Chương 4: Cái xác không hồn

“Cháu ạ? Cháu là Nguyệt Hoa, cháu gái ông Tòng cạnh nhà chú đây. Chú lại quên cháu rồi đấy à?”

Nghe cô đáp, chú Nhất im lặng không nói gì nữa, nhưng vẻ mặt thì rõ ràng là đang suy nghĩ gì đó.

Trước phản ứng này của chú, Nguyệt Hoa lại không hề tỏ ra bất ngờ, giống như là đã quá quen với tình huống này rồi. Cô nàng chép miệng lắc đầu rồi thẳng thừng ôm lấy cánh chú Nhất, kéo chú ta xuống dưới nhà. Làm cho ai đó kinh ngạc không thốt lên lời.

Ở bên dưới phòng khách, bà Đào đã để sẵn hai tô chè to bổ chảng bên trên bàn gỗ, còn bà thì đang ngồi chăm chú xem thời sự.

“Bác Đào ơi, chú Nhất lại quên cháu rồi này!" Nguyệt Hoa vừa nói vừa lôi chú Nhất bình bịch tới ghế ngồi.

Nghe vậy bà Đào quay ra đáp: “Ơ thế à? Thế lạ nhỉ, mới mấy bữa trước nó còn nhắc đến cháu mà…” Nói đến đây bà chợt khựng lại nhíu mày chớp mắt suy nghĩ, phải không ta? Dạo này bà có tí tuổi rồi nên trí nhớ không được tốt lắm, cứ nhớ nhớ quên quên.

Đối với chuyện này Nguyệt Hoa cũng chẳng để tâm lắm, vừa nhìn thấy bát chè là cô nàng sáng hết cả mắt lên vội vàng cúi đầu hít hà: “Thơm quá đi!”

Nhìn dáng vẻ ham ăn vẫn như ngày nào của cô, bà Đào liền phì cười.

Cô bé Nguyệt Hoa này từ bé tính tình đã hóm hỉnh hoạt bát, suốt ngày lôi đứa con trai ngốc của bà ra đồng nghịch ngợm đất cát, rồi còn đánh nhau với mấy đứa trẻ con ở trong xóm. Cứ dăm bảy hôm là lại có người dẫn con đến nhà đòi kiện cáo, làm bà cũng ngại với hàng xóm. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, suốt những năm tháng đó cũng nhờ có cô bé chăm sóc cho thằng Nhất mà bà mới có thời gian để đi làm việc, kiếm tiền chăm lo cho nhà cửa con cái. Được cái hai đứa nhỏ này cũng hợp nhau lắm, chơi với nhau cả ngày cũng không biết chán là gì, tự ăn tự tắm rửa cho nhau. Đáng tiếc bảy năm trước bố mẹ đứa con bé xuất khẩu lao động bên nước ngoài gì đấy trở về, rồi dứt khoát đem nó đi lên thành phố. Và cũng từ đó, thằng con trai ngốc của bà bắt đầu có dấu hiệu lâu không gặp thì quên mất mặt. Bà còn nhớ như in cái ngày con bé Nguyệt Hoa bị lôi đi ấy hả con trai bà khóc mưa, thằng Nhất thường ngày ngốc nghếch nhút nhát thế mà lúc ấy lại dũng cảm xông ra giữ con bé lại. Nghĩ cũng vừa buồn cười lại vừa thương.

Sau này hàng năm không rõ vì sao, nhưng cứ đến đầu tháng bảy âm lịch là đứa nhỏ sẽ được đưa về đây ở với ông ngoại khoảng một tháng rồi lại đi. Mà về đây rồi cũng chẳng được đi đâu chơi, cả ngày ru rú trong nhà cho đến hết lễ cúng rằm mới được ra ngoài. Vì thế mà mỗi năm bà sẽ canh ngày này và làm cho đứa nhỏ một vài món ăn mà nó thích, mong sao chút ấm áp này có thể giúp đứa nhỏ đỡ tủi thân phần nào đấy.

Nguyệt Hoa theo thói quen, trước khi ăn sẽ thổi nguội bát chè đi rồi nhét vào tay chú Nhất, dặn dò chú phải thổi trước khi ăn. Xong xuôi rồi mới cầm phần của mình lên vui vẻ ăn.

Chú Nhất nhìn vẻ mặt vô tư tự nhiên của cô mà như nhìn thấy một vật thể lạ, từ đầu tới cuối cứ nhìn chằm chằm. Nguyệt Hoa đang chăm chú ăn, cảm giác có ánh mắt chiếu vào mình liền ngừng lại quay sang thắc mắc:

“Sao chú không ăn? Không lẽ chè vẫn còn nóng lắm hả?” Nói đoạn cô nàng thò cái tay mũm mĩm chạm nhẹ vào bát chè, cảm nhận một chút rồi chóp chép nghiêng đầu: “Ủa, nguội rồi mà ta? Nguội rồi á chú, sẽ không bị bỏng miệng đâu. Chú mau ăn đi, ngon lắm đó!"

Chàng trai ngốc nghếch hơi lưỡng lự một hồi, lát sau mới chậm rãi cầm cái thìa nhựa xúc một miếng chè nho nhỏ cho vào miệng.

“Vị thế nào, ngon lắm đúng không?” Nguyệt Hoa hí hửng hỏi.

Chú ngậm chè trong mồm, lơ ngơ gật đầu. Nhìn cái đầu bù xù như tổ quạ, cô phì cười giơ tay xoa xoa, thuận miệng hỏi: “Tóc dài quá, bao lâu rồi chú chưa cắt tóc thế?”

“Chắc cũng nửa tháng gì đấy chưa cắt rồi.” Bà Đào lên tiếng đáp lời thay chú, nói tới đây nét mặt bà bỗng trầm xuống: “Cách đây không lâu thằng bé đột nhiên bị ốm nặng suốt hai tuần tuần mới khỏi, bác không dám cắt tóc cho nó vì sợ sẽ càng ốm nặng. Đến mấy hôm nay thì nó đã khỏe hẳn rồi, nhưng chẳng hiểu làm sao lại không cho bác động tay vào người, thử mấy lần không được bác cũng cứ để vậy.”

“Ôi trời ạ, ra là chú bị ốm sao!” Nghe bà nói vậy Nguyệt Hoa liền giơ tay áp nhẹ lên trán chú, vẻ mặt vô cùng lo lắng.

Bị đυ.ng chạm chú Nhất lại một lần nữa lùi người tránh đi, nhưng cô cũng chẳng để tâm đến chuyện đó, trực tiếp đặt bát chè xuống rồi nhào tới và một lần nữa đặt tay lên cái trán trắng bệch của chú. Dường như hành động này đã chọc giận chú, mặt chú trầm xuống dứt khoát đứng bật dậy rồi chạy một mạch lên trên tầng mất hút.

Nguyệt Hoa ở đằng sau lơ ngơ nói với theo: “Ơ kìa, chú đi đâu thế? Quay lại đây để cháu xem thân nhiệt của chú nào!” Nói rồi cô nàng đứng dậy ý định đuổi theo.

Bà Đào thấy vậy vội giơ tay cản cô lại, lắc đầu nói: “Thôi kệ nó đi cháu. Chắc do vừa mới ốm dậy nên nó vẫn còn mệt đấy, vài bữa nữa là lại đâu vào đấy thôi.”

Bà ấy đã nói vậy thì cô cũng không tiện bon chen làm gì nữa, cô ngượng ngùng gãi đầu cười cười. Bỗng cô nhớ ra gì đó bèn nhìn bà hỏi: “Chắc chú Nhất bị ốm nặng lắm hả bác? Cháu thấy trong phòng chú ý toàn mùi thảo dược, ngửi nhức mũi luôn.”

Bà Đào nghe cô nói vậy thì có hơi ngơ ngác, bà chớp mắt mấy cái nói: “Cháu nói gì thế? Bác đâu có dùng thảo dược gì cho nó đâu?”

“... Bác nói sao cơ ạ?”

Bà Đào tưởng cô chưa nghe rõ nên nhắc lại: “Bác bảo là, bác không dùng thảo dược cho thằng Nhất. Vì thằng bé ốm nặng quá nên bác đã gọi y tá đến truyền nước cho nó mỗi ngày, hoàn toàn là dùng thuốc tây để chữa.”

Lần này lại đến lượt cô ngơ ngác. Không hề dùng thảo dược ư? Vậy mùi thảo dược khô nồng nặc mà cô ngửi thấy là sao? Với lại không chỉ trong phòng mà cả ở trên người chú cũng có thứ mùi đó nữa...

Đang nghĩ ngợi lung tung thì ngoài cửa bỗng vang vọng tiếng trống và tiếng kèn đám ma, cô còn chưa kịp định hình thì đã bị bà Đào lôi ra ngoài cửa đứng hóng hớt rồi.

Tùng tùng cheng!

Tùng tùng cheng!

Tùng tùng cheng!

Xa xa cách mấy nhà, một đoàn người đội nón đội mũ chậm rãi đẩy một chiếc xe rồng đi về phía bên này. Dẫn đầu đằng trước xe rồng là một người đàn ông trung tuổi đang cầm trên tay một nắm hương to, khói hương bay nghi ngút như đốt rạ ngoài đồng. Bên cạnh xe là nhóm người trong đội kèn trống, cùng với vài cô bác đang rải tiền vàng. Đám trẻ con cầm cờ đen trắng chạy qua chạy lại, trên môi chúng nở nụ cười ngây ngô vui đùa như đang cầm cờ mở hội. Dù vậy cũng chẳng có ai lên tiếng trách mắng chúng, bởi chúng chỉ là những đứa trẻ vô lo vô nghĩ, nghe được trả tiền là chúng rủ nhau đi cầm cờ.

Đám ma này sẽ chẳng có gì kì lạ cho đến khi nhìn vào những người đi đưa ma. Không giống như thường lệ, đằng trước xe rồng không có người mặc áo tang chống gậy đi lùi, thay vào đo chỉ có một chàng trai cao to cầm càng xe thờ ơ kéo lê từng bước. Phía sau xe có hàng chục người đi theo nhưng chẳng có lấy một người đeo khăn tang, không có tiếng khóc than cũng không có tiếng kêu gào thảm thiết như những đám đưa ma khác. Ngược lại mấy bà thím còn bàn tán xì xèo rôm rả như ngày họp chợ.

“Này, nói chứ không phải tôi keo kiệt gì đâu. Chứ cái lão béo ấy hồn đã bị bắt đi rồi sao còn tổ chức đám tang làm gì, phí tiền của ra!” Một con mụ dáng người ục ịch trong đám đông trề môi lên tiếng.

“Ôi dào ơi, nào có phải chỉ bị bắt mỗi hồn đi thôi đâu. Tôi nghe người ta nói ấy hả, họ còn đem xác của ổng đi thiêu nữa rồi cơ!"

“Ơ, thế chẳng phải trong cái quan tài kia chỉ còn mỗi đống xương khô thôi à?”

“Thì chẳng thế! Nói chứ, còn mỗi đống xương khô thì cứ bỏ vào cái hòm rồi đem ra đồng chôn là được rồi, đây lại còn hô hào tổ chức tang lễ, đúng là dở người!"

Mụ béo vừa nghe nói thế liền bĩu môi, mặt câng câng lên: “Hây dà, lão Tòng dạo này có tí tiếng tăm là lại bắt đầu giở chiêu trò kiếm tiền cúng bái rồi đây. Các cụ xưa nói cấm có sai, phú quý sinh lễ nghĩa, no ăn thì đắt bói!”

Bà ta vừa dứt lời, mấy bà thím đi bên cạnh cũng chép miệng lắc đầu, vẻ mặt chế diễu cười đểu.

Đoàn đưa ma lúc này đã đi đến cửa nhà bà Đào, và đương nhiên những gì bọn họ vừa nói bà và Nguyệt Hoa đều nghe rõ mồm một. Đây rõ ràng là cố ý nói cho hai bác cháu cô nghe đây mà.

Nguyệt Hoa còn ít tuổi lại chịu sự răn dạy lễ nghĩa nghiêm khắc của ông ngoại, nên dù nghe không lọt tai cũng chẳng dám ở trước mặt bao nhiêu người lên tiếng đáp trả. Nhưng bà Đào thì khác, trong cái làng này bà chỉ nể nang mỗi mình ông Tòng, còn lại bà chẳng sợ cái gì sất.

Bà cười nhạt khoanh hai tay trước ngực, điệu bộ xéo xắt lên tiếng:

“Tục ngữ có câu rất hay, biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe. Những người mà bạ đâu nói đấy, suy bụng ta ra bụng người thường là lũ ghen ăn tức ở, thích đặt điều. Cái loại này ra đường mà không biết giữ mồm giữ miệng ấy hả, kiểu gì cũng có đứa nó đấm vỡ mồm như chơi!"