Chương 49: Vụ án thứ 12 - Nửa cỗ xác tàn (3)

Tử thi thứ ba là Nhiệm Tố Phân, nằm ở cửa bếp. Vết thương của bà chủ yếu nằm ở phía trước, ngoài phần ngực bụng bị cháy xém, bề ngoài cơ thể gần như không nhìn thấy tổn thương nào khác.

“Da nạn nhân bị bỏng độ hai, không thấy tổn thương gì khác.” Đại Bảo nói. “Phải giải phẫu mới biết được.”

“Từ từ đã.” Tôi nói. “Anh có nhận ra không, tại gốc mũi, giữa hai đầu lông mày và khóe mắt nạn nhân có những đường vân màu trắng chạy theo hướng của nếp da. Đó là bởi vì khi vụ nổ phát sinh sẽ hình thành ánh sáng rất mạnh, nạn nhân liền nhắm chặt mắt lại theo phản xạ. Đến khi cơ mặt thả lỏng thì những nếp da nhăn lại sẽ không bị bỏng, trong khi toàn bộ phần da mặt sẽ bị bỏng cháy, nên mới hình thành những nếp da màu trắng như thế này. Điểm này đã chứng tỏ được hai vấn đề. Thứ nhất, vụ nổ xảy ra khi nạn nhân còn sống. Thứ hai, nhà bếp ở trước mặt nạn nhân chính là trung tâm vụ nổ.”

Đại Bảo gật đầu.

Tốc độ giải phẫu rất chậm, nguyên nhân là do nội tạng của Nhiệm Tố Phân có rất nhiều vết thương. Chỗ tim và phổi gần với thành ngực có vết giập rách rõ rệt, đây là tổn thương do thành ngực va đập vào tim, phổi gây ra, cũng giống như trường hợp ngực bụng bị va đập trên diện tích lớn sẽ gây rách tim phổi. Gan và lá lách cũng bị rách nhưng xuất huyết không nhiều, cũng bởi tử vong quá nhanh. Ngoài ra, tại tổ chức não cũng nhìn thấy các điểm xuất huyết trên diện rộng.

“Em xem này, nội tạng của nạn nhân bị chấn động gây ra rất nhiều tổn thương, điểm này thì anh có thể hiểu được, nhưng tổn thương ở não đã hình thành bằng cách nào thế?” Đại Bảo thắc mắc. “Phần đầu có xương sọ bảo vệ, chỉ sức ép không thôi thì làm sao lại gây tổn thương đến não được?”

“Anh đã học môn bệnh lý học pháp y thế nào vậy?” Tôi lên lớp. “Trong sách đã nói rồi, khi sóng nổ tác động lên thành ngực sẽ khiến áp lực trong khoang ngực đột ngột tăng vọt, huyết áp tĩnh mạch chủ trên tăng lên, máu về tim chảy ngược sẽ khiến cho các tĩnh mạch nhỏ và mao mạch trong não căng phồng, vỡ ra, nên mới xuất hiện các điểm xuất huyết.”

“Tổn thương do cháy nổ đúng là có nhiều chủng loại thật đấy.” Lâm Đào nói. “Cậu nói tiếp đi, nói đi mà!”

“Trong dạ dày của ba nạn nhân đều trống rỗng, cho thấy thời gian tử vong về cơ bản giống nhau.” Tôi chẳng buồn đếm xỉa đến giọng điệu nũng nịu của Lâm Đào, nói tiếp. “Điểm này cũng rất quan trọng, chính là xác định được thời gian tử vong của các nạn nhân, đề phòng trường hợp có người chết trước hoặc có người chết sau nhưng lại bị chúng ta nhầm lẫn là tử vong đồng loạt trong vụ nổ khi còn sống.”

Khám nghiệm tử thi thứ tư là nan giải nhất, vì đưa lên bàn giải phẫu chỉ còn một nửa cỗ thi hài cùng với vài chục mảnh xác nát vụn. Đặc biệt là nửa phần thân thể còn sót lại, chỉ khẽ di chuyển một chút là ruột lại tiếp tục xổ ra từ khoang bụng, cộng với chất nhầy trong ruột dính nhem nhép trên bàn giải phẫu trông rất ghê sợ.

“Nhìn vào vết đứt, có thể thấy cơ thể bị kéo căng gây xé rách, nhìn vào hiện tượng này thì nạn nhân cũng tử vong bởi vết thương do vụ nổ gây ra khi còn sống.” Tôi nói. “Nhưng trên mặt của nạn nhân lại không có những nếp da màu trắng.”

“Cho thấy nạn nhân không quay mặt về phía trung tâm phát nổ.” Đại Bảo nói.

Tôi gật đầu, nói: “Đúng. Nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng nhất, cho thấy ông ta đứng gần tâm nổ nhất, nhưng lại không quay mặt về phía tâm nổ.”

“Nói cách khác, điểm phát nổ là ở trong bếp và sau lưng ông ta.” Lâm Đào nói. “Tài thật, đúng là mọi người đã thu hẹp phạm vi tâm nổ trong vòng nửa mét thật rồi.”

Tôi và Đại Bảo bày từng mảnh xác lên bàn giải phẫu. Có những mảnh xác có thể xếp đại khái ở vị trí chính xác, nhưng có những mảnh chỉ có thể ghép bừa. Cuối cùng thì chúng tôi cũng chắp ghép qua loa xong nửa thân dưới của nạn nhân.

“Pháp y chắc đều là cao thủ trong trò chơi ghép hình.” Lâm Đào nói. “Làm tớ lại nhớ đến vụ ghép xác khi cậu được điều xuống huyện Bắc Hoàn.”

“Nạn nhân tử vong do bị sốc thần kinh và sốc chấn thương khi cơ thể bị xé rách.” Tôi nói. “Cũng có thể là do mất máu. Nhưng cho dù nguyên nhân tử vong cụ thể là gì cũng đều là chết vì vụ nổ.”

Tôi nhìn Lâm Đào và mấy thực tập sinh của Công an huyện Thanh đứng bên cạnh, nói tiếp: “Bây giờ, chúng ta sẽ nói sơ qua về nguyên lý hình thành vết thương trong vụ nổ. Tổn thương trong vụ nổ, xét về nguyên lý, chủ yếu là do sóng nổ, nhiệt độ cao và mảnh bắn gây ra. Tổn thương do sóng nổ chính là tổn thương chủ yếu trong vụ nổ. Tổn thương do sóng nổ lại chia làm áp suất siêu cao, áp suất âm và áp suất động. Áp suất siêu cao chính là cơ chế chủ yếu của tổn thương do nổ, lại tiếp tục phân chia thành hiệu ứng chèn ép, tức chèn ép lên ngực bụng gây tổn thương nội tạng; hiệu ứng nổ trong do chất khí trong cơ thể bị chèn ép dẫn đến nổ vỡ bên trong cơ thể; hiệu ứng quán tính, và hiệu ứng chênh lệch áp suất, tức chênh lệch áp suất trong mạch máu gây thuyên tắc động mạch.”

“Phức tạp quá đi mất!” Lâm Đào vò đầu bứt tóc. “Chẳng nhớ gì hết, chỉ nhớ hiệu ứng nổ trong thôi. Người ta có thể bị nổ tung tại hiện trường nổ thật à? Còn nữa, áp suất âm và áp suất động nghĩa là gì thế?”

Tôi giải thích: “Khi xảy ra vụ nổ, thông thường trên thi thể nạn nhân sẽ có rất nhiều tổn thương được hình thành bởi rất nhiều cơ chế, đôi khi cũng có một tổn thương nhưng lại do rất nhiều cơ chế cùng hình thành. Ví dụ như, trước tiên, áp suất siêu cao chèn ép lên cơ thể, sau đó, áp suất âm lại kéo căng cơ thể, như vậy sẽ khiến cơ thể bị xé rách. Ngoài ra, như chúng ta xem ti vi thường thấy cảnh một quả lựu đạn cầm tay phát nổ, mấy người bắn tung lên trời, đó chính là bởi áp suất động của sóng nổ, biểu hiện chủ yếu là bị va đập và bắn ra xa.”

“Cơ chế nghe thì rất phức tạp,” tôi nói tiếp, “nhưng các loại hình tổn thương xuất hiện trong vụ nổ, cho dù xuất phát từ cơ chế nào, hoặc từ những cơ chế nào, cũng chủ yếu được thể hiện qua năm hình thái tổn thương.”

Tôi chỉ thi thể trên bàn giải phẫu, nói: “Nhìn vào thi thể này, chủ yếu có hai hình thái tổn thương. Thứ nhất là vết thương xé rách, sóng nổ đã gây ra rất nhiều lực kéo, giằng xé, khiến cho nửa dưới cơ thể đứt rời, nát vụn. Loại thứ hai là vết bỏng. Chúng ta có thể thấy, quần áo phía sau lưng nạn nhân đã không còn nữa, phía trước chỉ còn chút ít, điều này cho thấy mặt sau cơ thể bị đốt cháy nghiêm trọng hơn, cũng củng cố cho giả thiết tâm nổ ở phía sau nạn nhân mà tôi đã đưa ra trước đó.”

“Đây là hai loại tổn thương, vậy tổn thương trên người Nhiệm Tố Phân thì sao?” Lâm Đào hỏi.

“Tổn thương của Nhiệm Tố Phân có đặc trưng chủ yếu là ngoài nhẹ trong nặng, tổn thương bên trong chủ yếu là do chấn động gây nên.” Tôi đáp. “Đây là vết thương điển hình do bị sóng nổ chèn ép, va đập, chúng ta vẫn thường gọi là tổn thương do sóng nổ. Đây là ba loại tổn thương thường gặp nhất và cũng là nghiêm trọng nhất trong các vụ nổ. Tổn thương của hai đứa trẻ là loại tổn thương thứ tư, chính là tổn thương do mảnh bắn gây ra. Tất nhiên, hiện trường cháy nổ còn có những tổn thương khác kèm theo, ví dụ như ngộ độc khí CO, tổn thương do trượt ngã, chèn ép…”

“Tớ hiểu rồi.” Lâm Đào gật gù. “Nhưng cậu kể lể đủ các thể loại tổn thương và cơ chế như thế thì có tác dụng gì trong việc phân tích vụ án này?”

“Có chứ!” Tôi nói. “Chúng ta đã tìm thấy rất nhiều mảnh xác, các mảnh xác phần lớn đều bắn văng qua cửa sổ. có mảnh xa đến vài chục mét. Thứ nhất chứng tỏ cường độ nổ cực mạnh; thứ hai, đã chứng tỏ được một vấn đề.”

Tôi thấy mọi người đều nhìn tôi đầy trông đợi nên cũng không úp mở nữa, nói tiếp: “Trọng lượng của xương bánh chè và cơ quan sinh dục của nạn nhân tương đương nhau, nhưng cơ quan sinh dục bị văng ra xa hơn, đã nói rõ một vấn đề, đó là góc bắn của xương bánh chè nhỏ hơn góc bắn của cơ quan sinh dục. Theo như những cơ chế mà chúng ta vừa phân tích, mọi người sẽ có được một kết luận, chính là coi tâm nổ là tâm vòng tròn, lực nổ có dạng chùm tia tỏa ra xung quanh, nếu như góc tạo bởi mặt đất và đường thẳng nối từ tâm nổ đến một bộ phận nào đó càng lớn thì góc bắn sẽ càng lớn và ngược lại. Vì thế chúng ta có thể phán đoán, tâm nổ nằm ở phía sau Phạm Kim Thành, vị trí áng chừng song song với xương bánh chè. Như vậy, góc bắn của xương bánh chè sẽ nhỏ hơn so với góc bắn của cơ quan sinh dục.”

“Vị trí đó, hình như là bể nước thì phải.” Đại Bảo trợn ngược mắt nhìn lên trần nhà, suy nghĩ một lúc rồi nói. “Nằm bên dưới bể nước.”

Tôi gật đầu, nói: “Em cũng đã xem rồi, đường ống gas nằm ở trước mặt Phạm Kim Thành, không thể là tâm nổ được. Nếu như khí gas tràn ra đầy bếp mà phát nổ thì bên dưới bể nước cũng không thể có nguồn điện hoặc nguồn lửa có thể gây ra cháy nổ.”

“Vậy ý của cậu là, có vật gây nổ khác?” Lâm Đào hỏi.

Tôi gật đầu, nói: “Kết hợp với tình hình trong các phòng ngủ, có thể thấy rằng lúc đó, bốn người trong nhà có vẻ như đang vội vàng chạy từ phòng ngủ xuống bếp, sau đó vụ nổ đã xảy ra. Như vậy, rất có khả năng đây là một vụ nổ do con người gây ra.”

*

Nghe tôi báo cáo xong, cả tổ chuyên án ai cũng mặt mũi căng thẳng.

“Vậy theo các anh, bước tiếp theo nên làm thế nào?” Giám đốc Chu hỏi. “Trước mắt, công tác điều tra vẫn chưa phát hiện ra nạn nhân có mâu thuẫn với ai.”

“Chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm hiện trường.” Tôi nói. “Phải tìm được dấu vết của vụ nổ có khả năng còn sót lại, đặc biệt là mảnh vụn của thiết bị nổ.”

“Bên cứu hỏa đã tìm kiếm rồi.” Giám đốc Chu nói. “Phát hiện ra một số chi tiết giống như của thiết bị nổ, nhưng rất khó khẳng định, vì trong bếp có rất nhiều đồ điện bị nổ tung, do đó cũng có một số linh kiện kim loại, không thể phân biệt với linh kiện của thiết bị nổ.”

“Vậy chúng ta cũng phải đi tìm.” Tôi nói. “Hơn nữa, còn phải mở rộng phạm vi tìm kiếm trong những nhà dân quanh đó xem có dấu vết khả nghi hay không.”

Chúng tôi bỏ ra cả một buổi chiều để dọn quang gian nhà bếp đổ nát, sục sạo thật kỹ lưỡng bên dưới bệ nước phía sau vị trí thi thể của Phạm Kim Thành. Tuy toàn bộ bể nước đã bị nổ tung không còn hình thù gì nữa, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì quan sát kỹ lưỡng từng miếng gạch vụn. Ngoài một số vật chất đen kịt giống như cao su thì không phát hiện ra thứ gì bất thường nữa.

“Sao lại có nhiều vụn băng dính màu đen thế nhỉ?” Đại Bảo nói. “Chẳng lẽ nhà họ tích lũy băng dính đen à?”

Tôi lắc đầu, nói: “Không phải. Nếu là băng dính cuộn màu đen, dù có bị nổ cũng phải dính với nhau thành từng mảng chứ không thể tách rời từng lớp như thế này.”

“Vậy theo em thì là thứ gì?” Đại Bảo hỏi.

Tôi lắc đầu chịu chết. Thế là chúng tôi quay về tổ chuyên án, định bàn giao lại tình tiết này cho tổ chuyên án điều tra tiếp.

Bước vào tổ chuyên án, khói thuốc mù mịt.

“Cái đám cảnh sát hình sự này, cứ gặp phải vụ án là lại hút như tàu đồng nhả khói.” Đại Bảo nhíu mày.

“Đừng có chê bai những người hút thuốc chúng tôi.” Tôi nói. “Đều là bị tình thế ép buộc cả thôi!”

Ngồi trong tổ chuyên án một lúc, tôi chợt liếc thấy một hộp giấy hình vuông nằm ở góc tường, phía trên in dòng chữ “pin An Bảo”.

“Kia là cái gì thế? Tìm được vật chứng rồi à?” Tôi hỏi.

Một kỹ thuật viên gật đầu, nói: “Đúng vậy, tìm thấy ở trong chuồng lợn trước cổng một nhà dân.”

“Cái gì vậy?” Tôi hỏi. “Đã xem chưa?”

Kỹ thuật viên lại gật đầu, nói: “Có vẻ như là bình ắc quy của xe máy điện.”

“Bình ắc quy của xe máy điện mà lại ở trong chuồng lợn?” Tôi hỏi. “Của nhà nào thế?”

“Nhà đấy không có người ở, đều đi làm xa cả rồi.” Kỹ thuật viên nói. “Chuồng lợn cũng bỏ không, khi chúng tôi tìm kiếm vòng ngoài đã nhìn thấy hộp đựng của bình ắc quy.”

“Trong chuồng lợn bỏ không mà lại có hộp đựng bình ắc quy mới toanh thế này à?” Tôi ngờ vực.

Tôi tiến lại gần cái hộp, cẩn thận nhấc nó lên mặt bàn. Qua kẽ hở của nắp hộp, có thể nhìn thấy nhiều sợi dây điện thò ra bên ngoài.

“Theo như tôi nhớ,” tôi nói, “thì bình ắc quy của xe máy điện hình như không có dây điện nối tiếp ra bên ngoài thì phải.”

Tôi còn chưa kịp dứt lời, Đại Bảo đã nhanh tay mở phắt nắp hộp giấy ra.

“Nói nhiều thế làm gì, mở ra xem là biết ngay thôi mà!” Đại Bảo nói.