Chương 2: Vụ án thứ 1 - Bóng máu sau cửa sổ (1)

Cũng giống như thường ngày, đèn phòng ngủ nhà tổng giám đốc Miêu luôn bật sáng tôn lên màu trắng mờ ảo như sương khói của rèm cửa sổ. Nhưng trên tấm rèm trắng như tuyết đó thấp thoáng ẩn hiện cái bóng lấm tấm thành một vệt kẻ xiên, nó bất động, không hề thay đổi hình dạng.

———-

“Xem ra vụ án này không đơn giản đâu!” Tôi ngồi xổm bên cạnh thi thể, nheo mắt nhìn mặt đất.

“Tôi cũng cho là vậy! Thi Vũ, phiền cô giúp tôi chụp mấy dấu giày kia lại!” Lâm Đào nói, “Những vết giày này rất kỳ quái, tôi đoán chắc hắn đã cố tình tạo hiện trường giả để ngụy trang thôi! Tên này quả là giỏi xóa dấu vết đấy!”

“Anh chắc chắn cô gái ‘Hồ lô nhỏ’ gì gì đấy đã bị tống vào tù chưa đấy?” Đại Bảo giơ tay lau mồ hôi trán hỏi, “Chắc chắn không mọc ra thêm kẻ nào đó đại loại như ‘Chum nhỏ’, ‘Vò nhỏ’ mạo nhận là bác sĩ pháp y trả thù anh để báo thù cho ‘Hồ lô nhỏ’ đấy chứ?”

Sau chuyên án 63, toàn tỉnh yên ắng hơn rất nhiều, tần suất gây án giảm xuống đáng kể, các vụ án mạng hóc búa cần tổ chúng tôi phải ra tay khám nghiệm cũng ít hẳn đi. Nhưng dẫu số vụ án mạng đã giảm, chúng tôi không hề cảm thấy nhàn nhã chút nào. Ngoại trừ công tác khám nghiệm, giám định thường ngày, thầy còn sắp xếp cho chúng tôi hai đề tài.

Dạo này hình như tâm trạng của thầy đặc biệt tốt nên nguồn tư duy tuôn ra như suối, vừa xuất thủ liền nộp thành công hai đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp tỉnh. Vì gắn mác “trọng điểm” nên áp lực đè lên vai chúng tôi cũng không nhỏ. Các thành viên trong nhóm nghĩ nát óc để vạch kế hoạch cho đề tài và chạy như sắp gãy chân đi thu thập số liệu. Điều duy nhất an ủi mọi người là trong những ngày yên ắng suốt già nửa năm nay, hình hài của thành quả nghiên cứu đã thấp thoáng hiện ra, cảm giác hãnh diện chẳng thua kém khi phá xong một vụ án.

Đại Bảo càng phấn khích, gặp ai cũng nói: “Các cậu cứ nói phòng thực chiến chúng tôi giàu kinh nghiệm, nghèo nghiên cứu, nhưng giờ thì khác rồi nhé! Phòng chúng tôi cũng có người viết đề tài nghiên cứu rồi đấy!”

Thậm chí, trong một lần đi công tác thu thập số liệu cho đề tài, chứng mộng du lúc nửa đêm của Đại Bảo lại tái phát.

Nửa đêm hôm đó, tôi đang chăm chú đọc sách thì đột nhiên Đại Bảo vùng dậy, cậu ta mở phòng khách sạn và đi ra ngoài. Không giống lần trước, lần này tôi đã có kinh nghiệm, biết gã này lại mộng du. Thế là tôi gập sách và đuổi theo. Tôi lẳng lặng lao đến kéo cậu ta về phòng. Đại Bảo vừa cố đi tiếp vừa kêu la: “Đừng kéo! Đừng kéo nữa! Tôi phải đến phòng thí nghiệm làm thí nghiệm.”

Cậu ta nói câu này có nhịp điệu đến mức khiến tôi suýt hòa ca thành bài hát: “Đến phòng thí nghiệm làm thí nghiệm, làm mãi làm mãi thành ra nghiện…”

Sáng hôm sau, tôi kể lại cho Đại Bảo biết chuyện cậu ta mộng du, cậu ta vẫn khăng khăng phủ nhận.

Tôi nói: “Không thừa nhận thì thôi. Dẫu sao lần này cũng chưa kinh khủng bằng lần trước. Lần trước cậu tìm đến phòng giải phẫu trong lúc mộng du. Nếu lúc đó cậu mà coi tôi là thi thể, thì tôi đã ăn mấy nhát dao còn gì!”

“Chưa chắc lần này đã an toàn hơn lần trước, vì nếu tối qua tôi coi anh là chuột bạch thì anh thảm rồi.” Đại Bảo nói, “Có điều tôi vẫn chưa thấy con chuột bạch nào lại béo mầm như anh.”

Một tiếng trước, thầy triệu tập các thành viên của tổ khám nghiệm tử thi đến phòng họp.

Vừa bước vào phòng của thầy, mắt tôi liền sáng lên.

Không biết một cô gái tóc ngắn ngồi cạnh bàn làm việc của thầy từ lúc nào. Cô gái đó chỉ ngoài hai mươi là cùng, trên cổ đeo chiếc máy ảnh DSLR (máy ảnh phản xạ ống kính đơn kỹ thuật số). Cô gái đang chăm chú xem tập tài liệu đặt trên bàn, một lọn tóc vương khỏi vành tai xõa ra phía trước che khuất tầm nhìn. Cô gái khẽ nhíu mày, thuận tay vén lọn tóc lên, gài ra sau tai. Bất kỳ ai nhìn thấy khoảnh khắc ấy, trong đầu đều lóe lên tám chữ “răng đều hạt bắp, cặp mắt bồ câu.” Lâm Đào đứng cạnh cũng không kìm được hít nhẹ một hơi. Ngay cả tôi và Đại Bảo đều là “hoa đã có chủ” mà còn ngẩn ngơ ngắm nhìn.

“Hèm hèm! Để tôi giới thiệu cho mọi người làm quen với nhau nhé!” Thầy hơi lúng túng đứng dậy nói với cô gái, “Đây là Tần Minh, trưởng khoa Pháp y, đồng thời là tổ trưởng tổ khám nghiệm.”

Cô gái khẽ nghiêng người, lịch sự gật đầu, nhưng nét mặt vẫn bình thản như nước.

“Còn đây là Lâm Đào, trưởng khoa Giám định dấu vết.”

Lâm Đào còn đang ngẩn người, nghe nhắc đến tên mình còn chưa phản xạ kịp, im lặng mấy giây mới thốt lên “À vâng!” đáp lời thầy.

“Đây là Lý Đại Bảo, thuộc khoa Pháp y.” Thầy lần lượt giới thiệu từng người chúng tôi cho cô gái, rồi quay sang giới thiệu cô gái cho chúng tôi, “Còn đây là Trần Thi Vũ, đồng nghiệp mới của các cậu đấy!”

“Hả?!”

Tôi và Đại Bảo đồng thanh kêu lên.

“Đồng nghiệp mới? Khoa Pháp y sao?” Tôi là người đầu tiên sực tỉnh, “Thầy, chúng con cần đến hiện trường, nên tốt nhất là đồng nghiệp nam thì hơn!” Nói thật, trong lĩnh vực công tác mà mình đang đảm nhiệm, tôi quả thực hơi có xu hướng kỳ thị giới tính. Tôi biết rất nhiều cô gái thích ngành pháp y, tỉnh chúng tôi cũng tuyển dụng khá nhiều nữ pháp y, nhưng trên thực tế số người có thể kiên trì đến cuối cùng quả không nhiều. Đương nhiên có rất nhiều nguyên nhân, có thể vì hiện trường quá thảm khốc, máu me; cũng có thể vì tử thi rữa nát bốc mùi hôi thối; hoặc có thể vì áp lực tâm lý quá lớn;… Nói tóm lại, các nữ pháp y có thể kiên trì với công việc này tại hiện trường khám nghiệm tử thi quả thực vô cùng ít ỏi. Dẫu bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của phụ nữ đến đâu chăng nữa cũng không thể khiến tôi thay đổi cách nhìn nhận này.

Tôi vừa dứt lời chứa đầy vẻ nghi ngờ thì thấy cô gái quay ngoắt về phía mình, đầu mày hơi dựng lên, không nói gì, chỉ nhìn tôi chằm chằm.

“Anh nói gì… gì… thế?” Lâm Đào lập tức dàn hòa, nhưng rõ ràng cậu ta cũng suy nghĩ giống tôi nên lắp bắp, “Anh nhìn máy ảnh đeo trên cổ cô ấy mà xem, Nikon D3X tử tế đấy, đây không phải loại máy ảnh mà người mới học có thể sử dụng được đâu, hình như cô ấy tốt nghiệp chuyên ngành Giám định dấu vết thì phải nhỉ? Thầy ơi, thầy định tìm trợ lý cho con ạ?”

Ba chúng tôi thì thầm bàn bạc với nhau, ngành nghề của chúng tôi đã đương nhiên được thừa nhận là ngành nghề dành cho phái mạnh, thường xuyên phải đi công tác. Nếu cấp trên đồng ý với yêu cầu tuyển dụng thêm nhân sự cho tổ chúng tôi, thì chúng tôi kiên quyết cần một đồng nghiệp nam, tuyệt đối không thể là nữ. Bởi vì nếu người mới đến là một cô gái không nhanh nhẹn, hoạt bát, lại còn theo chúng tôi làm việc tại nhà xác suốt mấy ngày liền, thậm chí phải dầm sương dãi nắng thì sẽ gây ra vô số phiền hà, bất tiện cho công việc của chúng tôi. Nhưng giờ tình hình bày ra trước mắt là gã Lâm Đào này rõ ràng đang trọng sắc khinh bạn, tôi huých mạnh cùi chỏ vào hông cậu ta.

“Cô ấy không thuộc chuyên ngành Pháp y, cũng không thuộc chuyên ngành Giám định dấu vết.” Thầy nói. “Cô ấy là sinh viên năm thứ tư khoa Trinh sát thuộc Đại học Cảnh sát nhân dân. Năm nay, Sở Cảnh sát tuyển dụng rất nhiều nhân tài, cô ấy đã ký hợp đồng với Sở Cảnh sát sau khi tốt nghiệp sẽ về đội chúng ta tiếp tục đảm nhiệm công tác điều tra trinh sát. Bây giờ khoa Trinh sát đang bước vào giai đoạn thực tập nên cô ấy tận dụng thời gian đến tổ chúng ta xin thực tập trước.”

“Thế thì được!” Tôi thở phào nhẹ nhõm, quay sang Trần Thi Vũ nhìn cô với ánh mắt khiêu chiến, rồi hỏi, “Kỳ thực tập của cô kéo dài bao lâu?”

“Đương nhiên là khá dài! Lãnh đạo nghiên cứu cả rồi!” Thầy đỡ lời hộ cô gái. “Sau khi đồng chí Thi Vũ kết thúc giai đoạn thực tập, cô ấy có thể tiếp tục làm việc tại tổ khám nghiệm hiện trường chúng ta.”

“Không được!” Tôi kiên quyết phản đối, “Chúng con cần một đồng nghiệp nam, công việc của chúng con đòi hỏi các thành viên phải chịu đựng được gian khổ, chứ không phải đến đây chơi, mà chúng con đã đủ vất vả lắm rồi, không muốn tốn thì giờ và công sức chăm sóc một cô gái nữa đâu.”

Cuối cùng Trần Thi Vũ cũng chịu quay người lại, cô đứng đối diện trực tiếp với tôi. Thấy cô bước lại gần, tôi vô thức lùi về sau một bước. Tôi biết những người tốt nghiệp khoa Trinh sát trường Cảnh sát ra kể cả là nữ mà động thủ thì cũng không phải chuyện chơi.

“Chúng ta từng quen nhau sao? Anh làm việc trong phòng Kỹ thuật hình sự, nói phải có căn cứ, thế mà khi định tội cho người khác lại vô căn cứ vậy sao?” Trần Thi Vũ nhìn tôi chằm chằm, nói gằn từng chữ.

Tôi không đỡ nổi chiêu, chỉ biết nói cứng: “Đây là tổng kết kinh nghiệm của tôi. Thầy ơi, mong thầy suy nghĩ kĩ lại ạ!”

“Khụ khụ! Tôi lại cảm thấy…” Lâm Đào nói, “… Suy nghĩ của thầy rất chu đáo. Tổ khám nghiệm chúng ta cần một đồng nghiệp chuyên đi cơ sở để phá án, nhưng trinh sát ở địa phương lại không đủ mạnh, liên lạc cũng chưa được thông suốt. Nếu có một đồng nghiệp rành rẽ nghiệp vụ trinh sát gia nhập tổ chúng ta, thì chúng ta có thể giải quyết hiệu quả vấn đề này. Mà tôi thấy đồng chí Thi Vũ là người rất đam mê chụp ảnh, phải không? Thế thì vừa khéo có thể giúp chúng ta đảm nhiệm việc chụp ảnh hình sự. Tôi không cần kiêm nhiệm công việc này nữa sẽ rảnh tay làm tốt công tác khám nghiệm hiện trường hơn.”

Vẻ mặt Trần Thi Vũ có vẻ hòa hoãn hơn, quay sang Lâm Đào gật đầu thân thiện.

“Đây là quyết định của tổ chức, cậu có ý kiến khác cũng không sao, nhưng phải giữ mồm giữ miệng.” Thầy nói thẳng, chuyển giọng từ bàn bạc sang ra lệnh, “Các cậu đến phòng Tài vụ xin thêm chiếc bàn, sau này cô ấy sẽ ngồi làm việc cùng một phòng với các cậu.”

Thầy đứng dậy bỏ ra ngoài, để mặc mấy người chúng tôi ở lại. Tôi giận đến chết sững.

Đại Bảo thấy tình thế phát triển đến hồi không thể cứu vãn, chẳng ngờ cậu ta lại quay ngoắt một trăm tám mươi độ, kéo tay tôi bảo: “Việc này… Tần Minh, anh cũng đừng cứng nhắc quá, dẫu sao Trần Lông Vũ cũng từ khoa Trinh sát của trường Cảnh sát ra, anh cứ coi cô ấy là bảo kê được rồi!”

Trần Thi Vũ lập tức nghiêm giọng chỉnh lại: “Đồng chí, thứ nhất tôi không phải bảo kê, nguyện vọng của tôi là trở thành trinh sát viên có kiến thức, có tư tưởng. Thứ hai, tên tôi là Trần Thi Vũ, Trần Thi Vũ, đồng chí đã nhớ chưa? Đừng gọi tôi là Trần Lông Vũ!”

Không khí trong phòng chưa bao giờ gượng gạo và căng thẳng như lúc này. Đại Bảo định dàn hòa nhưng đành thất bại. Trần Thi Vũ vẫn nhìn tôi chằm chằm với khí thế không chịu lùi bước. Tôi cũng chẳng ngại trừng mắt nhìn lại cô ấy. Lâm Đào đang định nói gì đó thì điện thoại bàn lâu lắm chưa reo giờ chợt reo vang.

Đại Bảo đứng phắt dậy, cướp lấy ông nghe: “A lô! Xin hỏi mấy cỗ?”

*Mấy cỗ là có bao nhiêu cỗ thi thể ấy :v*

Người ở đầu dây bên kia ngơ ngác không hiểu, lúng túng hỏi: “Anh nói gì thế? Tôi hỏi đây có phải tổ khám nghiệm không?”

“Đúng rồi! Thế mấy cỗ tất cả?”

“Mấy cỗ gì? Xe ư? Tôi đếm đã… chắc vài cỗ.” Xem ra ở trung tâm chỉ huy mới tuyển một cậu lính mới, cậu ta trình bày máy móc theo công thức. “À! Là thế này, Đồn Cảnh sát thành phố Long Phiên vừa mới thông báo. Lúc bảy giờ sáng nay, có một cô gái đi xe đạp điện phát hiện một người đàn ông ăn mày nằm ngủ ở ven đường khi cô đi qua khu cầu cạn phía đông đoạn Hoàng Khẩu. Từ xa, cô ấy thấy hình như cạnh người đàn ông có vết máu, lúc đến gần mới phát hiện người đàn ông đó đã tử vong, gần đó có rất nhiều vết máu nên đã báo cảnh sát. Pháp y thành phố bước đầu khám nghiệm hiện trường và nhận thấy vụ án này khá hóc búa nên yêu cầu Sở Cảnh sát tỉnh tiếp ứng.”

Nhìn khuôn mặt nhăn nhó và bàn tay cầm ống nghe nổi đầy gân xanh của Đại Bảo, tôi biết cậu ta ghét cay ghét đắng cách nói chuyện rườm rà của tay lính mới.

“Đừng bóp vụn điện thoại nhé! Bây giờ các sếp khó duyệt chi mua cái mới lắm!” Vẻ mặt của Đại Bảo khiến tôi bật cười.

“Có án mạng! Chúng ta mau xuất phát thôi!” Đại Bảo dập điện thoại rất mạnh.

“Có án mạng mà cậu hưng phấn thế sao?” Tôi nói. “Một mạng người đã ra đi đấy!”

“Ai bảo là hưng phấn?” Đại Bảo nhướn mày đắc ý. “Tôi làm thế vì lo cho sức khỏe của mình thôi!”

“Sức khỏe?” Tôi không hiểu Đại Bảo muốn nói gì.

Cậu ta lập tức giơ hai ngón tay, bày ra như thể đã “cộp mác” Đại Bảo, đáp: “Khám nghiệm hiện trường, coi thường bệnh trĩ!”

“Khụ khụ!” Lâm Đào nghiêm mặt nói. “Giờ tổ chúng ta có đồng nghiệp nữ rồi, các cậu nói năng nghiêm túc chút đi!”

Sau khi thu dọn xong hòm chứa các dụng cụ giám định, chúng tôi gọi Hàn Lượng đến lái xe đưa chúng tôi đến Hoàng Khẩu gấp.

“Sau này đến hiện trường, chúng ta phải nghiêm túc hơn đấy!” Tôi ngồi trong xe rung lắc quay sang nói với Đại Bảo. “Không lỡ ai đó chụp được ảnh cậu đang cười hớn hở tại hiện trường, rồi họ tung ảnh lên mạng thì cậu lãnh đủ.”

“Cả ngày đối mặt với xác chết, đâu thể lúc nào cũng phô vẻ mặt thương tiếc, buồn rầu ra được?” Trần Thi Vũ đang ngồi trên ghế phụ lái, mắt nhìn mông lung ra ngoài cửa sổ, giọng trầm trầm. “Tung thì tung, những người thấu tình đạt lý đều có thể hiểu và đứng về phía chúng ta.”

Phần lớn bác sĩ pháp y đều trải qua một quá trình tâm lý thế này: Từ dằn vặt trước sự ra đi của một con người đến bình thản chấp nhận kết cục cuối cùng. Cảm giác bình thản đó không phải là sự lãnh đạm về mặt tình cảm mà là sự điềm nhiên trước vòng tròn sinh tử. Nhìn thấu được sinh tử bất thường mới có thể nhẹ nhàng lâm trận, mới có thể điều chỉnh các cảm quan của mình ở trạng thái tốt nhất, mới có thể tập trung tinh thần cao độ phá giải các vụ án mạng. Có người phẫn nộ khi thấy bác sĩ pháp y cười tại hiện trường vụ án mạng, họ chỉ trích các bác sĩ pháp y không tôn trọng người đã khuất. Thực ra trên đời này, làm gì có ngành nghề nào lại hiểu cách tôn trọng người đã khuất hơn ngành pháp y? Có điều đạo lý đó được một cô nữ sinh đại học nói ra làm tôi thấy hơi ngạc nhiên. Ấn tượng về Trần Thi Vũ đột nhiên trở nên tốt hơn trước rất nhiều. Tôi lén nhìn cô ấy và thầm đánh giá, càng ngày tôi lại càng tò mò về cô gái này hơn.

Xe vẫn lắc lư tiến về phía trước, hôm nay Lâm Đào tích cực hơn hẳn thường ngày, suốt dọc đường cậu ta chỉ mải kể lể với Đại Bảo về những vụ án từng qua tay cậu ta trước đây, vừa nói chuyện vừa bất giác liếc mắt về phía ghế phụ lái. Nhưng gương chiếu hậu chỉ phản chiếu hình ảnh Trần Thi Vũ dõi mắt thờ ơ nhìn xuống mặt đường và gần như không phản ứng gì. Tôi cười thầm trong bụng, không biết một người đã quen được nhiều người ngưỡng mộ như Lâm Đào gặp phải đối thủ đáng gờm này sẽ có tâm trạng thế nào?

Cuối cùng xe cũng đỗ lại ven đường, người dân vây quanh khu vực hiện trường đông nghịt. Chúng tôi vất vả lắm mới chen được vào hiện trường trung tâm được căng dây cảnh báo. Hiện trường nằm dưới chân cầu cạn, một chiếc chăn cũ rách trải trên mặt đất ngay cạnh ụ xi măng sừng sững, bên trên tấm chăn là thi thể đàn ông mình trần nằm sõng soài.

“Khi người ta phát hiện thấy tử thi này thì trên người anh ta còn đắp một tấm chăn cũ, phủ trùm lên cả mặt. Vì nạn nhân chảy máu quá nhiều nên vỏ chăn cũng thấm đẫm máu, nhờ thế mới được người đi đường phát hiện.” Một cảnh sát dân sự kể tóm tắt lại tình hình.

Trưởng khoa Pháp y của khoa Pháp y thành phố Long Phiên họ Hồ, thấy chúng tôi đi vào khu phong tỏa, anh tháo găng tay ra, bước đến gần tiếp đón: “Lâu quá không gặp nhỉ! Nhớ các anh quá nên mời các anh đến đây một chuyến đấy! Nào chúng ta cùng ra kia xem xét vụ án này nhé!”

Đại Bảo vẫn nhớ lời tôi căn dặn trên xe, cậu ta vội nhắc nhở: “Đừng cười! Trong đám đông ngoài kia, kiểu gì cũng có người mang máy ảnh.”

“Người chết là ai vậy?” Tôi hỏi, “Vừa mới sang xuân, nhiệt độ thấp thế này mà anh ta để mình trần ngủ vậy sao?”

“Chúng tôi đã điều tra ra lai lịch của người này.” Trưởng khoa Hồ nói, “Nạn nhân ngoài ba mươi tuổi, là một người lang thang sống ở khu vực quanh đây, đầu óc hơi có vấn đề. Anh ta đã ở đây hơn mười năm nên mọi người đều quen mặt, thường gọi anh ta là Tứ “đần”. Suốt ngày anh ta chỉ ngây ngây dại dại, thấy cô gái lạ nào đi ngang qua là ngoác miệng cười với người ta, nhưng chỉ thế thôi, không làm gì thái quá cả.”

“Anh ta kiếm sống bằng cách nào?” Tôi hỏi, “Ăn xin à?”

“Anh ta không chủ động đi ăn xin.” Trưởng khoa Hồ đáp, “Đôi lúc người ta qua đường thấy tội nghiệp thì ném cho anh ta một vài đồng. Anh ta có tiền là ra cửa hàng gần đây mua màn thầu ăn. Không có tiền thì anh ta bới thùng rác lục tìm thức ăn đổ đi. Thỉnh thoảng cư dân sống quanh đây còn cho anh ta ít cơm thừa canh cặn. Mùa đông, anh ta ngủ trong khe giữa các tòa nhà, mùa hè thì ngủ dưới chân cầu cạn. Trung tâm dành cho người lang thang cơ nhỡ không thể nhốt nổi anh ta, hàng ngày ngoài lúc ngủ ra, phần lớn thời gian anh ta đều đi lang thang khắp nơi.”

“Ai lại nỡ xuống tay với loại người này nhỉ?” Đại Bảo vò đầu, “Thứ nhất là không có tiền, thứ hai là chẳng đắc tội với ai. Anh bảo liệu có phải các bang phái ăn mày cướp địa bàn của nhau nên mới gϊếŧ người để thể hiện uy phong không?”

“Tôi thấy cậu đọc tiểu thuyết kiếm hiệp nhiều quá rồi đấy! Tôi cho rằng có khả năng hung thủ là bệnh nhân tâm thần.” Tôi đưa ra phán đoán.

“Hả?” Trưởng khoa Hồ thốt lên, “Anh Tần Minh nói có lý đó! Ở Long Phiên không có cái bang, cũng không tồn tại các vấn đề như tranh chấp địa bàn. Trước đây chúng tôi từng thụ lý các vụ án người lang thang bị gϊếŧ hại, sau khi phá án thì phát hiện ra đa phần đều là do các bệnh nhân tâm thần gây án. À, đúng rồi, thế cô gái này là ai vậy?”

“Ờ! Người mới!” Tôi nhìn Trần Thi Vũ, cô ấy khẽ gật đầu chào trưởng khoa Hồ. Cô gái này cũng gan dạ thật, lần đầu nhìn thấy xác chết tại hiện trường gây án mà sắc mặt gần như không hề thay đổi.

Trưởng khoa Hồ đưa cho chúng tôi bộ trang thiết bị bảo hộ cần thiết khi khám nghiệm tử thi, chờ chúng tôi đeo xong, anh liền dẫn chúng tôi đến gần ụ cầu, chỉ về phía trước bảo: “Các anh xem kìa!”

Trong khi chúng tôi thay trang phục thì chiếc chăn bông phủ lên người tử thi đã được cảnh sát dân sự cho vào trong túi đựng tang vật. Vì muốn tránh đám đông chụp ảnh nên cảnh sát dựng một túp lều bạt đơn giản vây xung quanh Tứ “đần”. Tôi thấy nửa người trên để trần của anh ta cùng phần cổ và trước ngực đều nhuốm đầy vết máu, tuy nhiên phần vết thương ở cổ của anh ta vẫn lộ ra rất rõ ràng. Cạnh anh ta có một chiếc áo gi-lê bằng bông cũ rách, có lẽ đó là vật che thân duy nhất mà bất kể xuân hạ thu đông anh ta đều mặc.

Trên trụ cầu gần xác chết có vết máu lấm tấm phun thành hình quạt, điểm giữa của vết máu hình quạt nằm ở cổ nạn nhân, có thể thấy nạn nhân chết trong tư thế ngồi và có khả năng là bị người ta cắt cổ, sau đó nằm ngã ngửa ra đất và tử vong luôn.

Nhưng điểm nổi bật nhất là bên cạnh vết máu bắn tung tóe hình quạt đó có ba chữ rất lớn được viết bằng máu: KẺ DỌN RÁC (1).

(1) Nguyên gốc tiếng Hán là 清道夫 – “Thanh đạo phu”.

“‘Kẻ dọn rác’ ư?” Đại Bảo đẩy gọng kính lên nói, “Thế là ý gì? ‘Kẻ dọn rác’ là ai? Liên quan đến nhân viên môi trường không nhỉ?”

“Ừm, tôi biết một loại cá tên là cá dọn bể, loại cá này chuyên môn ăn phân của các loại cá khác.” Hàn Lượng đứng cạnh nói chen vào. “Nhiều người thường thả loại cá này vào bể cá để khỏi phải phiền hà dọn rửa bể cá. Trước đây tôi cũng nuôi một con, dễ nuôi lắm. Có điều… thỉnh thoảng chúng ăn cả trứng của các loài khác, điều này thì chẳng thú vị chút nào!”

Hàn Lượng là lái xe chuyên nghiệp của tổ khám nghiệm, vì muốn thực hiện ước mơ mặc đồng phục của ngành cảnh sát nên cậu ta đã từ bỏ cơ hội quản lý cơ ngơi hàng chục triệu tệ. Trong mắt rất nhiều người, cậu ta là cậu công tử nhà giàu ngông cuồng. Tuy trình độ học vấn của cậu ta không cao nhưng lại đi nhiều hiểu rộng, bởi vậy tổ khám nghiệm chúng tôi thường mời cậu ta cùng tham gia vào công tác điều tra, thực tế cho thấy cậu ta cũng giúp được chúng tôi không ít. Đại Bảo thường trêu Hàn Lượng là cuốn từ điển sống. Lần này quả nhiên cậu ta lại tỏ ra mình thực sự hữu ích.

Trần Thi Vũ đang đăm chiêu quan sát hiện trường lúc này cũng phải quay đầu nhìn Hàn Lượng, ánh mắt tỏa ra tia sáng lấp lánh.

“Tôi hiểu rồi!” Tôi cũng lần ra manh mối, “Đây là một hành vi giống như ký tên vậy. Có khả năng hung thủ coi mình là ‘Kẻ dọn rác’. Hắn cảm thấy Tứ “đần” là rác rưởi của xã hội. Hắn gϊếŧ Tứ “đần” là bởi hắn muốn dọn sạch rác rưởi cho thế giới này.”

“Ừm, có lý đấy!” Lâm Đào ngồi xổm cạnh ụ cầu, vừa cầm kính lúp tìm kiếm dấu vết vừa nói.

“Gã này mắc bệnh tâm thần chắc?” Đại Bảo lẩm bẩm, “Rảnh rỗi quá hay sao mà mò đi gϊếŧ người bị thiểu năng trí tuệ? Những người thiểu năng sống trong thế giới của chính mình, thực ra họ cũng rất khổ sở, hơn nữa họ cũng đâu làm việc gì xấu xa?”

“Bởi vậy tôi mới nói các anh phân tích rất có lý.” Trưởng khoa Hồ nói, “Tên hung thủ này có lẽ cũng mắc vấn đề về tâm thần. Thông thường một kẻ ra tay gϊếŧ người tàn tật đều có vấn đề về thần kinh.”

“Quả thực các vụ án mạng người tâm thần gϊếŧ người tâm thần cũng không phải là ít.” Tôi nói, “Nhưng hành vi để lại chữ ký tại hiện trường thì thực sự rất hiếm gặp.”

“Mà các dấu vết tại hiện trường cũng không ủng hộ luận cứ hung thủ là kẻ không có năng lực trách nhiệm hình sự.” Lâm Đào chỉ vào dòng chữ viết bằng máu trên ụ cầu và nói, “Ba chữ này viết đều tăm tắp, khẳng định được viết bằng vật có đầu mềm. Ban đầu tôi còn nghi ngờ hung thủ viết bằng ngón tay, nhưng sau đó quan sát kỹ mới thấy mặt xi măng láng ụ cầu trơn bóng, vậy mà tôi không hề nhìn thấy đường vân của vải hay dấu vân tay.”

“Hay hắn viết bằng thứ gì đó tương tự như bút lông?” Đại Bảo châu đầu lại xem.

“Không phải!” Lâm Đào nói, “Bút lông cũng phải có đường vân của sợi lông chứ!”

“Vậy hắn dùng thứ gì để viết vậy?” Tôi hỏi.

Lâm Đào trầm ngâm một lát rồi đáp: “Hắn dùng ngón tay đã được đeo găng tay cao su.”

“Găng tay cao su sao?” Tôi ngạc nhiên cúi đầu nhìn găng tay cao su đang đeo trên tay mình.

Đại Bảo vội vàng chấm ngón tay vào vũng máu ngay cạnh, rồi viết lên ụ cầu, cậu ta nói: “Ối chà! Đúng thế thật này!”

Lâm Đào nói: “Một kẻ giỏi che đậy dấu vết như vậy có thể là bệnh nhân tâm thần được không?”

Trần Thi Vũ lắc đầu.

“Người nào có khả năng đeo găng tay cao su khi gây án nhỉ?” Tôi ngẫm ngợi.

Lâm Đào nói: “Còn nữa, tại hiện trường còn có rất nhiều vết máu bắn tung tóe, vết máu nhỏ giọt rải rác và vũng máu, nói tóm lại khu vực xung quanh thi thể nạn nhân gần như đều nhuộm máu. Nhưng tôi lại không hề nhìn thấy dấu chân máu mang họa tiết của đế giày tại hiện trường.”

“Không có dấu chân sao?” Đại Bảo thốt lên, “Lẽ nào hắn là ma quỷ lơ lửng giữa không trung?”

Đại Bảo vừa dứt lời, Lâm Đào liền rùng mình gạt đi: “Đừng nói linh tinh! Nghe sợ chết đi được!”

Trần Thi Vũ nhìn Lâm Đào với ánh mắt coi thường.

“Thế đây là gì?” Tôi chỉ vào vết tích giống như vết chân trên mặt đất, rồi hỏi Lâm Đào.

Lâm Đào đáp: “Đây là đường nét của dấu chân không có họa tiết đế giày, khi ai đó đeo bọc giày bước vào hiện trường, giẫm vào vết máu, rồi lại giẫm lên mặt đất thì sẽ để lại dấu chân như vậy.”

“Ý cậu nói đây là dấu chân của cảnh sát dân sự để lại sau khi đeo bọc giày bước vào hiện trường sao?”

“Đúng vậy!” Lâm Đào dừng lại giây lát rồi nói tiếp, “Có điều nếu hung thủ cũng đeo bọc giày thì hắn cũng sẽ để lại dấu vết y hệt như vậy.”

Trần Thi Vũ đột nhiên ngồi xổm xuống, lấy tay miết lên vết máu trên mặt đất cạnh thi thể nạn nhân, đoạn nói: “Chắc chắn hung thủ đã đeo bọc giày đi vào hiện trường!”

“Hả?” Đại Bảo kêu lên kinh ngạc, “Lông Vũ, sao cô biết hay vậy?”

Trần Thi Vũ đáp: “Các anh xem, những dấu chân tương tự như vậy ở bên cạnh có lẽ là do các anh cảnh sát dân sự để lại, vì thời gian cách đây chưa lâu nên vết máu vẫn chưa khô hẳn. Nhưng mấy dấu chân này thì đã hoàn toàn khô hẳn, điều đó chứng tỏ dấu chân đã in dấu trên mặt đất một thời gian khá lâu. Còn một điều nữa, tôi là Trần Thi Vũ, không phải Lông Vũ, xin vui lòng gọi đúng tên cho. Cám ơn!”

Một sinh viên có thể đưa ra phán đoán như vậy quả thực khiến tôi phải nhìn bằng con mắt khác. Tôi gật đầu tán thưởng, thể hiện ủng hộ suy đoán khi nãy của cô ấy.

“Đeo găng tay cao su, đi bọc giày vào hiện trường gây án.” Đại Bảo nói, “Hơn nữa kẻ bị hắn gϊếŧ hại lại là người thiểu năng trí tuệ, nghe giống phim Mỹ quá nhỉ, hình như tên phim là “Dexter” (2) thì phải.”

(2) Dexter: Loạt phim truyền hình Mỹ, kể về Dexter Morgan, một nhân viên phân tích máu làm việc ở Sở Cảnh sát Miami và cũng là một kẻ gϊếŧ người hàng loạt chuyên đi săn lùng bọn tội phạm lách qua được kẽ hở của hệ thống pháp luật.

“Chẳng lẽ là một fan cuồng phim Mỹ bắt chước nhân vật trong phim đi gϊếŧ người?” Nhận được sự thừa nhận của tôi, Trần Thi Vũ cũng nói nhiều hơn.

Tôi lắc đầu đáp: “Người ta đi gϊếŧ kẻ xấu, còn kẻ thủ ác mà chúng ta gặp lại đi sát hại một người tàn tật.”

“Hay hắn muốn khiêu chiến với cảnh sát?” Lâm Đào vừa liếc mắt nhìn Trần Thi Vũ vừa hỏi.

Tôi vẫn lắc đầu: “Tôi cảm thấy ba chữ mà hung thủ để lại không có mùi vị khiêu chiến.”

“Liệu có phải người trong ngành chúng ta không nhỉ?” Trưởng khoa Hồ xen lời, “Bọc giày, găng tay cao su, các trang thiết bị khá đầy đủ đấy chứ!”

Đại Bảo vô thức đưa mắt nhìn các bác sĩ pháp y đứng xung quanh một lượt.

Còn tôi chỉ im lặng.

“Động cơ gây án không rõ ràng.” Lâm Đào nói, “Vậy thì chúng ta khám nghiệm tử thi xem sao. Tôi vừa gọi điện cho anh Ngô, trưởng khoa Giám định chữ viết kiểm tra giúp hình thái mấy chữ viết mà hung thủ để lại xem có tìm thấy điểm đột phá nào không.”

Thi thể của Tứ “đần” nằm trên bàn giải phẫu, vì xác bị dịch chuyển nên vết thương trên cổ không ngừng trào máu ra ngoài. Đai quần luồn một sợi dây vải, có vẻ dùng để thắt quần cho chặt. Từ vết gấp của dây đai có thể thấy thường ngày Tứ “đần” đều buộc thắt nút hai đầu lại để cố định quần. Nhưng khi anh ta chết thì dây vải lại trong tình trạng được cởi nút.

“Dây đai quần của anh ta bị cởi ra.” Đại Bảo nói, “Hay anh ta muốn đi vệ sinh nhỉ?”

Tôi lắc đầu: “Chưa chắc! Nói không chừng anh ta luôn cởi dây đai quần mỗi khi đi ngủ.”

Ngoại trừ vết cắt sâu ở cổ ra thì toàn thân anh ta không hề có bất kỳ vết thương nào khác. Anh ta bị một nhát dao chí mạng dẫn đến tử vong.

“Anh có cảm thấy lưỡi dao này rất mỏng không?” Đại Bảo ấn hai bên bờ vết thương, rồi quay sang hỏi tôi.

Tôi không đáp mà tiếp tục thực hiện các thủ pháp giải phẫu theo quy tắc, đầu tiên mở phần da cổ của nạn nhân, sau đó từ từ tách các bó cơ cổ ra.

“Các cậu xem này!” Tôi nói, “Đây là vị trí vết cắt, cũng chính là vị trí động mạch cổ của người chết. Hung thủ đã cắt đứt động mạch này chỉ bằng một nhát dao, dẫn đến các bó cơ ở cổ và động tĩnh mạch cổ bị đứt lìa cùng lúc, máu chảy xối xả từ vết thương, bắn ra ngoài. Anh ta tử vong do mất nhiều máu.”

“Chỉ cần một dao là cắt cứt được động mạch cổ, tuy đường dao không dài nhưng rất chuẩn.” Đại Bảo nói, “Hung thủ ra tay một lần đã lấy được mạng sống của nạn nhân.”

“Thông thường, vết cứa cổ chỉ xuất hiện trong hai tình huống: Thứ nhất là nạn nhân tự sát, thứ hai là hung thủ sợ nạn nhân chưa chết hẳn nên bồi thêm nhát nữa ở cổ cho chắc chắn.” Tôi tiếp tục công việc đang làm dở, “Có điều trong vụ án này có lẽ nạn nhân bị sát hại. Xung quanh vết thương không có vết cắt thử. Đại bộ phận những người tự sát thường có vài vết cắt nông ở một đầu của vết thương, gọi là vết cắt thử. Những vết cắt này phản ánh tâm lý của người định tự tử.”

“Liệu có phải vì nạn nhân bị thiểu năng trí tuệ nên anh ta không có tâm lý thăm dò trước?” Trần Thi Vũ hỏi.

Tôi lắc đầu đáp: “Chính vì anh ta bị thiểu năng nên càng không thể dễ dàng tìm được vị trí chính xác như thế này, vả lại còn không hề do dự một dao đoạt mệnh. Điều quan trọng hơn là chúng ta không tìm thấy hung khí tại hiện trường, điều đó cho thấy có người đã mang nó đi.”

“Chính xác! Như vậy vụ này không thể là vụ tự sát.” Đại Bảo đột nhiên mở to mắt, “Hơn nữa mọi người có phát hiện lưỡi dao gây án rất mỏng không? Còn chưa đến nửa mi-li-mét cơ đấy!”

“Đúng vậy! Miệng vết thương rất sâu, nhưng độ rách lại không lớn, điều đó chứng tỏ nhát dao đó rất nhanh, con dao vừa nhỏ lại vừa mỏng.” Trưởng khoa Hồ nói, “Hung thủ dùng một loại hung khí không tiện cho việc gϊếŧ người để đi gϊếŧ người. Kỳ lạ thật đấy!”

Tôi “hừ” một tiếng, nói: “Xem ra hung thủ vô cùng tự tin với khả năng mình có thể sử dụng con dao đó gϊếŧ người thành công. Bởi vì hắn hiểu rất rõ kết cấu cơ thể người.”

“Đeo găng tay, bọc giày.” Tôi nghĩ rồi nói tiếp, “Điểm then chốt là hắn có thể tìm chính xác vị trí giải phẫu để hạ một dao chí mạng. Các cậu bảo liệu hắn có phải một tên đồ tể xóa dấu vết rất giỏi không nhỉ?”

“Anh nói rất có lý!” Đại Bảo nhe răng cười, “Khả năng hung thủ là đồ tể rất cao, những tay gϊếŧ lợn thường xuyên phải cắt cổ họng lợn mà.”

Tôi nhíu mày nói: “Chúng ta không đủ căn cứ nên tạm thời chưa thể đưa ra kết luận đó. Nhưng còn một vấn đề nữa, hung thủ làm cách nào để lặng lẽ tiếp cận nạn nhân, rồi nhân lúc nạn nhân không phòng bị mà thuận lợi tìm thấy vị trí giải phẫu cần tấn công?”

Đại Bảo phụ họa: “Cổ là vị trí khó xuống tay nhất. Anh bảo, tôi lại gần sờ cổ anh, anh có cho tôi sờ không?”

“Vả lại lúc đó Tứ “đần” vẫn chưa ngủ.” Tôi nói, “Căn cứ vào vị trí vết máu bắn trên mặt đất có thể thấy khi ấy Tứ “đần” đang ngồi. Nếu có người tiếp cận mình, chắc chắn anh ta sẽ biết. Thấy một người đeo găng tay, bọc giày, cầm dao bước đến gần thì dù đần đến đâu chăng nữa cũng phải phản kháng lại chứ!”

“Nhưng trên thi thể anh ta không hề lưu lại dấu vết kháng cự hay bị trói.” Trưởng khoa Hồ đang giải phẫu các khớp chân tay của nạn nhân bổ sung thêm.

Quá trình giải phẫu diễn ra rất thuận lợi, nhưng chúng tôi lại không phát hiện ra bất kỳ manh mối có giá trị nào thông qua việc giải phẫu. Vẫn như lúc đầu, chúng tôi không hề biết động cơ gây án của hung thủ là gì, không biết hung thủ tiếp cận nạn nhân bằng cách nào để lặng lẽ vung một dao lấy mạng nạn nhân. Có điều sau chuyện này tôi khá ngạc nhiên trước thái độ điềm tĩnh của Trần Thi Vũ. Cô gái đó lẳng lặng quan sát hết quá trình giải phẫu, đồng thời không hề sao nhãng công việc chụp ảnh tử thi trên bàn giải phẫu. Tôi còn nhớ lần đầu đối mặt với màn giải phẫu ngập tràn mùi máu tanh nồng, tôi đã phải vô cùng cố gắng khống chế nỗi sợ đang trào dâng trong lòng, vậy mà một cô gái không học chuyên ngành pháp y như Trần Thi Vũ lại chẳng hề biến sắc. Cô ấy thực sự vô cảm trong phương diện này ư? Hay cô ấy đang cố gắng kiềm chế nỗi sợ?

Buổi chiều, chúng tôi quay lại hiện trường gây án kiểm tra kỹ lưỡng hơn nhưng vẫn không thu hoạch được gì.

“Hung thủ không hề để lại cho chúng ta bất kỳ vật chứng hay manh mối nào.” Tôi lê tấm thân mệt nhoài, ủ rũ nói.

“Chẳng biết bên giám định chữ viết có manh mối gì không?” Đại Bảo hỏi.

“Nếu có manh mối thì họ đã thông tin cho chúng ta ngay rồi.” Tôi nhìn xung quanh thấy ráng chiều đã bắt đầu buông xuống, “Hôm nay làm việc đến đây thôi! Chúng ta chưa tìm ra manh mối của vụ án, rất ít khi chúng ta rơi vào tình trạng này.”

Tôi vừa dứt lời thì chuông điện thoại di động của trưởng khoa Hồ reo vang. Sau khi nhấn nút nghe, sắc mặt trưởng khoa Hồ bỗng trở nên nghiêm trọng, anh tắt máy, quay sang tôi nói: “Ở Đông Thành lại xảy ra một vụ án mạng, đúng là đổ dầu vào lửa. Các anh có muốn theo chúng tôi đến hiện trường không?”

“Tất nhiên là đi chứ!” Trần Thi Vũ cướp lời tôi, đáp lại trưởng khoa Hồ.