Chương 2

“Ồ, đến nhanh thế nhỉ.”

"Ông Lưu, trong túi kia có gì vậy?"

"Ngô non, mang vài bắp ra cho ông chủ La xem thử trước. Nếu ông ấy thấy được, tôi sẽ về hái thêm."

"Đã đến mùa này rồi mà nhà ông vẫn còn ngô non à."

"Còn ít thôi, bán gần hết rồi. Thêm vài ngày nữa, thời tiết trở lạnh, nhà hàng ở làng cũng chẳng có bao nhiêu khách nữa."

"Không tuyết thì cũng chẳng nhiều khách đâu."

"Thế vẫn còn tốt hơn là không có, quanh năm làm ăn kiếm được hai ba ngàn là may rồi."

"Làng mình ở xa quá."

Trong khi vài người dân làng đang tán gẫu, La Dụng nhận lấy bắp ngô từ người nông dân đưa, bóc vỏ rồi cắn một miếng, ngọt và tươi.

"Tốt lắm, ông định bán bao nhiêu một cân?" La Dụng hỏi.

"Còn khoảng hơn trăm bắp, nếu ông chủ muốn, một cân một đồng thôi, bán hết luôn." Người nông dân đáp.

"Được, cho tôi thêm một trăm cân ngô khô nữa." Trước đây khi La Dụng buôn bán ở miền Nam, có một khách quen luôn nói với anh rằng, nếu có thể tìm được ngô đồng cũ từ nông thôn thì nhớ mang về cho bà ấy chút.

Bà lão ấy còn kể rằng, ngô hạt và bột ngô bây giờ trên thị trường đều làm từ ngô thức ăn chăn nuôi, không giống như ngô hồi xưa họ ăn ở quê.

Thành ra bây giờ mỗi lần La Dụng nhìn thấy bột ngô ở tiệm ăn sáng, anh lại nghĩ đến lời bà lão về ngô thức ăn chăn nuôi...

"Vậy lát nữa xong việc ở đây, anh lái xe qua nhà tôi nhé. Đi theo con đường này, nhà đầu tiên là nhà tôi đấy." Hàng hoá khá nhiều, nếu vác giỏ thì ít nhất phải chạy hai chuyến.

"Được thôi." La Dụng thoải mái đáp.

Trong khi họ nói chuyện, càng lúc càng có nhiều người đến xem hàng. Làng này có chợ phiên vào những ngày mùng 5,15 và 25, mỗi tháng ba lần, nhưng hàng hoá đến chợ cũng chỉ có bấy nhiêu, không phong phú và đa dạng như đồ của La Dụng, lại rẻ nữa.

"Cái chảo này bao nhiêu?"

"Bảy mươi lăm đồng."

"Giảm giá chút đi?"

"Bác à, đây là chảo inox, thép tốt đó, bảy mươi lăm đồng đã quá rẻ rồi. Chảo này dùng được cả trên bếp từ, bếp ga. Nếu không phải tôi vừa khéo lấy được hàng lô cuối của nhà máy, thì sao có giá này được. Chảo này có vài cái thôi, bán một cái là hết một cái."

"Bảy mươi đi!"

“Không có đâu~”

“Cái kẹp tóc này bao nhiêu vậy?”

“Một đồng, trên đó có ghi giá rồi mà.”

“Ông chủ, tính tiền giúp tôi.”

“Được thôi.”

“Ồ, chỗ này còn bán điện thoại nữa cơ à.”

“Lần trước thu được vài cái từ mấy sinh viên mới tốt nghiệp, để quên trong thùng, giờ mới nhớ mang ra bán. Điện thoại phổ thông thì năm mươi, điện thoại thông minh là một trăm. Tôi đã kiểm tra rồi, tất cả đều dùng tốt. Muốn mua thì tự chọn đi.”

“Có máy tính không?”

“Có vài cái máy tính xách tay, anh muốn mua hả?”

“Con tôi bảo muốn có một cái máy tính, anh lấy ra cho tôi xem thử đi.”

“Cậu La, cái chăn này bán bao nhiêu thế?”

“Hai mươi đồng, tha hồ chọn nhé.

Sau gần một tiếng bận rộn, việc mua bán ở làng cũng gần xong. Trước khi rời đi, La Dụng ghé qua nhà ông Lưu, chất hết số ngô lên xe, còn ông Lưu cứ cố nhét thêm vài củ khoai lang tự trồng cho anh.

Ông Lưu không ngừng quảng cáo khoai lang nhà mình nào là ngọt, nào là bở, ăn rất ngon. La Dụng biết ông ấy đang cố bán hàng, nhưng tính rằng không gian cũng không còn nhiều nên anh chỉ nhận vài chục cân thôi.

Chiếc xe chạy trên con đường núi quanh co, lúc này khoảng 4 giờ chiều. Từ đây đến nhà ông Lý, người mà anh đã thương lượng mua thịt cừu, mất tầm hai tiếng.

Đi chưa được bao lâu, trời đã dần tối, và một cơn mưa nhẹ bắt đầu rơi. Đang lái xe, bỗng chiếc xe bị hỏng, La Dụng xuống kiểm tra nhưng không biết vấn đề nằm ở đâu. Anh rút điện thoại ra định gọi ông Lý bảo ông ấy chạy xe máy đến đón, nhưng lại phát hiện không có tín hiệu.