Chương 17: Thương vụ mua lại Med-Ferry (8)

Kinh Hồng nghỉ ngơi một đêm, đến sáng ngày hôm sau, anh bỗng muốn đi dạo thăm thú thị trấn lịch sử nổi danh mà anh chưa từng ghé thăm này.

Kinh Hồng không cho trợ lý đi theo mà đi một mình ra khỏi khách sạn.

Anh dẫn theo tổng cộng bốn đến năm người đến tham gia Hội nghị Internet Quốc tế, nhưng thị trấn này thật sự rất lớn, các khu du lịch cũng được chia thành Đông Sách và Tây Sách*, muốn đi bộ hết các điểm cũng phải mất mấy tiếng đồng hồ. Tuy nhiên tối nay bọn họ đã phải về Bắc Kinh, trong khi đó hội nghị lại bắt đầu từ chín giờ sáng, vậy nên Kinh Hồng không báo cho trợ lý mà ra ngoài từ năm giờ, dù sao thì anh cũng luôn thức dậy vào tầm giờ này.

*Địa điểm được nhắc đến trong truyện là Ô Trấn, nằm ở trung tâm của sáu thị trấn cổ ở phía Nam sông Dương Tử, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Hệ thống kênh rạch chằng chịt chia Ô Trấn làm bốn khu vực tham quan chính là: Đông Sách, Tây Sách, Nam Sách, Bắc Sách. Trong đó, Đông Sách và Tây Sách là hai khu vực được nhiều du khách ghé thăm nhất. Đông Sách có những dãy nhà và không gian kiến trúc cổ xưa, còn Tây Sách không có nhiều người địa phương sinh sống mà tập trung vào xây dựng các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch.

Thức dậy vào khoảng năm giờ, tập thể dục, tắm rửa, ăn sáng rồi đến cơ quan giải quyết công việc, bình thường anh sẽ không ngủ quá sáu tiếng, thậm chí chỉ có bốn tiếng hoặc ít hơn.

Kinh Hồng không mặc sơ mi đóng bộ, thay vào đó là một chiếc áo len rộng màu trắng phối cùng quần bò, thoạt nhìn trông trẻ hơn hẳn.

Đêm qua bọn họ ở Tây Sách, bên đó toàn là khách sạn thương mại.

Kinh Hồng đi đến bờ sông rồi bước lên một con thuyền có mái che, sau đó lẳng lặng ngồi trên thuyền chờ Mặt Trời mọc.

Thuyền có mái che này là kiểu chèo bằng tay, gợn sóng dập dìu va từng đợt từng đợt vào mạn thuyền, mái chèo rẽ mặt nước sông tạo ra âm thanh trong trẻo, tựa như đang gảy vào từng bọt nước trong lòng người.

Một lát sau, Mặt Trời cũng dần nhô lên.

Cây cối đều được phủ một lớp ánh sáng màu vàng như từng bức bình phong vàng, những bức tường trắng chạy dọc hai bên bờ sông cũng được nhuộm bằng gam màu ấm áp, trên không trung có Mặt Trời màu vàng đỏ, dưới mặt nước bồng bềnh lay động cũng có một vầng Thái Dương, gợn sóng lăn tăn kéo thành một cái đuôi thật dài, một cây cầu vòm trắng cổ kính ngăn cách giữa hai Mặt Trời, trên cầu có mấy cô gái trẻ tuổi mặc xường xám đang chụp ảnh.

Quả thực rất đẹp.

Người lái đò tiếp tục chèo con thuyền nhỏ, thuyền sẽ đi một vòng quanh thị trấn.

Kinh Hồng cũng ngắm cảnh dọc đường.

Vẫn còn rất sớm, thị trấn bé nhỏ vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ, tất cả hàng quán đều im lìm đóng cửa. Toàn bộ Tây Sách bao gồm mười hai hòn đảo nhỏ được nối với nhau bởi hơn bảy mươi cây cầu nho nhỏ. Trên mỗi hòn đảo nổi sẽ là một căn phòng được lát ngói xanh tường trắng, điểm xuyết bằng cây cối um tùm xanh ngắt, tất cả đều gợi nhớ Kinh Hồng về Venice.

Có nhiều thứ giống nhau, lại có nhiều điều không giống.

Thuyền vẫn cứ trôi, trời lại đổ cơn mưa xuống trấn nhỏ. Mưa bụi lất phất, khác hoàn toàn với cơn mưa bẩn thỉu và lộn xộn ở Bắc Kinh.

Cũng may Kinh Hồng mang theo ô.

Đợi thuyền mái che quay về chỗ cũ, Kinh Hồng cũng vui vẻ hài lòng bung ô lên. Ô này của khách sạn có màu đen và cán dài, phần tay nắm cong hình chữ J được làm bằng gỗ, không bị quá trơn nên cầm rất thoải mái.

Kinh Hồng tới thăm một vài điểm ở Tây Sách, cuối cùng anh leo lên tháp Bạch Liên ở chùa tháp Bạch Liên theo lời dân mạng gợi ý.

Đây là điểm ngắm cảnh tuyệt vời. Có thể nhìn thấy con kênh Đại Vận Hà* chảy từ cuối Tây Sách, nó rộng lớn, thăng trầm lại táo bạo phóng khoáng. Đây là trấn nhỏ duy nhất ở Giang Nam nằm trên lưu vực của con kênh Đại Vận Hà.

*Đại Vận Hà, cũng được biết đến với cái tên Kinh Hàng Đại Vận Hà là kênh đào hay sông nhân tạo cổ đại trên thế giới, bắt đầu ở phía bắc tại Bắc Kinh và kết thúc ở phía nam gần Hàng Châu, Chiết Giang với chiều dài tổng cộng khoảng 1.794 km, nối liền các sông Tiền Đường Giang, Dương Tử, Hoài Hà, Hoàng Hà và Hải Hà.

Kinh Hồng tưởng tượng ra khung cảnh hối hả nhộn nhịp bên dưới con kênh này năm đó.

Được xây dựng vào thời Xuân Thu và hoàn thành vào thời nhà Tuỳ, hưng thịnh nhất vào thời nhà Đường và nhà Tống*, con kênh này, thôn trấn này, thậm chí cả mảnh đất này, tất cả đã trải qua mấy ngàn năm từ thịnh vượng đến suy tàn rồi lại phồn vinh.

*Xuân Thu là một giai đoạn lịch sử từ 771 đến 476 TCN trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tùy (581-619) là triều đại trong lịch sử Trung Quốc kế thừa Nam-Bắc triều, theo sau nó là triều Đường. Nhà Đường, hay Đế quốc Đại Đường, là một hoàng triều cai trị Trung Quốc từ năm 618 đến năm 907. Nhà Tống là hoàng triều cai trị Trung Quốc từ năm 960 đến năm 1279.

Ở mấy mét phía sau, Chu Sưởng vừa bước lên tháp Bạch Liên đã nhìn thấy một bóng lưng.

Cũng chẳng biết vì sao, chỉ liếc mắt qua hắn đã lập tức nhận ra là Kinh Hồng.

Không biết xuất phát từ lý do gì, Chu Sưởng vẫn không bước lên phía trước, hắn chỉ lẳng lặng quan sát bóng lưng Kinh Hồng dựa vào lan can.

Mưa bụi lất phất trên đỉnh tháp Bạch Liên, Kinh Hồng cầm ô và nghiêng cán ô trên vai, tán ô vừa khéo che đầu anh. Bên dưới là con kênh Đại Vận Hà đã xuôi dòng được hai ngàn năm trăm năm, là một biển hoa hình rồng, là dòng nước mờ ảo khói sương, là ngói xanh tường trắng, là những ngôi nhà gối đầu lên mặt nước vùng Giang Nam. Còn gần hơn, chính là Kinh Hồng đang cầm ô, tán ô xoay một vòng trước mắt hắn, vài giây sau lại xoay thêm một vòng, vài giây kế tiếp lại là một vòng nữa. Có ít bọt nước văng ra lấp lánh trong veo. Dưới tán ô, Kinh Hồng mặc áo len màu trắng, đó là một hình ảnh khác hẳn trước giờ.

Chu Sưởng nghĩ, hình như quan niệm về xoáy tóc kia cũng khá đúng đấy chứ.

Hắn trầm ngâm, sau đó xoay người đi xuống, không muốn quấy rầy Kinh Hồng ngắm cảnh.

Kinh Hồng đứng trên đỉnh tháp một lát, lúc sau anh thấy đã không còn sớm nữa thì cũng xuống khỏi tháp Bạch Liên và đi thẳng về hướng Đông Sách.

***

Chẳng bao lâu sau đã tới Đông Sách, Kinh Hồng dạo bước trên những phiến đá xanh. Kinh Hồng không hạ ô xuống quá thấp để có thể ngắm cảnh bên đường, vậy nên đôi khi có cơn gió Giang Nam bất ngờ thổi qua, mưa phùn bị cuốn theo hắt lên người anh mang tới cảm giác lành lạnh nhưng cũng rất thoải mái.

Hai bên là cầu có mái che, chòi nghỉ, quán rượu, quán trà, xưởng nhuộm, quầy bán tương, mọi thứ đều đẹp như tranh vẽ.

Dường như mỗi một cánh cửa đều có thể mở ra một giai đoạn lịch sử đã phủ bụi từ lâu, và người bên trong đó cũng đang lao động, hoặc đang nói chuyện lứa đôi giống như ngày nay.

Sau khi đi dạo qua mấy điểm, Kinh Hồng nhìn thấy một cây cầu có mái che.

Tuy có trần nhưng lại được chia thành hai toà bên trái và bên phải, được ngăn cách bằng một ô cửa sổ trổ hoa rỗng.

Lúc này đã có người đi qua, Kinh Hồng tiện hỏi, “Đây chính là cầu đôi Phùng Nguyên sao?”

“Đúng rồi!” Một người dân bản địa không biết Kinh Hồng đã trả lời, “Đây chính là cầu đôi Phùng Nguyên đó!”

Tối qua Kinh Hồng đã đọc về nơi này.

Nghe nói đi bên trái cầu thì thăng quan, đi bên phải cầu thì phát tài, làm gì cũng thuận lợi xuôi chèo mát mái.

Kinh Hồng lại cảm thấy logic không đúng cho lắm.

Một người chỉ có thể đi một bên, vậy rõ ràng ý là không có cách nào khiến mọi việc đều suôn sẻ, đừng nên quá tham lam.

Đoán cũng chỉ đoán được đến đó, không cần biết ý tứ ban đầu của cầu đôi Phùng Nguyên này là gì, nhưng tới giờ truyền thuyết cũng chỉ còn lại là “Một cặp đôi chia nhau ra đi qua cầu, đến điểm cuối cùng thì tụ lại thì tình yêu cả đời sẽ bền chặt sắt son.”

Kinh Hồng không có người yêu, đồng thời cũng đã leo lêи đỉиɦ của con đường thăng quan phát tài, giờ mà cầu xin thêm cái gì thì thần tiên lại ghét cho, vậy nên anh tuỳ ý lựa chọn bước lên mạn bên trái của cây cầu.

Cây cầu không dài, khi đi tới giữa, Kinh Hồng nhìn ra xa thấy liễu rủ lả lướt và lầu các uốn quanh, anh hơi khựng lại rồi mới tiếp tục đi về phía trước.

Tiếp tục bước đi, Kinh Hồng quay đầu sang, thoáng nhìn bên kia cầu qua vách ngăn bằng gỗ.

Rồi sau đó, anh thấy Chu Sưởng qua phần ô chạm rỗng của khung cửa sổ.

Chu Sưởng cũng cầm ô màu đen, hắn mặc áo len màu xám, dường như cảm nhận được ánh mắt của anh nên cũng quay lại nhìn qua ô chạm rỗng.

Vóc người cao lớn, mặt mày anh tuấn, khí chất áp đảo.

Trong khoảnh khắc, hai người không ai dừng bước, cũng không dời mắt đi, tấm vách ngăn ở giữa lúc thì che khuất tầm nhìn của bọn họ, lúc lại hở ra một chút.

Gương mặt của người bên kia cũng không hiện ra trọn vẹn mà được ngăn cách bởi những hình chạm khắc trên ô cửa sổ tao nhã cổ kính.

Nhưng Kinh Hồng nhận ra, dù trước mặt đối phương là mảnh gỗ chạm trổ khắc hoa đầy lộng lẫy, Chu Sưởng vẫn không hề mất đi chút hào quang nào. Thậm chí khí chất của hắn cộng thêm ô cửa chạm khắc cổ điển này còn mang thêm chút ý vị.

Giữa làn mưa bụi Giang Nam, tất thảy cảm xúc đều trở nên mềm mại, Kinh Hồng khẽ gật đầu, Chu Sưởng nhìn thấy cũng nhẹ nhàng gật đầu đáp lại.

Xem như chào hỏi.

Dù rằng lần chào hỏi này là ở trên cầu đôi Phùng Nguyên, dường như có vẻ rất lạc quẻ.

Trước giờ bọn họ đều gặp nhau ở những sự kiện liên quan đến Internet.

Đi dạo hết Đông Sách vẫn còn lại chút thời gian.

Trợ lý đã thức dậy, Kinh Hồng nói anh đã ăn sáng, tám giờ bốn mươi lăm phút hẹn nhau tại phòng khách sạn là được, nhóm trợ lý cũng vui vẻ thoải mái.

Kinh Hồng chưa muốn về ngay, anh ước chừng thời gian cần để quay về khách sạn và thay quần áo rồi sang bên Tây Sách đi dạo.

Cứ đi tiếp, Kinh Hồng nhìn thấy một tòa nhà lớn và hiện đại ở gần mép nước, dường như chưa bao giờ thấy tòa nhà này trên mạng nên anh bèn tiến lại gần xem, hóa ra đây là “Phòng trưng bày nghệ thuật Mộc Tâm”.

Kinh Hồng không am hiểu nghệ thuật, chỉ nhớ mang máng hình như Mộc Tâm* là một họa sĩ nổi tiếng. Nhưng dù sao cũng đang rảnh nên Kinh Hồng bèn đi vào.

*Mộc Tâm, tên khai sinh là Tôn Phác, là người Ô Trấn Chiết Giang. Ông là một họa sĩ, nhà văn và nhà thơ người Trung Quốc. Ông sống ở Hoa Kỳ nhiều năm và trở về quê hương Ô Trấn vào những năm cuối đời. Ô Trấn hiện có Nhà tưởng niệm nơi ở cũ của Mộc Tâm và Phòng trưng bày nghệ thuật Mộc Tâm để phục vụ khách du lịch đến tham quan.

Lời giới thiệu vắn tắt ở cửa ghi rằng, ông cụ đã nhìn thấy bản thiết kế của phòng trưng bày nghệ thuật trong cơn mê man trước lúc lâm chung, vì vậy đã nhận xét bằng bảy chữ, “Nào gió, nào nước, một cây cầu.”

Kinh Hồng chạm vào dòng chữ ấy và bắt đầu cuộc hành trình ngẫu hứng này.

Đây vốn là một bảo tàng đời sống và được chia làm bốn khu theo mốc thời gian, 1927-1943 ông ở trong trấn này và trải qua một tuổi thơ sung túc, về sau phải chuyển chỗ ở mấy lần vì chiến tranh, trước 1945 từng tới Thượng Hải học mỹ thuật nhưng sau đó do phản đối nội chiến nên bị đuổi học, bị Quốc dân Đảng truy nã phải trốn sang Đài Loan, đến trước năm 1949 mới về lại Thượng Hải. Sau đó ông làm việc, lánh đời, vẽ tranh, rồi lại vì miếng cơm manh áo mà đi làm việc… Ông bị bắt vào tù năm 1971, toàn bộ các tác phẩm hội họa đều bị thiêu hủy, bị bẻ gãy vài ngón tay, ông đã viết truyện dài mang tên “Nhật ký trong tù” vào thời gian đó. Việc đầu tiên ông làm sau khi ra tù chính là tu sửa Đại lễ đường Nhân dân*, đến năm 1982 thì sang New York tiếp tục học tập, cuộc sống luôn bị túng quẫn bủa vây. Đến khi quay về nơi từng ở sau năm mươi hai năm xa cách thì lại nhận ra mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi, ông đau lòng khôn xiết, viết một bài thơ với câu kết là “Vĩnh biệt, tôi sẽ không quay lại nữa”. Về sau người đứng đầu trấn nhỏ đã cho tu sửa lại nhà tổ và mời chủ nhân trở lại, vậy nên đến năm 2006, người họa sĩ bảy mươi chín tuổi mới nhận lời mời từ quê hương mà quay về, sống những năm cuối đời ở khu vườn của gia đình họ Tôn trong hồi ức và qua đời vào năm 2011.

*Đại lễ đường Nhân dân là một tòa nhà của chính phủ nằm ở bên mé tây của Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc.

Cuộc đời ông như một truyền thuyết.

Phía sau là phòng trưng bày tranh và tác phẩm văn học.

Tuy Kinh Hồng không hiểu nhưng vẫn có gu thẩm mỹ cơ bản, nhìn từng nét mực sơn thủy trước mặt, anh cũng cảm thấy như đang đắm chìm trong đó.

Trước một bức tường, Kinh Hồng dừng lại hồi lâu và chăm chú ngắm nhìn từng bức tranh trên tường.

Gần đó có một cô gái trẻ đi cùng mẹ vừa xem tranh vừa trò chuyện.

Có vẻ như cô gái trẻ hiểu khá rõ, cô nói với mẹ mình, “Thực ra Mộc Tâm là một họa sĩ, nhưng điều nổi tiếng nhất ở ông không phải là những bức tranh hay cuộc đời, mà lại là một bài thơ.”

Mẹ của cô là người Giang Nam, bà hỏi lại bằng giọng địa phương rất nhẹ nhàng, “Ồ? Là bài thơ nào vậy?”

Cô gái trẻ cũng chuyển sang giọng nói mềm mại đậm Ngô nông*, “Bài đó còn có tên là “Ngày xưa chậm”, vì đã được phổ thành một bài hát.”

*Giọng nói nhỏ nhẹ mềm mại của người họ Ngô ở vùng Giang Nam, đặc biệt là Tô Châu.

Thế là người mẹ lại hỏi tiếp, “Vậy bài thơ đó viết gì?”

“Để con tìm lại đã.” Có vẻ như cô gái đang tìm nội dung trong điện thoại. Một lát sau, chất giọng ngâm mềm mại của Giang Nam lại vang lên trong phòng tranh:

“Nhớ ngày thuở còn niên thiếu, ai cũng thành khẩn thật thà, nói câu nào là câu đó…”

Mẹ của cô gái tập trung lắng nghe, Kinh Hồng cũng tùy ý nghe cùng.

Cô gái vẫn tiếp tục ngâm nga, “Nhớ xưa ấy ngày trôi qua thật chậm; Ngựa, xe, bưu phẩm chẳng vội vã lên đường; Một đời đằng đẵng cũng chỉ đủ yêu một người…”

Chẳng biết vì sao, Kinh Hồng bỗng có cảm giác rất kỳ lạ khi nghe đến những câu này, ánh mắt anh đột nhiên dời đi, lướt qua bả vai và nhìn về phía sau.

Sau đó anh phát hiện, ngay sau lưng dưới bức tường đối diện, Chu Sưởng cũng vừa lúc quay người nhìn về phía anh.

Bốn mắt chạm nhau.

Rõ ràng hai người không hề biết đối phương đang ở đó, nhưng giữa màn mưa bụi Giang Nam giăng mắc bên ngoài và những nét tranh sơn thủy chấm phá bên trong, không hiểu sao khi nghe thấy câu “Một đời đằng đẵng cũng chỉ đủ yêu một người”, bọn họ lại đồng thời quay đầu lại.