Chương 26: Cái Búa 2

Cô bé khựng lại: “Đúng rồi, sao mình lại không sợ nước vậy?”

Cô bé ngỡ ngàng cúi đầu nhìn bản thân rồi đột nhiên vui mừng nhảy cẫng lên: “Đào Đào giỏi quá, Đào Đào không sợ, Đào Đào thật sự rất dũng cảm.”

Hệ thống 250: [...]

Đợi cho hai anh em nhọc nhằn kéo thùng nước lên bờ thì không biết bóng dáng của Lục Cường đã chạy đi mất từ lúc nào, nhưng trí nhớ ngắn của Tiểu Lục Đào đã quên mất người anh họ này rồi, chỉ một lòng xem xét làm thế nào để mang cá về nhà.

Cô bé và anh trai đều quá nhỏ, hai người cùng nhau xách lên, vừa đi vừa bắn nước khắp dọc đường, mệt đến mức thở không ra hơi.

May quá, bọn chúng vừa rời khỏi sông thì gặp ngay chú Tống Cương ở nhà hàng xóm.

Mặc dù chú Tống Cương nhìn rất hung dữ nhưng tính cách rất tốt nên tiện tay xách thùng nước lên giúp bọn họ.

Chú Tống Cương còn biểu hiện thán phục trước chiến lợi phẩm của bọn họ: “Ái chà, đâu ra có cá lớn như vậy? Con cá này cũng phải được vài cân đấy.”

“Bắt ở trong sông đầu làng ạ.”

“Của cha cho đó.”

Hai anh em nói cùng một lúc nhưng cách nói thì hoàn toàn trái ngược nhau.



Lục Huy quay đầu nhìn đứa em gái ngay thẳng của mình, quả quyết chữa lại: “Cháu nói nhầm rồi, là của cha cho.”

Hai đứa nhỏ có mặt mũi giống nhau đến năm phần, đều xinh đẹp đáng yêu, thực sự khiến người khác rất yêu thích.

Tống Cương bị bọn chúng làm cho thích thú nên cũng không hỏi cặn kẽ nữa mà chỉ cười đùa giỡn với bọn chúng: “Vậy hai đứa có bán cá này không?”

Ở thời đại này, việc mua bán những thứ cá nhân được gọi là đầu cơ trục lợi, một khi bị người ta báo cáo thì sẽ bị lôi ra phê phán.

Mặc dù vẫn có người lén giao dịch bí mật như thường, nhưng đứa trẻ như Lục Huy và Lục Đào không biết quá rõ về những chuyện như vậy.

Lúc đó Lục Đào cắn ngón út của mình: “Bán ư? Là bán giống như ở trong hợp tác xã mua bán sao?”

Lục Huy thì hiểu nhiều hơn một chút, nghiêm túc suy nghĩ, nói: “Chú Tống Cương giúp bọn cháu thay bóng đèn thì bọn cháu sẽ đưa cá cho chú.”

Chân của Trần Phương Tú không ổn nên đến bây giờ bóng đèn hỏng ở trong nhà vẫn chưa thay được, mấy ngày nay bọn họ phải mò mẩm ở trong tối khi đêm xuống.

Cách nghĩ của bọn trẻ rất đơn thuần, chúng không so sánh giá trí giữa cá và bóng đèn, chỉ cảm thấy cần thiết thì trao đổi thôi.

Tống Cương buồn cười xoa đầu cậu bé và cũng không định lợi dụng trẻ con, không những đồng ý thay bóng đèn giúp cho hai đứa nhóc mà sau khi đưa chúng về nhà còn thương lượng giá cả với Trần Phương Tú, và chuẩn bị móc tiền ra mua cá.

Anh ấy chọn một con cá và dùng dây thừng buộc lại, rồi quay lại cầm bóng đèn và tiền đi.



Lúc này Trần Phương Tú mới gọi Tiểu Lục Đào đang ướt lẹp nhẹp lại: “Con lội cả người xuống nước à?” Rồi hỏi hai anh em về chuyện bắt cá.

Một bên khác, Lục Quốc Phú vừa trở về từ công xã nhìn thấy con trai mình ngồi ở bậc cửa lau nước mắt.

Anh ta chạy đi cả một buổi chiểu cũng không đưa được bà cụ Lục ra ngoài, vốn dĩ tâm trạng đã không tốt nên khi nhìn thấy con trai mình như vậy lại càng thêm tức giận: “Sao vậy? Đã lớn như vậy rồi mà vẫn còn khóc sao? Không ra gì cả.”

“Con trai của anh nhìn thấy người ta bắt được cá nên thèm ăn.” Lý Xuân Lan không vui vẻ ngồi ở trong nhà nói.

Lục Quốc Phú còn tưởng rằng là chuyện lớn gì: “Không phải chỉ là mấy con cá sao? Con muốn ăn thì tự ra sông bắt đi.”

“Cha nói nghe đơn giản nhỉ.” Lục Cường khịt mũi: “Tự bắt có thể bắt được con cá ba mươi phân sao?”

“Ở đâu ra mà chỗ chúng ta có con cá ba mươi phân? Nếu ai mà có thể bắt được con cá to như vậy thì cha sẽ gọi người đó là bà.”

Lục Quốc Phú không kiên nhân đẩy con trai sang một bên: “Đi hóng mát ở đâu đó đi, đừng đứng ở đây mà chiếm chỗ.” Anh ta bước vào đến cửa thì rót một ca nước lớn uống ừng ực rồi ngồi xuống ghế thở dài.

“Đi uổng công một chuyến rồi phải không?” Lý Xuân Lan từ tốn nói: “Bảo anh đừng đi rồi mà anh không nghe.”

“Đó là mẹ của anh, anh có thể không lo sao?”

Lục Quốc Phú liếc nhìn cô ta: “Em có thời gian ở đây nói chuyện mỉa mai như vậy thì tại sao lại không suy nghĩ giúp anh tìm cách đi? Cha anh đã mất từ lâu, mẹ anh một mình nuôi hai anh em của anh khôn lớn đã chịu không ít gian khổ, dù sao cũng không thể già rồi lại còn để bà ấy ngồi tù được.”