mà mẹ sợ nhất. Bà biết người ta sẽ đòi bà trả lời và giải thích. Người ta đòi sự thật, sự ăn năn và công lí. Người ta còn đòi hỏi nhiều hơn nữa, vì họ sẽ không bao giờ ngừng đòi hỏi.

Tôi không biết tại bậc thềm này, mẹ có chĩa súng vào tôi lần nữa không, và tôi không biết chính xác mình sẽ phản ứng ra sao nếu bà làm thế. Tôi đến tìm sự đối đầu giúp tôi sáng trí dù rằng tôi không hiểu cần nó để làm gì và tôi học được gì từ điều đó để tìm ra tên đồng bọn của Robertson.

Và rồi mẹ hạ khẩu súng khỏi cổ họng, dời xuống ngực trái, như mọi khi, vì hình ảnh viên đạn xuyên qua não sẽ không tác động mạnh đến đứa con trai của một bà mẹ nhiều như hình ảnh phát đạn xuyên qua tim.

“Nếu mày không để tao yên, nếu mày không ngừng vĩnh viễn cái trò bòn rút, hút cạn sức lực của tao như con đỉa thì vì Chúa, bóp cò đi, cho tao chút thanh thản đi.”

Đập vào tâm trí tôi là vết thương trên ngực của Robertson, nó cứ quấy phá tôi gần suốt mười hai tiếng đồng hồ.

Tôi cố dìm hình ảnh bất di bất dịch ấy vào đầm lầy kí ức mà nó đã ngoi lên. Đó là một đầm lầy sâu, chất đầy những ương ngạnh và không chịu chìm xuống như cũ.

Thình lình tôi nhận ra đó chính là lí do tôi đến đây: để buộc mẹ thực hiện cái nghi thức dọa tự tử đáng ghét nằm ở cốt lõi mối quan hệ của chúng tôi, để đương đầu với cảnh tượng khẩu súng ấn vào ngực bà, để bỏ chạy như tôi vẫn luôn làm, để nghe bà ra lệnh tôi phải chú ý... sau đó, chán nản và run rẩy, tìm dũng khí để giương mắt nhìn.

Đêm trước, trong phòng tắm nhà tôi, tôi không đủ mạnh mẽ để khám nghiệm vết thương trên ngực Robertson.

Khi đó, tôi cảm thấy vết thương có điều lạ, vết thương có thể cho biết điều gì đó. Thế nhưng, kinh tởm và buồn nôn, tôi đã ngoảnh đi và cài nút áo hắn lại.

Dúi khẩu súng về phía tôi, mẹ giận dữ khăng khăng. “Nào, thằng khỉ vô ơn, cầm lấy, cầm lấy, bắn tao đi cho xong chuyện hoặc để tao yên!”

Tới lúc này, bao giờ giọng mẹ tôi cũng đổi sang hằn học và cuồng nộ, “Tao mơ, mơ hoài là khi đẻ ra, mày chết ngắc.”

Run rẩy, tôi nhổm dậy và thận trọng bước xuống mấy bậc thềm.

Phía sau, mẹ lôi ra con dao ghét bỏ mà chỉ mẹ mới dùng nó cứa vào lòng tôi được. “Suốt thời gian mang thai mày, tao toàn nghĩ đến chuyện mày chết trong bụng tao, chết và thối rữa.”

Mặt trời, người mẹ nuôi nấng trái đất, rót dòng sữa nóng bỏng xuống đun sôi vài máng xanh bầu trời và để thiên đường phai mờ. Ngay cả dưới bóng cây sồi giờ đây cũng nói lên sức nóng và khi rời xa mẹ, tôi nóng bừng cảm giác tủi hổ đến mức không ngạc nhiên nếu cỏ dưới chân bỗng dưng bốc cháy.

“Chết trong bụng tao,” mẹ lặp lại. “Tháng này nối tiếp tháng kia dài vô tận, tao cảm giác bào thai mục nát mưng mủ trong bụng, chất độc lan tràn thấm khắp người tao.”

Đến góc ngôi nhà, tôi dừng chân, quay lại và nhìn mẹ vì tôi nghĩ đây sẽ là lần cuối.

Mẹ bước xuống bậc thềm nhưng không đi theo tôi. Cánh tay phải của bà lủng lẳng bên hông, họng súng chĩa xuống đất.

Tôi không hề đòi hỏi được sinh ra. Chỉ mong được yêu thương.

“Tao chẳng có gì để cho đi hết. Mày có nghe không? Chẳng có gì chẳng có gì cả. Mày đầu độc tao, đổ đầy mủ và cái thai mục rữa vào người tao, và giờ tao tàn tạ thế này đây.”

Quay lưng lại mẹ vì cái cảm giác mãi mãi không bao giờ thay đổi, tôi vội vã chạy khỏi nhà hướng ra ngoài phố.

Căn cứ theo di truyền và quá trình thử thách trong những năm ấu thơ, đôi lúc tôi cứ tự hỏi sao mình không bị điên. Biết đâu tôi đã điên rồi cũng nên.