Chương 51: Bố mẹ con là ai? (2)

Còn ông Đạt cũng định hỏi câu ấy nhưng nghe vợ hỏi rồi nên thôi, chờ đợi câu trả lời của Quang.

Quang nhìn mẹ rồi nhìn bố:

– Vì con có quyền được làm điều đó. Con có quyền được nhận lại bố mẹ đẻ của mình. Con có quyền được về ngôi nhà của mình.

Tố Quyên ngồi thụp xuống ghế salong, cô hoàn toàn thất vọng về đứa con đẻ của mình. Nghe trong giọng nói của nó, không có một chút cái gì gọi là tình cảm, chỉ có sự hằn học. Nếu đây không phải là con đẻ của cô thì có lẽ nó đã ăn một phát tát rồi đuổi thẳng cổ rồi:

– Bố mẹ đã nhận lại con rồi mà.

Quang tiếp tục nói:

– Nhưng không phải bằng cách giấu giếm thiên hạ. Chẳng lẽ bố mẹ muốn con sống mãi trong cái vỏ bọc con của bà lao công, ở một cái nhà cấp 4 cứ hễ mưa là phải mang chậu ra hứng nước hay sao? Con là con của bố mẹ, con xứng đáng được ở trong ngôi nhà này, xứng đáng được mọi người công nhận chuyện đó.

Ông Đạt gật gù có vẻ đồng ý với suy luận của con trai ông, chuyện cho thằng Quang danh phận chính thức ông trăn trở tìm cách làm nhưng chưa ra vì chưa có sự đồng thuận của vợ. Chuyện đã đến nước này thì coi như là ý trời.

Tố Quyên trong lòng lúc này lại nghĩ đến Mạnh, tội nghiệp đứa con trai bé bỏng mà cô hết mực yêu thương, cô biết giờ này nó đang trên đường về, không biết trong lòng nó nghĩ gì, nó có chịu được cú sốc này không?

– Chuyện đó bố mẹ biết và đang sắp xếp. Còn thằng Mạnh nữa, phải từ từ để nó chuẩn bị tâm lý.

Quang nghe mẹ nói đến Mạnh thì càng ức chế, hắn nghĩ đến những ngày tháng gian khổ đói bụng rét mướt của mình, lại nghĩ đến thằng Mạnh ăn sung mặc sướиɠ. Tất cả những thứ đó hắn phải chịu đựng thay thằng Mạnh. Sống hộ nó cả quãng tuổi thơ nghèo hèn:

– Quá đủ rồi mẹ ạ. Mạnh đã sung sướиɠ quá đủ rồi. Giờ cậu ta phải trả lại cho con tất cả những gì cậu ta đã cướp của con. Cậu ta nên trở về với thân phận thực sự của mình.

Trong khi Tố Quyên ứ miệng không nói được câu nào thì ông Đạt vỗ về con trai:

– Kìa Quang, đừng suy nghĩ tiêu cực như thế. Chẳng phải giờ đây con đã trở về rồi sao. Cái gì của con sẽ là của con, bố không để con thiệt thòi đâu.

Lại thêm chồng nữa, Tố Quyên cảm thấy mình bất lực trước suy nghĩ của ông Đạt và thằng Quang, giờ bà hận mình không là đàn ông, là chủ gia đình để có sự sắp xếp hợp lý hơn.

Đúng lúc đó thì một tiếng nói rất nhỏ ở cửa lại vang lên. Lần này là tiếng nói yêu thương rất quen thuộc với Tố Quyên:

– Mẹ, bố mẹ đẻ của con là ai?

Cả 3 người đều sững sờ nhìn ra ngoài cửa, khuôn mặt của Mạnh rũ rượi, ánh mắt hoang mang vô định như gà con lạc mẹ. Mạnh đã về nhà được một lúc, chỉ sau Quang một chút và đã nghe toàn bộ câu chuyện ba người bọn họ nói với nhau. Thực sự cậu chẳng biết mình đang nghĩ gì vào lúc này nữa. Trước mắt chỉ là sự hoang mang đến tột độ, mọi thứ mà cậu có từ trước đến nay đã trong chớp mắt biến mất. Giờ đây, đến bố mẹ mình là ai cậu cũng không biết. Hay đơn giản nhất chính là câu hỏi cứ nhảy chập chờn trong đầu: Mình là ai? Mình từ đâu đến đây?

Ngôi nhà này ngày trước thân thuộc biết bao, giờ đây sao cậu thấy nó xa lạ như lần đầu tiên nhìn thấy. Khoảng cách từ cửa vào chính giữa ngôi nhà nơi bố mẹ cậu đang đứng chỉ độ chục bước chân vậy mà sao cậu thấy nó xa tít mù tắp đến nỗi chân không dám nhúc nhích để tiến vào.

Chỉ có Tố Quyên là bật chạy như bay về phía con:

– “Mạnh! Con về hồi nào”, nhìn thấy bộ dạng của con, Tố Quyên mắt ngấn trào lệ.

Mạnh nhìn mẹ đang lay lay vào hai vai mình bằng đôi mắt vô hồn và cầu cứu:

– Mẹ nói cho con biết đi. Bố mẹ con là ai?

Tố Quyên chưa kịp nói vì cô không biết bắt đầu từ đâu, thì ở sau lưng cô, giọng Quang đã vang lên:

– Bố cậu chết cách đây 20 năm rồi, còn mẹ cậu là bà lao công tên Hoa ở Công ty Đẹp +.

Mạnh nghe xong thì rũ rượi quay đầu bước đi không nói một lời nào. Bởi cậu không thể nói được, mọi thứ cứ ứ nghẹn ở trong cổ họng. Mạnh chầm chậm bước đi, tai ù ù làm cậu còn không nghe rõ được tiếng mẹ Tố Quyên nói xa xả bên tai mình:

– Mạnh ơi! Manh ơi! Con đi đâu đấy! Ở lại với mẹ đã Mạnh ơi.

Tố Quyên không thể đuổi theo được Mạnh mặc dù Mạnh đi rất chậm, từng bước một rời khỏi căn nhà, bởi ông Đạt đã giữ hai vai bà lại rồi an ủi:

– Em cứ để Mạnh đi đi. Giờ nó cần yên tĩnh một mình để bình tĩnh lại. Rồi vợ chồng mình nói chuyện với nó sau.

Mạnh bước ra khỏi cổng căn biệt thự, chiếc cổng sắt tự động đóng lại vì có người ở bên trong bấm nút điều khiển từ xa, chiếc Range Rover mà Mạnh hay đi vẫn ở trong sân.

Kẻ bấm nút ấy lẩm bẩm trong đầu: “Mày lấy của tao quá nhiều thứ rồi. Đã đến lúc mày phải trả lại cho tao, từng thứ một, từng thứ một ….. đến khi hết mới thôi !!!!!”

——–

Trời chập choạng tối, Mạnh cứ đi bộ một mình trong vô thức từ “nhà mình” đến giờ cũng được gần 1 tiếng rồi. Giờ đây, nhìn Mạnh không còn là một thiếu gia ngút trời nữa mà dáng đi thất thểu bất định như một kẻ điên. Mắt nhìn về phía trước mà như chẳng nhìn cái gì, cậu cũng không biết là mình đang đi đâu và định đi đâu nữa. Trong đầu Mạnh, mọi thứ trở nên trống rỗng và hoang mang. Đây là cú sốc đầu đời và nhưng nghiệt ngã thay nó lại là cú sốc quá lớn đối với một người như Mạnh. Cả quãng đời 25 năm về trước, Mạnh chưa từng phải suy nghĩ một việc gì đó quá lâu. Cuộc sống trải nhung dệt gấm đưa Mạnh lớn tới từng này. Bất cứ đòi hỏi gì, mong muốn và dự định gì, chỉ cần búng tay một cái là Mạnh có thể thực hiện được ngay. Cậu có tiền, thậm chí rất nhiều tiền, cái cậu thường phải suy nghĩ nhiều nhất chính là làm sao để tiêu hết số tiền mẹ cho. Tài khoản maximum, tiền mặt nhét đến chặt ví mới thôi. Nhưng giờ đây, tất cả chỉ còn là hư ảnh. Không biết Mạnh có thể sống tiếp được không? Có gượng dậy nổi sau cú sốc này không nữa.

Bỗng điện thoại trong túi quần của Mạnh rung lên, ơn giời vẫn còn có cái điện thoại này là theo người Mạnh, những giấy tờ tùy thân và tiền mặt, thẻ ngân hàng Mạnh để cả trong chiếc ví cầm tay, mà cái ví ấy giờ lại ở trong oto mất rồi.

Mạnh run run rút điện thoại ra, cậu mong người gọi điện cho mình chính là mẹ Tố Quyên, hình như trong ánh mắt của mẹ lúc gặp cậu ở ngoài cửa vẫn có chút tình thương, không giống như ánh mắt hững hờ của bố. Chắc cả đời này Mạnh chẳng thế quên được ánh mắt của bố Đạt nhìn cậu lúc mới đây xong. Trong ánh mắt ấy không còn một chút tình bố con nào cả, chỉ còn là ánh mắt thương hại của một kẻ xa lạ nhìn một người rơi vào hố sâu vực thẳm.

Nhưng tên hiện lên không phải là “Mommy” mà là chữ “Voi con”. Mạnh gạt nút nghe nhưng không thể nói nổi một từ “Alo”.

Tiếng còi xe, tiếng động của người đi đường báo cho Thục Trinh biết máy vẫn thông và anh Mạnh của cô đang ở ngoài đường. Cô nói nhỏ vào trong điện thoại:

– Anh Mạnh hả, em Thục Trinh đây. Anh đang ở đâu vậy?