Chương 6

Sự nghi ngờ của ta nhanh chóng có câu trả lời.

Mưu hại hoàng tự vốn là tội chết, nhưng Triệu Cẩn lại chỉ tống Trần quý tần vào lãnh cung. Lý do không phải vì Triệu Cẩn lương thiện, mà là vì... Trần quý tần có gia thế rất mạnh.

Trần gia là một gia tộc trâm anh tại Ngọc Kinh, ông nội của Trần quý tần là lão thần tam triều, từng có ơn cứu mạng tiên đế. Trần Ích Trì, cha nàng ta hiện đang là thống lĩnh của năm vạn quân Vũ Lâm, quân đội bảo vệ hoàng gia.

Trần quý tần phạm phải đại tội, trong buổi thiết triều, Trần đại nhân đã dâng hai tay trao lại Vũ Lâm lệnh, nói rằng mình vô cùng hổ thẹn, khẩn cầu Triệu Cẩn cho ông cáo lão hồi hương.

Từ đây, Trần gia đã hoàn toàn rút lui khỏi triều đình Ngọc Kinh.

Đây mới chính là nguyên nhân khiến Triệu Cẩn tha cho Trần quý tần, hắn không tốn một binh một tốt nhưng vẫn thu được năm vạn quân Vũ Lâm về tay.

Ta tới lãnh cung thăm Trần quý tần.

Nàng ta mới mười bảy tuổi, vốn đang là độ tuổi rực rỡ nhất của đời người, thế nhưng trong ánh mắt của nàng ta chỉ còn lại sự trống rỗng và tê dại.

Nàng ta nói mình yêu Triệu Cẩn từ tận đáy lòng.

Năm mười ba tuổi, nàng ta từng cùng người nhà vào cung dự yến tiệc mừng đại thọ năm mươi của tiên đế. Ngày đó, Triệu Cẩn đã đứng lên nói lời chúc phúc ngài, bóng dáng hắn sáng ngời như ánh trăng, chiếu rọi vào trong trái tim thiếu nữ.

Trần quý tần cong môi cười khổ: “Thật ra cha không đồng ý cho ta tiến cung, nhưng ta đã đợi nhiều năm như vậy, khó khăn lắm mới đợi được đến ngày hắn tuyển tú. Vậy nên cho dù có thế nào, ta cũng muốn tiến tới trước mặt hắn, nói cho hắn nghe tâm ý của mình, thế nhưng... thế nhưng thứ tình cảm này cuối cùng lại bị trò chơi vương quyền vùi dập tan tác.”

Trong sân bắt đầu nổi gió, giọt lệ nơi khóe mắt Trần quý tần chưa kịp rơi xuống đã bị gió thổi bay.

Lúc ta chuẩn bị ra về, Trần quý tần ngước đôi mắt hạnh ửng đỏ lên rồi nói cảm ơn ta. “Hôm nay nương nương tới thăm Như Nguyệt, Như Nguyệt vô cùng cảm kích. Nếu có thể thì nhờ nương nương chuyển lời tới người nhà giúp ta, đứa con gái bất hiếu Như Nguyệt đã biết sai rồi.”

Mặt trăng treo trên cành ngô đồng trơ trụi, lung lay như sắp rơi xuống.

Ta âm thầm thở dài, tình yêu của bậc đế vương có lẽ chỉ là hoa trong tranh, trăng dưới nước, chỉ có thể ngắm nhìn từ xa chứ không thể tiến lại gần.

Chúc Thanh Hỷ về sau có làm ầm ĩ vài trận, nhưng đều chẳng có tác dụng gì.

Có điều, Triệu Cẩn vẫn yêu chiều nàng ta như trước, lụa là gấm vóc, vàng bạc châu báu không ngừng được đưa tới cung Quan Thư.

Vì để Chúc Thanh Hỷ đứng vững trong hậu cung, hắn thậm chí còn tìm cho nàng ta một gia đình làm thân thích.

Chúc Thanh Hỷ vốn không phải người Giang Nam, nàng ta lớn lên ở Hoài Châu, về sau Hoài Châu bị cắt cho Khiết Đan, nàng ta và mẹ hòa vào đám lưu dân di chuyển xuống phía nam. Người mẹ bị bệnh chết trên đường, chỉ còn lại mình nàng ta tới Dương Châu.

Tổ tiên của Liễu Ngạn Thanh, võ trạng nguyên năm nay cũng là người Hoài Châu, mẹ hắn vừa hay lại cùng họ với Chúc Thanh Hỷ, Triệu Cẩn nhân đó để Chúc Thanh Hỷ nhận Liễu phu nhân là nghĩa mẫu. Cứ như vậy, nàng ta và võ trạng nguyên đã trở thành nghĩa huynh muội.

Mấy năm liên tiếp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ta biết Triệu Cẩn đã nảy sinh ý định lấy lại Hoài Châu từ tay người Khiết Đan.

Quả nhiên đúng như dự đoán, chưa đầy hai tháng sau, Triệu Cẩn phong Liễu Ngạn Thanh làm phiêu kỵ tướng quân, kết hợp quân đội ở Cam Túc và Kinh Châu dốc toàn lực tấn công Khiết Đan, thề phải lấy lại được Hoài Châu đã mất.

Quyết định này của Triệu Cẩn phải gánh chịu rất nhiều áp lực. Phần lớn quan lại trong triều đều không đánh giá cao Liễu Ngạn Thanh, họ cho rằng Triệu Cẩn nghe lời xúi giục của Chúc Thanh Hỷ nên mới để cho một tiên tiểu tử miệng còn hôi sữa lãnh binh đánh trận.

May mà Liễu Ngạn Thanh không phải một chiếc gối thêu hoa bất tài vô dụng, dưới sự chỉ huy của hắn, tiền tuyến liên tục báo về tin tốt, quân Khiết Đan bị đánh cho tan tác không còn sức chống đỡ.