Chương 13: Bán tiền cổ

Mỗi lần Măng rời đi, Đào Ẩn đều không yên tâm, đến hiện tại cô gái ở thế giới kia vẫn chưa làm gì ảnh hưởng đến Măng còn rất nhiệt tình giúp đỡ gia đình bọn họ, nhưng thế giới đó trông như thế nào, cô gái bên kia ra sao hắn chưa từng gặp qua, cũng chưa giao lưu hay tiếp xúc tuyệt đối không dám tin tưởng hoàn toàn.

Hắn đứng lên chạm tay vào hình vẽ, tự hỏi vì sao chỉ có mình Măng đi qua được?

Đột nhiên Măng trở về, toàn thân ngã thẳng lên người cha mình, bao xà bông và chai nước xả vải văng ra ngoài, chút xà bông rơi ra tỏa hương thơm ngào ngạt.

“Cha!” Măng thất thanh kêu lên, túi trái cây bên tay còn lại vì cầm không chặt cũng rơi xuống, trái cây lăn lông lốc khắp nhà.

Đào Ẩn vội đỡ con trai đứng thẳng, Mưa nhanh tay nhặt trái cây đặt lên bàn: “Anh ơi đây là những trái cây gì vậy?”

Măng cuối cùng cũng đứng vững, nghe thấy tiếng em gái liền chạy tới, cầm hồng xiêm lên giới thiệu: “Chị gái nói đây là trái hồng xiêm, có thể ăn.”

Vừa nói tay cậu vừa bóp mạnh khiến trái hồng xiêm vỡ làm đôi, một mùi hương thơm ngát bay ra, khiến cả nhà ba người bất giác nuốt nước bọt.

Mưa nói: “Màu sắc không đẹp, nhưng có vẻ ngon còn mùi thơm nữa.”

Măng chia cho em gái một ít, đưa cho cha mình một ít. Cả ba cha con ăn thử, thịt quả vừa vào miệng mắt cả ba sáng quắc, vị ngọt và mềm ngay lập tức thu phục miệng lưỡi của họ.

“Ngọt quá!” Mưa hào hứng hô lên.

Đào Ẩn gật gù, đúng là rất ngon, Nam Bảo Quốc không có loại quả này, nếu có thể trồng chắc chắn bán được, đáng tiếc bây giờ bên ngoài trời đang nắng không có tí mưa nào cho nên có xin giống về chưa chắc đã trồng được.

Đào Ẩn lấy xà bông và chai nước xả vải lên hỏi Măng: “Thứ này là gì?”

Mùi rất thơm, đặc biệt là cấu tạo của hộp đựng không phải gỗ hay gốm giống các bình đựng ở nơi này.

“Đây là xà bông dùng giặt quần áo, đây là nước xả vải dùng để xả thơm quần áo.”

Măng nói xong lại xụ mặt: “Con xin được rồi, nhưng trời không mưa, nhà mình không có nước để giặt đồ.”

Đào Ẩn xoa đầu con trai: “Mai cha đem đồ của hai đứa lên suối giặt.”

Măng liền chỉ cách dùng cho cha mình.

Đào Ẩn nhìn những thứ Vũ Uyển đưa cho càng buồn: “Không biết lấy gì để trả ơn cho cô ấy đây.”



Để có thể về trong ngày, một giờ sáng Vũ Uyển đã dậy, gọi taxi chạy lên quốc lộ bắt xe đi Hà Nội, lúc cô tới bến trời đã sáng, Vũ Uyển gọi vào số được cho, khoảng hai mươi phút sau một chiếc xe hơi dừng trước mặt cô.

Một người trẻ mở cửa xuống xe đi về phía cô, dịu giọng hỏi: “Cô là Vũ Uyển?”

Vũ Uyển nhìn chàng trai trẻ trước mặt, hắn rất cao ít nhất phải một mét tám, da trắng, mũi cao rất đẹp, nhìn cứ như quý công tử nhà giàu.

Vũ Uyển hϊếp khi gặp được người đẹp trai như thế nên bất giác nhìn chăm chú, mãi đến khi hắn hắng giọng gọi tên cô thêm một lần nữa Vũ Uyển mới ngại ngùng gật đầu đáp lại: “Vâng tôi là Vũ Uyển đến bán đồ.”

Cô vội đưa số điện thoại được Việt Đồ Cổ cấp cho, cho hắn xem.

Hắn nhận lấy cười nói: “Tôi là Lê Giản Khiết, được chủ Việt Đồ Cổ ủy thác tới đón người.”

Vũ Uyển lên xe, theo Lê Giản Khiết chạy tới một quán cà phê.

Mới tám giờ sáng nhưng trong quán người ngồi không ít, Lê Giản Khiết dẫn cô ra phía sau, nơi đây có một vườn trúc được thiết kế rất thanh nhã, không có người qua lại, băng qua vườn trúc đi vào một sân nhỏ, kế sân là một căn nhà cấp bốn mộc mạc được làm từ gỗ trông có vẻ rất quý giá.

Lê Giản Khiết vừa bước vào nhà liền lên tiếng gọi lớn: “Ông ơi cháu đưa người tới rồi.”

Gọi xong Lê Giản Khiết tùy ý ngồi xuống bộ trường kỷ.

Lát sau một cụ ông khoảng 60 tuổi tóc hoa râm, mặc sơ mi ngắn tay cổ tàu màu xám ghi bước ra.

Dáng người ông hơi nhỏ, nhưng từng bước chân vẫn rất có lực, cho thấy sức khỏe rất tốt, khi ông lại gần Vũ Uyển bất giác nở nụ cười.

“Cháu chào ông ạ!” Vũ Uyển lên tiếng.

“Chào cháu, cháu trẻ quá!” Ông ngạc nhiên khi thấy một cô gái trẻ đến bán đồ cổ.

“Cháu tới bán tiền cổ Thái Bình Hưng Bảo đúng không?”

Vũ Uyển gật đầu, khiêm tốn đáp: “Cháu đào được sau vườn nhà ông nội, ban đầu tính ném đi nào ngờ vô tình xem được bài đăng trên trang web Việt Đồ Cổ nên muốn hỏi thử, đúng thì cháu bán, không thì thôi ạ.”

Nói rồi cô lấy ba đồng tiền ra đưa cho ông cụ.