Chương 11: Sinh Ra Trong Nghèo Khó Cũng Là Một Lợi Thế

Một buổi chiều nọ, có một cô bạn gửi tin nhắn cho tôi, nói cô ấy mới từ nước ngoài về, có mang theo một chút đặc sản cho tôi nên hỏi tôi địa chỉ để gửi quà. Chúng tôi quen nhau đã lâu, nhưng cả hai cứ lặng lẽ nằm trong danh sách bạn bè trên WeChat của người kia, lặng lẽ xem dòng thời gian của nhau, chưa từng trò chuyện tử tế lần nào.

Sau này, khi sách của tôi được xuất bản và bán ra thị trường, cô ấy đã đi mua một cuốn. Sau khi đọc xong thì vô cùng xúc động gửi tin nhắn cho tôi, nói: "Chị Vãn Tình, ngày trước em cảm thấy cuộc đời chị rất bình lặng. Tuy đã kết bạn WeChat với chị nhưng cứ cảm thấy những trải nghiệm cuộc sống của chị em mình không giống nhau, nên chẳng biết phải nói gì với chị. Nhưng đọc xong cuốn sách này của chị em mới biết, chị cũng được sinh ra trong gia đình chẳng khá giả gì. Em như gặp được chính mình trong những câu từ chị viết, thế nên lần này đã mạo muội tìm chị trò chuyện."

Cô ấy sinh ra ở một làng quê còn nghèo nàn, lạc hậu. Kinh tế vốn đã khó khăn, lại thêm ông bố chỉ giỏi cờ bạc, cứ hễ ngồi xuống đánh bạc là không biết ngày đêm gì nữa. Nhà đã nghèo nay lại càng thảm hại hơn. Cũng may mẹ cô là một người phụ nữ cần cù, chịu khó. Bà không ngại vất vả, bon chen khắp chốn để kiếm vài đồng sinh hoạt và nuôi hai đứa con gái ăn học. Mặc dù vậy, mẹ cô ấy cũng chỉ là một người phụ nữ xuất thân nhà nông, không được học hành nhiều, nên có cố gắng làm lụng ngày đêm thì cuộc sống gia đình vẫn chật vật

Cứ mỗi mùa khai giảng năm học mới, mẹ cô lại phải vay tiền khắp nơi mới đủ đóng học phí cho cô. Sau khi lên cấp hai thì bà đã không còn khả năng chu cấp cho con gái mình nữa rồi. Không còn cách nào khác, cô đành phải ra ngoài tự kiếm sống, vừa là để thoát khỏi ông bố ham bài bạc, vừa là để phụ mẹ gánh bớt lo toan.

Lúc mới đi làm, vì tuổi còn nhỏ, trình độ học vấn lại thấp nên cô ấy chỉ có thể vào nhà máy làm công nhân dây chuyền lắp ráp. Thời gian làm việc thì dài mà lương chẳng được bao nhiêu. Thế nhưng, cô gái trẻ không cam tâm phải làm công nhân dây chuyền lắp ráp suốt cả đời. Mỗi tháng sau khi nhận lương, cô ấy chỉ giữ lại khoản tiền vừa đủ để chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày. Phần còn lại cô đem mua sách, tài liệu tham khảo để học.

Nhiều người không hiểu nói, công việc mỗi ngày chưa đủ vất vả hay sao còn học với hành. Học rồi liệu có thể thay đổi vận mệnh được không?

Về sau cô đã được thăng chức lên làm trưởng dây chuyền lắp ráp vì làm việc cẩn thận, chăm chỉ lại có chút kiến thức. Một năm sau đó, cô gái nhỏ ấy đã trở thành Giám đốc phân xưởng. Nhưng cô ấy biết rõ rằng, sự phát triển của mình ở nhà máy này đã đến giới hạn, thế nên cô đã quyết định từ chức. Sau khi từ chức, cô ấy định dùng số tiền tiết kiệm của mình để đi học cái gì đó. Nhưng không thể chỉ mỗi đi học mà không kiếm tiền. Nghĩ vậy nên cô đã mở một sạp hàng vỉa hè, hàng ngày vừa bán hàng vừa học tại chức. Hai năm sau đó, bằng sự cố gắng và nỗ lực của mình, cô đã nhận được bằng tại chức. Sạp hàng vỉa hè của cô giờ đã trở thành một cửa hàng tươm tất. Tuy cuộc sống khó khăn ngày nào đã dần trôi xa, giờ đây mọi thứ đều đang được cải thiện rõ rệt, nhưng có ấy cũng không vì thế mà buông thả bản thân. Cô lại đăng ký thêm một lớp học tại chức khác, ngày ngày giao lưu kết bạn với những người thành công để học hỏi kinh nghiệm và noi gương họ phấn dấu. Tấm gương của những người bạn ưu tú và tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ đã giúp cô mở mang tầm mắt. Thế giới của cô ấy giờ đây khác hoàn toàn với thế giới nhỏ bé nơi vùng quê lạc hậu mà cô đã sinh ra. Một cuộc đời phong phú và giàu trãi nghiệm đang mở ra trước mắt cô. Mang theo lòng hứng khởi và ngập tràn hy vọng, cô gái nhỏ mơ về một cuộc đời tươi mới. Một ngày nào đó mình nhất định sẽ được sống cuộc đời như mình hằng mong muốn.

Với sự nỗ lực không ngừng, một thời gian sau, cô ấy đã thành lập thương hiệu sản phẩm của riêng mình và khai trương cửa hàng đầu tiên. Mỗi ngày trôi qua, cô ấy đều suy nghĩ một cách cẩn trọng về kế hoạch hoạt động kinh doanh, tích cực tham gia các cuộc triển lãm, chăm chỉ học kỹ năng quản lý. Mỗi chặng đường đi qua đều được cô ấy ghi chép lại rất tỉ mỉ.

Năm ba mươi tuổi, cô ấy đã thành công với hai công ty của riêng mình, mua một căn biệt thự ở nơi đất đai đắt đỏ nhất rồi đón mẹ già từ quê lên để bà được sống những tháng ngày tuổi già an nhàn, sung túc.

Sau khi kể xong câu chuyện, cô hơi cúi đầu ngại ngùng nói: “Không phải em đang muốn khoe khoang gì cả, em chỉ muốn được làm bạn với chị, để chị có thể hiểu em hơn một chút."



Sau đó, chúng tôi chuyển đề tài, nói về một cô bạn khác trong nhóm. Gia cảnh của cô ấy còn tệ hơn nhưng đến bây giờ, sau bao vất vả và nỗ lực vươn lên, cô ấy đã làm rất tốt. Chí ít thì tốt hơn chúng tôi rất nhiều.

Cuộc trò chuyện kết thúc, bỗng nhiên lòng tôi trỗi dậy một niềm xúc động xen lẫn xót xa. Tôi nhận ra những người thành công mà tôi quen trên mạng xã hội và cả ngoài đời thường, ít nhất 70% hay 80% trong số họ đều có một xuất phát điểm không mấy suôn sẻ.

Tôi có một cô bạn, năm sáu tuổi mẹ cô ấy đã mất trong một vụ tai nạn giao thông. Sau này bố cô đi bước nữa, lấy vợ hai, nhưng người mẹ kế này đối xử với cô rất tệ, thường xuyên quát mắng, nạt nộ mỗi khi không có bố cô ở đó. Trưởng thành trong sự đau khổ như vậy nên ước muốn lớn nhất của cô là có một mái ấm hạnh phúc. Cô ấy bảo rằng sẽ chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình bằng tất cả trái tim, yêu thương con cái, để chúng lớn lên trong niềm vui và tiếng cười, nhất định không được giống như mẹ chúng.

Vài năm sau cô ấy đã gặp được một nửa hết mực yêu thương mình. Hai người đã kết hôn và trở thành một gia đình. Đó là khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc nhất của cô ấy. Ngày nào cô ấy cũng lên nhóm chia sẻ với những cô gái chưa kết hôn cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và tươi đẹp thế nào, gia đình êm ấm, vui vẻ biết bao nhiêu. Cô ấy mong mọi người đều sẽ sớm lập gia đình để tận hưởng niềm hạnh phúc ngọt ngào ấy. Còn cô ấy, mỗi ngày đều hạnh phúc hân hoan làm việc và chờ đón đứa con đầu lòng.

Nhưng kết hôn đã ba năm mà cô ấy vẫn chưa có bầu. Cô ấy đã đến bệnh viện kiểm tra trong tâm trạng đầy lo lắng, bất an. Như một tia sét rạch ngang bầu trời, bác sĩ thông báo kết quả rằng, khả năng có con của cô ấy là cực kỳ thấp. Khoảnh khắc đó, cô dường như không còn tâm trí, mọi thứ đọng lại chỉ còn là tiếng bác sĩ văng vẳng bên tai. Những tưởng tháng ngày tăm tối đã trôi qua, giờ còn lại sẽ chỉ toàn hạnh phúc, không ngờ cú sốc cuối cùng này còn lớn hơn tất thảy. Đối với một người phụ nữ đang ngày đêm mong ngóng có con thì kết quả "không thể mang thai" này còn tàn nhẫn hơn việc lấy mạng cô ấy. Cô ấy đã quyết định sẽ thụ tinh ống nghiệm, cho dù có phải khổ sở thế nào thì cũng phải thử một lần. Nhưng quả nhiên mọi chuyện không hề dễ dàng. Hai lần liên tiếp cô ấy làm thụ tinh nhân tạo đều thất bại.

Đáng nói là thái độ của người chồng vốn hết mực yêu thương cô, giờ đây vì chuyện con cái mà cũng đã trở nên lạnh nhạt, người mẹ chồng trước nay vẫn ôn hòa với con dâu, bây giờ lời ra tiếng vào, tỏ ý chê trách.

Hai năm sau, chồng cô ấy đề nghị ly hôn. Mẹ chồng thì giục cô mau mau ký đơn, nói là đành rằng cô ấy không biết đẻ con thì cũng đừng liên lụy nhà họ tuyệt tông, không con cháu nối dõi. Cô chấp nhận ký đơn ly hôn, cảm giác như trời đất đang sụp đổ, những mảnh vụn tan nát, hỗn loạn, cảm thấy bản thân mình bất lực và cô độc như vừa mới bị người ta bỏ lại giữa biển khơi rộng lớn.

Cô tự nhốt mình suốt ba ngày ba đêm, không ăn uống, không nói chuyện với ai, để rồi sau khi bước ra khỏi căn phòng, cảm nhận thấy đôi mắt mình như đang sáng tỏ và bước chân thì trở nên kiên định, chắc chắn. Đối diện với ánh mắt lo lắng của mọi người, cô ấy bình thản nói: "Ngoại trừ bản thân con ra thì không gì có thể quật ngã được con." Quả nhiên sau khi ly hôn, cô ấy đã dành tất cả thời gian và tâm sức cho công việc, vì vậy sự nghiệp của cô đi lên nhanh chóng.

Giờ đây cô ấy đã tái hôn. Tuy không thể sinh con nhưng người chồng hiện tại của cô chấp nhận sự thật ấy. Vào mỗi dịp nghỉ lễ, hai người họ lại cùng nhau đi đây đó thăm thú, hoặc đi làm từ thiện. Cuộc sống cứ thế mà trôi qua, quá đỗi đủ đầy. Cũng có những kẻ không tốt lời ra tiếng vào rằng, đàn ông ai cũng muốn có con cả. Có thể giờ chồng cô ấy cảm thấy không sao, nhưng đợi vài năm nữa xem, nhất định sẽ nghĩ khác. Chẳng có gã đàn ông nào lại không để tâm đến việc con cái.

Cô ấy mỉm cười lãnh đạm: "Tôi đã trải qua được một lần rồi, thì sợ gì lần thứ hai?"

Tôi vô cùng ngưỡng mộ sự cởi mở và lòng kiên định của cô ấy. Tôi tin chắc rằng, trong tương lai dù có gặp phải bất cứ khó khăn, trở ngại nào thì cô gái này cũng sẽ vượt qua một cách bình thản và mạnh mẽ.



Nhiều người xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoặc những người đang gặp trắc trở trong hôn nhân thường nhắn tin cho tôi than rằng cuộc đời mình như vậy coi như chấm hết, không thể nhìn thấy ngày mai. Nhận được tin nhắn ấy, tôi nửa đùa nửa thật nói: "Có thể đó chỉ là một bài kiểm tra mà ông trời muốn bạn hoàn thành, để chứng tỏ bạn trưởng thành tới đâu

Trước kia, đã từng có thời gian tôi thường xuyên cảm thấy bất mãn, thậm chí là oán trách xuất thân của mình. Nhưng giờ đây, sau tất cả những gì đã trải qua, tôi lại cảm thấy nhẹ lòng và biết ơn. Đương nhiên không phải tôi đang biết ơn xuất thân nghèo khó của mình, mà là biết ơn sự cố gắng, nỗ lực của bản thân để vượt lên xuất phát điểm không mấy thuận lợi đó.

Khi cuộc sống đóng một cánh cửa thì nhất định sẽ để cho bạn một cánh cửa khác. Nhưng sẽ chẳng ai giúp bạn mở cánh cửa ấy cả, chính bạn phải là người vươn tay đẩy cửa ra. Tuy là vậy, nhiều người vẫn không biết, chỉ cần thấy một cánh cửa khép lại đã vội nghĩ vậy là đường cùng, ngồi ôm mặt khóc chứ không chịu đi tìm cánh cửa khác. Thật ra trong hoàn cảnh đó, mọi người chỉ cần đứng dậy, lần mò một chút là có thể chạm tay được vào cánh cửa còn lại rồi.

Những con người được sử sách lưu danh đều có một thời kỳ thử thách mà người khác không thể tưởng tượng nổi. Tác giả của Sử ký Tư Mã Thiên đã từng bị cung hình (thiến), tổn hại nghiêm trọng đến phẩm giá, nhà quân sự vĩ đại Tôn Tẫn bị hãm hại phải chịu cực hình, hai chân tàn phế: Tào Tuyết Cần - tác giả của Hồng lâu mộng sinh ra và lớn lên trong gia cảnh sa sút, bần hàn.

Những người khiến chúng ta phải cúi đầu khâm phục hoặc ghi nhớ mãi, dù ít dù nhiều đều đã từng trải qua những thăng trầm biến động. Người có thể chịu đựng và vượt qua trở ngại lớn mới có thể đạt được thành công vang dội.

Về điểm này, ông trời luôn công bằng với tất cả!

Vậy tại sao những người sinh ra trong gia cảnh khó khăn lại càng dễ có được thành công?

Bởi vì hơn ai hết, họ biết bản thân mình chẳng còn đường lui nên chỉ có cách dốc hết sức lực và lao về phía trước. Giả như họ có một chỗ dựa nào đó thì có lẽ, con đường phấn đấu sẽ chẳng thể đi hết mà sớm đã dừng lại rồi.

Vậy nên, nếu bạn không may được sinh ra trong một gia đình khó khăn, không may gặp phải những trắc trở trong cuộc sống vợ chồng, không may bị người khác "gài" vào những tình thế éo le, khởi điểm hay hiện trạng của bạn vốn đã tệ hơn người khác rất nhiều, thì việc bạn cần làm không phải là ngồi than thân trách phận, mà là nỗ lực cố gắng gấp người khác vạn lần.

Bởi vì đó là con đường duy nhất của bạn!