Chương 10: Cháo đậu xanh

Dạ Thanh mím chặt môi. Những gì đang diễn ra trước mắt hoàn toàn nằm ngoài tưởng tượng, nàng nín thở lắng nghe.

Phạm Thức nhìn Lý võ sư đăm đăm, mặt vẫn không hề biến sắc dù lưỡi kiếm sắc lạnh đang kề sát cổ. Mắt đối mắt, cả hai im lặng như thế hồi lâu, không nói gì.

Một lúc sau, Lý Quốc buông kiếm xuống, gương mặt lộ rõ vẻ thất vọng: "Quả nhiên, con vẫn là đứa cứng đầu nhất trong số đồ đệ của ta."

Phạm Thức lại kính cẩn cúi đầu.

"Con không định nói gì sao?" Lý Quốc hỏi.

"Thức chờ nghe một lời giải thích," Phạm Thức lúc này mới bình tĩnh đáp. "Con tin là thầy làm gì cũng ắt phải có lí do."

Sự im lặng lại một lần nữa bao trùm cả căn phòng. Khói trà quyện với mùi trầm hương thành một mùi thơm dễ chịu, nhưng lại không thể giúp người ta thư thái hơn trong tình huống này.

"Thức này," cuối cùng thì Lý Quốc cũng cất lời. "Con theo ta học buôn gốm ngần ấy năm, có nghĩ gốm Đại Việt thua kém gì so với gốm Tàu không?"

"Con không nghĩ vậy, thưa thầy," Phạm Thức đáp. "Tùy cách sản xuất và thị hiếu của người mua, mà gốm mỗi nơi lại mạnh về một dòng thức khác nhau. Nhưng nếu nói về tài hoa của nghệ nhân, thì con tin rằng họ Đặng, họ Vương, họ Bùi [21] đều có những bậc kì tài. Chẳng phải thầy từng kể với con rằng ngày trước, các thương lái qua Mãn Giả Bá Di [22] còn chuộng gốm men trắng chàm Đại Việt hơn cả gốm men lam nhà Minh hay sao?"

"Thức nói đúng lắm. Vậy con nói xem, đến thương lái nước ngoài còn biết thưởng thức gốm Đại Việt như vậy, mà tại sao lũ trưởng giả học đòi trong nước lại chỉ biết mua gốm nhà Minh để khoe mẽ?" Lý Quốc đáp, giọng nói đã có phần trở nên gay gắt.

Phạm Thức nhìn người thầy mà hắn luôn kính trọng như cha, không biết nên nói gì. Vì chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Minh và cả chính sách hạn chế ngoại thương của triều đình nhà Lê [23], hàng hóa từ Minh sang Đại Việt hay các nước lân cận trở nên cực kì quý hiếm. Mà ở đời, cái gì càng hiếm thì càng quý, không cần biết tới giá trị thực. Phú hộ, đại gia khắp các trấn đều kháo nhau về những món hàng gốm nhà Minh xa xỉ mà họ may mắn nhượng lại từ 'mối quen' trong những chuyến hàng vật phẩm của triều đình hay đồ dùng của thương lái Tàu trên những thuyền buôn lớn. Những món hàng cấm, hàng quý ấy được bán với giá gấp năm, gấp mười, thậm chí gấp hàng chục lần những sản phẩm tương tự từ lò gốm trong nước, chỉ bởi vì có được chúng không hề dễ dàng. Thậm chí, một số quan lại trong triều còn từng bị phát giác và trừng phạt vì tận dụng cơ hội đi sứ Trung Quốc để mua hàng về bán trong nước kiếm lời. Rất nhiều quy định được đưa ra để răn đe, nhưng vẫn không đủ để bỏ qua một món hời quá lớn.

"Nhưng thưa thầy... chẳng... chẳng phải chính Trường Thạch trước giờ vẫn luôn hưởng lợi từ chính điều đó hay sao?" Câu hỏi bồn chồn cất lên sau rất lâu.

"Phải rồi, con nói xem, chúng ta đã kiếm lời từ bọn nhà giàu hợm hĩnh đó thế nào?"

Phạm Thức e dè: "Con... con vẫn nghe rằng nhờ mối quan hệ với các thương lái Tàu qua đây buôn vải... chúng ta được họ nhượng lại đồ dùng họ mang theo các thuyền buôn..."

"Đồ dùng của thương lái Tàu ư," Lý Quốc cười phá lên ngắt lời. "Tới giờ con vẫn còn tin câu chuyện hoang đường ấy sao? Đồ dùng của thương lái ở đâu ra mà nhiều đến thế. Nếu thương lái nào mà mang hàng lô, hàng thùng 'đồ dùng' qua đây nhượng lại thì hẳn là đi 'buôn lậu' rồi còn gì?"

Phạm Thức sững người. Hắn hoàn toàn không ngờ tới chuyện này khi tới gặp Lý võ sư: "Ý thầy là... những chuyện hàng gốm Tàu khác của Trường Thạch từ vài năm nay..."

Cái gật đầu mơ hồ của Lý Quốc vẫn quá rõ ràng cho một câu trả lời. Phạm Thức cắn môi. Đích thân hắn đã từng hộ tống không ít chuyến hàng gốm nhà Minh ra khắp tứ xứ, dù chưa bao giờ với số lượng lớn như lần này. Nhưng cũng vẫn có nghĩa là chính hắn đã tiếp tay cho chuyện này mà không hề hay biết.

"Nhưng... tại sao... thưa thầy..." câu hỏi thốt ra khiến người ta cảm nhận được cả sự thất vọng của người nói.

"Khác với những bọn nhà buôn khác, ta không tiếp tay cho hàng lậu," Lý Quốc đưa bát trà nóng lên miệng nhấp thêm một ngụm nữa. "Hơn nữa ta lại còn giúp cho các lò gốm trong nước bán được với giá cao gấp năm, sáu lần. Há chẳng là làm một việc có ích? Mấy tay phú hộ trưởng giả ấy dẫu sao cũng chẳng phân biệt được thật giả đúng sai. Con nói xem, một chút gian dối mà ai cũng hưởng lợi, không phải là việc tốt hay sao?"

"Nhưng... nhưng để gốm Việt phải đội lốt gốm nhà Minh để bán cho chính người Việt, đâu khác gì tự nhận mình thua kém hàng Tàu... thưa thầy?..."

"Ở cái xứ luồn cúi này, kẻ thẳng lưng sẽ bị sét đánh trúng đầu tiên. Theo ta bao nhiêu năm như vậy mà con còn chưa hiểu được điều đó hay sao?" Lý Quốc sẵng giọng.

Bản thân Phạm Thức cũng biết ở thời buổi loạn lạc nhiễu nhương, khi mà người dân chết đói đầy đường, thì những thứ như lòng tự trọng hay sự ngay thẳng chính trực bỗng trở nên xa xỉ. Việc làm của Lý võ sư lại không thực sự làm hại đến ai. Thế nhưng liệu chừng đó có đủ để bào chữa cho những gian dối lừa lọc trắng trợn như vậy? Chưa nói tới việc nếu có người phát hiện ra Trường Thạch dính líu tới việc này thì danh tiếng của môn phái sẽ ra sao.

Nhưng thấy Lý võ sư đã có vẻ bắt đầu khó chịu, hắn hạ giọng từ tốn: "Lạy thầy, từ nhỏ thầy luôn dạy Thức làm gì cũng cần phải trung thực, không thẹn với lòng mình. Những việc làm không quang minh chính đại này, thực sự không phải tôn chỉ của người học võ, lại càng không thể là việc làm của danh môn như Trường Thạch Hội..."

Lý Quốc nhìn Phạm Thức, một trong tam đại đồ đệ ông đã nuôi nấng dạy dỗ từ nhỏ mà ông nhất mực tin tưởng. Con người của hắn chỗ nào cũng được, duy chỉ có cái nết thẳng thắn quá. Ở đời, kẻ thẳng thắn như vậy ắt sẽ chỉ thua thiệt.

"Vậy theo ý con chúng ta nên làm thế nào?" Lý Quốc gằn từng tiếng, hơi thở của ông ta đã trở nên nặng nề. "Con muốn báo quan phủ tới gô cổ cả nhà ta đi hay sao? Con muốn nhìn Trường Thạch lụn bại, tiêu tan danh tiếng thì con mới hả dạ? Hay con muốn ta và mợ con phải quỳ xuống khóc lóc cầu xin thì con mới vừa lòng?"

Phạm Thức lập tức quỳ mọp xuống: "Thầy nặng lời với Thức rồi... Sao con dám... Mũi tên đã bắn đi chẳng thể lấy lại. Những sự đã rồi... Thức cũng chưa biết phải làm sao cho vẹn toàn... Nhưng... nhưng chuyến hàng ngày mai thì còn có thể dừng... Lạy thầy, từ nhỏ Thức vẫn luôn nghe theo lời thầy. Việc lần này thì... mong thầy nghĩ lại..."

Giọng điệu khẩn khoản của người đồ đệ không rõ có khiến Lý võ sư mềm lòng hay không, ông dịu giọng, vừa như vỗ về, vừa như cầu cạnh: "Thức à, con vẫn còn trẻ. Có nhiều việc lắt léo trên đời con còn chưa hiểu hết được. Ngoài kia thương trường như chiến trường, chỉ một sơ sẩy sẽ khiến sự nghiệp của Trường Thạch tiêu tan. Nếu ta không giao chuyến hàng ngày mai cho họ Nguyễn ở Thiên Trường, lũ kền kền sẽ ngay lập tức đánh hơi được có chuyện không ổn. Việc chúng phát hiện ra chân tướng sẽ chỉ còn là một sớm một chiều. Tới lúc đó chúng ta chắc chắn sẽ mất tất cả."

Rồi như cảm nhận được chút do dự trong ánh mắt của Phạm Thức, Lý Quốc nói thêm: "Thức à, ta hiểu những trăn trở suy nghĩ của con. Chi bằng chúng ta giao nốt chuyến hàng ngày mai, rồi ta từ từ tìm cách thoái lui khỏi những thương vụ gốm Tàu sau này, con thấy có được không?"

Ông đứng dậy, tiến đến bên Phạm Thức, nhẹ nhàng đỡ hắn đứng lên. Lý Quốc vỗ vai hắn, nói: "Mợ con mấy tháng nay đã mất ăn mất ngủ vì chuyện của em Diệu Linh, hai người đàn ông chúng ta đừng làm bà ấy phải lao tâm khổ tứ hơn nữa, được không con?"

Ấm trà trên bàn đã nguội, trầm hương trong phòng cũng đã tắt từ lúc nào. Chỉ còn không khí lạnh lẽo trong từng hơi thở.

"Vậy... việc này... Thức nên làm thế nào?" Phạm Thức lên tiếng, lời nói như một tiếng thở dài.

Người võ sư mỉm cười, biết rằng ông đã khuất phục được người đồ đệ cứng đầu: "Chỉ cần như lời con nói. Thấy mà như không thấy. Chuyện còn lại ta ắt có sắp xếp."

Phạm Thức siết hai bàn tay vào nhau. Ánh nắng mới chớm len qua khe cửa hẹp, phả xuống cái bóng người cao lớn im lìm.

Và câm lặng.

***

Dạ Thanh thần người suy nghĩ. Từ lúc quay lại phòng mình, nàng đã đóng cửa, dặn người hầu không được phép ra vào.

Xấp giấy Trắc Lý [24] đã trải trên bàn, mực cũng đã mài trong nghiên, nhưng quản bút cứ nhấc lên rồi lại đặt xuống. Dạ Thanh không hiểu vì sao mình lại lưỡng lự. Đây chẳng phải chính là điều nàng đang cần hay sao?

Một lá thư về đỉnh Thiên Đàn, rồi tất cả mọi chuyện sẽ kết thúc. Nàng có thể ngẩng cao đầu thoái thác hôn sự với Vũ Thạnh. Hoàng Đức sẽ có thể đường hoàng trở về mà không phải lo sợ bị thuộc hạ của Đại Hùng Tinh truy đuổi. Cuộc sống của nàng cũng sẽ trở lại như trước kia, nhưng tại sao nàng lại do dự?

Tiếng gõ cửa và giọng nói ấm áp của bà Lý vang lên bên ngoài khiến nàng giật mình. Nàng vội ra mở cửa.

"Mẹ nghe Nhị Lan nói Diệu Linh chưa dùng bữa sáng nên mẹ mang tới," bà Lý ân cần bưng chiếc khay gỗ nhỏ đặt lên bàn, ánh mắt bà nhìn đứa con gái trìu mến. "Con không khỏe trong người à?"

"Diệu Linh chỉ hơi chóng mặt một chút, lại khiến mẹ phải lo lắng rồi," Dạ Thanh cúi đầu, đáp.

Bà Lý bỏ chút đường từ chiếc hũ trắng vào bát cháo đậu xanh trên khay, tay khuấy nhẹ rồi bưng lên múc một thìa, dịu dàng đưa về phía Dạ Thanh. Nàng vội vã đỡ lấy bát cháo từ tay bà.

"Tay con làm sao thế?" Bà Lý hỏi khi nhìn thấy một ngón tay của nàng phải băng lại. Vết bỏng khi nàng tiêu hủy lá thư của Nguyễn Nhật Minh.

Dạ Thanh hơi lúng túng, đáp: "Tối qua Diệu Linh bất cẩn nên bị bỏng lúc thắp đèn. Cũng không có gì nghiêm trọng đâu mẹ."

Đôi lông mày lá liễu nheo lại, bà Lý đưa tay khẽ dí vào trán cô con gái, trách: "Đúng là đứa con gái hậu đậu của mẹ. Có thắp đèn mà con cũng để bỏng tay được. Sau này mẹ sao dám gả con đi đâu?"

"Vậy mẹ đừng gả Diệu Linh đi đâu hết, để Diệu Linh ở Lý phủ cả đời phụng dưỡng cha mẹ được không?" Dạ Thanh cười họa theo.

Gương mặt xinh đẹp của bà Lý lập tức giãn ra, bà nhéo cô con gái, bật cười: "Con bé này! Chỉ vậy là giỏi. Thôi thôi, phụng dưỡng thì mẹ không dám. Rồi không biết là ai phải phụng dưỡng ai đây?"

Dạ Thanh ngẩn người nhìn. Có lẽ là lần đầu tiên từ khi về Lý phủ, nàng thấy Lý phu nhân cười. Đôi mắt bồ câu long lanh dù đã mang dấu thời gian vẫn tuyệt đẹp. Nhìn lại thì rõ ràng là Lý Diệu Linh đã thừa hưởng hết những nét đẹp từ mẹ.

Bà Lý đưa tay nhẹ nhàng vuốt tóc con, ánh mắt âu yếm: "Thoắt cái mà Diệu Linh của mẹ đã lớn rồi."

Dạ Thanh cũng tự nhiên bâng khuâng trong lòng, cảm giác nơi bàn tay bà Lý chạm vào như có hơi ấm. Những cử chỉ ân cần của người mẹ chưa bao giờ thôi khiến nàng cảm động. Cho dù nàng biết những thứ ấy không thực sự dành cho mình.

Bà Lý đi rồi, Dạ Thanh ngồi ăn hết bát cháo đậu xanh bà mang cho. Hương vị bùi bở của đậu xanh hòa với chút vị ngọt của đường tan ngay trên đầu lưỡi.

Còn hơi ấm vẫn vương lại.

***

Gió thổi nhẹ, đèn l*иg treo cao cũng đung đưa theo.

Dạ Thanh co người, kéo chiếc áo khoác bông sát vào người hơn chút nữa. Đêm đã muộn, nhưng nàng vẫn chưa ngủ được. Bước chân vô định không hiểu từ lúc nào lại đưa nàng tới vườn sau của Lý phủ, nơi gốc hồng mai đang trổ bông. Nhưng cái bóng người đang ngồi bên chiếc bàn đá cạnh gốc cây lại khiến nàng chùn bước.

Người thanh niên trong bộ y phục màu nâu đỏ, mái tóc ngắn cắt sát và ánh mắt nhìn về xa xăm. Phạm Thức ngồi im lìm như thế dưới bóng cây. Ánh trăng lờn lợt sau làn mây phả lên gương mặt hắn những khuôn sáng ẩn hiện, vẫn đủ để nhìn rõ sự rối bời in trên đôi mày đang nhíu lại.

Dạ Thanh dĩ nhiên hiểu vì sao.

Nàng thoáng do dự, toan quay đầu lại. Nhưng ánh sáng từ chiếc đèn l*иg nàng cầm trên tay đã đánh động hắn, khiến hắn quay qua nhìn. Bốn mắt chạm nhau, Dạ Thanh đành gật đầu chào.

"Khuya rồi sao anh còn ngồi đây? Có chuyện gì làm anh suy nghĩ thế?" Dạ Thanh hỏi. Nàng không rõ mình chỉ đang tò mò hay thực sự quan tâm.

Phạm Thức lưỡng lự trong chốc lát. Rồi vẫn như mọi khi, hắn nhoẻn miệng cười: "Đâu có gì đâu. Đêm trăng đẹp nên tôi ngồi đây ngắm cảnh thôi."

"Vậy sao," Dạ Thanh đáp nhẹ tênh. Chẳng phải chính nàng cũng đang có chuyện cần suy nghĩ nên mới ra đây hay sao. "Quả là đêm trăng rất đẹp. Chi bằng ta cùng nhau thưởng rượu, anh thấy sao?"

Phạm Thức nhìn nàng như do dự, nhưng rồi vẫn đồng ý. Dạ Thanh xuống bếp tìm lên hai bình rượu hoa cúc, rót mời hắn một ly. Hắn ngửa cổ một ngụm uống sạch, rồi lại tự rót thêm một ly nữa, lại ngửa cổ uống sạch.

Dạ Thanh ngước mắt lên bầu trời tím ngắt với vầng trăng khuyết treo lơ lửng, không nói gì. Gió đêm lùa qua tán mai, cánh hoa hồng thắm xoay vần trên không trung, lất phất rơi xuống sân. Nàng đưa ly rượu lên nhấp một ngụm nhỏ, hương hoa cúc sực nức lan tỏa.

Hai người cứ ngồi im lặng như thế một hồi lâu.

Sau khi một bình rượu đã cạn, Dạ Thanh mới thở dài, lên tiếng: "Hoa sắp tàn rồi..."

Phạm Thức liếc mắt nhìn tán hoa mai đỏ đang đung đưa trong gió, hờ hững đáp: "Hoa nào rồi cũng tới lúc tàn mà cô Lý..."

Phải, hoa nào rồi cũng phải tàn thôi. Phảikhông?

Hết chương 10

[21] Đây đều là những dòng họ nổi tiếng làm nghề gốm ở làng gốm Chu Đậu, thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương ngày nay

[22] Mãn Giả Bá Di là tên khác của vương triều Majapahit (1293-1500), một vương quốc theo đạo Hindu và đạo Phật Đại Thừa ở phía Đông Java. Nay thuộc địa phận quốc gia Indonesia. Dưới thời Hậu Lê, dù chính sách ngoại thương có phần hạn chế, một số thuyền buôn nước ngoài vẫn được phép ra vào các cảng lớn như Vân Đồn, Hội Thống. Các con tàu chở gốm thường từ Biển Đông theo dòng sông Brantas tới Trowulan, cố đô Majapahit, buôn bán. Ngày nay, rất nhiều cổ vật gốm Chu Đậu được tìm thấy trong tay các nhà sưu tập gốm cổ ở đây.

[23] Nhà Hậu Lê có chính sách hạn chế ngoại thương để ngăn ngừa do thám của nước ngoài và đồng thời phát triển nông nghiệp trong nước.

[24] Một loại giấy vân nghiêng