Tam Quốc Chí

5.66/10 trên tổng số 29 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Tam Quốc chí là một sử liệu chính thức và có căn cứ về thời đại Tam Quốc của Trung Quốc. Bộ sách do Trần Thọ biên soạn vào thế kỷ thứ 3. Đây là căn cứ sử liệu để La Quán Trung sáng tạo nên Tam Quốc di …
Xem Thêm

Tướng ở Bắc Hải là Khổng Dung nghe chuyện cho là Từ có tài, mấy lần phái người tới thăm hỏi mẹ Từ, mỗi lần đến đều tặng quà. Bấy giờ vì bị Hoàng Cân đến cướp bóc, Dung đem binh ra đồn trú ở Đô Xương, bị giặc là Quản Hợi vây ở đó. Từ từ Liêu Đông trở về, người mẹ bảo Từ rằng: "Mày và Khổng Bắc Hải chưa từng tương kiến, sau khi mày đi, ông ấy giúp đỡ mẹ rất ân cần, còn hơn cả bạn bè cũ, nay ông ấy đang bị giặc vây, mày nên đến chỗ ông ấy." Từ ở lại ba ngày, rồi một mình đi bộ theo đường tắt tới Đô Xương. Bấy giờ vòng vây còn chưa kín, trong đêm Từ rình lúc địch sơ hở, đột nhập vào diện kiến Dung, nhân đó xin binh ra chém giặc. Dung không nghe, có ý đợi quân ngoài tới cứu. Chờ mãi không thấy ai đến, mà vòng vây ngày càng chặt. Dung muốn cáo cấp với Bình Nguyên tướng Lưu Bị, trong thành không có ai biết cách ra khỏi thành, Từ tự mình xin đi. Dung nói: "Nay giặc vây rất chặt, chúng nhân đều nói không thể đi được, dũng khí của khanh tuy mạnh, nhưng không phải quá mạo hiểm sao?" Từ thưa rằng: "Trước đây phủ quân dốc lòng với mẹ tôi, mẹ tôi rất cảm kích sự hậu đãi ấy, sai Từ mau chóng đến chỗ phủ quân, cố nhiên vì cho rằng Từ có chỗ hữu dụng, mà đến hẳn sẽ có ích vậy. Nay chúng nhân đều nói không thể đi, Từ tôi cũng nói không thể, há để cái ân nghĩa phủ quân đã đoái hoài, cái ý phái Từ đi của lão mẫu là bỏ đi sao? việc đã gấp lắm rồi, xin phủ quân không nên ngờ sợ nữa." Dung mới đồng ý. Từ liền chuẩn bị hành trang, ăn uống no nê, chờ đến sáng, đeo túi cung tên lên ngựa, dẫn theo hai tên lính kỵ đi theo, mỗi tên cầm một tấm bia, mở cửa thành xông thẳng ra ngoài. Bọn giặc vây ở bên ngoài đều kinh hãi, lập tức hỗ trợ nhau phòng bị. Từ dấn ngựa đến hào luỹ dưới thành, hai tên lính nhất loạt cắm bia, Từ bắn tên vào bia, bắn xong, bèn quay vào thành. Sớm hôm sau lại làm như thế, giặc vây thành kẻ đứng người nằm, Từ lại dựng bia, bắn xong, lại quay vào thành. Sớm hôm sau nữa lại ra làm như thế, quân giặc không ai đứng dậy cả, đột nhiên Từ vung roi

ngựa xông thẳng vào vòng vây chạy đi. Quân giặc bên kia hiểu ra, Từ đã vượt đi rồi, lại còn bắn gϊếŧ mấy người, chúng đều ngã lộn nhào, cho nên không kẻ nào dám đuổi theo. Từ đến Bình Nguyên, nói với Bị rằng: "Từ, là kẻ thô bỉ ở Đông Lai, cùng với Khổng Bắc Hải vốn chẳng phải là cốt nhục, cũng chẳng cùng quê quán, chỉ vì chí khí tương hợp, nên vì nghĩa mà chia tai vạ chung hoạn nạn. Nay Quản Hợi làm loạn, Bắc Hải bị vây, cô độc khốn cùng, không quân cứu viện, nguy hiểm một sớm một chiều. Bởi ngài có tiếng là người nhân nghĩa, có thể cứu giúp nguy nan cho người khác, cho nên Bắc Hải thành tâm thành ý, nghểnh cổ ngóng ngài, sai Từ này mạo hiểm tay không, đột phá vòng vây, từ trong muôn chết tới phó thác nơi ngài, mong ngài xoi xét." Bị nghe xong cung kính nói: "Khổng Bắc Hải biết trên thế gian này có Lưu Bị sao?" Rồi lập tức phái ba nghìn tinh binh đi theo Từ. Quân giặc nghe tin có quân tới, giải vây bỏ chạy tứ tung. Dung được cứu, lại càng quý trọng tài của Từ hơn, nói: "Khanh là người bạn trẻ của ta vậy." Xong việc, Từ quay về bẩm báo với mẹ mình, mẹ Từ nói: "Ta mừng là mày báo đáp được Khổng Bắc Hải vậy."

Thứ sử Dương châu là Lưu Do và Thái Sử Từ là người cùng quận, Từ từ Liêu Đông trở về, chưa cùng tương kiến, không lâu sau Từ qua sông tới Khúc A gặp mặt Do, lúc chưa rời đi, vừa gặp Tôn Sách đến. Có kẻ khuyên Do có thể cho Từ làm Đại tướng quân, Do nói: "Ta nếu dùng Tử Nghĩa, chẳng phải là Hứa Tử Tương sẽ cười ta sao?" Rồi chỉ phái Từ đi trinh thám xem địch nặng nhẹ thế nào. Có lần Từ và một lính kỵ đột nhiên gặp Sách. Đi theo Sách có ba chục quân kỵ, gồm bọn Hàn Đương, Tống Khiêm, Hoàng Cái. Từ liền tiến lên giao đấu, đối diện thẳng với Sách. Sách đâm ngựa của Từ, chụp được đầu ngọn kích của Từ, Từ cũng đoạt được mũ trụ của Sách. Lúc quân kỵ của cả hai bên đều kéo đến, hai người mới buông nhau ra.

Từ và Do cùng chạy trốn về Dự Chương, rồi lánh đến Vu Hồ, trốn ở trong núi, tự xưng là Thái thú Đan Dương. Bấy giờ, Sách đã bình định được phía đông Tuyên Thành, duy chỉ còn sáu huyện ở phía tây Kinh huyện là chưa chịu phục. Từ nhân đó tiến đến giữ Kinh huyện, lập đồn phủ, phần lớn dân chúng Sơn Việt đến nương nhờ. Sách thân chinh đến đánh dẹp, bắt giữ được Từ. Sách lập tức cho cởi trói, nắm tay Từ nói: "Ngươi có nhớ cái lúc ở Thần Đình chăng? Nếu ngươi bắt được ta lúc ấy ngươi sẽ làm gì?" Từ đáp: "Cũng chưa biết thế nào." Sách cả cười nói: "Việc thiên hạ hôm nay, ta cần phải cùng với khanh chung sức."

[Ngô Lịch chép rằng: Từ thua trận ở Thần Đình, bị Sách bắt giữ. Sách vốn nghe danh của Từ, lập tức cởi trói xin ý kiến, tư vấn cho cái thuật đánh giữ. Từ thưa rằng: "Phá quân bắt tướng, chưa phải là đã xong việc." Sách nói: "Xưa kia Hàn Tín dùng kế sách của Quảng Vũ quân, nay Sách tôi muốn dứt bỏ điều nghi hoặc của bậc nhân giả, ngài có ý gì chăng(1)?" Từ nói: "Quân sĩ ở châu này mới bị phá, lòng quân li tán, nếu đã chia lìa, khó mà tập hợp lại được; tôi xin đi tuyên rõ ân đức để yên bụng chúng, sợ rằng chẳng hợp tôn ý." Sách quỳ dài đáp rằng: "Thực đúng với lòng mong ước của ta vậy. Giữa trưa ngày mai, mong ngài về đây cho." Chư tướng đều nghi hoặc, Sách nói: "Thái Sử Tử Nghĩa, là danh sĩ ở Thanh châu, lấy tín nghĩa làm đầu, nhất định không lừa dối Sách." Sáng hôm sau, Sách cho mời hết chư tướng đến, bày sẵn rượu thịt, sai dựng một cây tre để coi bóng. Đúng giữa trưa thì Từ đến, Sách cả mừng, từ đó thường cùng nhau tham luận mọi việc quân cơ.]

[Thần Tùng Chi xét; Ngô Lịch nói Từ thua trận ở Thần Đình, bị Sách bắt được, cùng với bổn truyện quá khác thường, ngờ là lầm lẫn nói xằng.]

[Giang Biểu truyện chép: Sách hỏi Từ rằng: "Nghe nói trước kia khanh vì quan Thái thú mà cướp

tấu chương của quan châu, rồi chạy đến chỗ Văn Cử(2), mời được Huyền Đức, đều là những việc nghĩa sáng ngời, là trí sĩ thiên hạ vậy, chỉ vì chưa gặp được người để thác thân. Bắn trúng thắt lưng rách áo người ta, người xưa chẳng hiềm nghi(3). Cô nhận khanh là tri kỷ, chớ lo không được như ý nhé." Rồi đi ra truyền rằng: "Rồng muốn bay lên cao, trên đầu cần phải có "xích mộc"(4)."]

Rồi Sách lập cho ngay Từ tạm giữ chức Môn hạ đốc, quay về đến Ngô quận giao cho Từ cầm binh, bái làm Chiết xung Trung lang tướng. Về sau Lưu Do mất ở Dự Chương, sĩ chúng hơn vạn người chưa có chỗ nương tựa, Sách lệnh cho Từ tới vỗ yên.

[Giang Biểu truyện chép: Sách bảo Từ rằng: "Lưu mục trước đây trách Cô vì họ Viên tấn công Lư Giang, ý tứ rất khinh bỉ, suy luận chẳng thiếu thứ gì. Sao nhỉ? Binh sĩ thủ hạ của tiên quân(5) có mấy nghìn người, ở hết chỗ Công Lộ. Cái chí của cô ở chỗ lập sự, chẳng thể nào không khuất thân với Công Lộ, cầu cạnh lấy số binh cũ, đi lại mãi mới được có hơn nghìn người thôi. Nhân lúc Công Lộ lệnh cho Cô tấn công Lư Giang, việc lúc ấy là tình thế, không thể không đi được. Chỉ vì Công Lộ sau này không tuân theo tiết tháo của kẻ bầy tôi, tự vứt bỏ thân phận thần tử làm việc gian tà tiếm hiệu, Cô can gián không nghe. Bậc trượng phu giao kết với nhau vì nghĩa khí, đã cẩu thả với việc lớn, chẳng thể không chia lìa, việc giao kết, cầu cạnh và tuyệt tình của Cô với Công Lộ ngọn ngành là như thế. Nay Lưu Do đã chết mất rồi, Cô hận chẳng kịp cùng với ông ấy tranh luận biện bác lúc sinh thời. Bây giờ con nhỏ của ông ấy còn ở Dự Chương, chẳng biết Hoa Tử Ngư(6) đãi ngộ chúng ra sao, việc này Cô lại miễn cưỡng trông cậy vào khanh được không? Khanh là người ở châu này, trước lại làm Tòng sự, Cô nhờ khanh qua đó trông nom con nhỏ của ông ấy, kết hợp với việc tuyên bảo rõ ý của Cô với bộ khúc của ông ấy. Đám bộ khúc ấy ai thích thì đến giúp ta, ai không thích đến thì vỗ yên họ. Lại quan sát xem Tử Ngư ở đó làm chức mục cai trị địa phương như thế nào, xem nhân dân ở Lư Lăng, Bà Dương có thân gần giúp đỡ ông ấy không? Binh sĩ thủ hạ của khanh, nên đem theo nhiều hay ít, xin cứ tuỳ ý." Từ thưa rằng: "Từ có tội không thể tha được, tướng quân độ lượng giống như Hoàn, Văn, đãi ngộ quá với lòng mong mỏi. Cổ nhân nói được sống thì lấy cái chết để báo ơn, ắt là nói đến việc báo đáp hết lòng, đến chết mới thôi. Nay tất cả binh sĩ đang nghỉ ngơi, binh lính chẳng nên dùng nhiều, Từ chỉ đem mấy chục người, là đủ để qua đó rồi quay về.]

Thêm Bình Luận