Phòng Trọ Ba Người

10/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Phòng trọ ba người là nơi dành cho ba chàng sinh viên Chuyên, Nhiệm, và Mẫn trú ngụ, là nơi họ chia sẻ việc học hành, những trò nghịch ngợm và chia sẻ cả những buồn vui trong đời sống tình cảm. Mẫn, c …
Xem Thêm

Và dù anh vẫn đang trong tình trạng... cô đơn chiếc bóng, nhưng nhờ ở chung một nhà với hai kẻ đang yêu nên cũng được hưởng ít nhiều... lợi lộc: hôm trước được Chuyên dẫn đi ăn phở, đến nay lại được Nhiệm bao đi ăn hủ tiếu. Khoái thật!

Nhưng Mẫn không phải là loại người nhắm mắt "ăn theo" vô tội vạ. Từ khi hai người bạn thân thiết của mình dấn thân vào con đường tình cảm đầy "ổ gà", Mẫn đã đóng góp không ít... nước bọt vào quá trình củng cố mối tình mới chớm nở của Chuyên và Nhiệm.

Dạo này, mỗi tối, sau khi ôn tập bài vở xong xuôi và nằm nghe vài đoạn nhạc, bao giờ Chuyên và Nhiệm cũng bắt đầu "chương trình trò chuyện đêm khuya" bằng những cụm từ quen thuộc "Sương của tao hôm nay..." hoặc "Hồi chiều Thủy nói...". Chương trình đặc biệt này một khi đã phát thì không tài nào dừng lại được. Hai tên Roméo cứ thủ thỉ suốt đêm không biết chán.

Những lúc ấy, Mẫn thường quấn chăn tận cằm, lăn vào một góc nằm nghe, thỉnh thoảng chêm một vài câu châm chọc. Sau nhiều đêm nằm nghe "đài", Mẫn ngạc nhiên phát hiện ra rằng, lúc mới bắt đầu đi vào con đường lầy lội của ái tình, hai tên Chuyên và Nhiệm chế giễu, châm biếm nhau bao nhiêu thì bây giờ khi ai đã yên phận nấy, cả hai lại có vẻ gắn bó, đoàn kết với nhau bấy nhiêu, nhất là những khi tên này nhờ tên kia "gỡ rối tơ lòng" hộ mình.

Nhưng "tơ lòng" của Nhiệm cũng như của Chuyên là một thứ... tơ tổng hợp, được dệt bởi nhiều loại nguyên liệu có chất lượng khác nhau nên lắm lúc càng gỡ càng rối. Cho đến khi tên này hay ra chính sự "mách nước" của tên kia là nguyên nhân khiến cho "tơ lòng" của mình rối nùi lên thì cả hai bắt đầu trách nhau tối mày tối mặt:

- Mày là cái đồ ăn hại!

- Ăn hại sao mày còn hỏi ý kiến tao?

- Tưởng sao! Tao làm theo lời mày, em không thèm nhìn tao lấ.y một cái, báo hại tao phải năn nỉ đến gãy lưỡi!

- Cái đó là tại mày!

- Tại mày thì có!

- Ừ thì tại tao! Nhưng hôm trước đứa nào xúi dại tao đến chỗ hẹn trễ để em hiểu "giá trị của sự chờ đợi", khiến em nổi đóa cho tao "leo cây" dài dài?

- Thì tao xúi. Nhưng tại mày không biết cách làm.

- Hừ, cách làm! Mày chỉ toàn xúi bậy!

Những lúc đó, sau khi bày tỏ sự bất tín nhiệm và mạt sát "quân sư" của mình hết lời, Chuyên và Nhiệm thường quay sang cầu cứu kẻ ngoại đạo là Mẫn. Tự dưng thấy uy tín của mình được tôn lên trước sự hục hặc của hai kẻ si tình đang đau khổ, Mẫn không hẹp hòi gì mà không ban cho vài lời khuyên... đạo lý chung chung.

Mặc dù cóc biết gì về những biến chuyển tâm lý trong tình yêu, nhưng nhờ xem phim ảnh và sách báo, cộng với những suy luận nửa khoa học nửa cảm tính, Mẫn cũng trịnh trọng hắng giọng và "phán" một cách hào hứng và đầy uy quyền:

- Theo tao, trong trường hợp này, phải tính đến các khía cạnh phức tạp của vấn đề...

Thật ra vấn đề chẳng có gì là phức tạp nhưng vì Mẫn đã bắt buộc "phải tính đến những khía cạnh phức tạp của vấn đề" nên vấn đề đâm ra phức tạp hẳn lên khiến người trong cuộc cuống cuồng.

Đôi khi Mẫn còn "chỉ đạo" rối rắm thêm nữa:

- Em nói vậy nhưng chưa chắc em đã nghĩ vậy mà dù có nghĩ vậy chưa chắc em đã làm vậy, nhưng một khi đã nói vậy rồi...

Nói lan man một hồi, Mẫn cũng chẳng biết mình "nói vậy" là nói gì, vả lại sau khi "vậy, vậy" vài lần, chẳng biết "vậy" thêm gì nữa, Mẫn liền tốp. Trong khi đó thì Chuyên và Nhiệm cứ đực mặt ra không biết nên rút từ trong những "phân tích triết lý" cao siêu và sâu sắc của Mẫn những kết luận cụ thể gì ối tình của mình.

Nhưng cả hai đều có vẻ bằng lòng, vì dù sao những lời khuyên lung tung của Mẫn cũng tỏ ra ít nguy hiểm hơn những sự "mách nước" cụ thể mà một khi vội vã áp dụng có thể đưa đến những hậu quả báo đời.

Tuy nhiên, không phải lúc nào "thầy dùi" Mẫn cũng khoái... chung chung. Thỉnh thoảng, gặp những "ca" trục trặc đơn giản, dễ giải quyết nhưng vì Chuyên và Nhiệm đang mang căn bệnh "quáng gà" của người đang yêu nên không nhìn ra, Mẫn liền chộp thời cơ đưa ra những lời khuyên cụ thể và tài tình và những lời khuyên đó bao giờ cũng đem lại những kết quả đáng giá khiến các chầu phở và hủ tiếu "đền ơn đáp nghĩa" cứ tăng dần theo năm tháng.

Một cách tự nhiên, càng ngày Mẫn càng cảm thấy gắn bó với chuyện tình của Chuyên và Nhiệm.

Dạo này, Nhiệm đã thôi đòi chiếm cứ khung cửa sổ mở sang nhà Sương nữa. Bây giờ, túc trực ở "vị trí chiến đấu" đó là Chuyên. Tiếng chổi quét sân sáng sớm của Sương lâu nay đã trở thành tiếng đồng hồ báo thức đối với anh.

Sau khi rửa mặt và diện quần áo tươm tất, Chuyên phóc lại bên cửa sổ ngó xuống, chờ Sương... ngó lên, cười một cái.

Sương biết tất cả những điều đó, nhưng không phải lúc nào cô cũng đáp lại sự chờ đợi của Chuyên. Những khi giận nhau với Chuyên (khi đã yêu nhau hình như con người ta lại giận nhau nhiều hơn!), Sương không thèm liếc lên cửa sổ lấy một cái. Mặc cho Chuyên huýt sáo, nhăn nhó, năn nỉ đủ kiểu, Sương vẫn cắm cúi quét sân, ra vẻ ta đây khoái nhìn... đống rác hơn là nhìn bản mặt Chuyên và sau khi kết thúc công việc, cô bỏ vào nhà một mạch, lạnh lùng, sắt đá, Chuyên đành thở dài quay vô.

Gặp những dịp "may mắn" như vậy, Nhiệm không bao giờ bỏ lỡ thời cơ bày tỏ sự "khó ưa" của mình. Anh reo lên khoái chí:

- Đã quá đã!

Và lập tức cao giọng ngâm thơ theo thói quen:

- "Chuyên" chỉ là người mơ ước thôi

Là người mơ ước hão, than ôi!

Bị Sương "tẩy chay", Chuyên đã phát cáu, giờ lại bị Nhiệm lấy thơ Thế Lữ ra "xỏ", Chuyên hầm hầm:

- Quá đủ rồi nghen! Tao không có chọc gì mày à!

Mặt Nhiệm vẫn nhơn nhơn:

- Chưa đủ đâu! Còn câu này của Chế Lan Viên nữa. Hay không thua gì câu kia: "Tôi có chờ đâu có đợi đâu. Đem chi "Chuyên" lại gợi thêm sầu. Với tôi..."

Nhiệm chưa đọc dứt câu, Chuyên đã cầm lên cái gạt tàn khiến Nhiệm vội vã chộp cuốn tập trên bàn phóng lẹ ra cửa, bỏ quên cả cây viết nằm giữa đống sách.

Nhưng những màn "giận nhau bên cửa sổ" như vậy xảy ra không nhiều. Thường thì cuộc đối thoại trong... tiếng chổi đệm của Chuyên và Sương diễn ra khá suôn sẻ, mặc dù xét cho cùng chẳng có gì hấp dẫn. Mẫn không biết trong những lần gặp nhau ở lớp học tiếng Anh ban đêm, Chuyên và Sương nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ "trữ tình" như thế nào, chứ còn những lúc... hẹn hò bên cửa sổ, hai người nói chuyện nghe phát chán.

Đại khái, Chuyên nói:

- Sáng nay trời mát quá hén Sương?

Sương đáp:

- Ừ.

- Mát hơn hôm qua nhiều.

- Chắc trời sắp mưa.

- Không mưa đâu!

- Biết đâu được!

Ngập ngừng một chút, Chuyên tiếp:

- Sáng nay Sương đi học không?

- Đi.

- Tôi cũng đi.

Những mẩu đối thoại vô duyên như vậy bao giờ cũng khiến Mẫn và Nhiệm che miệng cười hích hích. Nhưng Chuyên phớt lờ và tiếp tục say sưa "tâm sự" với người yêu: - Tôi tìm được cho Sương cuốn sách đó rồi.

- Cuốn "Những vì sao" hả?

- Ừ.

- Tìm đâu hay vậy?

- Tìm trong thư viện. Tôi đi khắp các thư viện trong thành phố mới tìm ra.

- Cực quá hén?

- Ừ, cực ghê!

Chuyên đang kể công ngon lành với Sương thì Nhiệm nhô đầu ra cửa sổ, phá bĩnh:

- Hắn xạo đó! Cuốn sách đó do thằng Mẫn mượn giùm!

Thoáng thấy Nhiệm nhào tới, Chuyên tính xô ra nhưng không kịp, mặt nhăn như khỉ. Còn Nhiệm sau khi chơi trò "thọc gậy bánh xe" liền rút lui vô giữa phòng, đứng cười hềnh hệch.

Chuyên quắc mắt:

- Chơi trò gì mất nết vậy mày? Nhiệm xoa xoa mái tóc rễ tre:

- Ai bảo mày lúc nào cũng chê tao ba hoa bốc phét! Bây giờ thấy mày bốc phét thì tao phải "chỉnh" chứ sao!

Chuyên phun nước bọt: - Chỉnh cái con khỉ! Lúc nào chỉnh chẳng được lại nhằm ngay lúc "mùi mẫn"...

Nhiệm trề môi:

- Mùi mẫn! Tụi mày nói chuyện với nhau cứ y như hai tên bị tâm thần, nghe chán ngắt mà kêu mùi mẫn!

Thêm Bình Luận