Chương 1: Lao lực

Thịnh An năm nay vừa tròn hai mươi tám tuổi, dáng người thon dài có hơi mảnh khảnh. Cậu bị cận nặng, mắt kính phải dày cỡ đáy bình gốm sứ, dù rất muốn đi mổ mắt nhưng ví tiền thủng đáy không cho phép khoa học công nghệ can thiệp vào cửa sổ tâm hồn của cậu. Sau sáu năm cống hiến cho trường đại học, thêm hai năm làm bác sĩ nội trú ở bệnh viện đa khoa quận, Thịnh An cuối cùng cũng trở thành bác sĩ chính thức khoa Cấp cứu. Cuộc sống từ nhộn nhịp, đông đúc, ồn ào trở thành càng nhộn nhịp, càng đông đúc, càng ồn ào.

Phòng Cấp cứu, nơi con người đối diện gần như là trực tiếp với tử thần. Bác sĩ ở đây dù không kịp thở vẫn phải chạy, chạy vượt qua cả công suất của bản thân để giành giật chút sự sống cho bệnh nhân, dù chỉ là không phẩy không vô cực phần trăm cũng phải cố gắng. Thịnh An từ khi còn làm bác sĩ nội trú đã chạy, ngày ngày chạy đến ù tai, mắt hoa chân nhũn cũng phải tự xốc bản thân lên mà tiếp tục.

Hôm nay vẫn là một ngày bận rộn của chàng bác sĩ trẻ. Thịnh An vừa gặm hết miếng bánh mì được bác lao công cho thì đã thấy thông báo có ca nguy cấp. Cậu không kịp uống miếng nước, vội nhét tờ giấy gói bánh mì vào thùng rác rồi vừa chạy vừa mặc áo blouse, biến mất ở khúc quanh của hành lang. Từ xa, tiếng còi xe cấp cứu như tiếng chuông đòi mạng mỗi lúc một gần. Băng ca được đưa xuống, nạn nhân máu me be bét đang chụp ống oxi đã bất tỉnh nhân sự từ lâu. Thịnh An đeo khẩu trang lên, cầm hộp đồ sơ cứu được y tá đưa cho, nhanh như cắt leo phốc lên băng ca. Cậu cầm lấy cánh tay trắng bệch của nạn nhân, trên đó bọc kín bằng vải nhưng vẫn có máu đang rỉ ra ướt đẫm. Là tình trạng máu loãng không đông sao? Cậu bác sĩ lấy dụng cụ, khẩn trương cầm máu rồi khử trùng, đồng thời sợ hãi nhìn miệng vết thương sâu hoắm trên cổ tay gầy nhom của người đang bất tỉnh kia. Xem ra là muốn đi chầu ông bà lắm rồi, nhìn vết cắt vừa ngọt vừa sâu này xem.

Khi Thịnh An cầm được máu cho nạn nhân xong thì cũng đã vào tới phòng Cấp cứu. Sau khi đưa bệnh nhân lên giường phẫu thuật, cậu nhanh chóng khâu lại vết thương, chẩn đoán và ra lệnh truyền máu khẩn cấp. Cậu thuần thục thay ống oxy cho người nằm trên giường, nhưng vừa nhìn thấy gương mặt đang nhắm nghiền mắt kia lại không khỏi giật mình. Trông rất quen mắt, vì người đó giống Thịnh An như đúc, hoặc nói đúng hơn là một phiên bản ốm o gầy mòn của cậu. Hai má hóp sâu, quầng mắt trũng thâm quầng, cả người suy nhược. Cậu bác sĩ không nhịn được tặc lưỡi một tiếng. Tính ra Thịnh An cày như trâu mà còn không thảm thế này luôn đấy! Nhưng mà, sao lại có thể giống nhau thế này chứ?

Cô y tá vừa mang thông tin bệnh nhân đi vào cũng không khỏi hoang mang: “Đây là anh em song sinh của anh à bác sĩ An?”

Thịnh An bối rối: “Tôi làm gì có anh em nào? Với cậu này nhìn còn nhỏ mà phải không?” Cậu vừa nói vừa cầm tài liệu lật mở xem.

Đúng thật là bệnh nhân vẫn còn nhỏ lắm, mới mười tám tuổi. Càng đọc hồ sơ bệnh nhân, Thịnh An càng cảm thấy kì lạ. Chàng trai ốm yếu kia cũng tên là Thịnh An, nhưng khác họ với cậu. Nếu cho đây là sự tình cờ thì có hơi khó tin một chút. Không thể nói hai người là song sinh thất lạc được, vì có chung năm sinh đâu, lại còn cách nhau tận mười tuổi thì không cách nào khai gian tuổi một trong hai được.

Rối rắm là thế, nhưng bác sĩ thì vẫn phải cứu người. Lục tục truyền máu cho chàng nhỏ ‘Thịnh An’ được một nửa thì phát hiện ngân hàng máu hiếm không đủ, đành phải nhờ bên đấy kêu gọi hiến thêm. Nhưng tiên lượng của bệnh nhân lại xấu đi, thật sự rất cần máu. Thịnh An xoay xoay một lát chợt nhớ ra là mình mang nhóm máu O, có thể truyền cho các nhóm máu khác. Không kịp nghĩ thêm gì, cậu liền chạy ngay đến khoa truyền máu để kiểm tra. Một lần hiến máu này muốn lấy luôn nửa cái mạng của bác sĩ An, xem ra cậu cũng không khỏe như mình nghĩ.

Thịnh An tay giữ bông y tế chỗ ven máu, thất tha thất thểu quay về phòng bệnh. Cảm giác chóng mặt mỗi lúc một nhiều, cả người lung lay sắp đổ. Hình như cậu bị kiệt sức rồi, bác sĩ An tự chuẩn đoán cho bản thân rồi tự bật cười. Đêm qua mình ngủ được mấy tiếng nhỉ? Hình như hôm nay chỉ mới ăn có một cái bánh mì. Con người mấy ngày không uống nước thì sẽ ngủm nhỉ, sao tự dưng quên mất kiến thức này rồi! Những suy nghĩ miên man cứ lần lượt trôi lềnh bềnh trong đầu khiến Thịnh An đang chóng mặt càng thêm hoa mắt. Không gian từ từ trở nên méo mó, tủ giường bàn ghế vặn vẹo, đèn trên trần từ trắng bệch trở nên vàng đυ.c. Phựt! Mọi thứ tối sầm đi, Thịnh An không còn suy nghĩ được gì nữa, cơ thể như con rối bị đứt dây, cứ thế ngã xuống. Không biết vừa khéo thế nào, cậu bác sĩ lại đổ ầm lên giường bệnh của chàng nhỏ ‘Thịnh An’, nửa người trên úp sấp bên cạnh cậu bé.

Cô y tá trực nghe âm thanh đổ vỡ vội chạy vào thì đã thấy bác sĩ Thịnh An ngất bên giường bệnh. Phòng cấp cứu lại càng thêm rối ren.

Thịnh An cảm giác mình đang lơ lửng. Không biết tại sao cậu lại có cảm giác kì lạ như vậy, nhưng đúng hai chân cậu không chạm đất thật. Mọi thứ xung quanh không phải là phòng bệnh như lúc Thịnh An ngất đi, cứ như đang bay giữa sương mù không có điểm dừng. Con người thời đại tiên tiến di chuyển dựa vào trọng lực khiến cậu bác sĩ bất lực với trạng thái ‘bay’ của mình. Là tình trạng quái quỷ gì thế này?

Như là có ai đó nghe thấy mấy câu oán giận trong lòng Thịnh An, không gian đột nhiên tối sầm, rồi lóe sáng chói mắt. Cậu không chịu nổi mà phải dùng hai tay che mặt. Bất thình lình, một giọng nói yếu ớt văng vẳng bên tai cậu bác sĩ, như gần như xa, lại như từ trong tâm trí cậu phát ra: “Anh ơi, giúp em đi… Anh ơi, em đi trước… Anh ơi, em vô dụng… Anh ơi, cuộc sống này nhờ anh… Anh ơi,…”

“Ai đó?” Thịnh An hơi sợ, vội hét lên.

“Anh ơi, cuộc sống này nhờ anh… Anh ơi, em đi trước… Anh ơi, anh giúp em sống tiếp nhé… Anh ơi…” Âm thanh mỗi lúc một nhỏ, rồi biến mất.

Bóng tối lại ập đến, kèm thêm cơn đau như búa bổ lên đầu khiến Thịnh An không kịp phản ứng mà hét lên thê lương. Trong đầu đột nhiên chen chúc một loạt hình ảnh xa lạ, như thước phim màu mà cậu là người ở tận hiện trường đứng xem. Từ lúc tầm nhìn còn ở ngang bắp chân người khác đến lúc cậu cao ngang tầm mắt những người xung quanh. Có người gọi cậu là ‘Thịnh An’, giọng nam giọng nữ đều có. Cậu nghe thấy bản thân mình nói chuyện, từ giọng sữa non nớt đến thời kì dậy thì vỡ giọng, từ lúc vui vẻ trong sáng đến lúc âm u trầm cảm. Cậu thấy mình sống trong một ngôi biệt thự lớn, không phải căn nhà nhỏ của ông bà. Trong biệt thự có ‘ba mẹ’, ‘anh hai’, ‘anh ba’, ‘chị bốn’. Sau đó ‘ba mẹ’ bị tai nạn mất, cậu khóc ngất đi trong vòng tay ‘anh ba’. Hóa ra cảm giác được nâng niu là thế, ngày mà ba mẹ trước kia mất, Thịnh An còn nhỏ xíu không có chút kí ức nào. Nhưng hôm ông bà lần lượt ra đi, Thịnh An chỉ có một mình chống đỡ mọi thứ, không có ai ở bên cạnh, không có cái ôm ấm áp, càng không rơi nổi một giọt nước mắt, vì cậu còn phải lo lắng cho hậu sự nữa. Cậu bác sĩ cứ đứng xem kí ức xa lạ kia, đến tận lúc thấy chàng trai nhỏ ốm yếu ngồi co ro trong nhà vệ sinh sau khi bị bạn bè ở trường gọi là ‘đồ phiền phức’, chậm rãi cầm lấy con dao gọt hoa quả bén ngót, dứt khoát rạch một đường lên cổ tay. Nhát này vừa nhanh vừa mạnh, máu tươi phụt ra như pháo hoa bung nở trên bầu trời, vừa chói mắt vừa tang thương. Thịnh An giật mình, cậu dường như cảm nhận được cơn đau trên cổ tay mình, mỗi lúc một lan rộng ra khắp cơ thể. Sau đó, những thước phim biến mất như thủy triều rút song, trả lại mọi thứ cho bóng tối vô tận. Thịnh An không còn biết gì nữa. Cậu hoàn toàn đắm mình vào màn đen không lối thoát.