Chương 14

Y thuật của cô là học từ đạo sĩ già, sau đó đạo sĩ già dùng mối quan hệ để cô đến bệnh viện huyện thực tập rồi thi được giấy phép hành nghề bác sĩ trung y. Cô học được toàn bộ bản lĩnh của đạo sĩ già, đạo sĩ già đã từng khen cô là trò giỏi hơn thầy. Chính vì thế, đạo sĩ già mới yên tâm để cho cô truyền thụ lại các kiến thức về đạo pháp cho Vương Dịch Chi.

Liễu Tiên Dao cực kỳ nghi ngờ rằng đạo sĩ già truyền thụ toàn bộ bản lĩnh cho cô với mục đích chính là để truyền thụ lại cho Vương Dịch Chi.

Đi một vòng thật xa, rồi lại vòng trở về.

Liễu Tiên Dao thu hồi tâm tư, tiếp tục nói: “Trước khi đứa trẻ được ba tuổi cần phải chăm sóc một cách tỉ mỉ, tốt nhất là nuôi bằng sữa mẹ. Nếu sức khỏe và dinh dưỡng của người mẹ đầy đủ, sữa mẹ mới có chất dinh dưỡng, đứa trẻ được nuôi bằng sữa có chất dinh dưỡng mới có thể khỏe mạnh được.”

“Đứa trẻ này có thể nuôi lớn được hay không thì phải trông cậy vào người làm mẹ là chị. Dựa trên tình trạng sức khỏe của chị, em đề nghị tốt hơn hết là chị nên ở cữ, trong lúc ở cữ nên nghỉ ngơi nhiều, hãy ăn nhiều thịt và cá để bổ sung dinh dưỡng. Trong lúc ở cữ, hãy giữ tinh thần vui vẻ, tránh việc quá vui hoặc quá buồn. Khi người ta quá vui hoặc quá buồn sẽ dễ bị mất sữa. Ngoài ra, tâm trạng của người mẹ cũng ảnh hưởng đến chất lượng sữa, theo đó sẽ ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể của đứa trẻ khi bú sữa mẹ.”

“Dựa vào tình trạng sức khỏe của đứa trẻ này, chị cần phải uống một số loại thuốc, để đứa trẻ uống thuốc thông qua sữa mẹ, để điều trị tình trạng sức khỏe của đứa trẻ. Đối với các loại thuốc cần thiết, hiện tại trạm y tế vẫn còn chưa có dược liệu. Em sẽ viết đơn thuốc cho chị, đến lúc đó chị chỉ cần nhờ người ta đến bệnh viện hợp tác xã lấy thuốc là được.”

“Tình hình nghiêm trọng đến như vậy sao?” Thím Bảy nhìn đứa trẻ gầy yếu trên tay, cũng bắt đầu lo lắng. Bà ấy bế đứa trẻ đến cho Triệu Ngọc Phân nhìn: “Ngọc Phân à, cháu nhìn xem đứa trẻ này quá gầy yếu rồi. Thím cảm thấy bác sĩ Tiểu Liễu nói có lý, cháu cần phải chăm sóc cơ thể cho tốt, mới có thể chăm sóc tốt cho đứa trẻ được.”

“Là do người làm mẹ như cháu không tốt, làm hại con mình.” Triệu Ngọc Phân bế đứa trẻ, đau lòng rơi nước mắt.

"Bác sĩ Tiểu Liễu, xin hãy viết đơn thuốc cho chị và đứa trẻ, chị sẽ kêu cha đứa bé đi mua.”

Liễu Tiên Dao: "Hôm nay em không mang theo giấy bút. Đợi đến sáng mai, chị kêu người đến nhà em lấy vậy. Nhà của em ở ngay chân núi cuối thôn, căn nhà cũ của ông Trương thợ săn là căn nhà hiện tại của em .”

“Chị Ngọc Phân, nghe nói chị còn có một đứa con gái. Vì hai đứa con, chị cần phải chăm sóc cơ thể của mình cho thật tốt mới được. Đứa trẻ không có mẹ là đáng thương nhất. Làm cha mẹ thì phải chịu trách nhiệm với đứa con của mình.”

Nhìn căn phòng trống trãi, cùng chiếc chăn cũ kỹ, Liễu Tiên Dao lo chuyện bao đồng nói thêm vài lời.

“Đúng vậy, đúng vậy, bác sĩ Tiểu Liễu nói đúng. Ngọc Phân à, cháu cần phải tự mình vực dậy mới được.” Thím Bảy tốt bụng khuyên nhủ.

“Cháu hiểu rồi. Cảm ơn bác sĩ Tiểu Liễu, cảm ơn thím Bảy.”

Sau khi sắp xếp xong, Liễu Tiên Dao đi ra ngoài trước, phần còn lại để cho thím Bảy dọn dẹp.

Sau khi đi ra ngoài, Liễu Tiên Dao nhìn thấy bà Lý cũng ở đó. Liễu Tiên Dao nói tình hình của Triệu Ngọc Phân và đứa trẻ cho Lý Nhị Kiều. Cô cố ý làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

“Cơ thể của Ngọc Phân suy kiệt nghiêm trọng, sau khi sinh xong sẽ bị tứ chi vô lực, e là không thể làm việc được, cần chăm sóc ít nhất là nửa năm mới có thể khôi phục được. Còn về đứa trẻ, vì sinh non và bị kẹt lại trong bụng mẹ quá lâu, muốn nuôi sống được đứa bé kia thì phải uống thuốc để điều trị, ít nhất phải uống đến ba tuổi mới được.”