Hoa Hồng Xứ Khác

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Ngữ, Khoa và Hòa lé đều say mê cô bạn cùng lớp Gia Khanh. Cái cô gái như con nhỏ du côn bị ba người cùng theo đó sẽ phải làm sao. Ba anh chàng làm gì để "chiến thắng". Điều lý thú là gần như tác giả t …
Xem Thêm

Nói xong, không đợi tôi trả lời, Ngữ đã hùng hồn đọc:

- Lỗ mũi em mười tám gánh lông

Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho

Đêm nằm thì ngáy o o

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà

Đi chợ thì hay ăn quà

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm...

Ngữ đọc một lèo, thao thao bất tuyệt. Tôi ngồi dỏng tai nghe, hoang mang và chăm chú.

Đọc dứt câu cuối cùng, Ngữ nhướng mắt dòm tôi:

- Mày hiểu bài ca dao vừa rồi muốn nói gì không?

Không những tôi hiểu bài ca dao muốn nói gì mà tôi còn hiểu thằng Ngữ muốn dẫn tôi đi đâu, vì vậy tôi gật đầu một cách rầu rĩ.

Đúng như tôi nghĩ, Ngữ cười đắc thắng:

- Như vậy là mày chịu thương em Hồng rồi hén?

Biết mình đã sập bẫy, tôi thở dài xuôi xị và kháng cự bằng một giọng yếu ớt:

- Nhưng nhỏ Hồng dữ như chằn. Nó mà biết tao "thương" nó, nó chửi tao tắt bếp.

Vẻ mặt đưa đám của tôi chẳng khiến Ngữ động lòng. Nó quắc mắt:

- Mày chỉ giỏi phịa! Mày không nói, làm sao nó biết được? - Rồi Ngữ bỗng nghiêm giọng - Bây giờ tao hỏi thật, mày có muốn viết được những áng thơ văn bay bướm không?

- Muốn! - Tôi gật đầu như máy.

- Mày có muốn những sáng tác của mày được đăng lên báo tường không? - Ngữ lại hỏi.

Tôi liếʍ môi:

- Muốn.

Ngữ ranh mãnh:

- Thế mày có muốn thương em Hồng không?

Lần này thì tôi hết đường tránh né. Tôi đành phải nuốt nước bọt, bần thần đáp:

- Muốn.

Ngữ cười toe:

- Khá lắm! Bây giờ tao mới nhận ra là mày có năng khiếu... văn nghệ!

Ngữ khen tôi mà sao tôi chẳng thấy vui. Thấy nó cười, tôi cũng nhe răng cười theo nhưng miệng tôi cười như mếu. Từ khi tôi mở miệng "kết nạp" nhỏ Hồng làm "người yêu", lòng tôi bỗng nặng như đeo đá. Tôi tưởng như tôi vừa mới "rước vạ" vào mình. Trước đây lòng tôi thanh thản biết bao nhiêu, tự dưng đi nghe lời thằng cha chủ bút hắc ám kia, để bây giờ tôi phải mang nặng bên lòng "nỗi nhớ thương" dù là thương theo kiểu tôi, chỉ có ma mới biết.

Trong khi Ngữ ngồi rung đùi thưởng thức thành quả "dụ dỗ" của nó thì tôi cứ lầm bầm cay đắng và không tiếc lời nguyền rủa "mối tình" vừa chớm nở của mình.

Phàm ở đời, không phải bao giờ con người ta cũng làm được mọi chuyện theo ý mình. Có những ước mơ cháy bỏng mà cả đời mình không bao giờ đạt tới. Lại có những chuyện mình ngán tới tận cổ mà vẫn phải bấm bụng lăn xả vào. Như "chuyện tình" của tôi chẳng hạn.

Tôi ghét cay ghét đắng nhỏ Hồng - từ hồi buộc phải "yêu" nó, tôi càng thù nó tợn - vậy mà tôi vẫn phải bắt lòng mình thương nhớ nó. Suốt một thời gian dài, tôi nghĩ về nó còn nhiều hơn là nghĩ về mẹ tôi. Theo lời dặn dò của Ngữ, mỗi lần nghĩ đến nhỏ Hồng, tôi phải ráng thổn thức, ráng day dứt để... làm thơ.

Nhưng thơ tôi tắc tị. Kể từ khi đem lòng "yêu" nhỏ Hồng, tôi chẳng còn hứng thú sáng tác nữa. Tôi cố bắt chước người chồng "quáng gà" trong câu ca dao Ngữ đọc. Tôi bắt mình phải tưởng tượng nhỏ Hồng có nước da trắng như... tuyết. Nhưng càng tưởng tượng, tôi càng thấy nước da nó đen thui. Cả mái tóc nó cũng vậy. Tôi nhớ trong văn chương, các nhà thơ thưng hay nói đến tóc mây, tóc huyền, tóc thề... Nhưng khổ nỗi, mái tóc của nhỏ Hồng lại không giống với bất cứ một mái tóc nào như thế. Tôi đã làm mọi cách để hạ tiêu chuẩn thẩm mỹ của mình xuống sát... đất, tôi cố căng mắt tìm xem cái vẻ đẹp ẩn nấp ở chỗ nào trong những lọn tóc xoăn tít kia nhưng tôi không tài nào tìm thấy. Càng nhìn, tôi chỉ càng thấy nó giống... trái chôm chôm.

Sau vài lần thất bại, tôi không thèm tưởng tưởng nữa. Tôi quay sang chửi thầm thằng Ngữ tơi bời. Tưởng nó chỉ dẫn hay ho thế nào, ai ngờ càng "yêu", tôi lại càng thấy nản. Tôi còn giận Ngữ vì chuyện khác. Ai đi cả lớp chỉ có mười hai đứa con gái thì mười một đứa "kha khá" nó giành nó thương hết. Còn cái đứa trời sinh ra không phải để cho các nhà thơ ca ngợi thì nó "phân phối" cho tôi, nó bắt tôi "ấp ủ" để làm thơ.

Ngữ không biết tôi đang giận nó. Thấy cả tuần tôi không mở miệng, nó tưởng tôi đang tập trung tư tưởng vào chuyện sáng tác. Vì vậy, nó chẳng thắc mắc gì. Mỗi lần đi ngang qua tôi, nó chỉ mỉm cười vỗ vai tỏ ý khuyến khích. Những lúc ấy, Ngữ cười cứ việc cười, mặt tôi vẫn hầm hầm. Nhưng Ngữ chẳng hề bận lòng về thái độ cáu kỉnh của tôi. Chắc nó tưởng tôi đang tập tành "đau khổ" nên mặt tôi mới "sưng" lên như thế.

Chỉ đến khi tờ báo tường tháng đó sắp ra mà chẳng thấy tôi gởi bài như mọi lần, Ngữ mới ngạc nhiên. Nó lân la lại gần tôi, hỏi:

- Mày đã sáng tác được bài nào chưa?

Tôi mím môi:

- Chưa.

Ngữ trố mắt:

- Ủa, sao lâu vậy? Mấy hôm nay tao thấy mày "đau khổ" lắm mà. Đau khổ bao giờ cũng là chất liệu của văn chương. Nó tạo nên...

Tôi cay cú ngắt ngang lý thuyết giảng của Ngữ:

- Nhưng mà tao đau khổ vì chuyện khác.

- Chuyện gì?

Tôi nói, giọng ganh tị:

- Chuyện mày giành mày thương hết mấy đứa sáng láng, mày chừa lại cái "cột nhà cháy" mày bắt tao thương...

Ngữ cười hì hì:

- Trời ơi, thương chơi chớ có phải thương thiệt đâu mà mày so bì!

Tôi quạu quọ:

- Thương chơi tao cũng không thương nổi. Tao nghe lời mày, tối nằm ráng tưởng tượng nước da nhỏ Hồng trắng tinh như tờ giấy...

Ngữ cắt ngang lời tôi, giọng nén cười:

- Mày thấy nó có giống tờ giấy không?

Tôi giận dỗi:

- Có. Giống hệt tờ giấy... các-bon.

Trong khi tôi mặt nhăn mày nhó thì Ngữ ôm bụng cười bò. Lát sau, nó quệt nước mắt, chậm rãi nói:

- Vấn đề không phải ở chỗ con Hồng "chà-và". Đẹp xấu không đóng vai trò gì ở đây. Trái lại, tình yêu càng "ngang trái", càng "khập khiễng" càng sinh ra lắm tứ thơ. Tất cả chỉ do mày thôi. Tự cổ chí kim, không một nhà văn, nhà thơ lớn nào lại leo lên giường nằm trùm mền tìm cảm hứng. Cảm hứng sáng tác nằm chỗ khác. Nó nằm ở ngoài thiên nhiên. Mày phải đi ra sau vườn, đi ra ngồi ngoài bờ ao, mắt ngắm cỏ cây, tai nghe chim hót, ban ngày đợi chiều xuống, buổi tối đợi trăng lên. Lúc ấy, nghĩ về em Hồng mày sẽ thấy nước da em không còn giống giấy các-bon nữa mà giống giấy pơ-luya chính hiệu, mày sẽ nhớ em da diết, rồi tứ thơ tự dưng cuồn cuộn đổ về như thác lũ, muốn ngăn cản cũng không được. Rồi mày sẽ viết ra, rồi tao sẽ đăng lên báo tường của lớp. Rồi cứ theo cái đà đó, chẳng mấy chốc mày sẽ trở thành một nhà thơ nổi tiếng không kém gì Nguyễn Du.

Ngữ nói tràng giang đại hải. Nói xong, nó cười toe. Trong khi đó, tôi đực mặt ra nghe những lời ngọt như mía lùi của nó. Tôi không biết tôi có bắt chước Nguyễn Du được tí ti ông cụ nào không, chứ khi khuyên tôi rõ ràng thằng Ngữ bắt chước y hệt cái giọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm vịnh cảnh nhàn "thu ăn măng trúc, đông ăn giá, xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao". Nó còn xúi tôi noi gương lối sống của các cụ ngày xưa, kiểu như "khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên". Tôi nghe nó nói, trong bụng nửa tin nửa ngờ, cứ nghi nó chơi xỏ tôi. Chỉ khi nghe đến những câu cuối cùng, tôi mới thôi ngờ vực. Ngữ hứa hẹn sẽ đăng bài của tôi khiến tôi mừng rơn. Lòng tôi bỗng chốc quên hết giận hờn.

Tôi nhìn Ngữ, bâng khuâng hỏi:

- Ngày mai tao sẽ đi.

- Đi đâu?

Tôi tặc lưỡi:

- Thì như mày nói đó. Tao đi ra... sau vườn.

Ngữ gật gù:

- Ừ, mày đi đi. Đó là vương quốc của các nhà thơ. Nguyễn Du trước đây cũng từng ra sau vườn ngồi viết truyện Kiều. Nguyễn Bính cũng vậy. Không ngồi hàng buổi sau vườn, sức mấy ông viết được câu thơ "Hoa chanh nở giữa vườn chanh, thầy u mình với chúng mình chân quê...". Nếu nằm trùm mền trên giường như mày làm sao ông biết được hoa chanh nở giữa vườn chanh. Ông sẽ tưởng hoa chanh nở giữa vườn ổi ấy chứ!

Ngữ bắt đầu bông phèng. Nhưng tôi không cười. Tôi đang nghĩ một cách nghiêm túc đến con đường sáng tác của tôi. Tôi sẽ làm theo lời mách nước của Ngữ.

Thêm Bình Luận