Chương 47-3: Hữu Kinh Vô Hiểm

"Thế tử, dạo gần đây Kinh Thành đồn đại, Vương gia dường như mắc bệnh nặng."

"Cô có nghe qua." Chu Cao Sí đúng lúc lộ ra vẻ lo lắng: "Cô ở Nam Kinh, cũng không biết... hỡi ôi!"

"Thuộc hạ to gan, Thế tử, Quận vương và Tam Công tử đều là hiếu tử, Vương gia bệnh nặng, nhất định sẽ nóng lòng như lửa đốt, tấu xin Hoàng đế trở về Bắc Bình hầu hạ, chẳng phải sẽ thuận lý thành chương sao?”

Chu Cao Sí dừng bước: "Ý ngươi là?"

"Bàn về đại nghĩa, hiếu đạo lớn hơn trời, Hoàng đế nhất định có thể thấu hiểu cho ba huynh đệ Thế tử."

Mạnh Thanh Hòa nói đến điểm mấu chốt là dừng, hắn hiểu rõ, chỉ như vậy cũng không đủ để Kiến Văn đế thả người, những khía cạnh cần bổ sung, Chu Cao Sí sẽ tự thông suốt.

Làm thuộc hạ phải thông minh, có thể lo lắng cho cấp trên. Nhưng không thể quá thông minh, nhất là xã hội phong kiến đậm chất quân quyền này, càng nổi bật thì càng ngã nhanh, cụ thể có thể tham khảo Giải Tấn, Giải đại tài tử.

Chu Cao Sí dừng chân, đứng lặng người trong vườn, chìm vào suy tư.

Mạnh Thanh Hòa lùi lại một bước, không gây chút tiếng gió.

Hồi lâu sau, Chu Cao Sí thở dài một hơi: "Mạnh Bách Hộ quả nhiên là đại tài, Cô thay mặt huynh đệ, ở đây tạ ơn ngươi.”

"Đây là việc thuộc hạ nên làm, không đáng để Thế tử khen ngợi như vậy."

"Đáng được." Viên đá lớn đè nặng trong lòng mấy ngày nay, phảng phất trong một đêm đã nhẹ đi rất nhiều, trên mặt Chu Cao Sí lại nở nụ cười thân thiết: "Cô còn một chuyện, muốn nhờ Mạnh Bách Hộ làm. Cô sẽ dâng tấu lên Bệ hạ, nhưng nội dung tấu chương không thể chỉ để Hoàng đế nhìn thấy, Mạnh Bách Hộ có hiểu không?"

Nhìn khuôn mặt mập mạp, chất phác của Chu Cao Sí, Mạnh Thanh Hòa nghiến răng: "Thuộc hạ tuân mệnh!"

Cầu phú quý trong hiểm nguy, liều mạng cũng phải làm một phen!

Ngày hôm sau, Chu Cao Sí đích thân dâng tấu, nói rằng phụ thân mắc bệnh nặng, chữa trị lâu ngày không khỏi, nay lại thêm bệnh mới, phận là nhi tử, đương nhiên phải hầu hạ bên giường, dâng thuốc, dâng canh, sao có thể lưu lại ở ngoài lâu ngày? Huống hồ ngày giỗ Thái Tổ Hoàng đế đã qua, là nhi tử của phiên Vương càng không tiện ở lại Kinh Thành.

"Thánh nhân thường nói, báo hiếu phụ thân, là chuyện trời đang nhìn, đất đang thấu, dân đang soi xét. Mỗi khi nghĩ đến bệnh tình của phụ Vương, lục phủ ngũ tạng của thần như bị thiêu đốt, mong Bệ hạ thương xót tình thân, để thần về phiên."

Cả áng văn chương, trích biết bao nhiêu điển cố, điển tích, lời lẽ tha thiết, Kiến Văn đế xem xong, sắc mặt lại âm trầm.

Không có tội danh thực tế, việc giam giữ ba huynh đệ Chu Cao Sí ở Kinh Thành vốn đã không ổn. Nay Chu Cao Sí lấy hiếu nghĩa ra, Kiến Văn đế làm sao bác bỏ?

Tâm phúc của Kiến Văn đế cũng vì thế mà tranh cãi.

Tề Thái cho rằng không thể thả người, cho dù ba huynh đệ Chu Cao Sí thay phiên nhau dâng tấu, viết đến mức đẫm nước mắt cũng tuyệt đối không thể thả!

Hoàng Tử Trừng lại phản bác Tề Thái, Thế tử Yến Vương nhân hậu, hiếu thuận đã được truyền tụng khắp thiên hạ, nếu giam lỏng hắn ta ở Kinh Thành, sẽ ảnh hưởng đến thanh danh của Hoàng đế. Mặc dù Yến Vương điên rồi, nhưng chỉ phát tác theo từng đợt, lúc không điên vẫn không dễ đối phó. Chi bằng thả ba huynh đệ Chu Cao Sí về, làm Yến Vương lơi lỏng, giảm bớt nghi ngờ của hắn, chứng minh triều đình không có ý định tước phiên!

Lời này vừa nói, Tề Thái tức giận đến mức suýt chút động thủ với Hoàng Tử Trừng, đồng thời được triệu đến, Ngụy Quốc Công Từ Huy Tổ cũng trợn tròn mắt.

Triều đình không có ý định tước phiên?

Chu Vương, Đại Vương, Tương Vương, Dân Vương, Tề Vương là người vô hình cả sao?

Hơn nữa, Yến Vương Chu Lệ là người có thể tuỳ tiện lừa gạt hả?

Có thể nói ra lời như vậy, đầu óc của Hoàng Tử Trừng bị đá đập đúng không?

Điều khó tin hơn là, Kiến Văn đế lại cảm thấy lời của Hoàng Tử Trừng có chỗ đáng khen!

Từ Huy Tổ hoàn toàn không nói nên lời, Yến Vương có phải thật sự điên hay không, ông không thể xác định, nhưng đầu của Kiến Văn đế nhất định bị đá đập giống Hoàng Tử Trừng, nếu không sao có thể nghe lọt tai những lời kỳ quái như vậy?

"Bệ hạ, ba nhi tử của Yến Vương đều có đại tài, không nên thả. Cao Dương Quận vương đặc biệt dũng mãnh vô lại, mang lòng bất trung, một khi thả y về phiên, ngày sau sẽ thành đại họa."