Lời Nguyễn Ngải Đen

4/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Mùa thu năm ngoái tôi đã có dịp được về thăm quê gốc của cụ nội thân sinh ra ông tôi ở vùng Tiên Lữ. Khi đó tôi đã được nghe một câu chuyện hết sức ly kỳ mang tính huyền ảo được lưu truyền ròng rã rất …
Xem Thêm

– Thằng nào dám vào nói chuyện với con ma ấy thì thằng ấy thắng?

Cả đám nhìn nhau, đều đồng loạt lắc đầu không đồng ý với ý kiến của Đạt. Trung nói:

– Thôi muộn rồi, vào đấy biết bao giờ mới gặp được ma, mà chắc gì đã có. Giờ này ông già tao ở nhà chắc đang xới tung cái đất làng mình để tìm tao rồi. Tao phải về ngay nếu không thì ngày mai kẻo nhừ đòn với ông ấy mất.

Nghe thấy Trung nói thế, Hưng với Giang cũng đồng loạt đòi vịn cớ này mà đòi về. Còn Thành thì vừa mới gặp ma thật xong nên cũng chẳng có lòng dạ nào dám quay lại chỗ ấy. Mà Đạt thì có vẻ như trước đó cũng nhìn thấy con ma thật nên cũng ngầm đồng ý không nói gì.

Cuối cùng cả bọn tiu nghỉu lên xe đi về, trong cuộc vui hôm nay bày ra không có kẻ nào chiến thắng. Nhưng mỗi người mỗi vẻ, đều có những tâm lý suy tính ngùn ngụt khác nhau. Đặc biệt là Thành, anh cực kỳ ám ảnh bởi những lời nhắc nhở của người phụ nữ kia, cô ta nói là lời nguyền của dòng họ của anh ư? Nó là thứ gì mà từ trước đến nay tại sao Thành chưa từng nghe thấy bao giờ?

Về đến cổng nhà, đèn điện trong nhà đã tắt. Thành rón rén mở cổng rồi chui tọt vào trong nhà. Nhưng vừa vào đến nơi thì anh đã thấy mẹ anh chạy tới túm lấy cổ tay anh ra hiệu khẽ khàng suỵt nhẹ vào tai anh nói nhỏ:

– Trời ơi sao mày vẫn dám bỏ đi chơi thế hả Thành? Mày vào buồng nhanh lên không kẻo bố mày thấy bố mày đánh cho què chân bây giờ. Học hành thì không lo mà cứ suốt ngày lo trốn đi chơi.

Bà Đỉnh mẹ Thành cứ hối con chạy vô buồng thật nhanh rồi cố dõi mắt canh trừng ông Cừ vì sợ không may giữa chừng ông tỉnh lại thì nửa đêm lại to tiếng với Thành.

Thành cũng sợ thật nên nghe lời mẹ không dám cãi lại, chui tọt vào buồng mà mặt xanh nanh vàng. Rồi từ bấy nhảy lên giường trùm chăn kín mít mà nhắm mắt đi ngủ luôn. Thành vẫn tưởng tượng đến những phút giây hãi hùng lúc trước mà không sao xua tan được những hình ảnh ấy. Nó cứ quanh quẩn trong đầu anh về người phụ nữ có nửa khuôn mặt lộ trơ xương, về con ma thần vòng trong ngôi nhà hoang giữa đồng vắng.

Thành cứ miên man suy nghĩ mà thiu thiu ngủ lúc nào không hay biết.

Trong nhà, ông Cừ vẫn đang ngủ.

Đến nửa đêm ông Cừ khát nước liền nhổm dậy. Ông ngáp ngắn ngáp dài liếc dọc liếc ngang rồi chạy vô buồng trong xem đêm qua Thành đã về chưa. Chạy vào tới nơi thì ông thấy Thành đã đang ngủ say, bèn thở dài rồi quay đầu trở ra.

Ông Cừ ra đến đầu hè, ngồi xuống cái ghế gỗ rồi châm điếu thuốc lào hút liền đến mấy hơi. Sau đó mới nhấp vài ngụm nước trà vẫn còn pha từ trước. Ông ngồi đấy một lúc nghỉ ngơi, rồi mới định bụng quay lại vào trong ngủ tiếp. Nhưng ông vừa mới định quay đầu, thì liền thấy có một cái bóng trắng cứ thấp thoáng lượn lờ chỗ ngoài cửa cổng.

Ông Cừ nheo mày, định thần nhìn lại một lúc, thì vẫn là cái bóng trắng ấy. Xa quá nên ông cũng chẳng nhìn rõ mặt mũi, mà cũng chẳng biết là nó mặc bộ đồ trông rõ ràng như thế nào. Chỉ là một cái bóng trắng mờ mịt mà thôi.

Ông Cừ nhìn mãi không đoán ra được liền đánh tiếng nói:

– Ai đấy? Ai mà cứ đi qua đi lại vào nửa đêm ở cổng nhà tôi thế hả?

Cái bóng người bên ngoài cửa cổng không trả lời, chỉ lặng yên đứng lại, nó đứng ở xa xa dõi theo đôi con mắt chăm chú nhìn ông không rời. Ông Cừ tính ra quát nạt một trận để đuổi nó đi thì không ngờ, cái bóng trắng ấy lại đi xuyên qua cái cửa sắt tiến dần về phía ông. Ông Đồng mặt mày kinh hãi thất sắc kêu lên một tiếng “Ôi!” Rồi ngã vật xuống đất.

Bà Đỉnh đang nằm trong buồng, chợt nghe thấy tiếng thất thanh la lên của ông Cừ thì liền tỉnh lại. Bà vội vàng gạt tấm chăn qua một bên rồi hốt hoảng chạy ra với chồng.

Ông Cừ ngã xuống đất thì vừa lúc cái bóng trắng kia cũng biến mất, mà bà Đỉnh cũng chạy đến gần ông rồi đỡ ông đứng dậy hỏi han:

– Ông làm sao thế? Sao đang ngủ mà lại thức dậy lúc nửa đêm thế này, còn không bật cái đèn điện lên để ngã mới khổ chứ lại.

Ông Cừ xua tay nói:

– Tôi khát nước nên mới dậy để uống một ngụm, nào ngờ khi tôi vừa mới ngồi ở đây được một lúc thì…

Ông Cừ lắp bắp run run tay chỉ ra phía cổng nói:

– Thì tôi nhìn thấy một cái bóng trắng bà ạ. Mới đầu thì tôi thấy nó cứ lượn lờ qua lại ở cái cổng ngoài vườn nhà mình, tôi hỏi nó là ai thì nó không nói. Đến lúc tôi định ra quát cho nó một trận để đuổi nó đi thì nào ngờ cả cái thân người trắng muốt của nó xuyên qua cái cửa lao về… về phía tôi.

Nghe ông Cừ vừa nói vừa run lại chỉ tay về phía cổng như vậy thì bà Đỉnh cũng dõi mắt nhìn theo cánh tay của ông. Nhưng bà chẳng thấy ai ở ngoài đấy cả, ngoại trừ mấy cái dây leo chằng chịt vẫn bám ở cánh cổng sắt như thường ngày.

Bà vuốt vuốt ngực ông Cừ rồi trấn an ông:

– Làm gì có con ma nào ngoài ấy, khéo ông đang ngủ lại nửa tỉnh nửa mơ nên mới tưởng tượng ra đây thôi. Thôi đi vào nhà ngủ đi, ở ngoài này khéo lúc nữa lại cảm lạnh thì chỉ khổ cái thân tôi thôi.

Bà Đỉnh lên tiếng thúc giục. Ông Cừ cố nén sợ hãi, cũng phải nuốt nước bọt lật đật đi vào trong buồng, ông trèo lên chiếc giường gỗ nằm xuống mà mắt cứ mở to thao láo không sao ngủ nổi. Ông cứ suy nghĩ đến cái hình ảnh vừa rồi mà ông nhìn thấy, cái bóng trắng xuất hiện lướt qua cái cổng sắt lập lòe.

Bà Đỉnh chui vào buồng rồi nằm xuống cạnh ông, được một lúc bà vẫn cứ thấy ông chằn chọc mãi thì liền hỏi:

– Ông vẫn cứ nghĩ đến chuyện ấy hả? Già rồi nhìn gà hóa quốc chứ ma quỷ gì?

Ông Cừ phân trần:

– Mấy hôm nay tôi ngồi tôi cứ suy nghĩ, nghĩ đến cái chết của ông Hải mà tôi không sao yên được bà ạ.

Bà Đỉnh hỏi:

– Ông nghĩ cái gì?

Ông Cừ trả lời:

– Tôi có một chuyện này vẫn luôn giấu bà, giấu con nhưng chắc nay mai tôi phải nói ra cho hai người biết thôi. Chứ cứ để thế này tôi cũng thấy bứt dứt lắm. Cái bóng người lúc này khéo lại là ông Hải anh trai tôi về tìm tôi chứ chẳng phải ai khác…

Bà Đỉnh không cho là đúng, bà xua tay nói:

– Ông cứ nói linh tinh với vẩn cái gì thế! Công an người ta đã có kết luận rõ ràng rồi mà lại. Cái chết của ông Hải là do trúng gió mà chết, vì ông ấy đi trời mưa chứ ma quỷ cái gì.

Ông Cừ cãi lại ngay:

– Thế bà giải thích cho tôi tại sao cả vợ, cả con nhà bác ấy đều chết hết sau khi bác ấy chết?

Bà Đỉnh cũng định đôi co với chồng cho bằng được, nhưng chợt nghĩ lại trong vấn đề này đúng là có điểm kỳ lạ thật.

Bà cứ lắp bắp cãi ngang chống chế:

– Thì… thì cũng rất có thể là do cả nhà bác ấy hôm ấy cùng trúng gió nên mới chết hết!

Ông Cừ liền nạt ngay:

– Nói vớ va vớ vẩn, nói như thế mà cũng nói được!

Xong rồi ông Cừ quay đầu nằm nghiêng sang một bên, nghĩ lại chuyện hồi nãy mà cũng chẳng thèm phân bua gì thêm với bà Đỉnh thêm nhiều.

Sáng hôm sau, ông Cừ thức dậy từ rất sớm, cho gà ăn rồi băm bèo cho lợn. Thành vừa mới dậy thì cũng phải đến trường ngay nên không có ở nhà.

Đến sẩm tối, cả nhà lại quây quần lại quanh mâm cơm. Khi này ông Cừ mới trịnh trọng nói:

– Lát nữa ăn cơm xong, thằng Thành không cần phải học hành gì cả. Ngồi ở trên này để tao nói chuyện. Cả bà nữa, cũng đừng có đi đâu.

Ông Cừ căn dặn một câu như thế thì không còn nói gì nữa, mà cứ im lặng ăn xong cho hết bữa cơm.

Đúng bảy giờ tối, cả ba người mới lại một lần nữa tụ họp ngồi quanh chiếc bàn uống nước ở gian khách. Ông Cừ chợt bê cái hộp gỗ mà thường này ông hay cất giữ như báu vật đặt xuống bàn.

Thành thấy lạ lắm, lạ vì thường ngày ông Cừ cứ giữ cái hộp ấy khư khư không cho ai xem. Vậy mà hôm nay ông lại chủ động cầm nó xuống đây thì hẳn phải có chuyện gì quan trọng lắm thì mới khiến ông làm như vậy.

Bà Đỉnh cứ bồn chồn suốt ruột không yên cứ nhấp nha nhấp nhổm mãi. Cả hai mẹ con cứ chăm chú nhìn ông Cừ mà không biết ông định làm cái gì.

Ông Cừ ngồi chết lặng hồi lâu, một lát sau mới cất giọng trầm trầm phá tan bầu không khí căng thẳng, ông nói:

– Thường ngày mọi người cứ thầy tôi giấu giếm không cho ai xem cái hộp này nên chắc hiếu kỳ lắm có phải không? Vậy chứ cả hai người có biết bên trong cái hộp này có chứa thứ gì hay không?

Thêm Bình Luận