Chương 11

“Có một số người là thôn dân từ các thôn khác chạy nạn đến đây sau khi bị quân phát xít đuổi đánh. Một số khác là dân chạy nạn trong thời kỳ nạn đói ba năm rồi đến định cư tại thôn Đào Diệp.”

“Gia đình Lý Lão Lư là một trong những gia đình di cư từ một thôn nhỏ nằm bên kia mấy ngọn núi sau Đại cách mạng. Lý Lão Lư đã chuyển đến thôn Đào Diệp cùng ba con trai và một con gái.”

“Lý Đại Kiều cưới cháu gái của bà Lý là Lưu Thúy Hoa, có hai đứa con trai. Lý Nhị Kiều cưới cô nhi chạy nạn đói là Triệu Ngọc Phân, đã sinh một đứa con gái, thai này là thai thứ hai. Lý Tam Kiều là một người nhạy bén, cưới một cô gái trong thành phố, hiện đang sống ở nhà cha mẹ vợ, đã có một đứa con trai.”

“Con gái nhà họ Lý tên là Lý Thảo Nhi, đã bị bà Lý gả chồng ở thôn Đại Liễu Thụ để đổi lấy lương thực vào thời điểm mất mùa, hiếm khi trở về nhà. Vợ chồng Lý Lão Lư là những người thiên vị…”

Con gái thì tên Thảo Nhi, nhà họ Lý này quả nhiên là trọng nam khinh nữ, con gái không đáng giá.

Lý Đại Kiều cưới cháu gái của bà Lý, Lý Nhị Kiều lại cưới cô nhi chạy nạn, con đầu lòng lại là con gái. Chẳng trách nhà Lý Nhị Kiều không nhận được sự quan tâm của ông bà Lý.

Liễu Tiên Dao sống ở cuối thôn, ở dưới chân núi cách thôn gần trăm mét, nhà Lý Lão Lư ở đầu thôn. Từ nhà Liễu Tiên Dao đến nhà Lý Lão Lư, hai người đi rất nhanh cũng mất mười mấy phút. Chủ yếu là đường trong thôn quanh co lòng vòng.

Trong mười mấy phút này, Liễu Tiên Dao vẫn đang nghe trưởng thôn nói về chuyện trong thôn và chuyện nhà Lý Lão Lư. Liễu Tiên Dao biết trưởng thôn đang nói cho cô biết tình hình trong thôn, thuận tiện cho cô hiểu rõ người trong thôn. Còn về chuyện nhà Lý Lão Lư, cô xem tất cả như là chuyện trà dư tửu hậu, nhưng nghe kể tận tai cũng rất thú vị.

Khi sắp đến nhà họ Lý thì trưởng thôn đột nhiên dặn dò Liễu Tiên Dao: “Bà Lý và Lưu Thúy Hoa là người hà khắc cay nghiệt. Nếu bọn họ nói chuyện khó nghe thì cháu đừng để tâm, đừng để ý đến bọn họ là được rồi.”

Liễu Tiên Dao nghe nói như vậy, đột nhiên hiểu được ý định của trưởng thôn khi nói cho cô nghe về chuyện nhà họ Lý.

“Chú Trương, cháu biết rồi.”

Liễu Tiên Dao đáp lời, trưởng thôn đẩy cửa đi vào.

Liễu Tiên Dao đi theo trưởng thôn, trong viện không có ai. Khi nhìn thấy căn phòng phía tây sáng đèn, cô biết đó là nhà của Lý Nhị Kiều. Trưởng thôn dẫn Liễu Tiên Dao đi về phía đó, hô lớn: “Nhị Kiều, chú đưa bác sĩ đến rồi.”

Sau đó, một người đàn ông thật thà chất phác bước ra, đây chính là Lý Nhị Kiều: “Trưởng thôn, bác sĩ đâu? Bác sĩ cứu vợ tôi với, chân đứa bé đã ra ngoài.”

Lý Nhị Kiều nói một cách lo lắng, Liễu Tiên Dao vừa nghe thấy chân đứa bé đã ra ngoài là biết tình huống khẩn cấp, cô ngay lập tức nói: “Chú Trương, cháu vào phòng sinh trước.”

Nói xong, Liễu Tiên Dao đi thẳng vào nhà.

“Cháu đi nhanh đi, cứu người quan trọng hơn.” Trưởng thôn cũng vội vàng nói.

Lúc này, trên nhà chính đột nhiên vang lên giọng nói già nua khó nghe của phụ nữ: “Trưởng thôn, sao ông lại tới đây? Thôn chúng ta làm gì có bác sĩ đến chứ.”

Đang bước tới cửa, Liễu Tiên Dao nghe thấy tiếng nói thì nhìn sang. Với đôi mắt có thể nhìn rõ trong đêm tối, cô nhìn thấy một bà cụ có khuôn mặt già nua khô quắt lại còn cay nghiệt. Chỉ liếc nhìn một cái là cô đi thẳng vào trong nhà.

Trong nhà có người sinh con, cha mẹ chồng và chị em bạn dâu cũng ở đó, nhưng không có bất kỳ ai bước ra giúp đỡ. Không biết là nên nói người nhà họ Lý máu lạnh vô tình hay Lý Nhị Kiều sống quá thất bại nữa.

Hoặc có lẽ là do người nhà họ Lý máu lạnh vô tình hơn, dù sao thì từ trước đến giờ, các bậc cha mẹ ở Viêm Quốc đều xem đứa con là vật sở hữu của mình. Bọn họ sẽ điều khiển, chèn ép, ngược đãi, sát hại con ruột của mình. Loại chuyện như thế này, dù là từ xa xưa đến hiện tại, thậm chí là tương lai hai trăm năm sau vẫn sẽ xảy ra.