Chương 24.3

Chương 24.3

Khưu Bạch "chẹp" một tiếng, đây thực sự là bữa cơm tốt nhất trong khoảng thời gian dài kể từ khi cậu xuyên qua, có thể thấy điều kiện gia đình của nguyên chủ rất khá.

"Lần này trở về ở lại mấy ngày?" Khưu Minh Chí hỏi.

"Bốn ngày, con đã mua vé để đi vào ngày 20 rồi."

Mẹ Khưu ngồi bên cạnh lau nước mắt: “Đi tận hai năm, trở về chỉ có bốn ngày."

"Đây là hưởng ứng lời kêu gọi của quốc gia đến nông thôn trợ giúp kiến thiết, có cái gì mà khóc!" Khưu Minh Chí cau mày.

Mẹ Khưu trừng mắt, cả giận nói: "Ông còn nói, lúc trước nói ông chuẩn bị chút tiền, ông lại..."

Lời còn chưa nói hết, Khưu Minh Chí vỗ bàn một cái: “Đừng có nói lung tung, tôi phải làm sao? Nếu để người ta biết, cái vị trí giám đốc bây giờ của tôi giữ được sao!"

Mẹ Khưu nghẹn lại, lặng lẽ im miệng.

Khưu Dương chen miệng nói: “Anh mới về hai người lại cãi nhau, thật khiến người ta không yên tâm mà."

Khưu Bạch vốn không hề dao động liền nhanh chóng mở miệng: “Được rồi, đừng nóng giận." Sau đó nói với mẹ Khưu: "Mẹ, sách cấp ba của con còn giữ lại không?"

"Có chứ, đều giữ lại."

Khưu Bạch thở phào nhẹ nhõm: “Quá tốt rồi, mẹ giúp con tìm một chút, con muốn dùng."

"Để làm gì?" Khưu Minh Chí hỏi.

Lý do Khưu Bạch đã sớm nghĩ xong: “Trong thôn có giới thiệu địa điểm Đại học cho nông binh, con dự định ôn tập chút, xem thử có thể được tuyển chọn không."

Khưu Minh Chí rất tán đồng gật đầu: "Ý kiến này của con rất hay, có thể học Đại học là tốt nhất."

Mẹ Khưu cũng cao hứng, vội vội vàng vàng đi tìm sách.

Ăn cơm trưa xong, Khưu Bạch trở về phòng, căn phòng này là của nguyên chủ, rất nhỏ, chứa một cái giường, một cái bàn học, một cái tủ quần áo đã đầy.

Khưu Bạch nhìn quanh căn phòng, thuận tiện tìm hiểu một chút về tình huống của nguyên chủ. Cuối cùng ở gầm giường tìm thấy một cái hộp sắt, mở ra xem, bên trong có một xấp tiền hào dày, tính sơ sơ cũng có hơn 100 nhân dân tệ.

Cậu cười khúc khích, đây là kho bạc nhỏ nguyên chủ lén giấu nha, đều là tiền tích góp từ tiền mừng tuổi cùng tiền tiêu vặt từ nhỏ đến lớn.

Năm đó gấp gáp xuống nông thôn, cái gì cũng không kịp mang theo, nếu không nguyên chủ đã lấy mất, bây giờ lại tiện nghi cho Khưu Bạch.

Cậu đã tiêu gần hết tiền trước đó, chỉ còn lại hơn ba mươi đồng tiền, mắt thấy nó sắp cạn kiệt, nhưng vừa vặn là buồn ngủ được đưa gối.

Kỳ thực cậu cũng rất buồn rầu, người "xuyên việt" khác đều có bàn tay vàng, hệ thống, không gian, linh tuyền, công thức nấu ăn gì đó. Sao đến phiên cậu đến cái lông cũng không có một cái vậy chứ.

Những người khác xuyên thời không, có thể phát gia trí phú, đi lêи đỉиɦ cao nhân sinh. Khưu Bạch xuyên thời không, chỉ có thể dựa vào trồng trọt mà sống.

Ui, còn có thể dựa vào kho bạc nhỏ của nguyên chủ.

Thực sự quá khó khăn, Khưu Bạch vì mình mà rơi một giọt nước mắt chua xót.

Lúc xế chiều, Khưu Bạch cầm tiền đi ra ngoài, sau nhiều lần dò hỏi cuối cùng cũng tìm được một tiệm may tư nhân trong hẻm.

Thời điểm này quốc gia không cho phép tư nhân kinh doanh buôn bán, nhưng luôn có nhiều nơi không quản hết được.

Tiệm may này được mở ra một cách bí mật, chủ yếu là nhận đặt hàng riêng của các tiểu thư, thiếu gia nhà giàu nên giá cả đắt hơn, nhưng không thể phủ nhận tay nghề của người thợ may là bậc nhất, được mọi người truyền miệng nhau nên sinh ý nối tiếp không dứt.

Khưu Bạch tìm đến thợ may, lấy ra một bản phác thảo bản thân đã vẽ đưa cho người nọ nhìn.

"Có thể làm không?"

Thợ may đẩy kính mắt một cái, tỉ mỉ nhìn, cũng không có lộ ra thần sắc kinh ngạc, hắn làm nghề này nhiều năm, cái danh sách kỳ kỳ quái quái nào cũng đều tiếp nhận qua.

"Có thể làm, nhưng rất phức tạp. Hơn nữa bây giờ sắp ăn Tết, có thể phải chậm một chút."

Khưu Bạch nói: "Tôi thêm tiền." Dứt lời dựng thẳng ba ngón tay lên.

Thợ may suy nghĩ một phút chốc, giá này quả thực không rẻ. Hắn gật đầu: “Có thể, vậy phiền cậu hai ngày sau tới nhận hàng."

Hai ngày sau là ngày 19, thời gian vừa vặn.

Khưu Bạch đồng ý, chỉ vào một trong những bức vẽ, nói: "Chất liệu tôi muốn phải là da cừu, mềm một chút, nhưng nó phải chắc chắn."

Thợ may nói: "Yên tâm. Tất cả đều dựa theo yêu cầu của cậu mà làm."

Bước ra khỏi tiệm may, Khưu Bạch đi thêm vài chỗ, cuối cùng cũng thu xếp xong mọi việc, mới mãn nguyện đi tản bộ.

Lúc đi ngang qua một trạm tái chế rác thải, mắt Khưu Bạch sáng lên.

Nếu nói ở thập kỷ 70 có một thứ không đáng giá nhất, mà ở niên đại sau lại có giá trị liên thành.

Đó chính là đồ cổ.