Chương 1: Ngôi nhà nhỏ cuối làng

Vũ Uyển nhận được điện thoại của bác cả vội vàng chạy về quê đưa tang ông bà Nội, sau khi đưa tang, các cô bác và chú bắt đầu chia tài sản. Vũ Uyển nhận được sổ đỏ căn lều nhỏ nơi ông bà nội sống khi về già.

Sau khi nhận được sổ đỏ, bác cả căn dặn cô: “Cháu nhận được tài sản ông bà để lại, nay cũng đã 19 tuổi, tự nuôi thân được rồi, đừng làm phiền nhà bác nữa.”

Các chú các cô cũng tranh nhau nói mấy lời như thế, tỏ rõ thái độ không muốn bị cô làm phiền.

Vũ Uyển biết trong nhà họ Vũ chỉ có ông bà nội là thật lòng đối tốt với cô, các bác và chú đều không muốn chăm sóc cô, may mắn ông bà nội đã kiên trì nuôi cô khôn lớn, nếu họ chết sớm có lẽ lúc này cô đã thành một đứa bé sống lang thang ở nơi nào đó rồi, nào có được tài sản nhỏ là một mảnh đất nằm gần cánh đồng thường ngập nước của Xã Quỳnh này, nên ngoan ngoãn gật đầu.

Về phía nhà ngoại, từ khi cha mẹ qua đời vì tai nạn thì họ đã không thèm thăm hỏi gì cô, cho nên Vũ Uyển không muốn dây dưa với họ.

Sau khi cầm sổ đỏ, cô liền kiểm tra một lượt căn nhà nhỏ của ông bà nội, nhà nằm cuối xã, gần vùng đất trũng, chỉ cần mưa lớn sẽ ngập lụt, diện tích đất đủ để xây một căn nhà nhỏ, xung quanh có một vườn trái cây trồng đủ xoài, ổi, mít, vẫn còn dư một mảnh đất nhỏ có thể trồng rau.

Sau khi học xong lớp 12, Vũ Uyển hiểu hoàn cảnh của bản thân nên không học lên đại học, thay vào đó đi vào thành phố làm công nhân, bao nhiêu tiền kiếm được đều gửi về cho ông bà chữa bệnh, hiện tại cũng không còn lại bao nhiêu, chỉ đủ để sửa nhà và ăn uống một thời gian.

Vũ Uyển không muốn quay lại thành phố, hiện tại tiền không nhiều, nhưng trong nhà chỉ có một miệng ăn, có thể trồng rau và bán trái cây cũng đủ sống, nên Vũ Uyển quyết định sẽ bám trụ lại quê không vào thành phố làm công nữa.

Quyết định xong, Vũ Uyển nhắn tin cho xưởng trưởng xin thôi việc. Xưởng may mặc cô đang làm là của tư nhân, không có hợp đồng lao động cụ thể nên rất dễ xin nghỉ, chỉ cần một cuộc điện thoại, chẳng cần lý do cụ thể xưởng trưởng liền đồng ý cho cô nghĩ, còn rất đạo đức chuyển nốt số tiền lương còn lại cho cô.

Xử lý xong mọi chuyện, việc đầu tiên Vũ Uyển làm là quét dọn lại căn lều nhỏ, mua thêm một số đồ dùng cần thiết, mất một ngày làm việc không ngừng nghỉ, cuối cùng cô cũng dọn dẹp xong.

Bên ngoài trời chập choạng tối, xa xa các căn nhà khác trong làng đã nổi lửa nấu cơm, khói bốc lên từ ống khói đem lại cảm giác bình yên.

Vũ Uyển thích cuộc sống chậm rãi có khói bếp này, cuộc sống ở thành phố quá hối hả cô không hợp, nếu không vì ông bà nội cô tuyệt đối sẽ không vào thành phố làm công, ông bà đi rồi không còn gánh nặng, ngược lại cho cô thực hiện mong muốn của mình.

Ngắm cảnh đủ rồi, Vũ Uyển đi vào bếp chuẩn bị nấu cơm.

Bà nội có để lại một cái bếp đất ba chân, bên ngoài khắc hình mây gió hoa lá rất độc đáo.

Hồi nhỏ Vũ Uyển từng nghe bà nội kể về tục thờ Thần bếp của Xã Quỳnh, tương truyền Thần bếp sẽ ngự vào bếp ba chân được làm từ đất sét của làng, nên mỗi nhà đều có một bếp ba chân để làm nơi trú ngụ cho thần, loại bếp này được đặt nơi cao ráo trong phòng bếp, hương có ánh sáng tốt, mỗi ngày vào bếp các bà nội trợ thường sẽ vái lạy để cầu cho lửa bếp của nhà mình sẽ luôn được nổi lên bất chấp ngày mưa gió.

Người Xã Quỳnh xưa quan niệm, nhà nào còn nổi lửa bếp mới là nhà có ăn, cho nên việc thờ cúng Thần bếp rất thịnh hành.

Đáng tiếc sau này khi xã hội phát triển, những phong tục cổ xưa này dần dà biến mất, chỉ còn một số người già tin tưởng, cố gắng bảo quản bếp thờ một cách cẩn thận.

Vũ Uyển không tin Thần bếp, nhưng cô muốn giữ lại kỷ vật mà bà nội trân trọng, nên quyết định sẽ đặt nó ở nơi sạch sẽ, mà chỗ đó thì không thể nào nằm trong bếp được, cần phải đưa ra ngoài.

Ngay khi cô vào chạm vào nó, liền trông thấy một đứa bé nằm gần bếp thờ.

Vũ Uyển sợ hãi hét toáng lên, ném bếp lò ra xa, bếp lò lăn vào đống trấu nên không bị vỡ thay vào đó khiến đứa bé bị đánh thức.