Chương 5

Chuyến này ra Bắc, tuy trước khi xuất phát đã dành ra đủ số ngày đi đường nhưng để bảo đảm tới kịp đại thọ 60 của Bùi lão phu nhân vào tháng sau, cả quá trình vẫn được tính toán rất chặt chẽ. Xuất phát từ bến cảng Tuyền Châu, đi đến gần đường biển, qua Phúc Châu, tới khi vào Giang Nam lại chuyển vào đường kênh rạch, sau đó đi thẳng tới kinh thành.

Mấy tháng trước, phu nhân Tống gia phái hai bà tử tâm phúc tới Chân gia Tuyền Châu, lần này hai bà cũng cùng về kinh.

Tuy Tống gia là thông gia với Bùi gia nhưng Chân gia gả con gái, sao nhà họ lại phái người đi cùng. Nhắc tới chuyện này, thật ra còn có một hồi chuyện cũ.

Trước kia nữ nhi Tống gia gả cho con thứ đại phòng Bùi gia - Bùi Tu Chỉ, mấy năm trước nàng ta bệnh chết, để lại nhi tử, nhũ danh là Toàn Nhi. Dưới gối Tống phu nhân chỉ có duy nhất một nữ nhi ruột thịt này, sau khi nữ nhi bất hạnh qua đời, bà ta đau lòng không thôi, càng yêu thương Toàn Nhi như mạng.

Chính trị nhiều phen thay đổi. Sau khi Thiếu đế mất, Thuận An vương làm Hoàng đế, vì có công ủng hộ nên Tống gia được Hoàng đế trọng dụng. Mấy năm nay địa vị nhà họ lên như gió lốc, quyền thế bức người, tạo thành tình cảnh đối lập với phủ Vệ Quốc công ngày càng sa sút.

Mấy năm nay Bùi lão phu nhân phủ Vệ Quốc công đã ru rú trong nhà, không màng thế sự. Trưởng tử Vệ Quốc công đã qua đời nhiều năm trước, nhị lão gia làm chức quan nhàn tản. Một bên là gia tộc mới nổi lừng lẫy, một bên là thế tộc đã xuống dốc, khó tránh khỏi Tống gia dần kiêu căng, bắt đầu bỏ qua lễ tiết. Tống phu nhân thường tới phủ Vệ Quốc công thăm Toàn Nhi, mỗi lần tới đây, điệu bộ mười phần, thiếu điều hô nô gọi tì. Trong lòng Tân phu nhân bất mãn nhưng nhi tử còn phải nhờ vào nhà thông gia dìu dắt nên bà ta chỉ có thể nén giận, tươi cười đối đáp.

Sau khi nhi tử mất vợ, Tân phu nhân liền tính toán việc đi bước nữa cho hắn. Nhưng hiện giờ Bùi gia không bằng trước, Tân đế không thích Bùi gia, người tinh mắt có ai không nhìn ra? Những nhà có quyền thế trong kinh thành ai chịu gả con gái tới, huống chi còn làm vợ kế.

Tân phu nhân chọn tới chọn lui, cuối cùng ánh mắt dừng lại ở Chân gia.

Người Chân gia và Mạnh thị nhị phòng có quan hệ thân thích, thời trẻ cũng có qua lại. Ngoại trừ dòng dõi không cao, những điều kiện còn lại xem ra đều rất thích hợp, nhi tử cũng rất vừa lòng với nữ nhi Chân gia kia. Nếu cưới được vào cửa, tuy không thể giúp ích nhiều cho con đường làm quan nhưng Chân gia có tiền, vừa đúng là thứ phủ Vệ Quốc công đang cần. Thật sự phủ Vệ Quốc công chỉ còn lại cái thùng rỗng, muốn duy trì vẻ hào nhoáng bên ngoài, mỗi năm thiếu hụt không ít tiền. Huống chi cưới thấp gả cao, với tình hình của nhà mình hiện giờ, so với cưới một con dâu mà mình phải nhìn sắc mặt nàng ta, còn không bằng cưới nữ nhi Chân gia vào cửa. Cho dù Bùi gia có lụn bại thì thân phận phủ Quốc công vẫn bày nơi đó, Chân gia có tiền đi nữa cũng phải cúi đầu với nhà mình.

Tân phu nhân tính toán việc hôn nhân, tất nhiên không giấu được Tống gia. Tuy Tống phu nhân cảm thấy không vui với việc con rể đi bước nữa nhưng tay bà có dài đến đâu cũng không quản nổi việc này. Sau khi hỏi thăm về Chân gia, bà ta xác định tương lai nữ nhi Chân gia này khó có thể gây bất lợi gì với cháu mình, cũng đành chấp nhận. Lại nghe người ta khuyên, bà ta tỏ ý nhận Gia Phù làm con gái nuôi, vừa là để lôi kéo Chân gia, cũng coi như bán cho Bùi Gia một cái ân tình.

Tống phu nhân địa vị cao quý muốn nhận Gia Phù làm con gái nuôi, tất nhiên Chân gia cảm kích vạn phần, lúc này mới có chuyện hai bà tử xuống phía Nam. Hai người đều là tâm phúc của Tống phu nhân, trong đó có Diệp ma ma là nhũ mẫu của Tống phu nhân. Hai tháng trước sau khi tới Tuyền Châu, bà ta cáo mượn oai hùm, "dạy dỗ" Gia Phù nữ giới nữ huấn.

Bản thân Mạnh phu nhân xuất thân từ nhà quan lại, phụ thân cũng từng làm quan to địa phương, sao có thể không hiểu điều này? Trong mắt Mạnh phu nhân, tướng mạo và tính cách của nữ nhi có kém khuê tú thế tộc trong kinh thành chút nào đâu? Chẳng qua Tống phu nhân mượn cơ hội lập uy, làm cho nữ nhi nhà mình hiểu rõ sau này gả đến cũng đừng mơ tưởng vượt mặt vợ trước mà thôi. Trong lòng Mạnh thị không vui nhưng trên mặt không dám lộ ra, ngược lại coi hai bà tử này như Bồ Tát, mỗi ngày chiêu đãi ăn ngon uống tốt.

Lần này ra Bắc, ngoại trừ lễ vật mừng thọ chuẩn bị cho Bùi lão phu nhân, trên thuyền còn mang theo một phần lễ vật hậu hĩnh cho Tống phu nhân, sừng tê, ngà voi, phỉ thúy, châu ngọc, tơ lụa, hương liệu, mỗi loại đều là hàng cao cấp nhất. Về phần hai bà tử này, sau khi lên thuyền bọn họ được xếp vào khoang tốt nhất, phái nha đầu hầu hạ, không dám có chút chậm trễ.

Đi được mấy ngày, hôm đó, thuyền đi tới Phúc Kiến, gặp sóng gió khá lớn. Bà tử họ Diệp không quen ngồi thuyền, lúc tới đã bị mệt nhọc, chuyến này trở về lại say sóng không khỏe. Gia Phù nghe nói, tự mình tới thăm, đi vào, thấy trên trán bà ta dán thuốc cao, nằm đó, môi trắng bệch, hai mắt thẫn thờ. Nàng gọi một tiếng ma ma, mặt lộ vẻ quan tâm, ngồi bên cạnh, giữ chặt tay Diệp ma ma, rơi nước mắt, nói: "Tất cả đều do ta nên ma ma mới phải chịu khổ, lòng ta thật sự áy náy, thà người chịu khổ là ta còn hơn."

Toàn bộ thịt cá mới ăn xong đều bị Diệp ma ma nôn ra, tới mức nôn ra cả mật vàng, bà ta không có sức lực, nói: "Tiểu thư biết ta vất vả là được rồi. Thật sự là vì muốn tốt cho người, mới đi từ xa tới phía Nam. Khổ sở lần này gặp phải, cả đời ta cộng lại cũng không bằng lần say sóng này."

Gia Phù không ngừng tự trách, nói rất nhiều lời hay. Trước khi đi, nàng đứng dậy nói: "Ma ma nghỉ ngơi cho khỏe, ta không quấy nhiễu người nữa. Người muốn ăn gì cứ căn dặn nha đầu, trên thuyền đều có cả. Ta không hiểu chuyện, lại chưa trải đời, chờ thân thể ma ma khỏe rồi ta còn mong ma ma dạy cho ta chút ít đạo lý."

Diệp ma ma thấy thái độ nàng khiêm tốn, luôn lấy bà ta làm trọng, vừa lòng, mũi ừ hử một tiếng xem như trả lời.

Gia Phù cũng không để bụng, dặn dò nha hoàn nhà mình phái tới cẩn thận chăm sóc ma ma. Dặn xong, nàng đứng dậy, không cẩn thận đánh rơi túi tiền xuống đất. Miệng túi vốn buộc không chặt, vừa buông lỏng, bên trong rơi ra một lá bùa màu vàng.

Trên người mang theo bùa bình an xin của chùa miếu vốn là chuyện quá bình thường nhưng dường như Gia Phù lại có chút hoảng loạn, thầy đồ rơi ra, vội khom người nhặt lên rồi nhanh chóng quay người đi, nhét lại túi tiền, nắm chặt trong lòng bàn tay. Lúc này nàng mới quay đầu, như không có chuyện gì xảy ra, ra khỏi khoang thuyền.

Đôi mắt Diệp ma ma vô cùng sắc bén. Tuy say sóng cả người choáng váng không dậy nổi nhưng lá bùa rơi ra cùng với cử chỉ khác thường của Gia Phù làm sao thoát khỏi đôi mắt của bà.

Lần này bà không từ chối chuyến đi xuống Nam vất vả, ngoài lập uy ra, bà còn gánh vác một trọng trách khác, đó chính là âm thầm quan sát nữ nhi Chân gia thay Tống phu nhân, xem nàng có giấu mưu đồ không. Lúc trước Gia Phù vẫn luôn vâng vâng dạ dạ, nhìn không giống người mưu mô. Hơn nữa nhược điểm là địa vị nhà mẹ đẻ không cao, nữ tử như vậy, dù gả vào Bùi gia làm mẹ kế của Toàn Nhi, ngày sau cũng không gây được sóng gió gì. Diệp ma ma vốn đã yên tâm nhưng giờ phút này lại nổi lên chút nghi ngờ, nhìn chằm chằm bóng dáng Gia Phù rời khỏi khoang thuyền. Bà ta kêu nha đầu ra ngoài, chỉ để lại một mình nha đầu Tố Hinh mà mình dẫn theo, thấp giọng thì thầm vài câu. Tố Hinh gật đầu rồi đi theo ra ngoài.

Đúng lúc Mạnh phu nhân cũng tới thăm Diệp ma ma, trên đường gặp Gia Phù đi ra. Gia Phù nói: "Ma ma mới vừa ngủ, mẹ đừng tới quấy nhiễu bà ấy."

Mạnh phu nhân biết nữ nhi vừa tới thăm, gật đầu nói: "Cũng được, lát nữa mẹ lại tới thăm bà ấy."

Gia Phù hơi quay đầu, khóe mắt thoáng nhìn Tố Hinh lén lút nhìn ngó dáo dác ở phía sau. Nàng làm bộ như không phát hiện, đỡ tay Mạnh phu nhân, dẫn bà tới lan can trước mạn thuyền. Hai mẹ con tựa lan can, trò chuyện.

Mạnh phu nhân cảm thấy nữ nhi có chút khác thường, cười nói: "Sao vậy? Có chuyện muốn nói à?"

Gia Phù thu lại gương mặt tươi cười, thoáng nâng cao giọng, nói: "Mẹ, đằng trước chính là đảo Phúc Minh, ngày mai là có thể tới đó. Con nghe nói trên đảo có chùa Quan Âm, con muốn đi bái lạy một lần."

Quan Âm trong chùa Quan Âm từ bi, nổi danh bên ngoài, tuy phải vượt biển nửa ngày mới đến nhưng mỗi ngày đều có thiện nam tín nữ lên đảo, hoặc là cầu nguyện, hoặc là lễ tạ thần. Mỗi năm đến hội dâng hương càng có vô số phụ nữ cùng nhau vượt biển đến điện Quan Âm thắp hương cúng bái, phần nhiều là cầu con, nghe nói cực kỳ linh nghiệm. Mạnh phu nhân cũng từng nghe nói, chợt nghe nữ nhi nhắc đến, bà ngẩn ra, sau đó hiểu ngay.

Bà rất vừa lòng với con rể Bùi Tu Chỉ nhưng mỗi khi nghĩ đến vừa vào cửa đã có sẵn một người con chồng, nghe nói đứa nhỏ kia có chút bướng bỉnh, phu nhân Tống gia lại lợi hại, trong lòng bà lại buồn rầu. Bà mong sau khi nữ nhi gả vào đó có thể thuận lợi sinh hạ một đứa con của chính mình, sớm ngày đứng vững gót chân. Đã đi ngang qua đó, nữ nhi lại nói vậy, có lý gì bà không đồng ý chứ? Bà nói: "Cũng được, mẹ đi nói một tiếng, ngày mai chúng ta dừng ở đảo Phúc Minh, mẹ đi lên cùng con. Chỉ là..."

Bà quay đầu nhìn về phía sau, đuổi nha đầu đi theo phía sau, rồi mới thấp giọng nói: "Tốt nhất đừng để Tống ma ma biết, tránh sinh thêm thị phi."

Gia Phù gật đầu: "Con nghe theo mẹ."

Mạnh phu nhân đưa nữ nhi về khoang thuyền, bản thân đi tìm quản sự nói chuyện ngày mai dừng ở đảo Phúc Minh. Vừa rồi Tố Hinh trốn bên cạnh, đã nghe rõ ràng đối thoại của hai mẹ con nàng, lặng lẽ trở về nói với Diệp ma ma. Diệp ma ma hơi trầm ngâm, cũng đoán được, cười lạnh: "Nha đầu mưu tính hay lắm, trước mặt ta không lộ ra nửa điểm thế nhưng xoay người lại đã nổi lên ý tưởng sinh con! Thật đúng là không biết xấu hổ, đây còn chưa qua cửa mà đã nổi lên tính toán này! Nàng ta xúi giục mẫu thân nàng ta lên đảo, chắc chắn ngày mai sẽ không cho chúng ta biết, cứ nhìn mà xem."

Tới ngày hôm sau, quả nhiên thuyền lớn của Chân gia dừng ở đảo Phúc Minh, nói là lên bờ mua thêm chút lương thực. Diệp ma ma căn dặn một gã sai vặt lanh lợi của nhà mình âm thầm quan sát mẹ con Chân gia, xem hướng đi của các nàng, trở về báo cáo toàn bộ mỗi một lời nói, hành động của bọn họ cho mình. Gã sai vặt nhận lệnh, theo đuôi đoàn người Mạnh phu nhân, lặng lẽ xuống thuyền.

Mạnh phu nhân thật lòng bái phật, dẫn nữ nhi tới trước đại điện chùa Quan Âm, thành kính cầu nguyện. Bà quyên góp một khoản tiền nhang đèn không nhỏ, đổi lấy một lá bùa đã được làm phép, trịnh trọng đặt vào túi tiền của nữ nhi, dặn dò nàng mang theo bên mình. Lúc này, hai mẹ con mới rời khỏi đại điện, tiếp tục lên đường.

Gã sai vặt cũng trở về thuyền, kể toàn bộ sự việc đã chứng kiến cho Diệp ma ma: "Nô tài thấy bọn họ vào điện Quan Âm, xin một lá bùa rồi sau đó trở về luôn."

Trong lòng Diệp ma ma đã sáng trưng như gương sáng, thưởng gã sai vặt mấy đồng rồi đuổi đi, nói với bà mụ mà khác đi cùng: "Nhìn xem, cuối cùng Chân gia cũng lộ đuôi cáo rồi. Cũng may ta đã dự liệu trước, nếu không suýt chút nữa bị nha đầu kia lừa!"

Bà mụ kia luôn miệng nịnh hót. Trong lòng Diệp ma ma đắc ý, cũng không còn say sóng, tinh thần đặc biệt hưng phấn: "Chúng ta cần nhanh chóng báo cho phu nhân biết mới được. Nha đầu Chân gia này ngoài mặt tốt lành, đúng là hồ ly quyến rũ người ta, bụng đầy toan tính. Toàn Nhi rơi vào tay nàng ta sao có thể yên ổn?"

Ngày hôm sau, Mạnh phu nhân lại dẫn theo Gia Phù đến thăm Diệp ma ma. Ngoài mặt Diệp ma ma không để lộ ra chút nào, trong lòng càng âm thầm để ý nữ nhi Chân gia, càng nhìn càng cảm thấy mỗi lời nói hành động của nàng đều tràn đầy mưu mô. Bà ta không nói ra mà lại hiền hòa, khách sáo hơn trước, trong lòng lại chỉ hận không thể đến kinh thành càng sớm càng tốt.

Mạnh phu nhân hoàn toàn chẳng hay biết gì, không hề biết nguyên nhân sâu xa trong đó, chỉ thấy thái độ của Diệp ma ma với con gái rất tốt, còn tưởng rằng bà ta cảm động vì con gái nhà mình ân cần thăm bệnh. Trong lòng bà cũng yên tâm hơn.

Gia Phù thản nhiên, miệng nói chuyện với Diệp ma ma càng thêm ngọt ngào, như thể không có chuyện gì xảy ra. Cuối cùng ngày hôm nay, bọn họ đã thuận lợi tiến vào đường sông trong kinh thành, ngày mai là có thể lên bờ.

Ban đêm, Mạnh phu nhân dẫn theo con gái, cố ý đi tìm Diệp ma ma. Bà đuổi người ra ngoài, trò chuyện vài câu rồi đưa ra một túi tiền, cười nói: "Thời gian này thật sự làm phiền ma ma. Chút thành ý nho nhỏ không bày tỏ hết được lòng tôn kính, mong ma ma vui lòng nhận cho. Bên trong có một cái lớn hơn tự ma ma giữ lấy, còn lại chút bạc vụn xin phiền ma ma chia cho đám người dưới, mọi người đều vất vả rồi."

Gia Phù đi theo phía sau mẫu thân, đỏ mặt, cúi đầu, xấu hổ nói: "Tới kinh thành rồi, bên phía mẹ nuôi còn mong ma ma nói giúp mấy lời hay.

Diệp ma ma nhận lấy túi tiền, nắn thử, biết bên trong là ngân phiếu, miệng vui vẻ đồng ý, thân mật tiễn mẹ con Chân gia. Sau đó bà ta đóng cửa, mở túi tiền, lấy hai tấm ngân phiếu bên trong ra. Thấy một tấm ngân phiếu trị giá hai mươi lượng bạc, một tấm khác mười lượng, bà ta hoàn toàn thất vọng, cười lạnh một tiếng, bĩu môi: "Ta còn tưởng hào phóng thế nào, hai mươi lượng đã muốn bịt miệng ta? Làm khó các ngươi chi ra. Đúng là gia đình bình dân, cũng chỉ có chút kiến thức hạn hẹp như vậy."

Mạnh phu nhân nằm mơ cũng không ngờ hai tấm ngân phiếu mình chuẩn bị trong túi tiền đã bị con gái lặng lẽ thay đổi, chỉ nghĩ bà mụ kia nhận của mình năm trăm lượng, trước mặt Tống phu nhân dù không nói lời hay cũng không nói điều bất lợi. Bà đưa Gia Phù về khoang rồi an tâm rời đi.

Ngày hôm đó là ngày cuối thu năm Vĩnh Hi thứ ba, người Chân gia tới kinh thành.

Đây cũng là lần nữa Gia Phù trở lại kinh thành sau ba năm sau xa cách.

Trên bến tàu, ngựa xe như nước, rộn ràng náo nhiệt. Chẳng những quản sự Chân gia phái tới kinh thành dẫn theo một đám hạ nhân tới đón chủ mẫu, công tử và tiểu thư, người phủ Vệ Quốc công cũng tới.

Mạnh phu nhân biết sáng sớm Bạch Tu Chỉ tự mình tới bến tàu đợi người, trong lòng vui mừng, nắm tay con gái chuẩn bị rời thuyền. Bà lại phát hiện tay con gái hơi lạnh, nhéo tay con gái, thấp giọng nói: "Đừng sợ, mẹ đã chuẩn bị ổn thỏa cả rồi, chắc chắn mọi chuyện sẽ thuận lợi, con cứ yên tâm chờ xuất giá là được."