Chương 1: Tổ Chức Bất Hạnh Nhất Thế Giới

Tôi xếp hàng ở dãy bên này hành lang, cố gắng hạ thấp người xuống, nghĩ như vậy có thể che giấu bản thân.

Kiến Hán đứng cạnh tôi, nhưng phản ứng trái ngược hoàn toàn, hắn ta rướn cổ lên thật cao, ngạo nghễ nhìn mọi thứ đang diễn ra.

Cô bé kia bị Kiến Hán nhìn đến mức bối rối, ngay cả bố mẹ cô bé đang đứng sau lưng cũng thấy ánh mắt Kiến Hán rất vô lý.

"Hai đứa bay làm gì đây?" Bà cô Hổ viện trưởng chắn ngay trước mặt chúng tôi, bàn tay mạnh mẽ tóm lấy đầu tôi như nhổ củ cải, kéo tôi trở về tầm nhìn ngang, sau đó nắm lấy cằm Kiến Hán, lôi cái đầu đang lạc khỏi sức hút trái đất của hắn về vị trí người bình thường.

Cô bé với hai bím tóc bây giờ có vẻ đã hài lòng, bèn nở nụ cười nhàn nhạt, một cách tượng trưng, vẻ ân cần quan tâm. Đôi tay ôm con lợn tiết kiệm cũng hạ thấp xuống.

Mẹ cô bé đón lấy con lợn tiết kiệm, tươi cười trao cho cô gái một túi đầy đồ chơi. Cô bé như nàng công chúa, rụt rè xách túi đồ chơi đi đến giữa hành lang, ngắm nghía kỹ lưỡng một lượt đống đồ chơi trong túi, rồi chọn ra một món trao cho bạn nhỏ trước mặt mình. Từng người lần lượt, ai cũng khẽ giọng "Cảm ơn!" rồi đón lấy món quà cô bé đã cẩn thận chọn cho mình.

Cứ đến những lúc này, giọng ai nấy đều trở nên rất tự ti, lần nào cũng vậy.

Chỉ có chị Tâm Tâm, đang đứng ở dãy bên kia hành lang, là ngoại lệ.

"Cảm ơn em nhé!" Chị Tâm Tâm xoa đầu cô bé, giọng chị vui tươi đầy khích lệ.

"Chị ơi, cố lên nhé!" Cô bé phấn khởi đáp lời.

Tôi ngắm ánh mắt cởi mở của chị Tâm Tâm, cảm giác mình thật vô dụng, mọi người cũng rất vô dung.

Chẳng biết tại sao, mặc dù hiểu rõ việc mình xuất hiện ở đây vốn không phải lỗi của bản thân, nhưng tôi vẫn không thể ngăn nổi cái cảm giác thấp cổ bé họng đè nặng l*иg ngực. Trái tim đánh mất tọa độ gốc bị đẩy ra khỏi cơ thể, lạc lối trong cái hành lang mịt mờ ảm đạm này.

Cô bé lại gần, nhìn mặt tôi rồi lấy trong túi ra một mô hình bằng nhựa dúi vào lòng bàn tay tôi. Tôi gật đầu. Đó là Người Nhện, siêu anh hùng trước đây từng được ưa thích số một.

Kiến Hán nhìn chằm chằm vào cô bé đang nhìn mình, khi cô bé bắt đầu lục túi quà, Kiến Hán bất ngờ mở miệng, "Có búp bê bơm hơi không?"

Tôi thất kinh, không ngờ thằng này làm đúng theo nội dung bọn tôi "thảo luận" sáng nay! Đã thế, tôi cũng quyết không kém tiếng!

Bà cô Hổ viện trưởng vốn đã để mắt đến Kiến Hán vì cái tính hay quậy, nhưng vẫn chưa nghe thủng "búp bê bơm hơi" là cái gì.

Cô bé ngoẹo đầu, hỏi: "Búp bê bơm hơi là gì?"

Người Tôi và Kiến Hán lập tức uốn éo, eo và hông chuyển động tới lui thật nhanh. Hành động khoa trương đó lập tức khiến cả lũ cười rần rần. Cô bé ngây thơ cũng ngơ ngác cười theo đám đông trước hanh vi kỳ cục của bọn tôi. Nhưng bố mẹ cô bé thì hoảng hồn, lập tức xông tới nhấc bổng con gái lên, đồ chơi rơi vãi đầy sàn.

"Diệp Kiến Hán! Vương Nghĩa Trí!" Bà cô Hổ viện trưởng giơ cao cây roi gỗ đào, giận giữ sấn lại trước mắt Kiến Hán.

Tôi và Kiến Hán lè lưỡi, khoan khoái nhận một roi.

"Lũ ngốc." Chị Tâm Tâm trừng mắt nhìn chúng tôi.

"Phạt không được ăn tối!" Bà cô Hổ viện trưởng gầm thét. Những tiếng xì xào vang vọng trong hành lang không mẹ không cha.

Đây là cô nhi viện Tuy Vi, thành phố Nhện.

Không biết trong các "Tổ chức bất hạnh nhất thế giới", chỗ này xếp hạng thứ mấy?

"Nghĩa Trí, liệu mày có đói không?" Kiến Hán nhìn tôi, thằng này biết rồi còn hỏi.

"Sao mày không hỏi liệu có chết không ấy?" tôi xẵng giọng.

Chúng tôi nhìn khung cửa sổ với những song sắt dựng đứng, ánh sao yếu ớt hắt lên ga giường trắng muốt.

"Mày đã bao giờ suy nghĩ thật kỹ vì sao bọn mình ở đây chưa?" Kiến Hán làm bộ thâm thúy từng trải.

"Vì không có cha mẹ, còn phải hỏi à?" Tôi đá nhẹ chân về phía ánh sao hắt vào từ cửa sổ, muốn đá tan nó ra.

"Sai! Bọn mình không phải không có cha mẹ, mà là cha mẹ bỏ rơi bọn mình." Kiến Hán phán chậm rãi, dáng vẻ khách quan vô can.

"Mày may mắn hơn tao nhiều, ít nhất mày còn thấy mặt cha mẹ rồi." tôi nói, tiếp tục đá ánh sao ra khỏi cửa sổ.

Tôi phải dành chút thời gian để nói riêng về ân oán tình sầu giữa mình và Kiến Hán. Mặc dù trong câu chuyện tình cảm này, người yêu tôi chắc chắn không thể nào là cái thằng Kiến Hán mới tí tuổi đã mọc lông ngực.

Kiến Hán từ bảy tuổi đã vào cái cô nhi viện không khác gì trại giam này, lớn hơn tôi nửa tuổi. Ban đầu ngồi trong lớp, hai chúng tôi thằng bàn trước thằng bàn sau, nhưng là hai kẻ tử địch suốt ngày bận thù hận đối phương. Chuyện này có nguyên nhân truyền thống mang tính hệ thống của cô nhi viện.

Mẹ Kiến Hán sau khi ly dị bố nó, đã ra nước ngoài lấy chồng. Bố nó ngoài những lúc nản lòng thối chí, không quên uống rượu thay nước, sau những nỗ lực không mệt mỏi nhằm trở thành hũ rượu chìm, một ngày kia bố nó uống đến quên cả về nhà, mất tích. Kiến Hán đói ròng hai ngày, rốt cuộc một mình che ô tìm đến đây "đăng ký" trong đêm mưa bão. Công bằng mà nói thì Kiến Hán cũng là một tay nam nhi cứng cỏi.

Còn tôi, nghe nói bị một người không rõ danh tính đặt vào chậu rửa mặt trải đầy giấy báo, để trước cổng cô nhi viện vào một sớm tuyết dày. Giúp tôi chống lại gió rét là một con chó hoang tự nhảy vào chậu, "hai đứa" nương tựa nhau rất vui vẻ. Hận nỗi, trong chậu không hề có lấy nửa dòng chữ hay một vật làm tin nào hết, dĩ nhiên do đó tôi tên gì cũng trở thành bí mật của nhân loại. Tôi họ Vương là vì bà cô Hổ viện trưởng cũng họ Vương. Nhọ thay!

Cũng có nghĩa là, ít ra Kiến Hán còn được biết cha mẹ nó mặt ngang mũi dọc thế nào, tên tuổi ra sao, nó ở cái chỗ u ám này có thể chỉ là giải pháp tình thế. Chỉ cần ông bố hũ chìm của nó một hôm nào đó nhớ ra đường về nhà, Kiến Hán sẽ được trở về thế giới thơm mùi rượu của nó, được cùng bố nó trở thành hai cái hũ chìm.

Còn tôi, số phận buộc tôi bị nhốt ở đây, cho đến tròn 18 tuổi, hoặc đến khi tôi đủ khả năng đốt chỗ này ra tro.

Đây chính là nhân tố truyền thống mang tính hệ thống mà tôi nói ở trên. Trẻ con trong cô nhi viện, ngoài phân biệt bằng có mọc chim hay không, thì còn chia làm hai phe "biết hay không

biết cha mẹ là ai". Người của hai phe không thích nhau, và đều cho rằng phe kia tự ti trên mức cần thiết. Nhưng thật ra cũng chỉ kẻ tám lạng người nửa cân mà thôi.

Ban đầu, lúc Kiến Hán vừa vào viện, tôi cao hơn hắn nửa cái đầu, nên phải ngồi ngay sau lưng hắn. Đối với một tên ma mới ngông nghênh như thế, bậc đại bàng như tôi hiển nhiên phải "điều trị" cho đến nơi đến chốn. Thế là, trong giờ học, tôi hay dùng bút chì kim chích vào cổ Kiến Hán, hoặc thừa lúc hắn ngủ gật, dán lên lưng hắn những câu kiểu như "Bán đấu giá đồ ngốc, năm đồng một đứa" v.v... làm cho hắn không được yên thân, phải sôi gan ngứa ruột.

Nhưng trò vui đó chỉ kéo dài một học kỳ. Kiến Hán trước kia ở với bố bữa no bữa đói, vào viện rồi ăn lấy ăn để, sau một học kỳ xếp lại chỗ ngồi, hắn đã cao hơn tôi nửa lóng tay. Thế là hết, Kiến Hán được xếp ngồi ngay sau lưng tôi! Từ đó, hắn trở thành khắc tinh làm tôi đau đầu nhất. Thật đấy! Thực sự rất đau đầu! Bởi vì Kiến Hán hay phang cả cái hộp bút bằng sắt lên đầu tôi, không chỉ trong giờ học, giờ nghỉ trưa nó cũng phang. Báo hại tôi cả học kỳ phải nhớn nhác, đề phòng, đầu óc tối ngày quay mòng mòng.

Làm sao đây? Tôi chỉ còn cách ráng ruột ra ăn, ăn, ăn ăn. Rảnh rỗi tí là ra hành lang ngoáy cổ chân rồi bật cao lên sờ biển tên lớp. Kiến Hán thấy thế cũng lo lắng, hắn đọc ngay ra mưu kế của tôi, vì vậy càng ăn nhiều hơn trước, rồi nhảy tới nhảy lui ở cầu thang. Một cuộc cạnh tranh phát triển chiều cao ác liệt đã diễn ra.

Kẻ nào cao lên trước, kẻ đó có quyền phang vỡ đầu thằng kia.

"May mắn? Tao thấy không biết cha mẹ là ai còn dễ chịu hơn chút," Kiến Hán nói. "Bố tao bây giờ, không biết có phải đang lang thang rách rưới đầu đường, ngửa tay xin rượu uống không nữa? Nghĩ tới mà cay ruột, bụng lép một chút đã là gì."

Bụng Kiến Hán sôi ùng ục.

"Mày có trách mẹ mày theo người khác không?" tôi hỏi, quên mất đã từng hỏi Kiến Hán câu này lần nào chưa.

"Làm gì có chuyện. Nếu mẹ tao còn ở với bố tao, sớm muộn cũng bị ông ấy vác dép lê đập chết. Mẹ tao có phải gián đâu, sao phải chết oan dưới đế dép của ông ấy?" Kiến Hán trả lời, nghĩ thêm một chút lại bảo: "Nhưng, hồi đó mẹ đi mà không đem tao theo, nghĩ cũng vãi gì đâu."

"Ít nhất đời mày cũng rõ ràng." Tôi xoa cái bụng đang co thắt dữ dội vì đói, bảo: "Đời bố mày đây, từ đầu đã là phương trình vô nghiệm. Vì sao tao lại đến đây? Cha mẹ tao là người thế nào? Tao còn cơ hội biết mặt cha mẹ mình không? Chắc ông trời cũng quên rồi."

Một chuỗi câu hỏi vĩ đại về cuộc đời cứ như những thân cây leo gai góc chặt không đứt đốt không hết, quấn riết lấy cái cô nhi viện này. Rất nhiều đứa trẻ đã không sao thoát khỏi những dây leo đó để đối mặt với số phận bị bỏ rơi, cho đến hết đời, kể cả khi đã bước chân ra khỏi cô nhi viện.

Theo lời cô Đỗ - tay chân đắc lực của bà cô Hổ viện trưởng, bác Vương gác cổng chính là đại diện xuất sắc của nhóm người này.

Khi còn là thằng cu Vương 9 tuổi, bác Vương bị mẹ đem tới đây. Đứng trước cổng, mẹ vuốt má cu Vương, khóc rằng: "Cục cưng của mẹ, chờ mẹ tìm được việc làm, nhất định sẽ lén đón con ra, con phải dũng cảm ở đây chờ mẹ, biết chưa?"

Cu Vương cứ thế trân trối ngóng chờ mẹ, đến tận năm 18 tuổi thi đỗ đại học vẫn không dám rời cô nhi viện. Chính thế, cũng dễ đoán, cu Vương sợ mẹ lén quay về cô nhi viện không tìm thấy mình, bèn ở lì lại đây không chịu đi học đại học. Lì mãi rồi thành nhân viên quản lý, từ cu Vương trở thành bác Vương, bốn mươi năm trôi qua. Đến giờ bác Vương vẫn đang chờ mẹ đến đón mình về nhà.

Còn tôi, hoàn toàn chẳng biết lúc nào mình sẽ được "về nhà", không mảy may manh mối. Vì thế tôi chỉ có cách bám víu vào rất nhiều tưởng tượng, để dựng nên một giấc mơ "về nhà":

Tôi có phải là đứa con ngoài giá thú của một gia tộc giàu có không nhỉ? Sẽ có ngày, một ông chú mặc áo đuôi tôm trông cực lắm tiền, cầm tờ séc với con số ngoài sức tưởng tượng, đến đưa cho bà cô Hổ viện trưởng. Sau đó mở cánh cửa xe Rolls Royce bảo với tôi rằng, đã đến lúc về nhà...?

Tôi là con của một siêu anh hùng chăng? Người cha siêu anh hùng vì bảo vệ tôi, nên từ nhỏ đã giấu tôi vào cô nhi viện? Thế nào cũng có ngày, bố siêu anh hùng sẽ cứu tôi ra khỏi đây, huấn luyện tôi trở thành người kế tục sự nghiệp siêu anh hùng, bảo vệ hòa bình cho thành phố Nhện? Bố siêu anh hùng của tôi là ai? Hiệp sĩ Siêu Thanh? Người hùng Tia Chớp? Hay Người Sừng Bò?

Dĩ nhiên tôi biết, đó chỉ là tưởng tượng mà thôi. Nhưng tôi tuyệt đối không tin cái giọng điệu của bà cô Hổ: "Nghĩa Trí, cô nhi viện chính là nhà của con."

Đệch! Đây mà là nhà tôi à? Nếu đây là nhà của tôi, thì đời tôi quá nhọ nồi!

Tôi nhìn quanh căn phòng nhỏ u ám, hễ "vi phạm nền nếp" là các bạn nhỏ sẽ bị giam vào "phòng không ngoan" này, trong đêm dài đói khổ rèn luyện kỹ năng sám hối. Suốt "chặng đường" chỉ được uống hai cốc nước lọc, nên kết quả sám hối hết sức mỹ mãn, cả cô nhi viện chỉa còn tôi và Kiến Hán liên tục vào ra chốn này, nấn ná vấn vương.

Chỉ vì chúng tôi có vũ khí bí mật, nên mới dám suốt ngày bước chân vào đây.

"Hắt xì!"

Vũ khí bí mật đến rồi đấy.

Tôi và Kiến Hán lập tức bất khỏi giường, ghé sát mặt vào ô cửa gỗ bên dưới cửa sắt. Cửa gỗ mở ra để lọt luồng sáng lờ mờ từ hành lang. Hai nắm cơm từ bên ngoài được đẩy vào.

Tôi và Kiến Hán phấn khích chen nhau giành lấy nắm cơm, đầu hai đứa va vào nhanh đánh cốp.

"Giành gì mà giành, lại tranh phát triển chiều cao à?" Tiếng mắng phía bên kia ô cửa vừa nhẹ vừa nhỏ.

Tôi nhìn đôi mắt dài như cặp lá liễu bên ngoài ô cửa, cười hì hì: "Cảm ơn chị Tâm Tâm."

"Ơn huệ gì, cơm nắm có độc đấy!" Chị Tâm Tâm quỳ trên nền hành lang, đôi mắt trừng trừng nhìn tôi không niềm thương xót.

Kiến Hán đón lấy nắm cơm, cũng cười hì hì: "Chị Tâm Tâm, lại làm phiền chị rồi."

"Biết là phiền tôi thì lần sau đừng có chọc giận người ta như thế." Chị Tâm Tâm đóng ô cửa gỗ, rón rén rời đi.

Tôi và Kiến Hán tựa lưng vào cửa sắt, cạp lấy cạp để nắm cơm. Mặc dù nắm cơm đã nguội ngắt, nhưng vị ruốc thịt và rong biển tan ra nơi đầu lưỡi vẫn ngọt ngào vô đối. Chúng tôi ăn nhồm nhoàm một loáng đã hết sạch.

"Chị Tâm Tâm tốt bụng thật đấy, lần nào cũng xuống nhà bếp lấy trộm cơm nắm cho bọn mình." Kiến Hán rờ tay lên mặt, tìm xem còn hạt cơm nào dính quanh.

"Không khéo, tao theo mày bị giam vào đây chỉ vì muốn ăn cơm nắm chị Tâm Tâm lấy trộm cho," tôi lẩm bẩm một mình, nhâm nhi vị ruốc thịt còn vương trong kẽ răng.

"Không hiểu sao cơm nắm chị Tâm Tâm lấy trộm lại ngon đặc biệt nhỉ." Kiến Hán xoa xoa bụng.

"Bởi vậy, tao quyết định rồi, cưới luôn chị Tâm Tâm cho gọn." tôi nói, chuyện này chỉ có một mình Kiến Hán biết.

"Gọn cái đầu mày. Sớm muộn tao với chị Tâm Tâm cũng sẽ thành vợ chồng." Kiến Hán nói, chuyện này chỉ một mình tôi biết.

Cả hai thằng chúng tôi đều hết sức nghiêm túc.

Cả hai thằng đều hiểu, sao trời ngoài kia cũng hiểu.