Chương 5: Cái Hạnh

Đến giờ trưa, quan khách trong nhà cũng đông đúc hơn, cậu cũng chịu ra ngoài chào hỏi. Người ta cũng biết chuyện vừa mới xảy ra ít hôm nên không ai hỏi cả. Những tưởng cái đám cũng qua trong yên bình như mọi khi, nào ngờ đâu nửa chừng gia nhân lại hớt hải chạy vào thưa: “Ông ơi, bà ơi! Có cụ ông với cụ bà đang ở ngoài cổng kêu khóc thảm thiết lắm ạ. Ông bà ra xem chứ họ muốn xông vào đây rồi ạ.”

“Có chuyện chi mà làm ầm ĩ thế hả?” Bà hỏi. “Hai người đó là ai? Sao lại tới đây làm chi? Nhà ta làm chuyện chi có lỗi với họ sao?”

“Dạ thưa bà, họ bảo họ là cha mẹ của cái Hạnh ạ.” Thằng gia nhân đáp. Lúc này, bên ngoài có tiếng kêu khóc thảm thiết vọng vào, một số quan khách ngồi ở bàn ngoài cũng đã chú ý rồi. Nghe tên cái Hạnh, sắc mặt mợ hai liền thay đổi. Mợ ta hậm hực đi ra ngoài cửa: “Sao mà cái nhà này phiền phức thế chứ?”

Ông bà muốn cản mà không kịp. Mợ lo lắng nhìn theo: “Để con ra xem thế nào.”

“Ừ, đừng có để con hai nó gây họa.”

Lúc mợ ra cổng thì mợ hai đang ném một túi tiền vào đôi vợ chồng già. Họ ăn mặc rách rưới, quỳ rạp dưới đất kêu khóc thảm thương. Cụ bà còn túm lấy chân váy mợ hai, van nài: “Tui xin mợ, tui xin mợ, tui làm trâu làm ngựa cũng được chỉ xin mợ trả con gái lại cho tui. Tội thân tui già cả chỉ có mỗi một cô con gái thôi mợ ơi.”

“Trả cái gì mà trả? Nó đã bán thân cho cái nhà này, sống chết trong tay cái nhà này, liên quan gì tới mấy người mà trả? Nhanh nhanh cút về đi, đi cho khuất mắt không là bà đây thả chó đó.”

“Em vào nhà đi.” Mợ xuất hiện, mợ hai thấy thế cũng hậm hực đi vào chứ chẳng muốn nán lại lâu. Nhưng mợ ta vẫn quay lại phân bua: “Chị liệu mà đuổi người đi cho được ấy!”



Mợ ngồi xuống ngang tầm hai cụ già, nhặt mấy đồng xu rơi vãi ra rồi bỏ lại vào túi, còn cho thêm mấy đồng bạc nữa rồi cẩn thận đặt vào tay cụ bà: “Chuyện của em Hạnh, con rất tiếc, nhưng em ấy có linh thiêng cũng không muốn nhìn thấy cha mẹ mình chật vật thế này.”

Mợ khuyên răn mãi, hai cụ già mới dắt tay nhau lủi thủi ra về. Nhìn bóng lưng cô độc của hai ông bà lão trên con đường đá sỏi làm mợ chạnh lòng. Cái Chi đỡ mợ dậy, tự hỏi: “Chuyện con Hạnh qua cũng khá lâu rồi, sao nay ông bà ấy lại tới nữa?”

“Chắc do họ già, thỉnh thoảng nhớ con thôi.” Mợ thở dài. Chuyện của con Hạnh tuy xảy ra đã lâu, nhưng nhắc lại vẫn làm mợ thấy đau lòng thay.

Chuyện xảy ra vào cái lúc mà mợ hai mới vào nhà chưa được bao lâu, cậu hãy còn thương, còn chiều mợ ta lắm. Còn cái Hạnh khi ấy là con hầu bên cạnh mợ với cái Chi, thấy nó và thằng Đậu hầu cậu có ý với nhau, mợ đã định mai mối, còn nói cho cha mẹ con Hạnh biết rồi. Chờ thêm tháng nữa, ngày lành tháng tốt mợ lại cho tiền mà làm lễ. Nhưng mợ hai thấy cảnh ấy chướng mắt quá, thế là mợ hai nằng nặc đòi con Hạnh đi hầu mình. Lúc ấy cậu cưng mợ ta, mặc kệ mợ có ra mặt xin giúp thì cậu cứ bắt cái Hạnh sang hầu mợ hai.

Mà mợ hai nào có dễ tính đâu! Mợ ta khó chiều, khó hầu, lại còn thường xuyên kiếm chuyện đánh mắng gia nhân. Một tháng cái Hạnh ở với mợ ta, trên người có thêm không biết bao nhiêu vết thương lớn nhỏ. Chơi chán rồi, mợ ta lại bán cái Hạnh đi luôn. Lúc ấy mợ về nhà ngoại nên nào có hay, lúc mợ về mới biết cái Hạnh nó đã bị bán đi rồi, lại còn là bị bán cho cha của mợ hai để làm người vợ lẽ thứ mười mấy ấy. Cái Hạnh không chịu nổi tủi nhục nên treo cổ tự sát.

Thằng Đậu được tin thì nổi điên lên, nó bất chấp mà lao vào buồng mợ hai để tính sổ. Xui xẻo thay, lúc đó cậu đang ở cùng mợ ta. Thế là mặc kệ nghĩa tình bao nhiêu năm nó hầu cậu, cậu cứ đuổi thẳng cổ nó ra ngoài, còn dặn tuyệt đối không được cho nó bước chân vào nhà nửa bước.

Hồi đầu cha mẹ cái Hạnh cũng tới làm ầm lên, lúc ấy ông bà không có nhà, chỉ có cậu lấy tiền ra đuổi người. Cũng chỉ có mợ ra khuyên ngăn đôi vợ chồng già ra về. Hai cụ vẫn kính trọng ông bà phú hộ, vẫn quý trọng mợ lắm, nhưng họ cứ rủa mợ hai: “Cái thứ ác ôn ấy sống chỉ tổ chật đất, mà chết lại tốn đất chôn thây! Loại đàn bà ấy vào nhà đúng là làm nhục nhã gia phong nhà họ Lâm!”

Mợ chỉ cười trừ, loại lời này mợ nghe nhiều rồi, nghe từ cái lúc mợ hai vào nhà. Thuở trước người trong làng gọi mợ là mợ ba, sau vì có thêm mợ hai mà phải đổi thành mợ cả. Người làng chẳng ai ưa nổi tính tình mợ hai, gặp mợ hai ở đâu là người ta né xa ở đó, cái danh của mợ hai xấu tới nổi, có người còn nói cậu bị bỏ bùa mới lấy mợ ta.