Chương 53

“Bạch Tuyết", một trong thập đại danh khúc hàng đầu của Trung hoa, sánh vai với cung điệu "Dương Xuân", do giai thoại về Tống Ngọc ở nước Sở thời Chiến Quốc mà có thành ngữ "Hạ Lý Ba Nhân" và "Dương Xuân Bạch Tuyết"*.

Khúc đàn Tống Tòng Tâm tấu trên thực tế cũng không tồn tại ở đây, nơi tương tự mà lại khác xa với cố hương của nàng. Có lẽ do sự khác biệt về địa giới linh lực giữa hai nơi, cho nên ở một giao điểm nào đó, quỹ đạo phát triển của nền văn minh đã đi lệch sang một hướng nhất định. Trong thế giới vừa giống lại vừa khác với kiếp trước này, có những tuyệt tác thi ca hoàn toàn mới xuất hiện trên thế giới, cũng có những viên ngọc quý đáng lẽ phải xuất hiện đã biến mất trong dòng lịch sử.

Đối với Tống Tòng Tâm, những ký ức mà nàng mang theo từ kiếp trước chính là tấm gương đối chiếu kiếp này, là dấu vết chứng minh "Tống Tòng Tâm" ở một thế giới khác thực sự đã từng tồn tại .

“Bạch Tuyết”, đúng như tên gọi, “nghiêm trang, thánh khiết, như tiếng ngọc giữa rừng trúc trắng xóa tuyết rơi.” Theo lẽ thường, những giai điệu đàn cổ thường không thể rời đi ý cảnh yên tĩnh, nhẹ nhàng, vắng vẻ và thuần khiết. Ở nơi ồn ào náo động như chiến trường, ý cảnh đàn cổ thường dễ bị quấy nhiễu, cuối cùng dẫn tới giai điệu không đạt được ý cảnh như mong muốn.

Tuy nhiên, khi tiếng đàn đầu tiên vang lên, nỗi lòng vốn đang sôi sục đánh trống vì trận chiến của Tống Tòng Tâm đột nhiên bình tĩnh lại. Rõ ràng phía dưới là biển lửa, yêu vật đang hoành hành bừa bãi, nhưng dường như Tống Tòng Tâm như đã xuyên qua khoảng trống của thời gian, quay trở lại những ngày chăm chỉ luyện đàn.

Hoa sơn chi thơm ngát bồng bềnh trong nước, chuông gió thỉnh thoảng phát ra những âm thanh trong trẻo giòn giã dưới mái hiên, những cành măng trúc mảnh khảnh và mùi tuyết mới trong không khí... Tống Tòng Tâm nhẹ nhàng nhắm mắt, linh hồn nàng như bông tuyết tan vào trong thiên địa, tâm pháp “Tu Tâm thanh liên quyết” được kích phát đến mức tận cùng, nàng gảy dây đàn, giai điệu vô hình như gợn sóng giữa hồ băng, cuốn đi từng lớp, từng lớp băng mỏng.

Gió lạnh thấu xương, Bắc Hoang vô trần, trời giáng tuyết nhẹ*. Thiếu nữ áo trắng phất tay, những hạt hơi nước li ti trong không khí đột nhiên ngưng tụ lại, biến thành bông tuyết mong manh lạnh lẽo.

Ánh sáng trắng tinh khôi lả lướt—— Tống Tòng Tâm chậm rãi giơ tay, năm ngón tay hơi khép lại, ánh sáng lạnh lẽo chiếu vào lòng bàn tay. Vạn thụ hàn hoa phát*!

Một tiếng "phanh" nhẹ vang lên, thế gian trong nháy mắt trở nên vắng lặng, tuyết trắng rơi xuống dập tắt ngọn lửa, tiếng kêu của Cửu Anh dần dần đi xa, bị âm thanh tuyết trúc lâm lang* lấn át, biến thành tiếng vọng xa xôi.

Bát Hoang vô trần, thiên địa mênh mông, tại nơi cực hạn thuần khiết và tĩnh lặng này, thứ duy nhất tự do chính là những bông hoa tuyết giữa không trung đang bay múa.

"Đây là... Lĩnh vực?" Có người vươn tay, hứng được một bông tuyết đang rơi xuống, ngơ ngác nói: "Tống Đạo Hữu còn trẻ như vậy... Thế mà đã tu luyện ra lĩnh vực rồi?"

Cái gọi là “lĩnh vực”, chính là sự nhận thức bên trong của người tu luyện, thông qua biểu hiện bên ngoài dẫn động sự cộng hưởng của trời đất, từ đó hình thành một linh trường mà tu sĩ có thể điều khiển được. Muốn đạt đến bước này, không có đủ kinh nghiệm sống và cảm ngộ sâu sắc thì không làm được, suy cho cùng, đây không phải là một bài thơ mà có thể viết ra chỉ bằng vài câu thương xuân thu buồn.

“Ý của lĩnh vực là…tuyết sao?”

không phải là tuyết vô cùng giá lạnh, chỉ là hơi hơi giá, hơi hơi lạnh. Những bông tuyết đã khiến cho khoảng trời đất này trở nên yên tĩnh như vậy, khi vạn vật đều im lặng, âm thanh duy nhất có thể nghe được chỉ là tiếng bông tuyết chiết trúc toái ngọc.

"Đẹp quá." Lương Tu đang chiến đấu thì nghe được một tiếng thì thầm thổn thức, lời nói đó gãi đúng chỗ ngứa mà đi vào tim hắn, "Tuyết sạch sẽ, lãnh triệt... quả nhiên là lĩnh vực của Tống đạo hữu."

...

Khi Tống Tòng Tâm định thần lại, gần như toàn thân đều đang tê dại.

Ban đầu nàng chỉ muốn dùng ý "Bát hoang vô trần" trong giai điệu "Bạch Tuyết" để giảm bớt tác động tiêu cực từ tiếng kêu của Cửu Anh, nàng không ngờ rằng sau khi kết hợp khúc đàn với tâm pháp “Tu Tâm Thanh Liên quyết” lại trực tiếp tạo thành một vùng âm vực.

Phải biết rằng truyền thừa đạo thống của Âm tu khác với những đạo thống khác, truyền thừa của môn này từ trước tới nay luôn mơ hồ tối nghĩa, về cơ bản mỗi một âm tu đều có một phương pháp tu luyện độc đáo của riêng mình. Vì vậy, con đường âm tu của Tống Tòng Tâm đều dựa vào chính mình tìm tòi nghiên cứu, cho đến nay vẫn là cái biết cái không. Trước đây, nàng chưa bao giờ thử dung nhập tâm pháp tu tâm vào đàn, đây là lần đầu tiên nàng làm như vậy.

Nhưng ý không phải là “tuyết trắng” như mọi người suy đoán, ý của lĩnh vực được Tống Tòng Tâm vô tình triệu hồi ra này thực chất là “Tĩnh lặng”.

Suy cho cùng, Tống Tòng Tâm đã sống hai đời, bất kể kiếp trước hay kiếp này, hầu hết thời gian nàng đều chỉ có một mình. Khi nàng học chơi đàn, nguyên tắc đầu tiên mà thầy giáo dạy nàng đó là “yên tĩnh” - “Cầm là nhạc cụ mang theo Đạo, nó phát ra âm thanh của trời đất, âm thanh từ Thái cổ. Con phải học được cách im lặng, học được cảnh cảm nhận những âm thanh này, đừng phá vỡ sự tĩnh lặng."

___________

Chú thích:

* thành ngữ Hạ lý ba nhân và dương xuân bạch tuyết

Tương truyền, một lần vua Sở hỏi Tống Ngọc:

- Tiên sinh hẳn có khuyết điểm trong tính hạnh nên trong nước không có mấy người khen. Phải thế chăng?

Tống Ngọc đáp:

- Trong nước không có ai khen, hạ thần thực rất lấy làm vẻ vang. Khi xưa ở kinh đô, có một nhà ca nhạc trứ danh. Buổi đầu hát khúc "Hạ lý ba nhân", cả thiên hạ đều nức nở khen hay; rồi hát khúc "Dương a hệ lộ" thì người khen còn có vài trăm; lại hát đến khúc "Dương xuân bạch tuyết" thì chỉ còn hơn mười bằng lòng. Vì khúc hát càng cao, người hiểu lại càng ít. Chim phụng giương cánh bay chín tầng mây, dọc ngang trong khoảng mênh mông vô tận; chim én đậu ở hàng rào, không cùng chim phụng biết đất trời là rộng nên chê chim phụng lung lăng. Cá côn sớm dậy ở Côn Lôn, trưa nằm vườn non Kiệt Thạch, tối bơi về biển Mạnh Trư; cá chép ở ao tù, không cùng cá côn biết sông biển là lớn nên chê cá côn hiếu sự. Người ta tư tưởng càng cao, tính hạnh càng quý lại càng ít có người biết đến. Cho nên, lời chê của thiên hạ, hạ thần vui lòng nhận lấy, và lại mong thiên hạ ngày càng chê thêm mãi lên..."