Chương 7: Nhật Ký Xin Việc Của Một Cô Gái Đẹp Và Giàu

Hồi tháng Sáu, một người bạn học cũ đã gửi tin nhắn WeChat cho tôi nói rằng, tháng này cô ấy mới mua một căn nhà ở khu gần nhà tôi và chuyển về sống tại đây, sau này sẽ là hàng xóm của nhau rồi, nếu tôi có thời gian thì có thể cùng cô ấy dạo phố, đi spa. Nhận được tin nhắn tôi cảm thấy rất vui mừng. Bao nhiêu năm nay, từ khi bước chân vào xã hội tôi cũng đã kết giao được với khá nhiều người bạn thân thiết, nhưng đối với bạn học cũ vẫn luôn tồn tại một cảm xúc gì đó thật đặc biệt. Có lẽ bởi vì đó là những người đã chứng kiến tôi trưởng thành trong quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp. Để bày tỏ niềm vui và sự chào đón của mình, tôi đã chủ động hẹn cô ấy cuối tuần đi ăn. Cô ấy vui vẻ nhận lời.

Chúng tôi đến một quán cà phê ngay trước cổng khu. Bạn bè cũ gặp nhau ăn gì, ở đâu không quan trọng, quan trọng là tìm một nơi có thể thoải mái trò chuyện. Cô bạn tôi là một người rất có năng lực và đầu óc kinh doanh. Dấn thân vào thị trường quần áo trẻ em, cô ấy từ một người đổ buôn giờ đã có cả một xưởng may mặc riêng. Mấy năm gần đây công việc làm ăn rất phát đạt, nhân công trong xưởng cũng đến cả mấy trăm người.

Chúng tôi đã nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển suốt hai tiếng đồng hồ, rồi bỗng nhiên cô ấy nói: "Cách đây không lâu, F đến tìm tớ bảo muốn về chỗ tớ làm việc. Cậu ấy hiện giờ có vẻ đang rất suy sụp."

Tôi lặng người một hồi, cảm thấy hơi bất ngờ.

F là một người bạn học khác của tôi. Năm đó nhà F thuộc dạng có điều kiện nhất lớp tôi. Có một dạo tôi và F khá thân thiết, vì khi đó, cô ấy không biết viết sơ yếu lý lịch, còn tôi khá thành thạo việc đó và đang lúc rành rỗi nên đã viết giúp cô ấy.

Sơ yếu lý lịch của tôi chỉ viết khoảng một ngày là xong, nhưng của cô ấy thì thật sự khiến tôi khó nghĩ vô cùng. Chúng tôi là bạn học cấp hai, sau khi tốt nghiệp cấp hai thì lý lịch của mỗi người mỗi khác. Hồi còn học cấp hai, thành tích của cô ấy không được tốt lắm. Bố cô ấy đã phải nhờ vả rất nhiều người, bỏ ra một khoản tiền hỗ trợ gì đó mới có thể đưa cô ấy vào học tại một trường cấp ba làng nhàng.

Sau ba năm cấp ba, cô ấy không thi đỗ đại học nên phải học lại một năm nhưng kết quả cũng chẳng ra đâu. Cuối cùng lại phải để bố chạy chỗ này, nhờ chỗ kia mới ghi được tên cô vào một trường cao đẳng cũng... làng nhàng.

Trong ba năm học cao đẳng, cô ấy vẫn không chịu để ý gì đến chuyện học hành. Thi lại, học lại là chuyện thường xuyên như cơm bữa. Cuối cùng chật vật mãi mới tốt nghiệp ra trường được.

Trong khi chúng tôi quay cuồng đi tìm việc thì cô ấy lại sống vô cùng hả hê và thoải mái. Theo như cô ấy bảo thì là vì đã học hành vật và suốt bao nhiêu năm, ngày nào cũng bị hai chữ "thi cữ" cứ đeo bám, chẳng có tí tự do, thoải mái nào, vất vả lắm mới tốt nghiệp được nên giờ phải hưởng thụ cuộc sống. Thế nên cô ấy bắt đầu điên cuồng mua sắm, du lịch khắp mọi nơi. Bố cô ấy là chủ một xưởng gia công cơ khí nên gia đình cũng khá giả. Cô ấy lại là con một nên bố mẹ vô cùng chiều chuộng, chẳng tiếc con gái thứ gì.

Sau khi để cô ấy rong chơi thoải mái suốt ba tháng liền, bố cô mới bảo: "Vốn dĩ việc con kiếm được tiền hay không, có đi làm hay không bố thấy cũng chẳng sao, dù thế nào bố vẫn nuôi được con. Nhưng giờ con không còn nhỏ nữa, cũng sắp phải tính đến chuyện dựng vợ gả chồng rồi. Con gái lớn không có việc làm nghe cũng không được hay cho lắm. Chỗ bố thì toàn là công nhân, không hợp với con. Hay là con tìm việc gì tử tế mà làm đi, lương lậu bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là thể diện."

Cô ấy đau đầu nghĩ mãi mà không biết phải viết sơ yếu lý lịch thế nào, cuối cùng chạy đến nhờ tôi. Cô ấy muốn tôi viết cái gì đó để "cải thiện" cái lý lịch chẳng có gì nổi trội của mình. Nhưng thực sự thì lý lịch của bạn tôi thảm hại vô cùng, chưa bao giờ đạt giải hay thành tích gì cả, cũng không có sở trường đặc biệt, hơn nữa còn phải học lại, thi lại không ít. Tôi cố gắng bắt đầu viết từ tính cách và sở thích của cô ấy, "tốt đẹp phô ra, xấu xa thì đậy lại", viết xong rồi thì gửi cho cô ấy đọc. Mặc dù viết xong rồi nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa hài lòng, thế mà cô ấy lại vui mừng ra mặt, cứ thao thao rằng đúng là bạn học cũ có khác, rất có tình có nghĩa.

Khoảng một tháng sau cô ấy vui sướиɠ báo với tôi rằng đã tìm được việc làm. Hai cha con họ vô cùng mãn nguyện, còn khen tôi viết sơ yếu lý lịch rất hay. Tôi có hơi ngạc nhiên, nhưng cũng mừng cho cô ấy, rồi nhân tiện hỏi thăm luôn quá trình xin việc của bạn mình.

Cô ấy kế: "Tớ đã nói với sếp rằng tớ không quan tâm đến lương lậu, chỉ muốn được làm việc ở một công ty mình yêu thích mà thôi. Tớ còn bảo mình rất nghiêm túc, sẽ không có chuyện làm dăm ba bữa là nhảy việc. Hơn nữa tinh thần cống hiến rất cao, nhất định tớ sẽ đưa ra được nhiều ý kiến có ích cho công ty và quan trọng là không bao giờ có chuyện đấu đá với đồng nghiệp."



Lãnh đạo công ty cảm thấy cô ấy trả lời rất hay, lại thêm vị trí mà cô ấy ứng tuyển cũng không quan trọng lắm nên đã quyết định nhận cô ấy.

Cô ấy đắc ý nói với tôi: "Cậu thấy tớ có thông minh không? Thật ra tớ đi xin việc chỉ là để đối phó với bố tớ thôi, tiền nong không quan trọng. Lương lậu bao nhiêu cũng chẳng sao vì bố tớ vẫn sẽ chu cấp mà. Tớ cũng chẳng cần thăng chức tăng lương gì cả, chỉ muốn đi "đọ tài đọ sức với người ta thôi. Tất nhiên tớ sẽ không tranh giành hay mâu thuẫn gì với đồng nghiệp đâu! Con gái là một bông hoa, sứ mệnh trọng đại nhất là hưởng thụ cuộc sống, sau này lấy một người chồng giàu có, thuê lấy hai người giúp việc rồi cứ thế sống cho thảnh thơi."

Tôi rất muốn phản bác nhưng lại không biết phải nói gì. Nếu nhà cô ấy nghèo khổ thì tôi có thể bảo là cô ấy mơ mộng viển vông. Nhưng như những gì tôi biết thì bố cô ấy đã sắp xếp một buổi xem mắt, đối phương cũng là con trai một gia đình rất có điều kiện, thế nên mới giục cô ấy tìm việc làm có vậy mới có mặt mũi mà đi xem mắt. Nếu không có gì thay đổi thì cô ấy sẽ lấy một trong những người mình đã gặp mặt.

Nhà chồng giàu có lại thêm bố mình hậu thuẫn, chẳng có gì kỳ lạ nếu cô ấy thật sự có cuộc sống như đã nói.

Không lâu sau, chuyện đại sự nhất đời của cô ấy đã đến. Điều kiện gia đình đối phương và nhà cô có thể xem là môn đăng hộ đối. Cô ấy còn kể với tôi rằng, bố cô ấy sẽ sắm cho một căn nhà mới, một cửa hàng, một con xe BMW và tám trăm tám mươi nghìn tệ làm của hồi môn. Theo phong tục địa phương thì họ sẽ làm lễ đính hôn trước rồi một năm sau mới làm đám cưới.

Có lẽ vì hướng đi của chúng tôi khác nhau nên dần dần không còn liên lạc với nhau nữa, mấy năm rồi tôi cũng chưa từng gặp lại cô ấy.

Lúc nghe tin F đang tìm việc, lại còn rất suy sụp, tôi không khỏi ngạc nhiên hỏi lại: "Chẳng phải nhà cậu ấy giàu lắm sao? Tớ nhớ là hồi đó bố cô ấy đã tìm cho cô ấy một vị hôn phu rất khá giả. Đã xảy ra chuyện gì rồi?"

Bạn tôi nói, ban đầu hai người họ đã đính hôn, tổ chức cũng phô trương lắm. Nhưng chẳng bao lâu, bố cô ấy gặp sự cố, đứng ra bảo lãnh cho người khác, cuối cùng người ta bỏ chạy ra nước ngoài, thế là tất cả tiền hàng bố cô ấy phải đứng ra gánh hết. Đó là một khoản tiền rất lớn, làm nhà cô ấy khuynh gia bại sản, nợ nần chồng chất. Bố cô ấy vay mượn khắp nơi với hy vọng có thể làm lại mọi thứ, nhưng đâu có dễ như vậy! Không những không giải quyết được mà còn nợ chồng thêm nợ, thậm chí còn có người đến tận công ty để đòi nợ nữa. Cô ấy thì đi làm buổi đực buổi cái, làm dăm ba bữa lại nghỉ nên sếp vốn không hài lòng, nay nhân cơ hội này cho cô ấy thôi việc luôn. Nhà chồng tương lai của cô ấy sau khi biết chuyện, vì không muốn bị liên lụy nên đã kiếm cớ hủy hôn Nhiều chuyên xảy ra cùng lúc đã khiến F chịu đả kích tinh thần rất lớn. Nhưng chỉ cần vẫn còn muốn sống thì nhất định phải cố gắng đứng dậy.

Bố cô ấy đã mở một cửa hàng nhỏ, định sẽ bắt đầu lại từ việc kinh doanh nhỏ. Nhưng khó khăn chồng chất khó khăn, giờ kinh doanh đâu phải dễ, số tiền kiếm được cũng chẳng được bao nhiêu Mẹ cô cả đời sống trong nhung lụa, nhưng ở tuổi ngũ tuần, vì mưu sinh lại phải làm quản lý ký túc xá cho người ta.

Nhưng thảm hại nhất chính là F. Mất việc, mất cả "trợ cấp" của bố, giờ đến tiền đổ xăng xe cũng không có. Cô ấy lại đi xin việc nhưng giờ đâu phải như hồi mới ra trường, kinh nghiệm không có cũng chẳng sao, thành tích không có thì có thể cố gắng. Người ta thấy cô ấy đi làm đã mấy năm rồi mà không có thành tích gì đặc biệt, trình độ học vấn cũng chẳng ra sao. Những công việc tốt một chút chắc chắn sẽ không đến lượt cô ấy, còn mấy việc làng nhàng cô cũng làm không xong. Cuối cùng ngay đến bản thân mình còn không nuôi nổi.

Cô ấy tìm kiếm bạn bè cũ ở khắp nơi với hy vọng người ta nể tình nghĩa bạn bè trước kia mà ra tay giúp cô, giới thiệu cho cô một công việc tử tế, hoặc có thể tuyển dụng cô. Nhưng chuyện nào ra chuyện ấy, tình cảm là tình cảm. Nhìn vào "tiểu sử học hành và công việc trước đây của F thì ai dám nhận. Cứ liều mà nhận vào rồi sau này làm chẳng được việc, cuối cùng nhận vào thì dễ, mời ra thì khó, không khéo léo rồi mất hết cả tình cảm bạn bè. Sau này họp lớp gặp lại nhau còn mặt mũi nào nhìn nhau nữa. Nghĩ vậy nên ai cũng kiếm cớ để từ chối. Bạn tôi cũng đã từ chối rồi. Về cơ bản, cô ấy không tin vào năng lực của F, sợ rồi cũng sứt mẻ tình cảm.

Câu chuyện kết thúc, chúng tôi rời đi. Lúc vừa bước ra ngoài, ánh mặt trời vẫn đang nhảy múa, tôi nghĩ đến chuyện của F, trong lòng bỗng cảm thấy trăn trở. Chúng tôi đã từng rất ngưỡng mộ F, chẳng cần lao tâm khổ tứ mà vẫn được sống cuộc đời vương giả, thoải mái. Nhưng hóa ra khi Thượng Đế ban phát quà cho ai cũng đều ngầm gắn lên đó một cái giá. Trên đời làm gì có sự viên mãn nào gọi là "không làm mà vẫn có ăn" cơ chứ.

Tục ngữ có câu: "Dưới bóng đại thụ thì không thể có đại thụ." Nếu chỉ muốn sống nhờ vả, dựa dẫm vào người khác thì không thể thành tài, càng không thể có được cuộc sống riêng của chính mình. Cho đến khi cái cây lớn mình vẫn núp bóng ấy chết đi, lúc phong ba bão táp thi nhau ập tới, thì thứ đang đợi mình phía trước có thể là một thử thách khắc nghiệt, buộc mình phải tìm cách vượt qua, cũng có thể là cái chết mà mình không thể kháng cự. Bởi lẽ bình thường không rèn luyện với giông bão nên đã trở nên quá đỗi yếu đuối, quá đỗi mỏng manh.