Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Thanh Hoà

Chương 38-2: Yến Vương tiến kinh

« Chương TrướcChương Tiếp »
Cái này… có hơi quá đáng rồi đó? Dù không mặc lễ phục, cũng nên đội mão da, chưa kể đây là lần đầu Yến Vương ra mắt tân quân, dù chỉ là bái triều bình thường, nhưng ăn mặc như vậy, sao có thể chấp nhận được đây?

Ngài mặc thường phục như vậy, thực sự không có chút gánh nặng nào sao Vương gia?

Hành động này chẳng khác nào tát vào mặt Kiến Văn đế, đánh xong còn dõng dạc hô, ta không phục ngươi, ngươi làm gì được ta?

Yến Vương đã quyết tâm chơi trò mạo hiểm với Kiến Văn đế và quần thần, mặc thường phục vào cung chưa đủ, còn rất đường hoàng ngông nghênh đi giữa điện, không thèm quỳ gối, cũng chả dập đầu hành lễ.

Đây không còn là sai lầm về hình thức nữa, mà đang ôm tư tưởng phản nghịch!

Hồng Vũ đế quy định, nếu gặp nhau ở nội điện, hoàng thân quốc thích cứ hành lễ theo bối phận trong nhà, Kiến Văn đế là bậc con cháu, sẽ phải nhún nhường Yến Vương, nhưng đây là Điện Phụng Thiên! Trước mặt văn võ bá quan! Chu Lệ chỉ là phiên Vương, lại ngang nhiên đi đường lớn, không dập đầu hành lễ, đây là đang coi thường triều đình, coi thường lễ nghi!

Quần thần không thể bình tĩnh được nữa, nghẹn ngào nhìn Yến Vương. Kiến Văn đế cũng tức đến mức tái mặt, môi run run.

Chọc giận Hoàng đế và các đại thần đến độ, dù bọn họ có là Đức Phật từ bi bác ái cũng phải bật dậy chửi người, Yến Vương Chu Lệ bình tĩnh lấy khăn tay ra, che miệng, ho khan hai tiếng.

"Bệ hạ thứ lỗi, thần không khỏe." Nói xong, liếc nhìn các quan trong triều. Bất cứ ai bị ánh mắt của hắn lia tới, đều cảm thấy như đao kề sát cổ, mặt trắng bệch, trán toát mồ hôi lạnh.

Kiến Văn đế: "..."

Yến Vương không khỏe?

Nếu mấy vị hàng xóm bên kia thảo nguyên bị hắn đánh đến mức khóc lóc thảm thiết, hận không thể tìm một cái lỗ chui vào, nghe được lời này sẽ có cảm tưởng gì?

Kiến Văn đế không nói gì, phần lớn quan viên trong triều cũng im thin thít, Tề Thái, Hoàng Tử Trừng dứt khoát giả câm, giả điếc.

Điện Phụng Thiên chìm trong sự trầm mặc kéo dài…

Các Hiệu Uý cầm nghi trượng ngoài điện rất tò mò, ngày thường, mỗi lần lên triều đều ồn ào, náo nhiệt như chợ xổm, hôm nay sao lại yên tĩnh đến vậy?

Có người bĩu môi, ngươi náo nhiệt nổi sao? Yến Vương đến rồi!

À, Yến Vương đến rồi.

Các Hiệu Uý nhìn nhau, trao đổi ánh mắt, gật gù, tiếp tục đóng vai cột trụ, nghiêm túc làm phông nền.

Lần triệu kiến phiên Vương vào tháng ba năm Kiến Văn thứ nhất, chắc chắn sẽ được ghi vào sử sách.

Phiên Vương kiêu ngạo, Hoàng đế bất lực, quan viên triều đình giả dạng làm chim cút, ắt hẳn sẽ để lại một nét rất đậm trong sử sách đời sau.

Yến Vương bình thản tiến cung, bình thản xuất cung.

Một lần nữa, Kiến Văn đế đã tự mình trải nghiệm sự bá đạo của vị Hoàng thúc này, người ta có thực lực, dám kiêu ngạo, dù biết triều đình đề phòng, nhưng hắn vẫn làm theo ý mình.

Tục ngữ hay nói thế nào? Kẻ ngang ngược sợ kẻ liều lĩnh, kẻ liều lĩnh sợ tên liều mạng.

Vị Hoàng thúc này của Kiến Văn đế, tuyệt đối không liều lĩnh, nhưng độ ngang ngược thì khó ai so lại. Kẻ liều mạng gặp hắn cũng phải tránh đường.

Ánh mắt lướt qua đám quan lại vẫn đang giả dạng chim cút, Kiến Văn đế đột nhiên cảm thấy chán nản.

"Bãi triều đi."

Để lại câu nói mơ hồ, vị Hoàng đế trẻ tuổi đứng dậy, rời khỏi ngai vị.

Buổi chầu này như một tín hiệu, khắc thật sâu vào lòng Kiến Văn đế và các đại thần trong triều.

Nhưng trong đám bầy tôi rụt rè, cũng không thiếu kẻ gan dạ.

Hôm sau, Giám Sát Ngự Sử Tằng Phượng Thiều đã dâng sớ cáo buộc Yến Vương, nói thẳng Yến Vương đại bất kính.

Phản ứng của Kiến Văn đế nằm ngoài dự đoán của quần thần, những tưởng ngài sẽ nổi giận, dù không bàn đến việc trực tiếp đối phó với Yến Vương, ít nhất cũng sẽ bắt giữ người. Không ngờ Kiến Văn đế lại buông một câu xanh rờn: "Yến Vương là thân thích của Trẫm, không nên truy cứu."

Tằng Phượng Thiều há hốc mồm, phun ra một ngụm máu già, suýt nữa ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự.

Giám Sát Ngự Sử ngã xuống, Hộ Bộ Thị Lang cầm gậy tiếp sức đứng lên. So với Ngự Sử quen gào thét khẩu hiệu, Hộ Bộ Thị Lang Trác Kính thuộc tuýp người thực dụng, tâm tư kín đáo, đoán được Hoàng đế sẽ không trực tiếp bắt giữ Yến Vương, nên nhớ Thế tử và tiểu nhi tử của Yến Vương vẫn đang ở Bắc Bình, phần lớn thế lực của hắn vẫn chưa bị suy yếu. Để dung hòa, Trác Kính đề xuất cho Kiến Văn đế đề nghị không tồi, chúng ta không bắt người, nhưng chúng ta đổi đất phong, Yến Vương vốn ở Nam Kinh, chúng ta đổi vài nét bút, để hắn đi Nam Xương là được.

Tấu sớ Trác Kính dâng lên viết rất rõ ràng: "Yến Vương trí tuệ hơn người, rất giống tiên đế. Bắc Bình lại là vùng đất hùng mạnh. Từ thời nhà Tống đến thời nhà Kim, nhà Kim ngã xuống lại đến triều Nguyên, đều hưng thịnh ở Bắc Bình. Sau khi Yến Vương nhậm chức phiên Vương, cắm rễ lâu ngày tại Bắc Bình, căn cơ của hắn đều ở đó. Di dời Yến Vương đến Nam Xương, coi như dùng cách ôn hoà nhất, chặt đứt cánh lớn của Yến Vương, diệt trừ hậu hoạ từ tận gốc rễ.”
« Chương TrướcChương Tiếp »