Chương 5: Tập quán tiến hóa

Anh: “Điều tôi nói không phải phá bỏ, mà là có thể thử nghiệm hay không. Đương nhiên nếu ai không thích, họ có thể tùy ý lựa chọn. Nhưng ai nói phương thức sống mới mà tôi giới thiệu bắt buộc phải theo tập quán chứ? Tôi cảm thấy không gì là không thể, tại sao anh không thử? Giả dụ anh sống ở một con phố rộng rãi, mỗi ngày tan làm đều đi một con đường, đó là vì anh đã quen rồi, đúng không? Anh nên thử đi một con đường khác về nhà. Có thể trên con đường đó sẽ có rất nhiều cô gái xinh đẹp, hay đĩa bay bay qua, hoặc những cảnh đẹp khác... Lựa chọn phương thức sống mới cũng vậy, anh nên rũ bỏ quán tính, thử nghiệm phương thức mới, không nên phục tùng những thói quen đã hình thành từ lâu. Không phải thói quen nào cũng tốt, ví dụ như hút thuốc chẳng hạn, hơn nữa những điều ẩn giấu sau các thói quen lại càng phức tạp. Chẳng hạn cuối tuần mọi người đều đến bar, có người nói vì thói quen, thật ra chỉ để tán gái... thói quen là cái cớ, không phải lý do, đúng không? Vì vậy tôi thật sự cảm thấy anh cần thay đổi các thói quen một chút.”

Tư duy logic và thế giới quan của bệnh nhân trước mặt hoàn toàn không cùng một thế giới với tôi - ý tôi là góc nhìn. Anh ta đã mất gần ba tiếng đồng hồ để biểu đạt suy nghĩ của bản thân, thậm chí còn rất kiên định với điều đó và muốn thuyết phục tôi. Nói chung đây là trạng thái cố chấp phiến diện đến hoang tưởng.

Tôi: “Những điều anh vừa nói tôi có thể chấp nhận, nhưng hình như những thứ anh muốn thay đổi còn phức tạp hơn thế này. Đây không phải chuyện của một người, nó ảnh hưởng đến toàn xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến cả văn minh nhân loại.”

Anh: “Văn minh nhân loại làm sao chứ? Rất cao quý? Không thể thay đổi? Ai nói vậy? Thần thánh nói, hay con người nói? Là con người nói, đúng chứ? Vậy thì đơn giản rồi, tôi tưởng do thần thánh nói cơ!”

Tôi chán nản nhìn anh ta.

Anh: “Anh thật sự cần thử nghiệm, anh không thử làm sao biết được tốt hay xấu?”

Tôi: “Nghe anh nói tôi có thể coi là đã thử nghiệm. Anh nói đủ nhiều rồi.”

Anh: “Tại sao anh không thử trải nghiệm nhiều hơn?”

Tôi: “Một đĩa thức ăn được bưng lên, tôi không nhất thiết phải ăn hết mới nhận ra đĩa thức ăn đó bị thiu.”

Anh: “Ừm... Tôi không hiểu điều anh băn khoăn. Thế này đi, tôi sẽ nói cho anh từ căn bản nhé?”

Tôi cười khổ sở gật gật đầu.

Anh: “Đầu tiên, anh không cảm thấy cuộc sống của anh, những thứ xung quanh anh rất kỳ quái sao?”

Tôi: “Sao lại kỳ quái?”

Anh: “Anh phải đi làm, anh phải làm việc, anh cùng đồng nghiệp ăn cơm nói chuyện tán phét, sau đó anh tan làm, vội đi hẹn hò hoặc về nhà hoặc ra quán rượu, nếu không thì anh đi đá bóng hát karaoke rồi tắm rửa... Những việc này thật kỳ quái!”

Tôi: “Tôi vẫn chưa hiểu chỗ nào kỳ quái.”

Anh: “Thôi được, tôi hỏi anh nhé, tại sao anh phải làm vậy?”

Tôi: “Hả?” Nói thật thì, tôi sững người vì câu hỏi.

Anh: “Bây giờ anh hiểu rồi chứ?”

Tôi: “Không hẳn là hiểu... Tôi cảm thấy đó là cuộc sống của tôi.”

Sự suy sụp xuất hiện trên gương mặt anh ta, tôi nghĩ tôi mới là người nên có biểu cảm đó.

Anh: “Anh chưa xem xét kỹ bản chất. Tôi sẽ lần theo sợi dây manh mối này nhé, anh làm vậy vì mọi người đều làm vậy, đúng không? Tại sao mọi người đều làm vậy? Vì chúng ta sống trong một xã hội, đúng chứ? Tại sao lại sống trong một xã hội? Vì mấy nghìn năm này đều như vậy, đúng chứ? Tại sao mấy nghìn năm này đều như vậy? Vì từ mấy chục vạn năm trước, chúng ta sinh sống theo bầy đàn. Tại sao lại sinh sống theo bầy đàn? Vì cơ thể chúng ta không đủ lớn mạnh, chúng ta phải tập trung lại để bảo vệ nhau, tăng thêm cơ hội sinh tồn. Một người tiền sử canh gác, những người tiền sử còn lại đi hái lượm, bắt cá... Khi có hổ đến, người canh gác nhìn thấy liền hô lên, mọi người lập tức ngừng làm việc, tất cả trèo lên cây, thế là an toàn. Về sau mọi người nghiên cứu ra vũ khí, nào là đá ném, giáo đá, rồi cung tên, mọi người cùng nhau đi săn bắt, lúc gặp hổ không cần leo cây nữa, người ném đá, kẻ bắn tên, người đâm giáo dài, ai to gan còn lao lên cắn một miếng hoặc đá cho con hổ một phát... Anh đừng cười, tôi đang nói sự thật đấy. Loài người chúng ta đã sống như vậy vì chúng ta từng rất yếu đuối, chúng ta tập trung lại với nhau. Còn giờ đó là hành vi phá hoại! Khu rừng tươi đẹp không còn nữa, thay vào đó là thành phố. Con người ở thành phố rất an toàn, sao còn phải tập hợp lại? Bởi vì đã quen sống tập trung. Tôi nghĩ con người giờ có biết bao nhiêu vũ khí lợi hại, thì từng cá nhân cứ sống riêng trong thế giới tự nhiên thôi, ở trong rừng cây, ở trên hang núi, còn tụ họp làm gì? Tại sao cứ phải sống theo tập quán từ thời tiền sử? Không thể đột phá sao? Sống ở nơi hoang dã tốt mà, cũng đừng tiệc tùng nữa, tự săn bắt, hằng ngày ăn đồ tươi, chính ra lại cao cấp đấy chứ!”

Tôi: “Vậy không phải càng phá hoại tự nhiên sao? Mọi người đều chặt cây đốn rừng làm nhà bừa bãi, săn bắt động vật hoang dã để ăn thịt...”

Anh: “Ai nói sẽ ở nhà?”

Tôi: “Vậy sống ở đâu? Trên cây?”

Anh: “Được mà, hang động cũng được.”

Tôi: “Gặp phải thú dữ thì sao?”

Anh: “Có vũ khí mà, súng hoặc vật gì đó.”

Tôi: “Súng ở đâu ra? Đạn hết thì làm thế nào?”

Anh: “Những người không từ bỏ cuộc sống bầy đàn còn đang sống trong thành phố sẽ cung cấp.”

Tôi: “Ồ, không phải tất cả mọi người đều được thả ra ngoài tự nhiên hoang dã à?”

Anh: “Con người anh sao cực đoan vậy, ai nói tất cả sẽ trở về tự nhiên? Đây chính là hậu quả của việc anh ngắt lời tôi lúc nãy đấy. Chắc chắn sẽ có những người không đồng ý sống như vậy, họ cứ tiếp tục sống trong thành phố thôi. Những người đồng ý và tự động thay đổi thói quen đã trở về với tự nhiên, giảm nhẹ áp lực cho những người sống trong thành phố rồi, vì vậy những người sống trong thành phố cần cung cấp miễn phí cho những người sống trong tự nhiên hoang dã các vật dụng sinh tồn thiết yếu, kiểu như súng này, thiết bị giữ ấm này...”

Tôi: “Vậy là quay về điểm chúng ta nói ban đầu rồi?”

Anh: “Đúng! Dưới sự hiệu triệu của toàn nhân loại, mọi người bắt đầu tự giác lựa chọn, muốn trở về tự nhiên thì trở về, không muốn thì tiếp tục sống trong thành phố, rất hay mà.”

Tôi: “Vậy anh chọn sống như thế nào?”

Anh: “Trước hết tôi sẽ phụ trách kêu gọi, khi mọi người hưởng ứng rồi, tôi mới quyết định sống như thế nào. Tôi cảm thấy lời kêu gọi của tôi sẽ được rất nhiều người hưởng ứng.”

Tôi: “Anh cảm thấy việc này có ý nghĩa không? Khi đưa ra lựa chọn sẽ có rất nhiều nhân tố bị ảnh hưởng.”

Anh: “Nhân tố gì? Khu vực? Chính trị? Đó đều là loài người tự hủy hoại nhau thôi. Bởi vậy tôi mới kêu gọi lựa chọn, muốn thay đổi tập quán sinh tồn sớm cần vứt bỏ tất cả. Quá lạc hậu! Không chừng tôi còn có thể cống hiến cho sự tiến hóa của loài người ấy!”

Tôi: “Cống hiến cái gì?”

Anh: “Qua mấy chục vạn năm nữa, người hoang dã chắc chắn sẽ rất khác người trong thành phố, tiến hóa hoặc thoái hóa, như vậy loài người trên thế giới sẽ phân thành hai loại, không chừng còn có thể tạp giao thành loại thứ ba...”

Anh ta thao thao bất tuyệt. Tôi tắt ghi âm, mệt mỏi nhìn anh ta say mê miêu tả tương lai của tạp giao một cách kích động. Người bình thường thật khó có thể nói suốt mấy tiếng đồng hồ mà vần còn hưng phấn - rõ ràng anh ta không phải người bình thường. Còn nhớ khi làm điều tra trước đó, một người họ hàng của anh ta đã đánh giá rất chính xác: “Tôi cảm thấy anh ta rất có tố chất làm giáo chủ tà giáo.”