Chương 53: Mẹ có nhận con không ạ? (1)

– “Loẹt xoẹt, loẹt xoẹt, loẹt xoẹt, loẹt xoẹt”

Tiếng chổi tre của cô Hoa đều đều từng nhịp một trên đường phố, lúc này đã gần 11h đêm, đường phố cũng đã bắt đầu thưa người, đó cũng chính là thời điểm thuận lợi nhất cho những người lao công quét rác đường phố như cô Hoa làm việc. Đây không phải là việc chính của cô Hoa, thu nhập chủ yếu của cô là lao công theo giờ hành chính ở công ty Đẹp +, đây là công việc mà cô nhận làm thêm vào mỗi buổi tối để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cuộc sống và dành dụm cho đứa con trai của cô học Đại học và sau này là du học.

Những chiếc lá khô, những mẩu rác linh tinh đủ loại ban ngày rụng xuống bao nhiêu được những người lao công như cô Hoa dùng một chiếc chổi tre rất to, có độ dài bám mặt đường gần 1 mét quét dồn thành một đống, mỗi đống cách nhau khoảng 20 mét. Khi quét xong một đoạn thì quay lại từ đầu xúc lên các xe rác, khi xe rác đầy thì đẩy về nơi tập kết rồi quay lại làm chuyến khác cho đến hết thì thôi. Công việc nếu tính ra thì cũng không có gì vất vả và nặng nhọc, nhất là đối với một người thuần nông quanh năm chân lấm tay bùn như cô Hoa. Cái vất vả của nghề này chỉ là làm việc vào lúc đêm hôm khuya khoắt, nếu thời tiết bình thường thì không sao, nhưng những hôm nào mưa to gió lớn làm lá cây bết lại xuống mặt đường phải quét vài ba đường chổi chiếc lá mới chịu nhúc nhắc thay đổi vị trí, những đêm đông lạnh cắt da cắt thịt mà nằm trong nhà quấn chăn bông vẫn thấy lạnh vẫn phải hì hục ngoài đường, thì mới khô khổ một chút thôi. Từ lúc nhận công việc làm thêm này đến nay cũng vài năm rồi, cô Hoa chưa có nghỉ buổi quét rác đêm nào, kể cả những hôm mưa bão, mà càng mưa bão những người như cô Hoa càng phải làm việc nhiều hơn, kể cả những đêm đông lạnh nhất của Hà Nội lúc nhiệt độ chạm đáy vài độ C, cô vẫn phủ bên ngoài mình một chiếc áo mưa mỏng để tránh gió, chứ tuyệt không thấy khó mà nghỉ. Ấy vậy nên cô được mọi người trong tổ quét rác của khu vực này quý mến lắm.

Mạnh đứng bên cạnh chiếc xe máy của Thục Trinh từ xa quan sát cô Hoa dễ chừng đến nửa tiếng đồng hồ rồi. Người phụ nữ lam lũ ở kia không phải là người đã nuôi lớn cậu nhưng là người đã sinh ra cậu, người làm cho cậu có mặt trên cõi đời này. Cảm xúc vô cùng khó tả, cậu không biết mình gặp mẹ sẽ nói điều gì đây. Mẹ vẫn bình thản làm công việc của mình chứng tỏ mẹ hoàn toàn không biết chuyện trao nhầm con, cũng phải thôi, mẹ chỉ sử dụng một chiếc điện thoại chỉ có chức năng nghe và gọi, mẹ cũng chẳng phải người biết sử dụng internet nên mẹ chẳng biết chuyện là phải rồi.

Không biết khi mẹ biết mình là con trai mẹ, mẹ sẽ như thế nào? Mẹ có nhận mình không? Mẹ có dành tình cảm cho mình giống như tình cảm của một người mẹ dành cho của mình không? Một loạt câu hỏi mang tính dự đoán vụt thoáng qua trong đầu Mạnh.

Rồi Mạnh lại nghĩ đến những vất vả mà mẹ đã phải trải qua để nuôi con của mẹ là Quang thành tài đến như bây giờ. Nếu người đó không phải là Quang mà là mình thì không biết mẹ có như vậy không? Có sẵn sàng bỏ quê hương lên Hà Nội kiếm sống để nuôi mình không? Chắc là có thôi.

Thấy mẹ đang thu dọn đồ sau khi hoàn thành chuyến cuối cùng, Mạnh từ từ dắt xe máy lại gần chiếc xe đạp mà mẹ vẫn hay đi dựng ở một gốc cây xà cừ to bằng hai người ôm rồi đứng chờ ở đó.

Khi cô Hoa vừa đi vừa ngửa cổ uống nước trong một cái chai Lavie nhỏ đến gần chiếc xe đạp của mình để chuẩn bị ra về thì cô bất ngờ vì người đứng cạnh chiếc xe đạp là cậu Mạnh, Giám đốc sáng tạo ở công ty của cô, cô ú ớ:

– Ớ, ơ …………. Cậu Mạnh, sao cậu lại ở đây?

Mạnh im phăng phắc, đứng như trời chồng nhìn mẹ. Đây không phải là lần đầu tiên cậu nhìn thấy mẹ, có thể nói là gặp hàng ngày ở trên công ty, nhưng đây là lần đầu tiên Mạnh nhìn mẹ bằng ánh mắt của một đứa con trai nhìn mẹ đẻ của mình.

Thấy Mạnh im lặng không đáp lại câu trả lời của mình, ánh mắt của Mạnh cũng thẫn thờ không linh hoạt giống mọi hôm, cô Hoa có chút lo lắng tưởng cậu Mạnh bị làm sao, nên cô hỏi lại:

– Cậu Mạnh! Cậu Mạnh! Hình như cậu bị làm sao à?

Thấy mẹ gọi tên mình, Mạnh kìm nén rồi bật ra một tiếng gọi giản đơn nhưng chứa đựng tâm tư của cậu vào lúc này:

– MẸ!

Cô Hoa nghe rõ mồn một tiếng Mạnh gọi “Mẹ”, cô ngó ra hai bên, rồi ngó đằng sau mình xem có ai không, có thể Mạnh gọi tên người nào đó mà không phải cô.

Thấy mẹ vẫn không đáp lời mình, Mạnh nói lại:

– Mẹ ơi!

Lần này cô Hoa khẳng định là người mà Mạnh vừa gọi chính là mình, bởi ở dưới gốc cây xà cừ này không có ai khác ngoài cô và cậu Giám đốc sáng tạo. Cô Hoa đương nhiên không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra, cô cho là Mạnh đang gọi nhầm:

– Cậu Mạnh, cậu bảo sao cơ, sao cậu lại gọi tôi ….. là ……. Mẹ?

Mạnh tiến đến sát bên cô Hoa, đôi mắt cậu đã long lanh ngấn nước, chẳng nhớ nổi lần mình khóc gần nhất là bao lâu rồi nữa, Mạnh ôm chầm lấy mẹ một cái thật chặt, hai tay cậu bám vào lưng mẹ rồi ghì sát mẹ vào người mình:

– Mẹ ơi, con là con trai của mẹ đây. Con là con đẻ của mẹ đây.

Người cô Hoa bủn rủn, hai chân như muốn khụy xuống, tim đập thình thình vì bất ngờ được cậu Mạnh ôm chặt vào lòng. Nhiều đêm, cô vẫn thường nhớ lại cái lần đầu tiên cô gặp cậu Mạnh trong nhà vệ sinh ở công ty Đẹp +, lần đó như có một luồng điện chạy từ gót chân lêи đỉиɦ đầu khi cô nhìn thấy khuôn mặt, nhìn thấy dáng người của cậu Mạnh. Cái cảm giác gì đó mà cô không thể diễn tả được thành lời, cô thấy khuôn mặt của Mạnh rất quen thuộc, rất thân thương mặc dù mới chỉ lần đầu tiên gặp cậu ấy. Khuôn mặt ấy cứ ám ảnh cô đến mãi về sau này, để rồi cô vừa sợ lại vừa muốn nhìn thấy khuôn mặt ấy. Như có cái gì đó từ thế giới bên kia thôi thúc cô, bắt cô phải lại gần cậu Mạnh để nhìn khuôn mặt cậu ấy. Đến nay điều đó cô cũng chưa thể giải thích nổi:

– Cậu Mạnh, cậu nói cái gì tôi không hiểu. Con trai tôi là Quang cơ mà.

Vừa nói, cô Hoa vừa đẩy Mạnh ra khỏi người mình, cô mạnh dạn nhìn thật kĩ vào khuôn mặt của Mạnh, cái cảm giác run rẩy bồi hồi lần đó lại ùa về trong cô ngay lúc này, cô phải bám vào ghi đông xe đạp của mình để khỏi xụp xuống.

Mạnh bị mẹ đẩy ra nhưng cậu vẫn bám vào một cánh tay mẹ mà lay lay:

– Không, con mới là con đẻ của mẹ, con và Quang bị bệnh viện trao nhầm lúc mới sinh.

Lần này thì cô Hoa ngã thật, cô thụp xuống nền đất lạnh, lời nói của Mạnh cô nghe như sét đánh bên tai:

– Chuyện này …… chuyện này …….. bệnh viện trao nhầm? Không thể nào? Sao lại như thế được.

Mạnh ngồi xuống theo mẹ, cậu biết, để giải thích cho mẹ hiểu không thể một hai câu là xong. Lúc mới đón nhận tin này, đến người như cậu cũng không thể bình tĩnh được huống hồ là mẹ:

– Mẹ, có phải mẹ sinh con vào ngày 13 tháng 6 năm ……. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An không?

Cô Hoa lắp bắp:

– Phải rồi, thằng Quang sinh nhật vào ngày 13 tháng 6. Tôi sinh con ở bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An.

Mạnh bình tĩnh gỡ dần những điều khó hiểu cho mẹ:

– Cũng đúng ngày ấy, mẹ Quyên cũng sinh con tại bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An. Mẹ còn nhớ hôm con đưa mẹ ra sân bay đón Quang không? Lần đó con nói với mẹ là con cũng sinh ra ở Nghệ An, giấy khai sinh của con ghi rõ nơi sinh là bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An. Mẹ hiểu ra chưa ạ?

Cô Hoa đang suy nghĩ về những điều Mạnh vừa nói, nhưng cô vẫn chưa thể thông được, vì vậy khuôn mặt cô đăm chiêu và không nói gì cả. Mạnh nói thêm:

– Rồi họ trao nhầm con cho mẹ Quyên nuôi, còn Quang là con của mẹ Quyên thì họ trao cho mẹ nuôi. Con mới biết được sự thật này lúc chiều nay.

Cô Hoa có vẻ như đã hiểu ra vấn đề, nhưng cô chưa thể chấp nhận sự thật này. Trong lòng cô, Quang là đứa con mà cô thương yêu nhất, dành cả đời mình để làm những gì tốt nhất có thể cho con. Rồi bỗng chốc, cậu Mạnh lại bảo Quang không phải là con của cô, mà chính cậu Mạnh mới lại là con của mình. Cô hoang mang vô cùng:

– Không thể như thế được. Không thể như thế được. Làm sao mà lại như thế được.

– Đúng là như thế đấy mẹ ạ. Kết quả xét nghiệm ADN đã khẳng định Quang là con của mẹ Quyên. Chuyện này mẹ có thể hỏi Quang là sẽ rõ.

Cách đây hơn một tiếng đồng hồ, điện thoại của Mạnh nhận được 3 kết quả xét nghiệm ADN mà người gửi không ai khác chính là ………. Quang.

Cô Hoa lập cập mở cúc áo ngực rồi móc cái điện thoại nhỏ ở trong túi ra, cô lẩy bẩy bấm số của Quang rồi đưa run run đưa lên tai chờ đợi bắt máy:

Một tiếng nói khô khốc ở đầu dây bên kia vang lên:

– Alô!