Chương 30-3: Khủng hoảng

Ngoài Tấn Vương đã mất, phiên Vương nào không phải là thúc thúc của Kiến Văn đế? Phiên Vương có thực lực yếu thì thôi không nói, còn loại dũng mãnh, hung tàn như Yến Vương, Ninh Vương, có thể tùy ý để hiền chất nhào nặn sao?

Vì vậy, sau khi tấu chương ở biên ải phương Bắc được đưa đến Nam Kinh, Kiến Văn đế lo lắng, một lần nữa, ngài nhận ra, mấy người thúc thúc đó của ngài, không có ai là đèn cạn dầu, con đường tước phiên Vương này, gánh thì nặng mà đường còn xa quá…

Kiến Văn đế cũng nhận ra, khó khăn lớn nhất chắc chắn là Yến Vương.

Các thúc thúc khác không tiện nói, nhưng Yến Vương nhất định sẽ phản!

Kiến Văn đế cũng không phải là kẻ ngốc, trước khi thực sự động thủ, phải chuẩn bị đầy đủ hơn. Tề Thái, Hoàng Tử Trừng và những người khác đã vạch ra kế hoạch tưởng chừng như hoàn hảo, chỉ đợi Kiến Văn đế phê chuẩn, chấp thuận thi hành.

Bỏ qua hai người Tề, Hoàng và những người theo phái chủ chiến, trong triều đình cũng có vài tiếng nói khác.

Cao Nguy từng đảm nhiệm Tiền Quân Đô Đốc phủ Tả Đoạn Sự, hiện đang chịu trách nhiệm chính cho Lại Bộ, cùng với Ngự Sử Hàn Úc, lần lượt dâng tấu chương, kiên quyết không đồng ý chủ trương

và cách xử lý của những người theo phái chủ chiến, như Tề Thái, Hoàng Tử Trừng.

Trong tấu chương của Cao Nguy đã viết rõ, việc tước phiên Vương là cần thiết, mọi người đều đồng ý. Nhưng các biện pháp tiến hành cần được xem xét lại.

Bắt chước sự cứng rắn của Triều Thác thì tuyệt đối không được, nếu không cẩn thận sẽ kích động phiên Vương tạo phản. Nên học tập sự linh hoạt của Chủ Phụ Yển, thực hiện các hình thức ban ân, phong Hầu Vương không thể chia thêm, thì phong cho con cháu của các phiên Vương, để bọn họ tự kiềm chế lẫn nhau, con cháu phiên Vương phương Bắc thì nhận đất phong phương Nam; con cháu chư vương phương Nam thì lập phủ đệ ở phương Bắc.

“Như vậy, quyền lực của phiên Vương sẽ tự động phân tán, mà không cần chúng ta động thủ.”

Loại biện pháp này, Kiến Văn đế đã từng đề cập khi dâng tấu chương cho Hồng Vũ đế, nhưng khi Cao Nguy và Hàn Úc đưa ra một lần nữa, Kiến Văn đế lại do dự.

Người trẻ tuổi làm việc, đều có sự bốc đồng, huống hồ, các phiên Vương đã khiến Kiến Văn đế cảm nhận được mối đe dọa thực sự.

Nhìn vào những tấu chương bày ra trước mặt, vị Hoàng Đế trẻ tuổi vẫn không thể đưa ra quyết định, chỉ có thể sai người đi tìm Tề Thái, Hoàng Tử Trừng và những người khác để bàn bạc.

Tề Thái và những người khác nghe xong, đương nhiên lắc đầu.

“Bệ hạ, các phiên Vương đa phần kiêu ngạo phóng túng, vi phạm triều chế, không tước phiên Vương thì kỷ cương triều chính không lập được, biện pháp ban ân mặc dù tốt, nhưng không thể thực hiện. Bệ hạ là Vua một nước, phiên Vương cũng chỉ là thần tử mà thôi…”

Trong Văn Hoa Điện, Hoàng Tử Trừng đứng thẳng người, dõng dạc nói. Tề Thái và những người khác không ngừng tán thành, thêm vào vài câu đốc thúc. Kiến Văn đế được tâng bốc đến mức mặt mày hồng hào, liên tục gật đầu.

Kết quả của việc quân thần thương nghị này, ai cũng có thể đoán được.

“Vậy thì cứ làm như các khanh nói đi!”

Kiến Văn đế cuối cùng cũng hạ quyết tâm, vỗ tay đánh nhịp, tốt, Trẫm cứ làm như vậy!

Chiến tranh ở biên ải vừa kết thúc, Kiến Văn đế tự cho rằng đã mài xong đao, bắt đầu động thủ.

Tháng mười hai năm Hồng Vũ thứ ba mươi mốt, triều đình có lệnh, điều Công Bộ Thị Lang Trương Bỉnh sang làm Bố Chính Sứ Bắc Bình, điều Hà Nam Đô Chỉ Huy Sứ Tạ Quý, Quý Châu Đô chỉ Huy Thiêm Sự Trương Tín làm Đô Chỉ Huy Sứ Bắc Bình, Ấn Sát Sứ Trần Anh làm Thiêm Sự Bắc Bình. Đồng thời thăng chức cho nguyên Cẩm Y Vệ Chỉ Huy Sứ Tống Trung làm Đô Đốc, đóng quân từ Khai Bình Vệ kéo dài đến tận Sơn Hải Quan.

Nguyên Bắc Bình Đô Chỉ Huy Sứ Trần Hanh cùng Yến Vương đi quá gần nhau, Kiến Văn đế vung bút, thăng Trần Hanh làm Đô Đốc Thiêm Sự, quan thăng nhưng quyền hành mất sạch, ý muốn bảo Trần Hanh kiếm chỗ nào mát mẻ thì đi chỗ đó chơi đi!

Trương Bỉnh và những người khác được điều đến Bắc Bình, nhiệm vụ trọng tâm chỉ có một, đó là nhìn chằm chằm Yến Vương, một khi phát hiện Yến Vương có dấu hiệu tạo phản, lập tức phụng chỉ xử lý!

Chưa dừng lại ở đó, Kiến Văn đế đang trong cơn phấn khích, dự định tiếp tục chơi trò phá núi dọa hổ, lấy tội danh “tham lam tàn bạo”, bắt giữ Đại Vương Chu Quế, người vừa liên hợp với Yến Vương xuất chinh đánh giặc Mông Cổ ở biên ải. Tương tự Chu Vương, cả gia quyến Đại Vương bị bắt đến Nam Kinh, tội danh nhanh chóng chứng thực, tước bỏ phong Hầu cha truyền con nối. Đến sang năm, Đại Vương Chu Quế bị đưa đến vùng núi phía dưới đất Thục để tham gia lao động sản xuất, tiếp nhận giáo dục của tầng lớp bần nông.

Hàng loạt động thái của triều đình có thể nói là mạnh mẽ vang dội, Kiến Văn đế tự cho là mình đắc thủ, không biết rằng, người ra tay trước chưa chắc đã giành được tiên cơ, người động thủ sau chưa chắc đã không có lợi thế.

Sự thật lịch sử đã chứng minh, khí phách thư sinh nhất định hỏng, nhất thời xúc động hại chết người!