Chương 57: căn nhà nhỏ

Sáng sớm Lục Tự đã ra ngoài vườn trước phát quang cây cỏ. Cỏ gấu, cỏ lau ngắn mọc hơn đầu người bị hắn vung dao thi nhau ngã xuống. Nguyệt Lam dậy muộn hơn hắn một lúc, rồi cũng ra giúp gom cỏ phơi khô.

Trời qua một cơn mưa rất trong lành, mùi đất đỏ bốc lên ngai ngái, thời tiết mát mẻ dễ chịu. Lục Tự một loáng đã phát xong một nửa vườn, đi vào khoát nước mưa trong chum rửa tay chân. Cô mang bình trà ra bàn dưới mái đình ở giữa sân:

- Uống trà, nghỉ một lúc rồi làm tiếp.

Hắn uống một chén trà lớn, rồi nhìn mảnh vườn:

- Ta thấy cây trong này vẫn đang còn tốt, chăm sóc một thời gian chắc sẽ lớn hơn. Phía bên kia có mấy cây ra quả rồi, tí nữa ta hái vào cho tỷ.

Nguyệt Lam gật đầu:

- Cũng được, tranh thủ làm một lượt đi.

Tiếng gõ cửa ở ngoài truyền vào, cô giật mình nhìn hắn. Lục Tự khẽ cau mày rồi đi ra ngoài, cẩn thận đứng ở trong cửa nói vọng ra:

- Ai đấy?

Phía ngoài truyền vào giọng nói lớn của một người phụ nữ:

- Ngươi là ai thế? Là họ hàng của Lục điền chủ à?

Nhìn qua khe cửa, một tẩu tử khoảng hơn bốn mươi, người mũm mĩm, đội nón lá, y phục cũ sờn thắt đai ong, trên vai còn một gùi khoai lang. Hắn mở cửa ra, nhìn người trước mặt:

- Ta là cháu trai của Lục điền chủ.

Người phụ nữ dò xét hắn một lượt từ trên xuống dưới rồi nhớ ra:

- Cậu là nhi tử của Thanh Thanh? Sao bây giờ mới trở về? Hôm qua nghe mấy mụ hàng xóm nói Lục phủ có người đến, còn tưởng ai.

Lục Tự nghe vậy có mặt giãn ra một cái, gật đầu:

- Chỉ An loạn lạc, nên ta cùng tỷ tỷ trở về lánh nạn. Ngươi là…

Người phụ nữ kia cười nói:

- Ta là Lý nương ngõ bên cạnh đây, trước kia có qua lại với lão gia nhà cậu, lúc trước có gặp cậu nhưng lâu rồi có thể không nhớ.

Hắn né qua một bên, mở rộng cổng:

- Mời thẩm vào ngồi chơi, nhà cửa ta chưa giọn dẹp gì cả.

Lý nương xua tay:

- Không cần đâu, Lục điền chủ mất mười mấy năm ta còn tưởng nơi này bỏ hoang rồi. Cũng may có ngươi và tỷ tỷ về, ấy? Thanh Thanh còn có con gái?

Đáp lại sự ngạc nhiên của bà ấy, Lục Tự vẫn bình tĩnh gật đầu:

- Tỷ tỷ cơ thể yếu ớt nên từ nhỏ được mang đến am ở phía Tây cầu phúc, đến khi phụ mẫu mất mới lên đón nàng về chăm sóc.

Lý nương đồng cảm, thở dài:

- Đúng là loạn lạc mệnh khổ, phụ mẫu cậu còn trẻ mà đã mất, lúc đó ta nghe tin còn thấy buồn. Cũng trưa rồi, ta cũng nên về sớm lo cơm nước cho đám nhỏ ở nhà.

Vừa nói Lý nương vừa đặt gùi khoai xuống đất, chọn đi chọn lại mãi rồi đưa cho Lục Tự bốn củ to nhất:

- Ta vừa mới ra đồng thăm khoai, được mẻ đầu, cho cậu cùng tỷ tỷ ăn lấy thảo. Từ ngoài Chỉ An vào trong đây cũng mất đoạn mười ngày nửa tháng, chắc mệt lắm. Có gì cần giúp đỡ thì cứ ới ta một tiếng.

Hắn nhận lấy khoai, lễ phép cảm ơn, đợi Lý nương đi khỏi mới vào nhà đóng cửa lại. Nguyệt Lam ôm bó cỏ vào sân phơi, liền hỏi:

- Ai đến vậy? Sao nói chuyện lâu thế?

- Lý nương hàng xóm, hỏi han vài điều.

Cô à một tiếng, rải nốt bó cỏ còn lại rồi đứng dậy phủi người, đi đến nhận khoai lang trong tay hắn:

- Làm như vậy kha khá rồi, để ta đi nấu cơm trưa.

Buổi trưa nhanh chóng trôi qua, nắng tháng tư phía Nam rất gắt, inh ỏi muốn bể đầu, ve sầu bắt đầu râm ran qua từng tán cây. Nguyệt Lam lúc ở hiện đại cũng đã chịu cái nóng này lúc ở nhà ông bà nội. Nhưng mà ở đó có quạt mát, có kem lạnh và hồ bơi. Đây là lần đầu tiên chịu sự nóng bức khó chịu như vậy, thật sự chỉ ước có một cái hồ đá lạnh mà nhảy xuống.

Lục Tự mặc kệ màn nắng trên đỉnh đầu, hắn đội cái nón lá rồi bắt đầu phát cỏ tiếp. Tấm lưng rộng đã đẫm, trên mặt nhễ nhại, mồ hôi rơi từng giọt lớn xuống.

- Nghỉ tay ăn chè đi Lục Tự.

Khoai lang lúc trưa Lý nương cho cô đã mang đi nấu một nồi chè ngon. Nấu xong còn cố ý bịt kín vùi vào giếng để ướp lạnh. Lục Tự nghe tiếng gọi đi vào, để cái nón lên bàn, cầm khăn lau mặt mũi rồi ngồi xuống:

- Tỷ ở trong bếp không nóng sao?

Cô đặt bát chè đến trước mặt hắn:

- Vậy đệ ở ngoài nắng như thế không nóng sao?

Hắn không trả lời, cầm bát chè lên ăn một miếng khoai, dẻo ngọt, mát lạnh, rất ngon.

- Hay để đến chiều mát làm cũng được, như vậy dễ say nắng.

Nghe cô nói, miệng hắn bỗng câu lên. Làm như người như hắn dễ bệnh lắm. Nhưng cũng không làm trái, chỉ gật đầu:

- Cũng được, tỷ muốn ăn dưa hấu không?

Nghe đến dưa hấu, cô liền sáng mắt ra:

- Dưa hấu? Có sao? Ta thích ăn dưa hấu nhất đó.

Lục Tự ăn thìa chè cuối cùng, đứng dậy đội nón vào:

- Đi theo ta.

Nguyệt Lam thích thú, cũng với cái nón lá treo ở cột đình rồi chạy theo. Hắn dẫn cô vào khu vườn đã phát cỏ, len qua mấy cái cây đang trổ hoa trắng vàng nho nhỏ. Ngửi mùi hương thì có lẽ là nhãn, ngoài ra còn có cả vải và vài khóm dứa. Một gốc cây dừa gần mương cuối vườn có hai cây dưa hấu mọc ra năm sáu quả lớn hơn nắm tay một tí. Lục Tự cúi xuống hái một quả, cô kêu lên:

- Ấy, hình như chưa chín mà, còn nhỏ lắm.

Hắn cầm quả dưa hấu lên đưa ra trước mặt cô:

- Chín rồi, cái này là loại dưa dại, chắc chim chóc nhả hạt rơi xuống.

Nguyệt Lam nhìn quả dưa nằm gọn trong tay hắn, xanh bóng nhẵn nhụi:

- Ta chưa thấy dưa nào nhỏ như vậy cả, ăn ngọt không?

- Thử xem.

Hắn đưa tay búng một cái, quả dưa hấu liền tách đôi, lộ ra thịt đỏ mọng nước, nhìn rất mát mẻ. Lại tách ra làm hai, đưa cho cô:

- Tỷ ăn thử.

Nguyệt Lam cầm lên cắn một miếng, dưa thơm ngọt tràn khoang miệng, cô gật đầu:

- Ngọt lắm, quả thật ngon hơn dưa hấu thường.

Từ khi đến đây cô ít khi được ăn trái cây, bây giờ được ăn thật sự rất thích. Lục Tự lại hái hết bốn quả chín bỏ vào nón:

- Đi tìm xung quanh xem, có lẽ còn.

Hai người cứ đi dạo trong vườn, dưới những tán cây mát mẻ dễ chịu. Ve sầu râm ran núp trong kẽ lá, nắng lung linh rọi xuống làm lay động. Một lúc sau trở vào hai chiếc nón đầy ụ trái cây, nào là ổi, dưa hấu, dứa, còn rất nhiều mơ.

- Buổi chiều tỷ đi chợ không?

Lục Tự đang nhổ cỏ trong luống vườn bên cạnh giếng lên tiếng hỏi. Nguyệt Lam ngồi bên cạnh rửa quả:

- Nếu được.

Cô rửa sạch sẽ trái cây rồi bỏ vào giỏ mây ngâm xuống giếng ướp lạnh. Còn mơ để ráo dự định ngâm rượu. Sau đó cùng Lục Tự đi ra chợ. Đây coi như là lần đầu tiên cô được minh bạch ra khỏi nhà, không sợ ai dòm ngó nữa, tuy vẫn phải mang mạng che mặt. Hai người cùng cưỡi ngựa đến chợ chiều ngoài huyện Thổ Bình. Người bán người mua cũng không còn nhiều, chỉ có vãn khách đến thăm. Người trên đường ai cũng ngoái lại nhìn, một nam một nữ cưỡi ngựa trên đường. Bởi vì nơi này nhà ai có ngựa quả thật rất giàu, nếu còn nhà nông chỉ có trâu bò. Đa số ở đây đều là người đồng ruộng, dân quê mộc mạc, xuất hiện hai người lạ tất nhiên sẽ tò mò.

- Tỷ muốn mua gì?

Lục Tự xuống ngựa, cầm dây cương rảo bước đi. Cô vẫn ngồi trên lưng ngựa, mắt nhìn xung quanh:

- Mua ít đường về ngâm rượu.

Chưa bao giờ thấy chợ phiên như thế này, cá tôm rất nhiều, còn tươi roi rói. Họ bán cả chài lưới, đồ khô, những loại cây là lạ. Y phục người ở đây không giống ở Chỉ An, yếm đào cùng áo Giao Lĩnh phía ngoài, đai lưng ong rủ xuống, uyển chuyển xinh đẹp. Lục Tự đưa cô đi mua đường, vài con cá nục biển.

Dạo chơi trong chợ đến xế chiều rồi trở về, hắn còn cố ý đi ra bờ biển.

Nguyệt Lam lâu lắm rồi không thấy biển, lúc ở hiện đại tuy nhà cô cách biển khoảng sáu bảy mươi cây số nhưng vẫn không đi được. Lần này lại thấy biển ở cổ đại thì rất vui thích.

Sóng biển dạt dào, dưới ánh nắng chiều màu cam đào, mặt trời như lòng đỏ trứng khổng lồ đang từ từ lặn xuống ở dãy núi phía xa. Nam Thịnh là một nơi lạ kỳ, núi non, sông biển đều có, như mảnh đất linh khí hội tụ không khác gì Chỉ An. Từng đoá bọt sóng lấp lánh trong biển nước xanh rờn, thuyền đánh cá cũng trở về, dân chài cùng nhau vác những thúng tôm cá vào bờ. Những người đàn ông lưng trần da sạm rám vì nắng biển, hò dô kéo những mẻ lưới căng đầy. Một buổi chiều tấp nập, không ngờ cô cũng được thấy những cảnh yên bình này.

- Trở về thôi, trễ rồi.

Nghe tiếng Lục Tự gọi, cô quyến luyến leo lên lưng ngựa, ngoái đầu lại nhìn. Hắn nhận ra cô không muốm rời đi, liền bảo:

- Từ nhà đến đây gần mà, tỷ muốn đi lúc nào cũng được.

Nguyệt Lam gật đầu, cùng hắn trở về. Chỉ An là nơi xa hoa sầm uất, tấp nập người qua lại. Còn Nam Thịnh yên ả, bình lặng trôi. Hai người trở về thôn Đoài thì đã chập choạng tối. Người ngoài đồng bắt đầu trở về, trên vai còn vác cuốc vác cày.

- Ô! Là cháu của Lục điền chủ mà Lý nương nói sao? Nhìn có vẻ hung dữ.

- Hung dữ cái gì cơ chứ, Lý nương nói trước đó mặt hắn do cây lớn quệt phải mới thành sẹo.

- Nếu không có vết sẹo chắc hẳn sẽ khôi ngô tuấn tú. Còn nữ tử kia sao phải mang mạng che? Có phải cũng như thế?

- Tội nghiệp thật, Lục điền chủ mãi mới có con cháu.

- Ông trời không có mắt.

Những người nhìn thấy đều chậc lưỡi nói vài câu, không khỏi xót thương cho hai người. Vừa vào cổng nhà đã thấy vài người đứng ở cửa, một trong số đó có Lý nương:

- Hai người về rồi? Chúng ta đến cho hai người ít đồ ăn.

Lục Tự xuống ngựa, liền nói:

- Không phiền mọi người quá.

Một người phụ nữ thấp bé đưa cho cậu một giỏ quả trám lớn:

- Trám nhà ta vào mùa, mang đến cho ngươi, hai người mới trở về cũng không dễ dàng gì mà.

Nguyệt Lam hơi lo sợ, một phần vì là nơi xa lạ, một phần sợ bị lộ diện, cô im lặng nép sau lưng hắn. Một cô nương khoảng tầm mười bảy mười tám tuổi nói:

- Cha mẹ ta bảo ta mang ít trứng gà qua cho hai người, tỷ tỷ sức khoẻ không tốt nên cần bồi bổ.

Nguyệt Lam nghe nhắc đến mình thì khẽ gật đầu, nhận lấy rổ trứng:

- Cám ơn cha mẹ và muội nhé.

Lý nương đưa cho Lục Tự một xâu có hai con cá:

- Có cá nữa, cái này nấu canh chua là ngon lắm.

Lục Tự chỉ nhận vài thứ nhỏ nhặt rồi nói:

- Không cần phiền mọi người quá, ta và tỷ tỷ không cần phải bận tâm đến thế.

Họ liền xua tay nói không sao, sau đó trò truyện vài câu liền trở về. Lục Tự mang đồ ăn vào bếp, Nguyệt Lam làm cơm tối, những thứ còn lại sợ để hư nên đành phơi khô.

-----

Tuyết Gia: đổ đứ đừ với hành động của Lục Tự=)))) nghe bảo mấy nàng lọt hố Lục Tự rồi hẻ??? Làm con dâu mẹ Gia không? Mang quà cáp qua rước rể liền!🌚